3 mặt trăng mới vừa được phát hiện trong Hệ Mặt Trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hệ Mặt Trời của chúng ta vừa chào đón thêm ba thành viên mới! Đó là ba mặt trăng nhỏ, một "sống" cùng Sao Thiên Vương và hai "bạn đồng hành" của Sao Hải Vương.

Liên minh Thiên văn Quốc tế đã xác nhận sự tồn tại của ba mặt trăng hiện chưa được đặt tên, một quay quanh Sao Thiên Vương và hai quay quanh Sao Hải Vương.

Ba mặt trăng mới, được phát hiện cách đây vài năm, đã chính thức được xác nhận bởi Trung tâm Hành tinh Nhỏ thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU). IAU là tổ chức chịu trách nhiệm đặt tên cho các vật thể mới trong Hệ Mặt Trời, bao gồm mặt trăng, tiểu hành tinh và sao chổi.

Quỹ đạo một số mặt trăng của sao Hải Vương. (Nguồn: NASA/ESA).

Hiện tại, ba mặt trăng mới này chỉ được gọi bằng số. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng sẽ được đặt những cái tên chính thức dựa trên cảm hứng từ văn học và thần thoại.

Sao Thiên Vương vừa chào đón một thành viên mới: S/2023 U1, một mặt trăng tí xíu chỉ to cỡ 8km. Nó nhỏ bé đến mức lọt top những mặt trăng bé nhất trong Hệ Mặt Trời, sánh ngang với Deimos - "vệ tinh tí hon" của Sao Hỏa.

Mất 680 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh Sao Thiên Vương, S/2023 U1 nâng tổng số mặt trăng của hành tinh này lên 28.

Cũng như các "anh em" khác, S/2023 U1 sẽ được đặt tên theo nhân vật trong vở kịch của Shakespeare, nối gót những cái tên như Titania, Oberon và Puck.

Các vệ tinh mới của Sao Hải Vương, S/2002 N5 và S/2021 N1, lần lượt rộng khoảng 14,3 dặm (23 km) và 8,7 dặm (14 km). S/2021 N1 mất khoảng 9 năm để quay quanh Sao Hải Vương, trong khi S/2002 N5 mất gần 27 năm để quay quanh hành tinh xa mặt trời nhất, hiện có 16 mặt trăng đã biết. Giống như các mặt trăng khác của Sao Hải Vương, các thành viên mới được công nhận sẽ được đặt theo tên của Nereids – con gái của thần biển Nereus trong thần thoại Hy Lạp.

Đường kính của Sao Thiên Vương gấp 4 lần đường kính Trái Đất. (Ảnh: NASA/ESA).

Mặc dù kích thước nhỏ bé và khoảng cách xa xôi, các nhà khoa học vẫn có thể "bắt" được chúng nhờ vào công nghệ tiên tiến của kính viễn vọng ngày nay.

Miranda, "viên ngọc" tí xíu của Sao Thiên Vương, là một trong những vật thể nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời nhưng lại có dạng cầu hoàn chỉnh. (Ảnh: NASA/ JPL/ Ted Stryk)

Nhà thiên văn học Scott Sheppard tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington DC người tham gia vào cả ba khám phá, cho biết: "Ba mặt trăng mới này là những mặt trăng mờ nhất từng được phát hiện xung quanh hai hành tinh băng khổng lồ bằng kính viễn vọng trên mặt đất. Chúng ta cần sử dụng kỹ thuật xử lý hình ảnh đặc biệt để phát hiện ra những vật thể mờ nhạt như vậy."

Ba mặt trăng mới được phát hiện gần đây thực sự rất nhỏ và ở rất xa Trái Đất. Kích thước bé nhỏ và khoảng cách xa xôi khiến việc quan sát chuyển động của chúng trở nên vô cùng khó khăn, nhất là khi so sánh với các ngôi sao và thiên hà khổng lồ ở xa trong ảnh chụp.

Bộ ba mới này không phải là những mặt trăng duy nhất được phát hiện gần đây xung quanh các hành tinh trong hệ mặt trời. Vào tháng 2 năm 2023, IAU đã xác nhận có 12 mặt trăng mới xung quanh Sao Mộc, nâng tổng số của nó lên 92 - tổng số cao nhất so với bất kỳ hành tinh nào vào thời điểm đó.

Vào tháng 5 năm ngoái, Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) đã xác nhận thêm 62 mặt trăng mới quay quanh Sao Thổ, nâng tổng số vệ tinh của hành tinh này lên 145. Con số này vượt qua Sao Mộc, vốn nắm giữ danh hiệu "vua mặt trăng" với 92 vệ tinh.

Phần lớn các mặt trăng mới của Sao Thổ có kích thước khá nhỏ, chỉ vài dặm đường kính. Chúng được phát hiện bằng kính viễn vọng đặt trên Trái đất, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thiên văn học.



BÀI CHỌN LỌC

3 mặt trăng mới vừa được phát hiện trong Hệ Mặt Trời