Một cuộc phiêu lưu: Câu chuyện du hành thời gian của hai giáo sư trường Đại học Oxford - Anh Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự kiện Moberly–Jourdain, hay Những bóng ma lâu đài Versailles là nói về việc hai cố giáo sư Đại học Oxford thời Victoria (1837-1901) của Anh đã trải nghiệm một chuyến du hành thời gian kỳ lạ tại Cung điện Versailles. Họ đã viết lại thành cuốn sách Một cuộc phiêu lưu (An Adventure) gây chấn động thời đó, được tái bản nhiều lần.

Vào một buổi chiều tháng 8 nóng nực của năm 1901 ở Pháp, cô Elizabeth Morison và cô rances Lamont của Anh, đã có chuyến đi thăm Cung điện Versailles, nơi ở cũ của hoàng gia Pháp cách Paris khoảng 20km về phía Tây. Trên đường đi, họ đi qua Grand Trianon của điện Petit Trianon và thấy lâu đài này đang đóng cửa với khách du lịch.

Trải nghiệm du hành thời gian kỳ lạ

Họ bắt đầu khám phá khu vườn theo hướng dẫn trong cuốn sách của Baedeker, song họ nhanh chóng bị lạc ngay khi đi qua sảnh chính. Sau khi qua đoạn đường này, họ rẽ vào một lối đi hoàn toàn khác biệt so với lộ trình ban đầu. Moberly nhìn thấy một người phụ nữ mặc đồ trắng đứng khoanh tay bên cửa sổ, còn Jourdain nhìn thấy một trang trại bỏ hoang mà bên cạnh đó có cả một cái cày rất cũ.

Tới lúc này, họ cảm nhận thấy bầu không khí ngột ngạt và thê lương. Họ thấy một vài người có vẻ giống như thợ làm vườn – những người chỉ đường bảo họ cứ đi thẳng tiếp. Moberly sau này miêu tả đó là những người đàn ông "rất nghiêm trang, mặc chiếc quần màu rêu xám cùng những chiếc mũ chóp nhỏ".

Jourdain thì để ý tới ngôi nhà nông thôn có một người phụ nữ và một cô bé ngồi ngoài cửa. Người phụ nữ đang cầm chiếc bình hộ cô bé. Moberly không để ý tới ngôi nhà đó, song cảm nhận rõ ràng không gian thay đổi. Sau này cô viết: "Mọi thứ bỗng chốc không còn tự nhiên, thậm chí khó chịu; ngay cả những cái cây cũng trở nên phẳng lặng và bất động, giống như hình thêu trên những tấm thảm. Không còn chút hiệu ứng nào của ánh sáng và đổ bóng, và cũng không còn cơn gió nào thổi vào tán cây.”

Họ gặp một người đàn ông ngồi bên đài phun nước với áo choàng và chiếc mũ lớn. Theo Moberly, bộ dạng ông ta "khá gớm guốc... rất kinh tởm. Vẻ ngoài của ông ta là sự hòa trộn của thứ tối tăm và thô lỗ."

Khi đi qua cây cầu, họ tới khu vườn ngoài lâu đài và Moberly để ý tới một quý cô đang ngồi trên cỏ luôn nhìn họ chăm chú. Sau này cô miêu tả người phụ nữ đó tới từng chi tiết: quý cô này mặc một chiếc váy mùa hè sáng màu, phần lớn khuôn mặt bị che bởi chiếc mũ trắng và tóc của cô ta khá mượt. Moberly ban đầu cho rằng đó là một vị khách du lịch, song bộ váy lại tỏ ra khá lỗi mốt.

Nhận thức về trải nghiệm và ghi chép lại

Sự kỳ lạ của trải nghiệm đó đã đọng lại trong họ một thời gian lâu. Sau đó, hai cô gái này đã quay trở lại cung điện để hy vọng có thể trải nghiệm lại cảm giác khi trước, nhưng họ đã không tìm thấy khung cảnh trước đây nữa. Qua thời gian nghiên cứu, Morison và Lamont tin rằng, vào ngày định mệnh đó, bằng cách nào đó họ đã trải nghiệm khu vực này giống như hồi cuối thế kỷ 18, và người phụ nữ mà họ gặp chính là Nữ hoàng Marie Antoinette (1755 - 1793), nữ hoàng cuối cùng của nước Pháp trước cách mạng Pháp.

Câu chuyện phi thường đến mức họ quyết định ghi lại toàn bộ câu chuyện dưới dạng một cuốn sách. Câu chuyện đó, có tựa đề Một cuộc phiêu lưu (An Adventure), được xuất bản vào năm 1911. Cuốn sách này đã trở thành tác phẩm văn học gây chấn động thời đó, được tái bản nhiều lần.

Nghiên cứu ngày nay về sự kiện

Câu chuyện thật khó tin nhưng có lẽ phần đáng kinh ngạc nhất là Morison và Lamot không tồn tại. Tác giả thực sự của An Adventure là Charlotte Anne Moberly (1846–1937) và Eleanor Jourdain (1863–1924), nguyên Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng của trường St Hugh's College, Đại học Oxford - hai vị giáo sư đã giấu tên để bảo vệ danh tính của mình, theo trang Atlas Obscura.

Giáo sư Jon Parkin, giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử tại trường đại học này ngày nay, cho biết: “Trường St Hugh được thành lập vào năm 1886, dành cho con gái của các giáo sĩ”. Charlotte Moberly từng là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Parkin nói: “Moberly không phải là người có nền tảng học thuật đáng kể. Cô ấy có học thức nhưng không có bất cứ bằng cấp nào. Jourdain thì khác, cô ấy có đầy đủ bằng cấp”.

St Hugh's là lý do cho chuyến đi của các quý cô đến Pháp. Như Parkin giải thích: “Moberly muốn có một phó hiệu trưởng, người có thể sẽ thay thế vị trí của cô ấy. Eleanor Jourdain đang là ứng cử viên thích hợp cho vai trò đó. Moberly muốn tìm hiểu nhiều hơn về cô ấy, và họ đã hình thành một tình bạn thân thiết.”

Là một phần trong cuộc điều tra về trải nghiệm kỳ lạ của họ, Moberly và Jourdain đã liên hệ với Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần (SPR). Được thành lập vào năm 1882, sứ mệnh của SPR là “tiến hành nghiên cứu học thuật về trải nghiệm của con người nhằm thách thức các mô hình khoa học đương đại”. Là một tổ chức phi lợi nhuận có đăng ký với chính phủ, tổ chức này vẫn được tôn trọng nhờ các cuộc điều tra khách quan và nghiên cứu chuyên sâu của họ.

Cán bộ Lưu trữ SPR hiện nay Melvyn Willin khẳng định: “Có khá nhiều bức thư qua lại giữa hai người phụ nữ này và SPR”.

Theo Willin, những câu chuyện về “du hành thời gian” như mọi người thường nhắc đến là khá phổ biến. Tuy nhiên, sự kiện ở cung điện Versailles, ông nói, “có lẽ sẽ nằm trong top 3. Một số người cho rằng đó phải là số 1. Đó là một trường hợp rất quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ sẽ nhận được rất nhiều sự quấy rầy từ báo chí, công chúng và từ các nhà nghiên cứu tâm lý”.

Willin cũng lưu ý, phản hồi của thành viên SPR đối với câu chuyện của Moberly và Jourdain rất khác nhau, không đạt được sự đồng thuận nào về tính hợp pháp của nó. Những người nghi ngờ đã đưa ra nhiều lời giải thích trần tục về 'du hành thời gian'.

Moberly và Jourdain có thể muốn giữ bí mật danh tính thực sự của họ do lo ngại về cách các nhân vật cấp cao của trường đại học có thể phản ứng nếu họ thu hút sự chú ý gây tranh cãi đối với trường học, vốn vẫn chủ yếu theo phái bảo thủ.

Vậy danh tính thực sự của những người phụ nữ này được biết đến như thế nào? Parkin giải thích: “Đó không phải là một bí mật được giữ kín lắm, và Jourdain không chỉ thảo luận về vụ việc với nhau mà còn thảo luận về nó với các học sinh của mình”. Trên thực tế, cả hai người phụ nữ đều có lịch sử về những trải nghiệm siêu nhiên, điều mà họ không giấu giếm học trò của mình.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Một cuộc phiêu lưu: Câu chuyện du hành thời gian của hai giáo sư trường Đại học Oxford - Anh Quốc