Nhân loại đang ở 'giới hạn đỏ' về tình trạng khí hậu cực đoan, các nhà khoa học cảnh báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học cảnh báo: “Chúng tôi lo ngại rằng chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn thời tiết cực đoan mà chúng ta chưa từng biết trước đây”. Họ cũng đưa ra cảnh báo về khả năng sụp đổ xã hội và sinh thái trên diện rộng trong thế kỷ này.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự tàn phá khủng khiếp do khí hậu cực đoan kỷ lục đã gây ra gần đây, trong báo cáo “tình trạng khí hậu” mới nhất, được 15.000 nhà nghiên cứu từ 163 quốc gia cùng tham gia ký.

Báo cáo năm 2023, được công bố hôm thứ Ba ngày 24/10/2023 trên tạp chí BioScience, là bản cập nhật mới nhất trong loạt bài hàng năm có tên Cảnh báo của các nhà khoa học thế giới về tình trạng khẩn cấp về khí hậu (World Scientists Warning of a Climate Emergency).

Số liệu về khí hậu cực đoan

Báo cáo này đề cập đến 35 chỉ số, từ dân số và mức tiêu thụ năng lượng của con người đến tình trạng mất rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil. Theo báo cáo, 20 trong số các chỉ số quan trọng này hiện đang ở mức cực đoan kỷ lục, tăng thêm 4 chỉ số so với số liệu của năm ngoái.

Theo cảnh báo, ba trong số các loại khí nhà kính chủ yếu là carbon dioxide, oxit nitơmetan đều ở mức kỷ lục và nồng độ CO2 trung bình toàn cầu vượt xa ranh giới khuyến nghị là 350 phần triệu.

Các tác giả cũng lưu ý rằng năm 2023 chứng kiến mùa hè nóng kỷ lục và có khả năng là năm nóng nhất trong số những năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu chưa bao giờ vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp trước năm 2000 và chỉ thỉnh thoảng vượt quá con số đó kể từ đó”. “Tuy nhiên, tính đến ngày 12 tháng 9, năm 2023 đã có 38 ngày với nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt trên 1,5°C—nhiều hơn bất kỳ năm nào khác—và sự tăng nhiệt độ này có thể tiếp tục tăng.”

Độ axit đại dương, độ dày sông băng và khối băng ở Greenland đều đạt mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi đại dương ấm hơn bao giờ hết, điều này có thể gây ra những tác động ở hạ lưu, từ mất sinh vật biển đến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn mà hành tinh này từng chứng kiến.

Thời tiết cực đoan vào năm 2023 cho thấy các mối đe dọa đang xuất hiện ở những khu vực không điển hình, chẳng hạn như lũ lụt ở miền bắc Trung Quốc và một cơn bão ở Địa Trung Hải khiến hàng nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là người Libya.

Trong cơn hồng thủy, người dân ở Quảng Bình kêu cứu. (Ảnh tổng hợp)

Những cảnh báo cho tương lai gần

Nhóm nghiên cứu cảnh báo: “Những tác động của sự nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn và những khả năng như sự tan vỡ xã hội trên toàn thế giới là có thể xảy ra và chưa được khám phá một cách nguy hiểm”. “Vào cuối thế kỷ này, ước tính có khoảng 3 đến 6 tỷ người—khoảng một phần ba đến một nửa dân số toàn cầu—có thể bị rơi vào giới hạn ngoài khu vực có thể sống được, phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, nguồn thức ăn hạn chế và tỷ lệ tử vong tăng cao do ảnh hưởng của khí hậu cực đoan.”

Trong khi đó, nạn phá rừng đã cho thấy những dấu hiệu gia tăng đáng kể, chẳng hạn như tỷ lệ mất độ che phủ của cây xanh trên toàn cầu giảm 9,7%. Tuy nhiên, các tác giả viết rằng hành tinh này hiện không thể đảo ngược nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này và các vụ cháy rừng tàn khốc ở Canada đã góp phần vào cả nạn phá rừng và lượng khí thải carbon.

“Chúng tôi cảnh báo về khả năng sụp đổ của các hệ thống tự nhiên và kinh tế xã hội trong một thế giới nơi chúng ta sẽ phải đối mặt với sức nóng không thể chịu nổi, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên, tình trạng thiếu lương thực và nước ngọt, mực nước biển dâng cao, nhiều bệnh tật mới xuất hiện cũng như tình trạng bất ổn xã hội và xung đột địa chính trị gia tăng”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Một số khuyến nghị

Cuối cùng, các tác giả viết, một trong những thách thức lớn là sự xung đột giữa ý tưởng thông thường về tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu môi trường.

Họ viết: “Do đó, chúng ta cần thay đổi nền kinh tế của mình thành một hệ thống hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho mọi người thay vì tiêu dùng quá mức của những người giàu có”. Đồng thời lưu ý rằng vào năm 2019, 48% lượng khí thải toàn cầu được tạo ra bởi 10% người giàu nhất, trong khi 50% số người ở tầng lớp dưới chỉ phát ra 12%.

“Thay vì chỉ tập trung vào việc giảm lượng khí thải carbon và biến đổi khí hậu, việc giải quyết vấn đề hạn chế sinh hoạt quá mức sẽ giúp chúng ta có cơ hội tốt nhất để vượt qua những thách thức lâu dài về khí hậu cực đoan. Đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi mục đích sống để đảm bảo sự hài hoà cho mọi sự sống trên Trái đất. Chúng ta phải đón nhận nó với lòng dũng cảm và quyết tâm không ngừng nghỉ để tạo ra một di sản có thể đứng vững trước thử thách của thời gian”, báo cáo viết.

Theo The Hill/Vice



BÀI CHỌN LỌC

Nhân loại đang ở 'giới hạn đỏ' về tình trạng khí hậu cực đoan, các nhà khoa học cảnh báo