Bắt người trước, tìm bằng chứng sau: Doanh nhân tư nhân Trung Quốc bị chính quyền ‘nuôi béo rồi thịt’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau năm 2018, chính quyền Trung Quốc ngày càng leo thang trong việc trấn áp và bức hại các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các ông trùm công nghệ Internet tư nhân, điển hình là ông Jack Ma, cũng dần lui khỏi vũ đài. Cùng lúc đó, còn có một chiến dịch khác gây hại cho các doanh nhân tư nhân nhưng không nhận được sự quan tâm tương ứng, đó là “quét băng đảng, trừ tệ nạn”.

Trong chiến dịch này, nhiều doanh nhân tư nhân đã mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ nhân dân tệ tài sản chỉ sau một đêm, các thành viên trong gia đình và trong công ty của họ cũng bị liên lụy và bị bỏ tù.

The Epoch Times đã phỏng vấn một số doanh nhân tư nhân đến từ Trung Quốc và họ đã kể lại trải nghiệm của mình trong chiến dịch “quét băng đảng, trừ tệ nạn” này.

Bắt người trước, tìm bằng chứng sau

Ông Trần Đỉnh (Chen Ting), một doanh nhân tư nhân đến từ Trung Quốc và hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng vào tháng 5/2020, doanh nghiệp của ông đột ngột bị phong tỏa chỉ sau một đêm, người nhà ông bất ngờ bị bắt, đã có gần 20 người bị kết án.

Công ty của ông Trần Đỉnh đặt tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Ông có một nhà máy sản xuất đồ nội thất, một số mỏ quặng và một tiệm cầm đồ tài chính.

Ông Trần Đỉnh nói: “Họ bất ngờ ập vào và bắt giữ tất cả những người đàn ông trong gia đình cũng như tất cả những người quản lý và đại diện pháp lý của công ty mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Tất cả những người bị bắt đều bị kết án, một số là 18 hoặc 19 năm, một số khác thì 15 năm. Trong số những người thân của tôi bị bắt, cứ kết án được là họ kết án hết, ai cũng bị tuyên án, thấp nhất là 2 năm hoặc 1 năm”.

Ông Trần Đỉnh nói rằng, trong tình huống không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, toàn bộ tài sản trị giá hơn một tỷ nhân dân tệ (hơn 140,9 triệu USD) của công ty ông đã bị tịch thu và đóng băng, bất động sản và công ty đều bị bán đấu giá, đồng thời rất nhiều tài sản của công ty cũng bị lấy đi. Luật sư của ông bị đuổi ra ngoài ngay tại chỗ và không thể nói lý được.

Vì lúc đó ông Trần Đỉnh đang ở Hong Kong nên ông đã thoát được kiếp nạn này. Ông Trần Đỉnh cho biết họ không thể phán quyết ông nên đã phát lệnh truy nã đỏ.

Theo pháp luật Trung Quốc, lệnh truy nã đỏ có thể tịch thu tài sản. “Lúc đó, lệnh truy nã đỏ đã được báo lên Bộ Công an [Trung Quốc]. Bộ Công an cho rằng người này không đủ để phát lệnh truy nã đỏ. Sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Giang Tây đã tìm đến Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhất quyết đòi họ giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ, họ đã liên lạc riêng với nhau và cuối cùng đưa chúng tôi vào danh sách [đối tượng truy nã đỏ]”.

Lý do họ đưa ra là ông Trần Đỉnh đã gia nhập băng đảng xã hội đen và là thành viên của giới xã hội đen. Tuy nhiên, chính quyền lại không có bằng chứng, sau khi bắt người, họ mới đăng thông báo lên mạng Internet yêu cầu người dân tố cáo. Ông Trần nói: “Họ yêu cầu các đơn vị đối tác tố cáo chúng tôi, họ nhốt [các đối tác của chúng tôi] lại và ép [những người này] chỉ trích chúng tôi, không chỉ trích thì không được thả về”.

Ông Trần còn cho hay, những đơn vị đối tác này còn bị gọi điện thoại đến để đòi tiền, mà số tiền này đều là do tòa án phán quyết, họ gọi điện đến để thúc giục giao tiền, là một kiểu bạo lực mềm.

Ông Trần Đỉnh nói, họ đang thực hiện một chiến dịch, mỗi tỉnh đều được áp chỉ tiêu, phải nộp lên bao nhiêu tiền, phải hoàn thành chỉ tiêu này. Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây khi đó là ông Lưu Kỳ (Liu Qi) muốn Giang Tây đứng đầu cả nước nên đã bất chấp để gom đủ con số. Họ coi tất cả những người có tranh chấp kinh tế và có nợ trước đây là tội phạm kinh tế, và nói rằng đó là hoạt động cho vay và luân chuyển vốn bất hợp pháp.

Truyền thông Hong Kong khi đó đưa tin, Viện Kiểm sát tỉnh Sơn Đông đã “đặt mục tiêu” yêu cầu mỗi viện kiểm sát cấp cơ sở trong năm đó phải xử lý ít nhất một vụ án liên quan đến xã hội đen, nếu không bản đánh giá cuối năm sẽ bị một phiếu phủ quyết. Vào ngày 28/5/2019, 400 trẻ em trong trường mẫu giáo Tân Quang ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã bị liệt kê là mục tiêu điều tra trong “Chiến dịch đặc biệt quét băng đảng, trừ tệ nạn”.

Kể từ năm 2018 tới nay, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều tỉnh đã bắt cóc một lượng lớn học viên Pháp Luân Công và lục soát nhà cửa của họ một cách phi pháp với lý do “quét băng đảng, trừ tệ nạn”. Hành vi của cảnh sát Trung Quốc bị gọi là bắt cóc vì khi tiến hành hoạt động này, họ không có lệnh bắt giữ; họ cũng tự ý xông vào nhà lục soát trong khi không có lệnh khám nhà.

Vào ngày 28/5/2019, 400 trẻ em trong trường mẫu giáo Tân Quang ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã bị liệt kê là mục tiêu điều tra của “Chiến dịch đặc biệt quét băng đảng, trừ tệ nạn”. Nhiều người cho rằng thật nực cười khi trẻ nhỏ lại là mục tiêu bị sàng lọc. (Ảnh chụp màn hình từ video được ủy quyền của Đài NTD Châu Á - Thái Bình Dương)

Ông Tôn Kim Lượng (Sun Jinliang), một doanh nhân tư nhân đến từ Trung Quốc và hiện đang sống ở Canada, nói với The Epoch Times rằng ban đầu ông làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, có lẽ vì đã đắc tội với một cán bộ có quyền lực trên tỉnh nên vào đúng năm 2018 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch trên, ông đã bị hãm hại.

“Nếu tôi không có của cải, tôi tin là hắn cũng sẽ không động đến tôi, tôi cũng sẽ không rơi vào tình cảnh thế này. Làm sao tôi có thể chứng minh rằng mình không phạm tội đây?”, ông Tôn nói.

Ông Tôn Kim Lượng giải thích rằng, vụ án này được lập hồ sơ một cách phi pháp trước rồi họ đi bắt người. Khi đó, ông Tôn đang ở Hong Kong, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ người nhà và nhân viên trong công ty của ông trước. Một tuần sau đó họ mới lên mạng Internet kêu gọi người dân giao nộp bằng chứng ông Tôn phạm tội nhưng không tìm được bằng chứng nào, họ đã tra tấn người nhà và các thành viên trong công ty của ông để bức cung.

ĐCSTQ còn cáo buộc ông Tôn Kim Lượng và em trai ông - ông Tôn Bách Trình (Sun Baicheng) là thủ lĩnh của tổ chức xã hội đen. Em trai ông Tôn đã bị chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh truy nã đỏ vào năm 2021 và bị bắt khi nhập cảnh vào nước Croatia ở châu Âu. Tòa án ở Croatia yêu cầu Bộ Công an Trung Quốc trong vòng 30 ngày phải đưa ra được chứng cứ phạm tội của ông Tôn Bách Trình, nhưng 60 ngày sau phía Croatia vẫn không nhận được bất kỳ bằng chứng phạm tội nào, đến tháng 12/2021, ông Tôn Bách Trình được trả tự do vô điều kiện.

Hiện tại, trên Internet ở Trung Quốc vẫn có thể tìm thấy các thông báo mà Công an tỉnh Giang Tây đăng tải để thu thập manh mối về hành vi “phạm tội, phạm pháp” của các doanh nhân như ông Tôn Kim Lượng, ông Tôn Bách Trình, v.v.

Ông Tôn Kim Lượng cho biết, trong cuộc bức hại này, toàn bộ tài sản cá nhân trị giá gần 4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 555,6 triệu USD) của ông đã bị tịch thu, tinh thần của ba thế hệ trong gia đình ông bị hủy hoại hoàn toàn, có 4 người thân và bạn bè của ông đã qua đời vì cuộc đàn áp này.

“Mẹ tôi bị sốc tinh thần vì bị lục soát nhà rồi đột ngột đổ bệnh và qua đời. Em trai tôi bị giam ở Croatia 11 tháng và cũng bị sốc tinh thần. Cậu ấy đột ngột qua đời vào năm 2023, hưởng dương hơn 50 tuổi. Còn hai người bạn vô tội của tôi không thể chịu đựng được trong cuộc thẩm vấn nên sau khi được thả ra, họ đã tự sát ngay đêm hôm đó".

Theo thông báo được Chính quyền tỉnh Giang Tây đưa ra vào năm 2021, trong vòng 3 năm, tỉnh này đã triệt phá 1.218 “tổ chức băng đảng” và thanh tra khối tài sản trị giá 28,25 tỷ nhân dân tệ (hơn 3,9 tỷ USD) liên quan đến những vụ án này. Số vụ án “liên quan đến tổ chức xã hội đen” bị xử lý trong 3 năm này bằng tổng số của 10 năm trước đó.

Ông Diệp Ninh (Ye Ning), một luật sư nhân quyền người Hoa ở Washington, DC, Mỹ nói với The Epoch Times: “Hành động đặc biệt để quét băng đảng, trừ tệ nạn này cũng giống như sử dụng các phong trào chính trị để thực hiện mục đích chính trị của nhà nước độc tài ... Bắt người trước rồi mới tìm chứng cứ, về mặt trình tự thì cách làm này vô cùng bất chính đáng”.

Luật sư Diệp Ninh cho biết, ở Trung Quốc, hầu hết các cáo buộc đối với các doanh nhân tư nhân đều là gian lận thương mại, chính quyền chụp lên họ cái mũ này và có thể thêm thắt vào bất cứ điều gì. Bởi vì nếu một doanh nhân bị buộc tội giết người, phóng hỏa thì yêu cầu về bằng chứng là rất nghiêm ngặt; còn nếu là gian lận thương mại thì ranh giới pháp lý thường rất mờ nhạt, yêu cầu về bằng chứng cũng thấp.

"Vì vậy, đại đa số các doanh nhân có tên trong danh sách truy nã đỏ đều bị áp đặt tội danh gian lận thương mại, để rồi đưa ra yêu cầu [phát lệnh truy nã] với Interpol", ông Diệp nói.

Ông Diệp Ninh cho rằng, Interpol (cảnh sát hình sự quốc tế) là một cách gọi cường điệu và tổ chức này không có quyền thực thi pháp luật. Trên thực tế, Interpol không phải là một tổ chức cảnh sát, họ chỉ là một tổ chức mật báo tin tức, chỉ đóng vai trò quản lý thông tin quốc tế trong việc thu thập và phổ biến thông tin.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có Phòng Hỗ trợ Tư pháp Interpol chuyên trách. Bởi vì chính quyền Trung Quốc thường có hành vi dối trá trong tổ chức Interpol, hình sự hóa chính trị và chính trị hóa các vụ án hình sự, nên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã duy trì mức cảnh giác cao nhất đối với các lệnh truy nã đỏ do Trung Quốc đưa ra.

Chiến dịch ‘quét băng đảng, trừ tệ nạn’ nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân

Ở Trung Quốc, khối doanh nghiệp tư nhân đã phát triển được 40 năm kể từ năm 1978 khi cải cách mở cửa. Đặc biệt sau năm 2000, nền kinh tế bất động sản và Internet cùng nhau phát triển đã tạo ra một lượng lớn doanh nhân tư nhân; các doanh nghiệp tư nhân cũng được cho là đã đóng góp hơn 70% thành tựu đổi mới công nghệ cho Trung Quốc, đồng thời giúp cho hơn 80% lao động thành thị có việc làm.

Ông Tôn Kim Lượng nói với The Epoch Times rằng, cải cách mở cửa thời ông Đặng Tiểu Bình là lợi dụng các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Thế hệ doanh nhân tư nhân sinh ra từ trước những năm 1960 đến 1980 đều khởi nghiệp từ con số 0 và rất vất vả, đều là những tiểu thương từng bước từng bước một dần dần tích lũy của cải. Khoảng sau năm 2000, bất động sản ở Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển nhanh chóng, thế hệ này đã vất vả suốt 20 năm, họ gặp thời và bắt được xu hướng này, trong 20 năm ngắn ngủi sau đó, nền kinh tế tư nhân đã thực sự phát triển.

Ông Tôn kể lại: “Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào giữa những năm 1980, tôi từng làm nghề bốc vác và kinh doanh ở chợ đêm. Sau năm 2000, tôi dùng tiền của mình và của cha mẹ để mua một cửa hàng và bắt đầu kinh doanh nhỏ, làm dần rồi đến khoảng năm 2015 thì bắt đầu tham gia phát triển bất động sản".

Ông Tôn Kim Lượng nói rằng, trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ĐCSTQ cũng có đàn áp kinh tế tư nhân nhưng không quá rõ ràng, vì đảng này vẫn cần các doanh nghiệp tư nhân giúp cáng đáng nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Trần Đỉnh cho hay, tới nửa thời kỳ sau của thời ông Hồ Cẩm Đào, các doanh nghiệp tư nhân cũng đã bị quản lý chặt chẽ hơn nhưng họ vẫn ổn. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, các doanh nghiệp tư nhân cảm thấy về cơ bản không có một ngày nào yên ổn, họ bị trấn áp bằng mọi cách, bị từ chối cho vay, có một số doanh nghiệp tư nhân đã bị đứt gãy dòng tiền.

"Từ trong xương cốt Tập [Cận Bình] đã ghét doanh nghiệp tư nhân, Đảng Cộng sản [Trung Quốc] luôn muốn tiêu diệt nền kinh tế tư nhân. Bởi vì khi các doanh nhân tư nhân có tiền, họ sẽ có tư tưởng riêng, [đảng này] sẽ không dễ lãnh đạo nữa nên mới muốn tiêu diệt các doanh nghiệp tư nhân", ông Trần chỉ ra.

Ông Trần Đỉnh còn cho biết, ông có một người bạn có khối tài sản hàng tỷ nhân dân tệ, người bạn này cũng bị chính quyền bức hại trong chiến dịch “quét băng đảng”. Người bạn đó nói rằng sẽ giao toàn bộ tài sản của mình cho chính quyền, để họ tịch thu, nhưng “đừng kết án tôi có được không?”. Phía chính quyền nói rằng không thể không kết án, phải kết án thì mới tịch thu tài sản được. Kết quả là người bạn kia của ông Trần bị kết án 5 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Ông Trần Đỉnh nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không loại bỏ tất cả cùng một lúc. Họ sẽ thực hiện chiến dịch một cách từ từ và có chọn lọc để loại bỏ vĩnh viễn 5% và duy trì 95% [số doanh nhân tư nhân]. Trong vài năm nữa, cuối cùng ai cũng sẽ bị đập một lượt".

Ông Tôn Kim Lượng cho rằng, khi mới lên nắm quyền ông Tập Cận Bình đã nói những lời rất xuôi tai, tuy nhiên đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên, khoảng năm 2016, gió đã đảo chiều; có lẽ đến năm 2018 sau khi ông ta xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông ta đã thực sự hạ thủ không che đậy gì.

Ông Tôn Kim Lượng đang nói về cái gọi là chiến dịch “quét băng đảng, trừ tệ nạn, chặt đứt mạch tiền” kéo dài ba năm do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện từ tháng 1/2018 đến cuối năm 2020.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “quét băng đảng, trừ tệ nạn”, họ đã lên danh sách đối tượng cụ thể cho các cuộc tấn công trọng điểm. Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy chính quyền các cấp đang rất bất ổn định, đặc biệt là ở cấp cơ sở. (NICOLAS ASFOURI/AFP/Getty Images)

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức vào năm 2017, người lãnh đạo đảng Tập Cận Bình đã đề xuất rằng phải “đối phó với những thách thức lớn”, “khắc phục những trở lực lớn”, “giải quyết những mâu thuẫn lớn” và phải tiến hành “cuộc đấu tranh vĩ đại”. Sau đó, bắt đầu từ tháng 1/2018, một chiến dịch kéo dài ba năm được truyền thông nhà nước gọi là “cuộc đấu tranh đặc biệt để quét băng đảng, trừ tệ nạn” đã bắt đầu trên khắp Trung Quốc. Đến tháng 4/2021, truyền thông đảng đưa tin rằng “[số vụ án] liên quan đến tổ chức xã hội đen bị xử lý trong gần 3 năm qua bằng tổng số của 10 năm trước đó”.

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin vào năm 2020 rằng kể từ khi cuộc "đấu tranh đặc biệt" này được phát động, có tổng cộng 2.949 "tổ chức tội phạm liên quan đến xã hội đen" và 9.536 nhóm "tội phạm liên quan đến xã hội đen" đã bị tiêu diệt trên toàn Trung Quốc.

Năm 2021, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng một bộ phim tài liệu tóm tắt về “cuộc đấu tranh” kể trên và đề cập rằng, trong ba năm qua, thành quả chiến đấu khi “quét băng đảng, trừ tệ nạn, chặt đứt mạch tiền” trên toàn quốc là đã kiểm tra, niêm phong, tịch biên và đóng băng được số tài sản trị giá hơn 602,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 83,74 tỷ USD), qua đó diệt trừ hiệu quả nền tảng kinh tế của “thế lực xã hội đen”.

Tuy nhiên, “cuộc đấu tranh đặc biệt” này không kết thúc sau ba năm mà lại bước vào trạng thái bình thường hóa. Dữ liệu từ Bộ Công an Trung Quốc cho thấy, kể từ khi chiến dịch này được bình thường hóa, tính đến cuối năm 2023, có tổng cộng 4.048 “tổ chức tội phạm xã hội đen” đã bị loại bỏ và bộ công an đã phá được 58.000 vụ án.

Luật sư Diệp Ninh cho rằng, ở Trung Quốc quả thực đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tư nhân và giới quan chức quyền quý cấu kết với nhau, cũng có một số doanh nhân cấu kết với xã hội đen, còn những người lao động nhập cư thì không được trả lương hoặc bị khấu trừ lương, v.v. Nhưng nguyên nhân cốt lõi là do Bắc Kinh chỉ cải cách trên bề mặt chứ chưa đi sâu vào vấn đề thực chất.

Ông Tôn Kim Lượng chỉ ra, chiến dịch “quét băng đảng, trừ tệ nạn, chặt đứt mạch tiền” của Tập Cận Bình cũng giống như chiến dịch “hát đỏ, đánh đen” ở Trùng Khánh của Bạc Hy Lai vào năm 2010. Các doanh nhân tư nhân bị chụp cho chiếc mũ “tập đoàn xã hội đen” và bị tịch thu tài sản, những người không có của cải thì sẽ không bị động đến.

"Thứ mà họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) muốn chủ yếu là tiền, chính là cướp trắng trợn. Tổng số tài sản của các doanh nhân tư nhân bị tịch thu [trong cuộc bức hại này] phải lên đến hàng nghìn tỷ nhân dân tệ".

Ông Tôn nói rằng, các doanh nhân tư nhân đã bị bức hại như vậy trong nhiều thập kỷ qua, hết tốp này đến tốp khác, và đây không phải là cuộc bức hại thông thường, "chúng tôi đã bị nhà tan cửa nát, người thân qua đời, vợ con ly tán".

Ông Tôn Kim Lượng nói rằng, mấy tội danh như hối lộ hay gây quỹ bất hợp pháp đều không đáng lo ngại, tội danh mà các doanh nhân lo sợ nhất trong nhiều thập kỷ qua là có liên quan đến “xã hội đen”, bởi trong luật hình sự của Trung Quốc có một điều khoản quy định rằng tất cả tài sản của cá nhân và công ty đều bị tịch thu và sung công quỹ nếu có liên quan đến “xã hội đen”.

Tại sao người lãnh đạo ĐCSTQ lại làm điều này? Ông Tôn Kim Lượng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nhất là ông Tập muốn duy trì chính quyền độc tài của mình. Ông ta sợ người dân ăn no rồi, giàu có rồi, ngày ngày an nhàn uống trà, ngày ngày chỉ trích chính quyền trung ương, ông ta chỉ muốn bắt người dân phải làm quần quật từ sáng đến tối để kiếm sống, về nhà thì đi ngủ, chính là phải nghe lời ông ta thì ông ta mới có thể dễ dàng cai trị 1,4 tỷ người.

Ông Diệp Ninh cũng nói rằng, mục đích chính của Bắc Kinh là củng cố sự cai trị toàn trị và đoạt lấy nguồn vốn tư nhân khổng lồ. Ngoài ra, do thâm hụt tài chính nghiêm trọng, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện đợt chiếm đoạt theo kiểu “cải cách ruộng đất” này để bổ sung cho kho bạc quốc gia.

Vạch trần cuộc bức hại của ĐCSTQ

Hiện chính quyền Trung Quốc lại đang đẩy mạnh ban hành các văn bản hỗ trợ nền kinh tế tư nhân trong nước, ví như công bố “31 Điều về Kinh tế tư nhân”, chuẩn bị soạn thảo “Luật Xúc tiến Kinh tế tư nhân”, Tòa án tối cao Trung Quốc cũng đang thảo luận về việc lập pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế tư nhân, v.v.

Tuy nhiên, ông Tôn Kim Lượng nói rằng: "Vô ích. Bây giờ các doanh nhân tư nhân không còn tin tưởng vào ĐCSTQ nữa. Dù ĐCSTQ có nói hay đến đâu, mọi người còn tin không? Không còn niềm tin nữa". Ông Tôn chỉ ra, liệu Bắc Kinh có thực sự bảo vệ được các doanh nhân tư nhân không? Vì tuyên ngôn của ĐCSTQ nêu rõ rằng phải xóa bỏ mọi sở hữu tư nhân, những văn bản luật trên chỉ đáng tin nếu tuyên ngôn kia bị lật đổ.

Ông Tôn cho rằng hiện nay, dù là cộng đồng quốc tế hay doanh nghiệp tư nhân trong nước, họ đều không nghe ĐCSTQ nói gì mà xem ĐCSTQ sẽ làm gì. Nếu Bắc Kinh thực sự muốn thay đổi thì trước tiên phải xét xử lại những vụ án như ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu) và trả lại tài sản cho ông ấy.

Đọc thêm về vụ án Tôn Đại Ngọ:

Ông Tôn Kim Lượng chia sẻ: “Sau khi bị ăn nắm đấm sắt của ĐCSTQ, tôi mới thức tỉnh. Trước năm 2020, tôi không tin rằng mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như hôm nay, chẳng lẽ ĐCSTQ sẽ cướp bóc sao? Vậy nên chúng ta cần phải nhanh chóng thức tỉnh nhiều người ở trong nước hơn nữa - những người chưa bị hoặc sắp bị ăn nắm đấm sắt này. Tôi cũng dạy 3 đứa con của mình rằng, phải luôn ghi nhớ cuộc bức hại mà ĐCSTQ đã gây ra cho cha chúng, hy vọng rằng chúng sẽ không bị ĐCSTQ bức hại".

Theo ông Tôn, ngày nay, nếu các doanh nhân tư nhân Trung Quốc đang loay hoay với cái gọi là sự nghiệp, thì 100%, 1000% họ là nhóm người đang trên đường vào tù. Ông đưa ra lời khuyên: Đừng rơi vào bẫy của ĐCSTQ nữa, đừng nghe những lời dối trá vô nghĩa này.

"Tôi cảm thấy hiện tượng này sẽ không kéo dài, vật cực tất phản (ý nói một việc lên tới đỉnh điểm thì sẽ tự đảo ngược), nhưng chúng ta phải nắm bắt thời gian, nhanh chóng nỗ lực và làm mọi thứ có thể để làm điều gì đó cho người dân Trung Quốc", ông Tôn nói.

Hiện tại, ông Tôn Kim Lượng và các doanh nhân Trung Quốc lưu vong khác đã tuyên bố thành lập "Liên minh Bảo vệ Quyền lợi của Doanh nhân tư nhân Trung Quốc", trang web của liên minh này đã được ra mắt. Họ muốn tìm kiếm công lý, vạch trần sự thật về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp và bức hại các doanh nhân tư nhân cũng như người thân và bạn bè của họ. Liên minh này đã bắt đầu đưa những vụ án oan, án giả và sai trái này lên Tòa án Nhân quyền Quốc tế và kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng “Đạo luật Magnitsky” để xử phạt các quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền.

Liên minh Bảo vệ Quyền lợi của Doanh nhân tư nhân Trung Quốc tuyên bố thành lập vào ngày 2/3/2024 tại Richmond, British Columbia, Canada. Từ trái qua phải là các ông: Hoàng Ninh Vũ (Huang Ningyu), Tôn Kim Lượng (Sun Jinliang), Thẩm Sằn (Shen Shen). (Gao Xiaowen / The Epoch Times)

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắt người trước, tìm bằng chứng sau: Doanh nhân tư nhân Trung Quốc bị chính quyền ‘nuôi béo rồi thịt’