Trung Quốc dùng người nhà ở trong nước làm 'con tin' để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ xuyên biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu cho biết, chính quyền Trung Quốc đang dùng người nhà của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong để yêu cầu họ cung cấp thông tin tình báo, theo dõi các nhà hoạt động nhân quyền và thậm chí lợi dụng họ để tạo ra hình ảnh tích cực về Bắc Kinh, nhằm tránh sự chú ý của quốc tế.

Những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ và các nhà hoạt động nói rằng, những chiến thuật đe dọa như vậy đang gây rạn nứt quần thể tại hải ngoại của họ. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng kiểu “đàn áp xuyên quốc gia” này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ làm tổn hại nhân quyền mà còn làm suy yếu các nguyên tắc về chủ quyền trong quan hệ quốc tế.

Theo BBC, Tiến sĩ David Tobin của Đại học Sheffield và đồng nghiệp của ông là bà Nyrola Elimä đã tiến hành nghiên cứu về chủ đề này, cho đến nay đây là nghiên cứu toàn diện nhất. Họ đã phỏng vấn và khảo sát hơn 200 người Duy Ngô Nhĩ sống ở nhiều quốc gia, và cho biết rằng "tất cả người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài Trung Quốc đều là nạn nhân của đàn áp xuyên quốc gia".

Dùng người mẹ 6 năm không gặp để uy hiếp người Duy Ngô Nhĩ ở Anh

Anh Alim (tên đã được đổi vì bảo vệ danh tính), người đã đào thoát sang Vương quốc Anh, nói rằng dưới sự can thiệp của các quan chức ĐCSTQ, anh đã có cuộc gọi video đầu tiên với mẹ mình sau 6 năm.

"Con trai yêu quý nhất của mẹ", mẹ Alim nói qua điện thoại, "mẹ không ngờ trước khi chết còn có thể gặp được con".

Alim nói, khoảnh khắc đó anh đã sụp đổ. Đó là lần đầu tiên anh liên lạc với gia đình kể từ khi trốn sang Anh tị nạn.

Tuy nhiên, giống như tất cả người Duy Ngô Nhĩ khác, mẹ của Alim sống dưới sự giám sát chặt chẽ và họ không bao giờ có thể nói chuyện trực tiếp.

Thay vào đó, một người trung gian dùng hai chiếc điện thoại để gọi riêng cho Alim và mẹ của anh, sau đó giữ màn hình của hai chiếc điện thoại đối diện nhau để họ nhìn thấy nhau. Tuy vậy hình ảnh khá mờ và tiếng nói phát ra từ loa khá khó nghe.

Alim cho biết họ hầu như không nói chuyện và dành phần lớn cuộc gọi trong nước mắt. Anh không biết bức tường trắng sau lưng mẹ anh là nhà của bà ở Tân Cương hay trại tạm giam.

Bất chấp sự phủ nhận của Bắc Kinh, liên tục có những báo cáo rằng chính quyền Trung Quốc đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung.

Những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đi qua lối vào của một khu chợ ở Hotan, thuộc khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Ảnh được chụp vào ngày 31/5/2019. (Greg Baker/AFP via Getty Images)

Anh Alim nói, cuộc gọi này có cái giá của nó. Khi các quan chức Trung Quốc gọi lại, họ yêu cầu anh tham dự cuộc họp của các nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ để thu thập thông tin tình báo và báo cáo với chính quyền Trung Quốc.

Alim đã chia sẻ với BBC đoạn ghi âm cuộc điện thoại yêu cầu anh làm gián điệp. Anh nói, “Bất cứ khi nào có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở London, họ sẽ gọi cho tôi và hỏi có ai tham gia”.

Alim cũng được cung cấp tiền để cố gắng kết giao với các nhà lãnh đạo trong nhóm hoạt động nhân quyền, nhiều người trong số họ là công dân Anh. Anh phải đưa họ đến nhà hàng và trả tiền hóa đơn cho họ. Vị quan chức Trung Quốc kia khuyên anh nên thành lập một công ty làm bình phong để đề phòng có ai nghi ngờ nguồn tiền.

Gia đình anh Alim có thể bị tổn hại nếu anh từ chối hợp tác. "Họ đang bắt gia đình tôi làm con tin và tôi đang sống trong thời khắc đen tối", Alim nói.

Cuối cùng, Alim đã từ chối hợp tác với ĐCSTQ và thú nhận hoàn cảnh của mình với một nhóm các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ ở London.

Chuyên gia: Ly tán gia đình là chiến lược cốt lõi của ĐCSTQ

Tiến sĩ David Tobin cho biết, "Ly tán gia đình (family separation) là một chiến lược cốt lõi".

Ông nói thêm, ngay cả khi họ có thể gọi điện thoại, người thân sống ở Trung Quốc cũng sẽ không nhận cuộc gọi đó. Mọi người đều cho rằng các cuộc gọi sẽ bị nghe lén và lo lắng rằng việc nói chuyện tự do sẽ khiến họ gặp rủi ro. Cách cắt đứt liên hệ với gia đình này cho phép cảnh sát Trung Quốc can thiệp và quản lý chặt chẽ cơ hội tiếp xúc của họ, cảnh sát sẽ thông qua các cuộc gọi video đó để có được sự hợp tác của người Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại. Nếu họ không làm theo yêu cầu, các thành viên trong gia đình có thể bị ảnh hưởng.

Tại Vương quốc Anh, hai phần ba trong số 48 người Duy Ngô Nhĩ được Tiến sĩ Tobin khảo sát hoặc phỏng vấn cho biết họ đã bị cảnh sát Trung Quốc gây áp lực buộc phải tham gia hoạt động gián điệp, cũng như không được tham gia các hoạt động tuyên truyền hoặc phải ngừng trả lời giới truyền thông.

Thổ Nhĩ Kỳ có còn là nơi trú ẩn an toàn cho người Duy Ngô Nhĩ?

Trước nay Thổ Nhĩ Kỳ luôn là nơi trú ẩn an toàn cho người Duy Ngô Nhĩ, nơi đây có khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ cư trú. Đây là một trong những cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng trong vài năm qua, mọi thứ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi. Trong số 148 người được hỏi, khoảng 80% cho biết họ đã từng gặp phải sự đe dọa tương tự từ chính quyền Trung Quốc. Sau khi thông tin về việc cảnh sát Trung Quốc buộc mọi người phải do thám lẫn nhau được lan rộng, tình bạn của họ đã bị làm cho suy yếu.

BBC chỉ ra, trong một video trên Facebook, một nam thanh niên Duy Ngô Nhĩ dường như đã bị các bạn đồng niên bắt được và đánh đập. Anh này thừa nhận đã hoạt động gián điệp cho ĐCSTQ. Đoạn video đã lan truyền trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và người thanh niên này cũng bị lên án rộng rãi trên Internet.

Vào ngày 30/12/2020 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, người Duy Ngô Nhĩ giương cao biểu ngữ phản đối trước Lãnh sự quán Trung Quốc, yêu cầu được biết về tung tích người thân của họ ở Trung Quốc. (BULENT KILIC/AFP via Getty Images)

Ông Abudrehim Paraç sống ở Istanbul từ năm 2014 cho biết, những câu chuyện tương tự đã chồng chất và đang gây ra ảnh hưởng. Ông nói: "Những người trẻ tuổi bắt đầu tránh xa các cuộc biểu tình và mít tinh của người Duy Ngô Nhĩ. Họ lo lắng rằng những người ở đó có thể là gián điệp. Kế hoạch của [chính quyền] Trung Quốc đang có hiệu quả".

Tiến sĩ Tobin cho rằng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ý thức được vấn đề nhưng lại phản ứng chậm. Ông nói: “Một quốc gia càng phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc thì càng có nhiều khả năng họ sẽ hợp tác với [chính quyền] Trung Quốc hoặc nhắm mắt làm ngơ”.

Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là ngày càng thân thiết với chế độ Bắc Kinh, một số người bắt đầu đặt câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có còn cam kết bảo vệ cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ hay không.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận của BBC.

Bắc Kinh dùng gia đình chồng ở Trung Quốc để đe dọa nhà hoạt động người Mỹ

Bà Julie Millsap là một nhà hoạt động sinh ra ở Mỹ và làm việc trong “Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ” (Uyghur Human Rights Project), một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, D.C.

Bà Millsap cho biết gia đình chồng bà vẫn ở Trung Quốc, họ đã bị cảnh sát sách nhiễu vì công việc của bà có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ.

Chồng bà Millsap là một người dân tộc Hán, họ gặp nhau ở Trung Quốc và chuyển đến thủ đô của Hoa Kỳ vào năm 2020. Sau khi bà Millsap bắt đầu vận động cho người Duy Ngô Nhĩ, cảnh sát Trung Quốc cũng bắt đầu sách nhiễu gia đình chồng bà ở trong nước.

Bà Millsap và chồng cũng nhận được tin nhắn đe dọa từ điện thoại di động của chị dâu. Tin nhắn ám chỉ rằng con cái của bà Millsap có thể sẽ “bị mồ côi".

Bà Millsap cho biết: “Những tin nhắn này trông không giống như chị ấy viết”, bà nghi ngờ rằng cảnh sát ĐCSTQ đã chỉ đạo cho chị dâu gửi chúng.

Gần đây, trong khi chồng bà Millsap đang gọi điện thoại qua video với em gái ở Trung Quốc, đúng lúc đó cảnh sát Trung Quốc tới nhà. Bà Millsap đã đối chất trực tiếp với một trong số những cảnh sát đó và ghi hình lại cuộc gọi.

“Anh ta ấp úng và yêu cầu chúng tôi đừng hiểu sai ý định của anh ta”. Bà cho biết viên cảnh sát nói rằng, do mối quan hệ “tế nhị” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cảnh sát sẽ đến thăm tất cả các gia đình địa phương có người thân là người Mỹ.

Bà Millsap nói rằng, một người Mỹ da trắng và một gia đình người Hán có được mức độ an toàn nhất định mà người Duy Ngô Nhĩ không có.

“Nhưng chúng ta vẫn đang nói về sự quấy rối, đe dọa của cảnh sát, và hiện thực hàng ngày không màu hồng chút nào”, bà chỉ ra.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang cố gắng giải quyết vấn đề này

Vào tháng 3, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ cả hai đảng đã đưa ra “Đạo luật Chính sách Đàn áp Xuyên quốc gia” (Transnational Repression Policy Act). Trong đó liệt kê một loạt các hành vi xâm phạm nhân quyền bao gồm việc đe dọa người nhà ở nước ngoài.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ tạo ra một đường dây điện thoại chuyên dụng để báo cáo các mối đe dọa, có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với kẻ phạm tội.

Bộ Nội vụ Mỹ cho biết, hành vi đe dọa những người bất đồng chính kiến ​​​​ở nước ngoài là "không thể chấp nhận được" và họ đang tiến hành đánh giá nội bộ về cuộc đàn áp xuyên quốc gia.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc dùng người nhà ở trong nước làm 'con tin' để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ xuyên biên giới