Biểu tình bên ngoài hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, người dân đốt cờ máu của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 15/11, một làn sóng biểu tình đã nổ ra bên ngoài nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, Mỹ. Rất nhiều người dân Trung Quốc bị đàn áp bởi sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã biểu tình trên đường phố, bao gồm nhóm người Tân Cương, Tây Tạng và các nhóm nhân quyền khác.

Ngày 15/11 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC. Địa điểm gặp mặt là biệt thự Filoli Estate ở Khu vực Vịnh San Francisco.

Hai bên gặp nhau vào khoảng 11h sáng ngày 15/11 theo giờ miền Tây nước Mỹ và bắt đầu cuộc đàm phán đến khoảng 1h35 chiều.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời nguồn thạo tin cho biết, trước cuộc đàm phán lần này, giới chức Trung Quốc từng đề xuất với phía Mỹ, mong rằng cuộc đàm phán sẽ kéo dài hơn so với lần gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái, tức là hơn 3 tiếng.

Tuy nhiên, cuộc họp thực tế chỉ kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ.

Sau cuộc gặp, ông Biden đã tổ chức họp báo. Gần cuối buổi họp báo, một phóng viên hỏi rằng liệu ông Biden có giữ nguyên tuyên bố trước đó khi gọi ông Tập Cận Bình là độc tài hay không. Ông Biden trả lời: “Ông ấy là một người độc tài, vì ông ấy đang cai trị một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, hình thức của chính quyền đó hoàn toàn khác với chính phủ của chúng ta”.

Vào tháng 6 năm nay, ông Biden lần đầu tiên gọi ông Tập Cận Bình là “độc tài” tại một buổi gây quỹ ở California.

Ngoài ra, người lãnh đạo ĐCSTQ còn vấp phải làn sóng phản đối lớn của công chúng trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này. Vào sáng cùng ngày, có khoảng 500 - 600 nhà hoạt động dân chủ, người thỉnh nguyện và thành viên các nhóm tín ngưỡng đã tập trung ở bên đường, nơi chỉ cách dinh thự Filoli Estate khoảng 3 km, để phản đối sự chuyên quyền và bạo ngược của ĐCSTQ.

Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như “Đả đảo ĐCSTQ” (Take down CCP), “Đả đảo Tập Cận Bình”, “Kết liễu ĐCSTQ” (End CCP), “ĐCSTQ hạ đài”, “Tập Cận Bình hạ đài", v.v. Trong tiếng Trung, nghĩa đen của từ “hạ đài” là bước xuống sân khấu, ở đây hiểu là bước xuống vũ đài chính trị; nghĩa bóng là giao lại chính quyền cho dân.

Trong một video khác, có thể thấy một nhóm người biểu tình giơ biểu ngữ bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC với nội dung: "CCP Virus (virus ĐCSTQ)"; “Chào mừng Tổng gia tốc sư Tập Cận Bình, nhiệm vụ hạ gục ĐCSTQ xin dựa hết vào ông”. "Tổng gia tốc sư” là danh xưng do cư dân mạng đặt cho ông Tập, cũng tức là người thúc đẩy chính, làm tăng tốc khiến con tàu ĐCSTQ lao về vực thẳm.

Vào tối ngày 15/11, những người biểu tình đã kéo đến khách sạn nơi người lãnh đạo ĐCSTQ tổ chức tiệc chiêu đãi các tập đoàn lớn của Mỹ. Nhưng một số con phố gần đó đã bị phong tỏa.

Ông Vương Đan (Wang Dan), một nhà hoạt động dân chủ người Trung Quốc tại Mỹ, một trong những người lãnh đạo sinh viên nổi bật nhất trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cho biết trên tài khoản X cá nhân (@wangdan1989): "Chúng tôi đã đi một vòng lớn nhưng đều không thể đến gần lối vào khách sạn. Thật xấu hổ khi một người muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới nhưng lại sợ hãi người dân như vậy".

Sau đây là một số hình ảnh và video khác:

Vào ngày 15/11/2023, những người biểu tình đã giẫm lên lá cờ máu của ĐCSTQ để phản đối sự bạo ngược của chính quyền này. (GILLES CLARENNE/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, có nhiều người đã biểu tình bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung để phản đối sự chuyên chế của ĐCSTQ. (GILLES CLARENNE/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, một người biểu tình giơ tấm bảng với dòng chữ "Kết liễu ĐCSTQ" (End CCP) và gọi ông Tập Cận Bình là kẻ độc tài (Dictator Xi). (GILLES CLARENNE/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng biểu tình bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung để phản đối sự chuyên chế của ĐCSTQ. (FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, người Duy Ngô Nhĩ biểu tình bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. (FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, những người biểu tình bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nội dung tấm biểu ngữ là "Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung" ở Trung Quốc. (FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, người Tây Tạng biểu tình bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung để phản đối sự chuyên chế của ĐCSTQ, yêu cầu chính quyền này "Chấm dứt giết người Tây Tạng" (Stop Killing Tibetans). (FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)
Vào ngày 15/11/2023, những người biểu tình bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung giơ tấm bảng với nội dung "Nền kinh tế Trung Quốc được xây dựng trên sự diệt chủng"; "Tự do cho Hong Kong, Kết thúc ĐCSTQ". (FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)

Theo The Epoch TimesNTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Biểu tình bên ngoài hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, người dân đốt cờ máu của ĐCSTQ