Tổng thống Biden gặp ông Tập, bàn về loạt vấn đề gây căng thẳng song phương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ 4 (15/11) để bàn về một loạt vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước, bao gồm Đài Loan, nhân quyền và fentanyl.

Trong bài phát biểu trước cuộc gặp, Tổng thống Biden nói rằng ông đã quen biết nhà lãnh đạo Trung Quốc trong khoảng thời gian dài và không phải lúc nào cũng đồng tình với ông ấy, nhưng các cuộc thảo luận giữa họ luôn cởi mở, thẳng thắn và hiệu quả. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề cập đến các vấn đề kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Trung Quốc. “Tất cả những điều này đều là vấn đề nghiêm trọng", ông Tập nói.

Cuộc gặp Biden - Tập kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại San Francisco từ ngày 11 đến ngày 17/11.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Lần cuối cùng họ gặp nhau là bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào tháng 11/2022.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Biden cho biết hai bên đã có cuộc gặp “mang tính xây dựng và hiệu quả nhất”.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý khôi phục các cuộc đàm phán trực tiếp giữa quân đội hai nước mà Trung Quốc đã cắt đứt vào tháng 8/2022 sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đang quay trở lại với việc giao tiếp trực tiếp, cởi mở, rõ ràng... Ông Tập và tôi đồng ý rằng mỗi người trong chúng tôi có thể trực tiếp nhận cuộc gọi và chúng tôi sẽ ngay lập tức lắng nghe lẫn nhau".

Ông Biden cũng tuyên bố rằng hai bên đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực, bao gồm hợp tác để giải quyết vấn nạn fentanyl và các vấn đề về rủi ro và an toàn liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, ông Biden cho biết ông cũng đã bày tỏ quan ngại về một số hành động của Bắc Kinh, bao gồm việc bắt giữ công dân Mỹ ở Trung Quốc, các hành vi vi phạm nhân quyền, và các hoạt động gây hấn ở Biển Đông.

Với việc Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2024, Tòa Bạch Ốc từng bày tỏ lo ngại về nỗ lực can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử ở Đài Loan; Bắc Kinh mong muốn rằng kết quả của cuộc bầu cử là một chính phủ thân thiện với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp báo, Tổng thống Biden cho biết ông đã thảo luận về cuộc bầu cử ở Đài Loan với nhà lãnh đạo Trung Quốc và nhấn mạnh rằng ông không muốn thấy bất kỳ sự can thiệp nào từ phía Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, truyền thông nhà nước đưa ra quan điểm tích cực đối với Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tin tức từ các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc tập trung vào mối quan hệ với Hoa Kỳ và các thỏa thuận song phương đạt được trong cuộc họp.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trung Quốc nói với các phóng viên vào ngày 14/11 rằng: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức thực sự. Đây không phải là điều gì bí mật”. Ông nhắc đến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở thanh niên và cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản - lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. “Tôi muốn nói rằng, tôi nghĩ là chúng tôi cảm thấy hài lòng về bối cảnh mà Hoa Kỳ gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Ông Biden gặp ông Tập, bàn về loạt vấn đề gây căng thẳng
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề Tuần lễ các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Woodside, California, Mỹ, ngày 15/11/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Một phóng viên đã hỏi Tổng thống Biden trong cuộc họp báo sau cuộc gặp như sau: “Sau ngày hôm nay, ngài vẫn gọi Chủ tịch Tập là kẻ độc tài, thuật ngữ mà ngài đã sử dụng vào đầu năm nay chứ?”.

“Ồ, hãy xem, đúng vậy", Tổng thống Biden trả lời. “Ý tôi là ông ấy là một nhà độc tài theo nghĩa ông ấy là người điều hành một đất nước, mà đất nước này lại là một quốc gia cộng sản dựa trên hình thức chính phủ hoàn toàn khác với hình thức chính phủ của chúng ta".

Ông Biden gặp ông Tập, bàn về loạt vấn đề gây căng thẳng
Các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn, ở San Francisco, Mỹ, ngày 14/11/2023. (Ảnh: Zhou Rong/The Epoch Times)

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung đã thu hút nhiều nhà hoạt động đến San Francisco. Những người này mong muốn vạch trần những hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

“Tôi muốn thử tất cả các biện pháp có thể để nói với mọi người về cuộc đàn áp” ở Trung Quốc, cô Jenny Zhang - một học viên Pháp Luân Công, người đã bị đuổi khỏi trường đại học ở Trung Quốc vì không từ bỏ đức tin của mình - cho biết. ĐCSTQ đã bức hại tàn bạo những người tu luyện Pháp Luân Công trong hơn 2 thập kỷ.

Cô Zhang nói thêm rằng rất nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị đưa đến các trại lao động, bị buộc phải làm đồ trang trí Giáng sinh mà có thể sẽ đến tay các hộ gia đình ở Mỹ. Thông qua The Epoch Times, cô kêu gọi người dân Mỹ góp phần vào nỗ lực chấm dứt những hành vi vi phạm nhân quyền này.

Vào khoảng trưa thứ 4 theo giờ địa phương, hàng trăm người biểu tình chỉ trích ĐCSTQ đã tuần hành qua trung tâm thành phố San Francisco, hô vang các khẩu hiệu như “Trả tự do cho Tây Tạng ” và “Trả tự do cho Hong Kong”.

Một lượng lớn các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cũng tập trung bên ngoài khu di tích lịch sử nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Biden - Tập, giương cao các biểu ngữ như “virus ĐCSTQ”. “Đảng Cộng sản, hãy giải thể!”, đôi lúc họ hô vang khẩu hiệu.

Xem thêm:

Bên cạnh họ, những người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh vẫy những lá cờ đỏ của ĐCSTQ.

Các lãnh sự quán Trung Quốc đang trả tiền cho cộng đồng người Hoa hải ngoại để khuyến khích họ tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ ĐCSTQ, chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden gặp ông Tập, bàn về loạt vấn đề gây căng thẳng song phương