Bình luận: Ông Biden không nên gặp ông Tập tại San Francisco

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ gần như không thu được gì từ việc tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và ông Tập - trong khi lại có nhiều điều để mất.

Bài bình luận

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khiến Mỹ gặp bất lợi khi xét về mặt đạo đức cũng như các tính toán thương lượng, ngay cả trước khi cả hai nhà lãnh đạo cùng bước vào phòng họp.

Điều này là rất rõ ràng. Bắc Kinh chính thức phủ nhận tội ác diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ đã được khẳng định, đồng thời yêu cầu chính quyền Biden phải thể hiện “sự chân thành đủ mức” trước khi các cuộc đàm phán diễn ra. Vào ngày 29/10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng “con đường tới hội nghị thượng đỉnh San Francisco sẽ không bằng phẳng”, ngụ ý rằng Washington phải chấp nhận đáp ứng một số yêu cầu nhất định ngay cả trước khi ông Biden gặp ông Tập.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Biden đã cử một loạt các quan chức nội các đến Bắc Kinh, về cơ bản để “cầu xin” sự chấp thuận cho hội nghị thượng đỉnh. Liệu họ đã nhượng bộ những gì, ngoài phẩm giá của người Mỹ? Thống đốc California Gavin Newsom đã đến thăm Bắc Kinh, quảng bá cho một trong những nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc và gặp ông Tập sau khi hứa sẽ không nêu ra các vấn đề nhân quyền.

Chính quyền Biden đã cố gắng hết sức để làm hài lòng ông Tập trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gieo mầm xung đột trên khắp thế giới, bao gồm việc Nga tấn công Ukraine, Hamas tấn công Israel và việc những kẻ buôn lậu ma túy khiến hơn 73.000 người Mỹ chết vì dùng fentanyl quá liều vào năm ngoái. Tiền chất fentanyl chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những cái chết này chỉ là một phần nhỏ trong số 1,1 triệu người Mỹ chết vì COVID-19, trong khi không hề có một cuộc điều tra thích hợp ở Trung Quốc hoặc khoản bồi thường đáng lẽ phải lên tới nhiều nghìn tỷ USD.

Bắc Kinh rõ ràng muốn Tổng thống Biden “giả chết” trong khi ĐCSTQ đang chà đạp Mỹ và các đồng minh một cách công khai. Bắc Kinh đã lừa phỉnh chính quyền Biden trong khi đe dọa các đối tác của Mỹ là Đài Loan và Philippines bằng lực lượng quân sự, đồng thời tham gia mua bán vũ khí và các hoạt động thương mại khác với các quốc gia thuộc “trục ma quỷ” Nga, Iran và Triều Tiên. ĐCSTQ đã trơ tráo coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông và có các hành động chống lại chính người dân của mình, bao gồm cả tội diệt chủng.

Như vậy, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với ông Tập vào thời điểm này trong lịch sử không chỉ là không phù hợp, nó còn tệ hơn thế. Nó nên được coi là hành động đồng lõa với tội phạm. Nó gửi đi một thông điệp rằng ông Tập là một nhà lãnh đạo hợp pháp để hợp tác kinh doanh song phương và rằng Mỹ yếu hơn so với Trung Quốc. Trong những thập kỷ qua, kể cả trong thời kỳ ông Biden làm Phó tổng thống và khi gia đình Biden được cho là đã thực hiện các thương vụ kinh doanh trị giá hàng triệu USD với Trung Quốc, Bắc Kinh đã trở nên mạnh mẽ hơn và độc tài hơn.

Bình luận: Ông Biden không nên gặp ông Tập tại San Francisco
Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Tập Cận Bình tháp tùng Phó Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Joe Biden xem đội danh dự trong buổi lễ chào mừng bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/8/2011. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Sự “chân thành” mà Bắc Kinh yêu cầu Tổng thống Biden trước các cuộc đàm phán có thể bao gồm những nhượng bộ đơn phương bị giấu kín đối với người Mỹ, bao gồm cả về Đài Loan, Biển Đông, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và mở cửa thị trường Mỹ. Tất cả đều là cốt lõi trong việc dịch chuyển quyền lực địa chính trị từ Washington sang Bắc Kinh. Việc nhượng bộ bất kỳ điều nào trong số này sẽ làm tăng sức mạnh của Trung Quốc so với Mỹ, do đó khiến Bắc Kinh dễ dàng có được những nhượng bộ thậm chí còn tai hại hơn trong tương lai.

Bất lợi trên bàn đàm phán

Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ gặp bất lợi trong thương lượng so với Trung Quốc là Tổng thống Biden đang khao khát những thỏa thuận hòa bình quốc tế cấp cao vì cử tri của ông đang khao khát hòa bình. Hòa bình là tốt, nhưng sự tuyệt vọng cho thấy sự yếu đuối.

Các cuộc họp quốc tế hào nhoáng giúp cải thiện hình ảnh của Tổng thống Biden trong lòng cử tri còn đang lưỡng lự, đặc biệt nếu chúng có vẻ sẽ giải quyết được những vấn đề như những thứ ĐCSTQ đã gây ra. Nhưng như đã thấy rõ trong cuộc gặp giữa ông Tập với Tổng thống Barack Obama vào năm 2015, khi ông Tập hứa sẽ ngừng tấn công mạng và máy tính của Mỹ và không quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông “của ông”, lời hứa của ông Tập không đáng tin. Rõ ràng ông đã vi phạm thỏa thuận Biển Đông vào năm 2016 và thỏa thuận tấn công mạng và máy tính vào năm 2018. Những vi phạm này xảy ra mà không để lại hậu quả gì - và dưới sự giám sát của Tổng thống Biden với tư cách là Phó tổng thống Mỹ. Mỹ gần như không thu được gì từ việc tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và ông Tập - trong khi lại có nhiều điều để mất.

Ông Tập không chịu ơn cử tri và do đó không có những ràng buộc về dân chủ, bao gồm cả nhu cầu thể hiện sự tiến bộ hướng tới hòa bình. Do đó, ông ấy có lợi thế thương lượng khi tham gia vào các cuộc đàm phán, thứ sẽ càng gia tăng trong quá trình đàm phán. Khi đã vào phòng họp, Tổng thống Biden sẽ càng tuyệt vọng tìm kiếm một thỏa thuận để ông không trở thành một kẻ ngu ngốc.

Chính quyền Biden sẽ lập luận rằng “hợp tác” và “đàm phán” với một “đối thủ” luôn tốt. Nhưng ĐCSTQ nên được coi là một thực thể “tội phạm” và “kẻ địch” của Mỹ chứ không phải là đối thủ cạnh tranh. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới che giấu sự thật này và tôn vinh một người đàn ông đáng lẽ phải bị giam giữ vì lợi ích của chính Trung Quốc và thế giới.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Ông Biden không nên gặp ông Tập tại San Francisco