Bình luận: Đang có một 'dòng chảy ngầm' ở Trung Nam Hải

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Lưỡng Hội" Trung Quốc, được dự kiến ​​​​tổ chức vào đầu tháng 3, đang đến gần. Trong bối cảnh đó, các quan chức cấp cao, bao gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… đã báo cáo công việc cá nhân với lãnh đạo đảng Tập Cận Bình. Các chuyên gia cho rằng việc báo cáo này chỉ là hình thức, thực tế đây là cách ông Tập tăng cường giám sát chính trị đối với các quan chức cấp cao xung quanh mình, và đang có một dòng chảy ngầm trong cục diện chính trị ở Trung Quốc.

"Lưỡng Hội" là cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng, kỳ họp “Lưỡng Hội” năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 4/3 và 5/3.

Hôm 26/2, các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin, các quan chức cấp cao gần đây đã nộp “báo cáo công tác bằng văn bản” cho ông Tập Cận Bình. Những người này bao gồm các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ủy viên Bộ Chính trị, thành viên đảng tổ của Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc vụ viện (Chính phủ), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao.

Theo thông lệ, nhóm quan chức cấp cao nhất này thường tổ chức cuộc họp Bộ Chính trị mỗi tháng một lần, còn Ban Thường vụ Bộ Chính trị có thể tổ chức họp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình củng cố hoàn toàn quyền lực tại Đại hội 19, ông này đã bổ sung thêm một cuộc họp báo cáo đặc biệt để xem xét biểu hiện làm việc của các quan chức xung quanh.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các quan chức cấp cao lần đầu tiên gửi báo cáo công việc bằng văn bản cho ông Tập Cận Bình là vào tháng 3/2018, sau đó là các lần báo cáo vào tháng 2/2021, tháng 2/2022, tháng 3/2023 và tháng 2/2024.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 27/2 rằng, lần đầu tiên các ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương được yêu cầu nộp báo cáo công tác cho ông Tập Cận Bình là vào năm 2018, nhưng đến năm 2021, phạm vi các quan chức phải nộp báo cáo đã được mở rộng. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình không cảm thấy yên tâm về các quan chức cấp cao nhất và muốn tăng cường kiểm soát chính trị.

Ông Vương cũng cho rằng, việc yêu cầu các quan chức cấp cao nộp báo cáo công việc cá nhân là một thủ đoạn để ông Tập kiểm soát họ về mặt chính trị. Năm 2019, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập Cục Mật vụ để giám sát các cá nhân bên cạnh ông Tập. Ông Tập sợ rằng họ sẽ hợp lực làm phản.

Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà bình luận thời sự Trung Quốc sống ở Canada, nói với The Epoch Times vào ngày 27/2 rằng, việc ông Tập Cận Bình yêu cầu 7 ủy viên Ban Thường vụ nộp báo cáo công việc cá nhân bằng văn bản xuất phát từ tâm lý cho rằng bản thân là ‘đế vương’ của ông này, "Có cảm giác như phê duyệt tấu chương”.

Bà Thịnh cho rằng, cái gọi là báo cáo công việc hay những cách thể hiện lòng trung thành khác cũng chỉ là hình thức. Khi ông Mao Trạch Đông tập trung toàn bộ quyền lực về tay, Trung Quốc đã trải qua hàng loạt thảm họa, trong đó có Nạn đói lớn và Cách mạng Văn hóa, nếu bây giờ ông Tập Cận Bình lại làm như vậy, thảm kịch mấy chục năm trước có thể sẽ lặp lại.

Trong buổi họp vừa qua, ông Tập Cận Bình đã xem xét báo cáo và đưa ra "yêu cầu quan trọng", nhấn mạnh rằng năm nay là kỷ niệm 75 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết lập chính quyền, phải làm tốt "Hai bảo vệ”, v.v.

“Hai bảo vệ” là khẩu hiệu chính trị được đưa ra vào tháng 9/2018, bao gồm:

  • "Kiên quyết bảo vệ địa vị nòng cốt trong Trung ương Đảng và toàn Đảng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình";"
  • Kiên quyết bảo vệ quyền uy và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng".

Bà Thịnh Tuyết cho rằng ông Tập Cận Bình đặc biệt thích nghe những lời ca tụng nên các quan chức cũng chỉ có thể báo cáo những điều tốt đẹp, nếu không sẽ vừa khó giữ được mũ quan, lại còn có thể chiêu mời họa diệt thân.

Theo ông Vương Hách, đằng sau sự phục tùng ở bề mặt này là một dòng chảy ngầm chính trị: "Mọi người (các quan chức) đều nhìn ra tình hình hiện tại, không ai ngu ngốc cả. Họ đều âm thầm hoạt động, âm mưu loại bỏ Tập Cận Bình, cho nên đây là sự phục tùng trên bề mặt và chờ đợi thời cơ".

Lần báo cáo công việc này cũng diễn ra trong bối cảnh chính trị bất thường: Phiên họp toàn thể lần thứ ba (Hội nghị Trung ương 3) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục bị trì hoãn; các ủy viên trung ương Tần Cương và Lý Thượng Phúc đã lần lượt bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng nhưng chưa bị xử lý thêm; cuộc thanh trừng lớn trong quân đội cũng vẫn chưa dừng lại.

Ông Vương Hách cho rằng hiện nay có quá nhiều bất bình trong giới quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu tình trạng này tiếp diễn, ông Tập Cận Bình có thể sẽ không tại vị được lâu.

Còn bà Thịnh Tuyết cho rằng, Bắc Kinh đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và không tìm được lối thoát, kết quả là xã hội ngày càng bất ổn, và sự bất ổn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đang có một 'dòng chảy ngầm' ở Trung Nam Hải