Hội nghị Trung ương 3 có ý nghĩa gì? Tại sao Trung Quốc liên tục trì hoãn mở họp?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông lệ, Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 đáng ra phải được tổ chức vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm ngoái nhưng cho đến nay, ngày họp vẫn chưa được ấn định. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của đảng này, thời gian tổ chức Hội nghị Trung ương 3 vượt ngoài kế hoạch.

Hội nghị Trung ương là gì?

Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (thường được gọi tắt là Đại hội Đảng) được tổ chức 5 năm một lần và sẽ xuất hiện Ủy ban Trung ương khóa mới. Trong 5 năm này, Ủy ban Trung ương sẽ tổ chức tổng cộng 7 hội nghị trung ương, mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất một lần.

Hội nghị trung ương là những cuộc họp kín và kéo dài trong vài ngày. Sau cuộc họp, Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - sẽ công bố các quyết định được đưa ra tại hội nghị.

Đại hội 20 của ĐCSTQ đã được tổ chức vào tháng 10/2022. Trong Hội nghị Trung ương 1 (hay còn được gọi là Phiên họp Toàn thể lần thứ nhất) vào ngày 23/10 cùng năm, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Sự kiện này đã phá vỡ thông lệ người lãnh đạo không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ.

Tại Hội nghị Trung ương 2 được tổ chức vào tháng 2/2023, một trong những nội dung chính là thông qua nhân sự các vị trí lãnh đạo quan trọng trong Quốc vụ viện (Chính phủ), Nhân Đại (Quốc hội) và Chính Hiệp (Mặt trận) của nước này.

Các đại biểu vỗ tay khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị có bài phát biểu trong Lễ khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 16/10/2022 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)

Hội nghị Trung ương 3 có ý nghĩa gì?

Hội nghị Trung ương 3 của Bắc Kinh thường là phiên họp được thế giới bên ngoài chú ý nhất, vì chương trình nghị sự trong cuộc họp này sẽ quyết định trọng tâm công tác của ban lãnh đạo khóa mới, đặc biệt là định hướng chính sách kinh tế.

Các quyết sách trọng đại hoặc mang tính bước ngoặt về cải cách kinh tế thường được đưa ra trong phiên họp này. Ví như Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 11 năm 1978 là sự kiện đánh dấu mốc mở đầu cho cải cách, mở cửa ở Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những cơn phong ba, nền kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng. Vậy nên, việc Hội nghị Trung ương 3 không được tổ chức như dự kiến khiến ngoại giới không khỏi lo lắng và đưa ra các suy đoán.

Tại sao Bắc Kinh liên tục trì hoãn? Các chuyên gia chỉ ra 2 nguyên nhân chính

1. Do vấn đề kinh tế

Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc cho rằng, sau khi lên nắm quyền, người lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cố gắng thâu tóm quyền lực và trở thành một nhà độc tài nắm quyền sinh tử. Bây giờ ông này lại tiếp tục không tuân thủ một số quy tắc do ĐCSTQ đặt ra trước đây, chẳng hạn như thời gian triệu tập một số cuộc họp quan trọng.

Thông thường, Hội nghị Trung ương 3 sẽ được tổ chức vào cuối năm để xây dựng một số chủ trương lớn, đặc biệt là một số chính sách kinh tế. Huống hồ là hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang cần có sự điều chỉnh. Có thể ông Tập thực sự đã gặp phải vấn đề nan giải; vừa muốn cái này vừa muốn cái kia, cái gì cũng muốn nhưng hiện giờ ông này không thể giải quyết được nhiều vấn đề như thế. Một trong số đó là cuộc khủng hoảng bất động sản.

Bắc Kinh sẽ quốc hữu hóa những gã khổng lồ bất động sản nợ nần thành doanh nghiệp nhà nước, evergrande trung quốc
Trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc chụp ngày 14/9/2021. Evergrande đã đối mặt với khủng hoảng nợ suốt 2 năm qua và là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Evergrande cuối cùng đã bị Tòa án Cấp cao Hong Kong ra lệnh thanh lý vào ngày 29/1/2024. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Ông Phùng cho rằng nếu khủng hoảng bất động sản thực sự khiến chính quyền các địa phương phá sản, họ sẽ phải phát hành thêm tiền tệ và trái phiếu chính phủ, nhưng điều này sẽ gây ra lạm phát. Vì vậy, hiện giờ ông Tập Cận Bình muốn cứu nhưng không cứu được, muốn buông tay cũng không dám buông.

Ngành bất động sản là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống của ĐCSTQ, ngành xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, các công ty bất động sản lớn của nước này đã liên tiếp vỡ nợ. Nợ nần chồng chất cộng với việc thị trường bất động sản trì trệ đã khiến cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu lan sang hệ thống tài chính.

Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc cũng liên tục lao dốc. Để thúc đẩy niềm tin với thị trường vốn và cứu thị trường chứng khoán, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách tài chính nhưng không mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, vốn nước ngoài cũng đã và đang tháo chạy khỏi Trung Quốc trên quy mô chưa từng có. ĐCSTQ thậm chí còn nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài, nhưng trong số vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023, có hơn 75% đã rời khỏi Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu đã bán tháo số cổ phiếu trị giá hơn 25 tỷ USD. Cũng trong quý III năm ngoái, các nhà đầu tư đã rút 12 tỷ USD khỏi Trung Quốc.

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, từng nói với The Epoch Times rằng, việc bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm (vào ngày 5/12 và 6/12/2023) cũng sẽ khiến số lượng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh, vốn quốc tế sẽ tăng tốc tháo chạy khỏi Trung Quốc, vì họ không còn lạc quan về triển vọng của nước này.

Bloomberg chỉ ra rằng dưới thời ông Tập Cận Bình, các thông lệ của ĐCSTQ đã bị phá vỡ nhiều lần: “Sự không minh bạch của đảng cầm quyền ở Trung Quốc đã trở thành một mối lo của các nhà đầu tư. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, việc này có thể sẽ làm suy yếu những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng cường niềm tin của ngoại giới vào nền kinh tế của nước này”.

Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) gần đây chỉ ra trên nền tảng X rằng: “Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ chủ yếu là nhằm vạch rõ phương hướng phát triển kinh tế, việc trì hoãn tổ chức có nghĩa là ông Tập Cận Bình chưa tìm ra ‘linh đan diệu dược’ để giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế, chỉ dựa vào việc hô hào khẩu hiệu và nói khoác thì không thu hút vốn đầu tư nước ngoài được, cũng không kích thích tiêu dùng và cải thiện thị trường chứng khoán được. Ngoài ra, cuộc thanh trừng các tướng lĩnh trong quân đội vẫn đang tiếp diễn”.

2. Do vấn đề nhân sự cấp cao

Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý vì có thể liên quan đến cách xử lý nhiều ủy viên trung ương, trong đó có cựu Ngoại trưởng Tần Cương và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.

Ông Tần Cương (trái: Michele Tantussi/Getty Images) và ông Lý Thượng Phúc (phải: Roslan Rahman/AFP/Getty Images).

Theo thông lệ của ĐCSTQ, chính quyền cần triệu tập một phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương để xác nhận việc loại bỏ họ khỏi vị trí Ủy viên Trung ương.

Ngoài ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc, những người đã bị miễn chức khác như cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu, cựu Chính ủy Lực lượng Tên lửa Từ Trung Ba, và một tướng lĩnh khác được cho là đang bị điều tra - Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược Cự Càn Sinh cũng là Ủy viên Trung ương khóa 20.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times hồi đầu tháng này rằng, gần đây, đã có rất nhiều sự thay đổi nhân sự trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ và cũng có nhiều tin đồn về bố trí nhân sự cấp cao. Việc Hội nghị Trung ương 3 chưa thể tổ chức cho thấy chắc chắn có sự hỗn loạn đáng kể trong giới lãnh đạo chóp bu.

Ông Hồ nói rằng, chính quyền Trung Quốc chưa từng đưa ra lời giải thích về vụ ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc, cũng như việc hai quan chức này đã bị xử lý như thế nào. Những người này đều do chính ông Tập Cận Bình đề bạt, chắc hẳn hiện nay nội bộ ĐCSTQ đang khá căng thẳng.

Rộ tin người đứng đầu cơ quan phụ trách an ninh cho ông Tập sẽ bị thay thế

Mới đây chính trường Trung Quốc lại rộ lên thông tin Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng sẽ thay thế ông Thái Kỳ phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng.

Tờ The Straits Times của Singapore dẫn lời nguồn tin phân tích rằng, nếu quả thực vậy, ông Vương sẽ đồng thời nắm giữ hai lực lượng chuyên trách an ninh cho các lãnh đạo cấp cao nhất trong ĐCSTQ - Cục Mật vụ thuộc Bộ Công an và Cục Cảnh vệ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.

Tin tức ông Vương Tiểu Hồng đảm nhận vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã được lan truyền ngay từ sau Đại hội 20, tuy nhiên kết quả là ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã ngồi vào vị trí đó.

Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng trong một cuộc họp ở Bắc Kinh vào ngày 30/1/2024. (NG HAN GUAN/POOL/AFP via Getty Images)

Ngoài ra trước đây một thời gian còn có tin Bí thư Khu ủy Tân Cương Mã Hưng Thụy sẽ được điều chuyển về vị trí này vì có mối quan hệ thân thiết với bà Bành Lệ Viên - phu nhân của ông Tập Cận Bình; nhưng tin tức ông Vương Tiểu Hồng sẽ thay thế ông Thái Kỳ được cho là đáng tin hơn. Nhà bình luận thời sự Từ Khách (Xu Ke) mới đây đăng bài trên tờ The Epoch Times và chỉ ra ba lý do:

Đầu tiên, tại Đại hội 20, ông Vương Tiểu Hồng đã được bổ nhiệm làm một trong những Bí thư của Ban Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng luôn do Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương kiêm nhiệm. Việc ông Vương Tiểu Hồng nằm trong hàng ngũ Ban Bí thư Trung ương có thể là bước mở đầu cho con đường đảm nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng trong tương lai của ông này.

Thứ hai, khi Tập Cận Bình làm lãnh đạo ở tỉnh Phúc Kiến trong những năm đầu, ông Vương Tiểu Hồng chính là cảnh vệ của ông Tập. Có thông tin rằng lúc đó ông Vương sống ở tầng dưới nhà ông Tập, vì bà Bành Lệ Viên không ở Phúc Kiến nên khi đi công tác ông Tập thường gửi con gái của mình là Tập Minh Trạch đến ở nhà của ông Vương. Điều này cho thấy ông Tập rất tin tưởng ông Vương. Ông Vương Tiểu Hồng cũng có nhiều kinh nghiệm hơn ông Thái Kỳ trong vấn đề bảo đảm an ninh ở tuyến đầu và dùng bạo lực để duy trì sự ổn định.

Thứ ba, ông Vương Tiểu Hồng gần đây còn tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến công du đến Việt Nam vào ngày 12/12 và 13/12 năm ngoái; đi cùng còn có ông Thái Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Điều này đã phá vỡ thông lệ Bộ trưởng Công an không tháp tùng lãnh đạo trong các chuyến thăm nước ngoài. Có thể thấy rằng đã có sự bố trí, trải đường để ông Vương Tiểu Hồng tiếp quản Văn phòng Trung ương Đảng và đảm bảo an ninh cho ông Tập, còn ông Thái Kỳ chỉ là người tạm thời. Tình huống này hơi giống khi ông Tần Cương bị cách chức, ông Vương Nghị lại trở về tạm thời giữ chức ngoại trưởng.

Ông Tập Cận Bình (giữa) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) cùng ông Thái Kỳ (trái) tham dự cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (không có trong ảnh) tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 13/12/2023. (NHAC NGUYEN/POOL/AFP via Getty Images)

Nếu ông Vương Tiểu Hồng được bố trí để tiếp quản Văn phòng Trung ương Đảng vào thời điểm này, có thể là do ông Tập đang cảm thấy không an toàn và lo lắng rằng ‘quan văn’ Thái Kỳ không thể bảo vệ cho mình một cách hiệu quả. Vào tháng 8 năm ngoái, sau khi ông Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, ông này đã không trực tiếp trở về Bắc Kinh mà tới Tân Cương để khảo sát. Khi đó, ông Trần Văn Thanh - Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Trung Quốc, và Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng đã đến Urumqi để “nghênh giá” và chịu trách nhiệm về an ninh trong toàn bộ chuyến đi.

Nếu ông Vương Tiểu Hồng thay thế ông Thái Kỳ làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, “cán dao” (ý chỉ hệ thống chính trị và pháp luật) sẽ càng có lực sát thương hơn trong cuộc xung đột nội bộ của ĐCSTQ.

Nhà bình luận Từ Khách còn cho rằng, sau khi nhậm chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ông Vương Tiểu Hồng có thể sẽ không chuyển giao quyền lực trong cơ quan công an. Ngay cả khi ông này không còn là Ủy viên Quốc vụ và Bộ trưởng Công an thì Bộ Công an cũng đã trở thành “đội quân nhà họ Vương” sau 3 năm bị thanh trừng vừa qua. Khi đó, trên thực tế cả Cục Cảnh vệ Trung ương - cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh hoặc giám sát các lãnh đạo cấp quốc gia, và Cục Mật vụ thuộc Bộ Công an - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các phó lãnh đạo cấp quốc gia đều sẽ nằm trong tay ông Vương Tiểu Hồng.

Ông Thái Kỳ và ông Vương Tiểu Hồng đều thuộc “bang Phúc Kiến”. Ông Thái Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền, xây dựng đảng, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia; kể từ khi nắm giữ Văn phòng Trung ương Đảng, quyền thế của ông Thái Kỳ đã lấn át nhân vật số hai trong ĐCSTQ - Thủ tướng Lý Cường. Từng có nhà phân tích cho rằng, nếu ông Tập Cận Bình đột ngột qua đời, ông Thái Kỳ có thể dùng thân phận “tổng quản đại nội” của mình để phong tỏa Trung Nam Hải, sau đó “giả truyền thánh chỉ” để đoạt quyền bính trong đảng, chính quyền và quân đội, khiến ông Lý Cường và những người khác không thể chống trả.

Nếu sau đây ‘quan võ’ Vương Tiểu Hồng, người có tính cách hung hãn hơn ông Thái Kỳ, ngồi vào ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ông Thái Kỳ sẽ bị tước vũ khí. Đây có thể là tính toán của chính ông Tập Cận Bình, đó là lợi dụng sự cân bằng quyền lực giữa những thân tín của mình để ngăn chặn ai đó trở nên quyền lực hơn và quay lại ‘cắn trả’ ông ta.

Tuy nhiên, đối với ông Tập, ông Vương Tiểu Hồng cũng có thể là Prigozhin phiên bản Trung Quốc trong cục diện hỗn loạn ở Trung Nam Hải.

Tất nhiên, các bố trí nhân sự ở cấp cao của ĐCSTQ vẫn còn là ẩn số. Do ông Tần Cương và những Ủy viên Trung ương khác chưa bị xử lý nên các Ủy viên Dự khuyết sẽ không thể lên thay thế được. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, quyền lực của ông Tập sẽ ngày càng tiêu tán, nội bộ đảng có thể sẽ xảy ra biến cố. Vậy Bắc Kinh sẽ trì hoãn Hội nghị Trung ương 3 đến bao giờ?

Dự đoán thời gian tổ chức Hội nghị Trung ương 3

Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng, kỳ họp “Lưỡng Hội” năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 4/3 và 5/3. “Lưỡng Hội” là cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội).

Ông Hồ Bình cho rằng, rất có thể Hội nghị Trung ương 3 sẽ được tổ chức sau kỳ họp “Lưỡng Hội”, nếu vậy thì điều này sẽ gây ra sự hỗn loạn hơn nữa trong nội bộ ĐCSTQ.

Còn ông Thái Thận Khôn cho rằng: “Tháng 2 là tháng Tết cổ truyền nên sẽ không thể triệu tập các ủy viên trung ương tới Bắc Kinh được. Tháng 3 là thời điểm diễn ra kỳ họp ‘Lưỡng Hội’ thường niên nên cũng không thể tổ chức Hội nghị Trung ương 3 được. Do đó, ước tính một cách thận trọng thì phiên họp này sẽ bị hoãn sang quý II năm nay”.

Minh Lý tổng hợp

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Hội nghị Trung ương 3 có ý nghĩa gì? Tại sao Trung Quốc liên tục trì hoãn mở họp?