Vì sao Trung Quốc chưa ấn định thời gian Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 BCH TW khoá 20?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 31/1, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức cuộc họp của Bộ Chính trị, nội dung chủ yếu là nghiên cứu học tập tư tưởng Tập Cận Bình, chứ không đề cập đến thời gian tổ chức Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20.

Chúng ta biết rằng, theo lịch trình thì ĐCSTQ nên tổ chức Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 vào tháng Chín hoặc tháng Mười năm ngoái - 2023. Hiện nay thời gian đã bị lùi lại hơn 4 tháng. Vì sao lại như vậy?

Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 1/2, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận về vấn đề này như sau.

Cuộc họp này vẫn không đề cập đến thời gian mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20. Trong thông cáo của các phương tiện truyền thông ĐCSTQ có đề cập đến câu 'hội nghị còn nghiên cứu các hạng mục công việc khác'. Thông thường, 'các hạng mục công việc khác' liên quan đến việc sắp xếp nhân sự. Nhưng việc này liệu có liên quan đến việc thăng chức ông Lưu Kiến Siêu thành Bộ trưởng Ngoại giao hay không vẫn là một dấu chấm hỏi.

Nhưng vốn dĩ Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 lần này liên quan đến cựu Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị miễn chức là hai ông Tần Cương và Lý Thượng Phúc.

Theo thông lệ của ĐCSTQ thì các quan chức Uỷ viên Trung ương bị ngã ngựa phải thông qua Uỷ ban Trung ương xác nhận, sau đó cắt chức Uỷ viên Trung ương. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng mới là ông Đổng Quân vừa không phải là Uỷ viên Quốc vụ, vừa không phải Uỷ viên Quân uỷ Trung ương. Điều này đã phá vỡ thông lệ về việc nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, tức là chức vụ trong đảng và chức vụ trong chính phủ bị rối loạn. Những sự việc này đúng ra phải được giải quyết trong Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20.

Nhưng hiện nay ông Tập Cận Bình dường như không muốn nghĩ về vấn đề này. Ông Tập không muốn giải quyết cũng không đưa ra bất cứ lời giải thích về vấn đề này cho ngoại giới.

Ngoài ra, hiện nay vấn đề kinh tế của Trung Quốc khá nghiêm trọng, cho nên ông Tập không muốn mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20. Bởi vì thông thường Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương có nhiệm vụ đưa ra những quyết sách quan trọng để phát triển/cải cách kinh tế.

Chúng ta biết rằng, Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 11 là Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương nổi tiếng nhất, bởi vì phiên họp ấy mở màn cho việc Trung Quốc cải cách mở cửa. Cho nên mỗi Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương đều thảo luận về vấn đề kinh tế.

Nhưng hiện nay ông Tập phát hiện rằng, vấn đề kinh tế giải quyết không được cho nên dứt khoát không muốn giải quyết.

Cách đây không lâu, vào ngày 29/1, Toà án Tối cao Hong Kong đã ra lênh thanh lý tập đoàn bất động sản Evergrande. Lần này, người phụ trách việc thanh lý phá sản của Evergrande tại Hong Kong là công ty luật Alvarez & Marsal (A&M) - công ty từng phụ trách thanh lý ngân hàng Lehman Brothers. A&M đánh giá, nếu thanh lý Evergrande thì trong số nợ của Evergrande chỉ thu lại được 3,4 %.

Giáo sư Chương khi ấy đã nhìn nhận, ngành bất động sản Trung Quốc sắp sụp trong năm nay, hơn nữa các tập đoàn bất động sản sẽ nối tiếp nhau mà sụp đổ.

Ngày 30/1, tờ ‘Tài chính số một’ đăng thông tin rằng, Greenland Holdings đã lỗ sơ bộ từ 7 tỷ đến 9 tỷ NDT trong năm 2023.

Greenland Holdings giải thích rằng, bất động sản toàn quốc hiện nay không tốt. Để có thêm vốn, họ đã ép nhân viên và quản lý mua cổ phiếu của công ty. Sau khi mua cổ phiếu, nhân viên phát hiện cổ phiếu không thể mua bán được. Ví dụ như, nhân viên mua 100 nghìn cổ phiếu, mỗi cổ phiếu giá 3 NDT. Sau đó họ phát hiện rằng, cổ phiếu này không bán được, hơn nữa lại giảm từ 3 NDT xuống còn 1 NDT. Nếu công ty mua lại thì công ty chỉ trả 1 NDT/cổ phiếu. Điều này không khác gì việc công ty cướp tiền của nhân viên. Vì điều này mà nhân viên của Greenland Holdings đã kiện công ty ra toà.

Hiện nay chúng ta thấy các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sinh tồn rất khó khăn. Để xoay vòng vốn, các công ty bất động sản phải bán bất động sản. Trước đây, ở các địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp để giá nhà đất không giảm. Nhưng vì thị trường bất động sản không tốt, cho nên Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn cho phép các địa phương tự quyết định chính sách mua bán bất động sản. Ở thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) còn cho phép nhà phát triển bất động sản giảm giá, hơn nữa không hạn chế biên độ (giảm).

Trong quá trình này sẽ dẫn đến một làn sóng hạ giá bất động sản. Mà bất động sản là tài sản thế chấp của doanh nghiệp bất động sản. Khi bất động sản giảm, để ngân hàng tránh nợ xấu thì họ ép các doanh nghiệp phải bán bất động sản càng sớm càng tốt. Mà bất động sản lại đang giảm, điều này khiến ngành ngân hàng gặp vấn đề.

Khi bất động sản sụp đổ sẽ khiến các công ty quản lý tài sản sụp đổ, hơn nữa ở lĩnh vực tài chính sẽ dâng trào một trận đại hồng thuỷ cấp độ 'Con thuyền Noah' càn quét thị trường.

Bất động sản giảm đã làm mất đi hy vọng của tất cả mọi người. Tầng lớp trung lưu thì không cần phải nói, bởi vì họ mượn tiền mua nhà. Ví dụ như, họ mua một ngôi nhà trị giá 1 triệu NDT, nhưng hiện nay nhà chỉ bán được với giá 600 nghìn NDT. Điều này tương đương với việc, họ đã mất 40 nghìn NDT. Hơn nữa, hiện nay kinh tế Trung Quốc khó khăn, họ không dễ kiếm việc.

Còn tầng lớp thượng lưu cũng rơi vào cảnh 'người giàu cũng khóc'. Người có tiền thì lấy tiền đầu tư hoặc đưa cho những công ty tín thác để quản lý tài sản. Nhưng những công ty tín thác cũng đầu tư vào bất động sản. Cho nên khi bất động sản giảm giá sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính. Zhongzhi Trust là một ví dụ rất điển hình.

Một thông tin đáng quan tâm nữa là vào ngày 31/1, Bloomberg đăng bài viết với tiêu đề: 'Trung Quốc sáp nhập hàng trăm ngân hàng nông thôn khi rủi ro tài chính gia tăng'.

Vì sao phải sáp nhập các ngân hàng nông thôn? Như đã trình bày ở trên, bất động sản sụp đổ ảnh hưởng rất lớn đến ngân hàng. Khi ngân hàng có nguy cơ không thu hồi vốn, thì người gửi tiền có xu hướng rút tiền để tránh bị mất trắng. Mà các ngân hàng nhỏ ở nông thôn có vốn nhỏ, cho nên chúng dễ dàng không trụ được trước những đợt rút tiền của người gửi. Cho nên, Trung Quốc mới sáp nhập các ngân hàng nhỏ lại với nhau để tận dụng tiền vốn giữa các ngân hàng. Nhưng điều này cũng cho thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính sắp diễn ra ở Trung Quốc.

Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Trung Quốc chưa ấn định thời gian Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 BCH TW khoá 20?