Nhân vật thân cận nhất của ông Tập Cận Bình liệu có thoát kiếp nạn thanh trừng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin "Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương Trung Quốc là ông Trương Thăng Dân đã xảy ra chuyện vào ngày 16 tháng 9" được lan truyền trên mạng, làm dấy lên sự chú ý và thảo luận sôi nổi. Thế rồi bất ngờ, nguồn tin tương tự gần đây đã đính chính rằng vị trí của ông Trương Thăng Dân rất ổn định. Có điều ông Trương đã “mất tích” kể từ khi tin đồn về ông xảy ra chuyện được lan truyền, và việc ông có bình an vô sự hay không cũng khiến mọi người thật khó biết rõ đầu đuôi.

Ông Trương Thăng Dân hôm 19/5 đã tham gia hội nghị giáo dục theo chủ đề "Tư tưởng Tập" do quân đội Trung Quốc tổ chức. Các báo cáo chính thức của Trung Quốc cho thấy Hội nghị lần này còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quân ủy Hà Vệ Đông và Ủy viên Quân ủy Miêu Hoa. Một phó chủ tịch khác của Quân ủy Trung ương khác là ông Trương Hựu Hiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc Lưu Chấn Lập đều vắng mặt.

Trước đó, có thông tin rằng ông Lý Thượng Phúc đã xảy ra chuyện, sự vắng mặt của lần này của ông Lý dường như càng xác nhận điều đó. Ông Trương Hựu Hiệp và ông Lưu Chấn Lập đều vì vắng mặt trong một hội nghị quan trọng mà cũng bị nghi đã “xảy ra chuyện”. Đây là hiện tượng hiếm gặp trong giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc kể từ hạ tuần tháng 7 đến nay.

Điều khác biệt là ông Trương Thăng Dân không hề vắng mặt trong các phiên họp gần đây. Thế nhưng một tin đồn chưa được kiểm chứng đã ngay lập tức khiến ông trở nên "nổi tiếng", điều này có thể liên quan đến thân phận quan trọng và nhạy cảm của ông.

Ông Trương Thăng Dân xuất thân từ Lực lượng Tên lửa, thời điểm hiện tại, ông không chỉ giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương Trung Quốc, mà còn kiêm chức Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông là người duy nhất đạp chân trên hai thuyền giữa hai nhánh quân đội và đảng, đây là điều chưa từng có.

Ông Trương Thăng Dân nắm giữ quyền hành “đả hổ" trong quân đội và chịu trách nhiệm bắt giữ người trong quân đội. Nếu ông ta thật sự xảy ra chuyện, vậy ai sẽ đưa ông ấy đi? Đây chắc chắn là một điểm thú vị. N

Ông Tập Cận Bình có sự ưu ái đặc biệt đối với ông Trương Thăng Dân. Vào năm 2017, ông Tập đã giúp ông Trương được cả thế giới biết đến.

Chiều ngày 2 tháng 11 năm 2017, ông Tập Cận Bình, người tái đắc cử tại Đại hội 19, đã cử hành long trọng tổ chức nghi thức phong quân hàm Thượng tướng cho ông Trương Thăng Dân. Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là ông Hứa Kỳ Lượng đã tuyên đọc lệnh thăng quân hàm Thượng tướng do ông Tập ký. Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là ông Trương Hựu Hiệp chủ trì buổi lễ. Ông Tập Cận Bình đã đích thân trao bằng khen cho ông Trương Thăng Dân. Ông Trương trở thành người đầu tiên được thăng cấp tướng trong nhiệm kỳ mới của ông Tập sau Đại hội 19. Sự thăng tiến đặc cách của ông Trương đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ thế giới bên ngoài.

Mấy thập kỷ trước khi ông Tập lên nắm quyền, thông lệ thăng quân hàm Thượng tướng của Quân ủy Trung Quốc thường yêu cầu thời gian 4 năm để được thăng cấp trung tướng và 2 năm để giữ chức tướng lĩnh cấp quân khu cơ bản, ngoài ra còn phải cân nhắc các yếu tố khác trước khi lựa chọn và thăng cấp. Sau khi ông Tập lên nắm quyền đã liên tục “phá lệ”, người được thăng quân hàm Trung tướng chỉ sau 2 hoặc 3 năm đã được thăng lên quân hàm Thượng tướng. Tuy nhiên, ông Trương lại là trường hợp đặc biệt trong số những trường hợp đặc biệt, chỉ sau 1 năm được thăng cấp Trung tướng, ông đã được thăng lên quân hàm Thượng tướng, điều này có thể nói là chưa từng có trong lịch sử quân đội Trung Quốc.

Điều thu hút nhiều sự chú ý là trong nhiệm kỳ của ông Tập là buổi lễ tấn phong thường được tổ chức cho nhiều người trong cùng một lúc. Vào tháng 7 năm 2017, trước Đại hội 19, ông Tập đã thăng quân hàm Thượng tướng cho 5 người, trong đó có ông Hàn Vệ Quốc - khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương. Việc tổ chức lễ thăng chức cho riêng một người, trước ông Trương Thăng Dân chỉ có 1 lần duy nhất, chính là vào tháng 11 năm 2012, khi thăng quân hàm Thượng tướng cho ông Ngụy Phượng Hòa - khi đó là Tư lệnh Lực lượng Pháo binh số 2 (tiền thân của Lực lượng Tên lửa).

Được đặc cách đề bạt và trọng dụng như vậy, hiển nhiên là ông Trương Thăng Dân rất được ông Tập ưu ái. Trước khi được đặc cách thăng chức Thượng tướng lần này, ông Trương cũng đã có được trải nghiệm đặc biệt có một không hai trong lịch sử quân đội Trung Quốc.

Năm 2015, chiến dịch quân sự “chống tham nhũng” nhằm thanh trừng phe cánh Giang Trạch Dân của ông Tập đã lên đến đỉnh điểm, những “con hổ lớn nhất” trong quân đội là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều bị ngã ngựa và điều tra. Có tới hơn 50 tướng lĩnh từ cấp Thượng tướng đến Thiếu tướng bị ngã ngựa. Ông Tập Cận Bình bắt đầu cải tổ hệ thống quân đội và thâu tóm quyền lực trong quân đội. Cuối năm đó, ông Tập đổi tên Lực lượng Pháo binh số 2 ban đầu thành "Quân chủng Tên lửa", còn gọi là Hỏa tiễn quân, và nâng cấp lực lượng này thành lực lượng tên lửa chiến lược trực thuộc Quân ủy Trung ương. Đây chính là cái gọi là “quân át chủ bài” mà ông Tập Cận Bình dùng để xưng bá trong tương lai.

Ông Trương Thăng Dân, khi đó là Thiếu tướng và Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn Pháo binh số 2, không ở lại Lực lượng Tên lửa, mà được được bổ nhiệm làm Chính ủy Bộ Quản lý Huấn luyện Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Bộ Huấn luyện Quân ủy của Bộ Tổng tham mưu đã bị bãi bỏ trong thời kỳ cải cách quân đội, và Bộ Quản lý Huấn luyện Quân ủy Trung ương mới thành lập được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Tập.

Vào tháng 11 năm 2016, ông Trương một lần nữa giữ chức Chính ủy Bộ Bảo đảm Hậu cần Quân ủy Trung ương. Vị trí này đã bị bỏ trống gần một năm trước khi ông được bổ nhiệm. Tiền thân của Bộ Bảo đảm Hậu cần Quân ủy là Tổng cục Hậu cần, Thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy của Tổng cục Hậu cần đã giải ngũ vào cuối năm 2015.

Tướng Lưu Nguyên là con trai của lãnh đạo thế hệ đầu tiên của Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ. Trong đấu đá nội bộ đầy rẫy nguy hiểm của Trung Quốc, người ta cho rằng việc ông Lưu Nguyên từ chức không đơn giản như việc nghỉ hưu ở tuổi già. Vị trí quan trọng mà ông Lưu từng nắm giữ đã được ông Trương Thăng Dân tiếp quản, điều này khiến ngoại giới phải nhìn ông Trương bằng một con mắt khác.

Điều khiến mọi người kinh ngạc hơn là, trong thời gian chưa đến ba tháng, ông Trương lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tư cách là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương.

Ông Trương Thăng Dân được thăng chức ba lần trong hai năm, từ Trung tướng lên Thượng tướng, sau đó trở thành ủy viên Quân ủy Trung ương và giám sát các quân đội, tốc độ mau lẹ như vậy có thể nói là có một không hai trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trương còn là Ủy viên Thường vụ kiêm Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đồng thời có thể điều phối, giám sát công tác “chống tham nhũng” của quân đội và chính quyền địa phương. Điều này cho thấy ông Tập dựa dẫm vào ông Trương Thăng Dân, người kém ông 5 tuổi này đến mức nào.

Tại sao ông Tập coi ông Trương là tâm phúc? Người ngoài cho rằng nguyên nhân chính là do cả hai ông đều là đồng hương ở Thiểm Tây. Nơi sinh và bối cảnh không thuộc phe cánh quyền lực của ông Trương khiến ông Tập cảm thấy an toàn và đáng tin cậy.

Tuy nhiên, hiện giờ biến số đã xuất hiện, khiến ông Tập cũng đã mất niềm tin vào “đội quân ông Tập” của mình. Chứng “sợ bóng sợ gió” của ông Tập có thể đẩy ông Trương vào hoàn cảnh nguy hiểm

Chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Tập Cận Bình đã đắc tội rất nhiều người trong đảng. Sau Đại hội 20, các loại mâu thuẫn và khủng hoảng xã hội và kinh tế ở Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ông Tập sợ phe chống Tập trong nội bộ cướp đi quyền lực, nên không ngừng đề cao lòng trung thành tuyệt đối và điều tra “những kẻ hai mặt” trong đảng. Nhưng những người cao giọng ủng hộ ông Tập, mục đích chẳng qua chỉ để thăng quan phát tài.

Kể từ năm nay, những “kẻ hai mặt” đủ dạng đủ kiểu xung quanh ông Tập đã mang đến cho ông những cơn ác mộng. Tất cả các tướng lĩnh hàng đầu trong Lực lượng Tên lửa, vốn được xem là “quân át chủ bài” của ông đều bị cách chức, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương xảy ra chuyện, và Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Lý Thượng Phúc cũng biến mất… Điều này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến niềm tin của ông Tập và làm tăng thêm tính đa nghi và cảnh giác của ông ta.

Giáo sư Viên Hồng Băng, một học giả luật sống ở Úc, gần đây đã tuyên bố trong chương trình “Tinh Anh Luận Đàm” của NTD rằng có người trong hệ thống Trung Quốc đã tiết lộ với ông rằng ông Tập đã nhận thấy rằng toàn bộ hệ thống lãnh đạo của Lực lượng Tên lửa đều là “những con người hai mặt”. Với ác cảm hiện giờ đối với các tướng lĩnh Quân đội Tên lửa của ông Tập, chỉ một chút động tĩnh cũng đủ khiến ông ta nảy sinh nghi ngờ.

Theo một nguồn tin nội bộ đáng tin cậy của Thời báo Epoch Times, lý do thực sự khiến lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Tên lửa bị loại bỏ lần này là do niềm tin của ông Tập vào những lời tiên tri và nỗi sợ gặp phải binh biến hoặc bị ám sát.

Trong lời Tụng của đồ tượng thứ 46 trong cuốn sách tiên tri “Thôi Bối Đồ” nổi tiếng nhất thời nhà Đường của Trung Quốc có viết:

Có một quân nhân thân mang cung
Chỉ nói ta là Bạch đầu ông
Kiếm vàng ẩn giấu ở cửa Đông
Cửa sau dũng sĩ nhập Đế cung

Bức tranh vẽ một người đàn ông đứng với tay trái nắm chặt và tay phải hơi đưa về phía trước, như thể đang bắn một mũi tên. Cung tên là vũ khí tấn công tầm xa cổ xưa của Trung Quốc, còn vũ khí tấn công tầm xa thời hiện đại lại là tên lửa, mà tên lửa lại là vũ khí được Lực lượng Tên lửa của Trung Quốc sử dụng. Ông Trương Thăng Dân có xuất thân là từ Hỏa tiễn quân, hiện giờ e rằng ông Tập sẽ còn không yên tâm về ông như lúc ban đầu. Ngoài ra, họ Trương (张) của ông cũng có chữ "cung" (弓 - cung tên), điều này cũng chạm đến điều cấm kỵ hiện nay của Tập Cận Bình.

Có vẻ như ông Tập rất tin tưởng vào những lời tiên tri này, rất sợ bị ám sát và hiện giờ hầu như ông ta không còn tin tưởng ai nữa. Hiện nay, nỗi lo lắng về an ninh của ông Tập đã đến mức sợ bóng sợ gió, và ông ấy có thể cũng không yên tâm với ông Trương Thăng Dân. Dù bây giờ họ vẫn tin tưởng nhau, nhưng cũng không còn bền chặt như lúc ban đầu nữa. Chỉ cần ông Tập có chút nghi ngờ nào, ông Trương vốn được ông hết lòng ưu ái ngày trước có thể bị đưa đi điều tra ngay lập tức.

Tin tức ông Trương Thăng Dân bị đưa đi dường như là tin lá cải, nhưng cùng một nguồn tin đứng ra phủ nhận, điều này cũng khiến mọi người nghi ngờ không biết tin nào mới là thật. Vậy rốt cuộc ông Trương Thăng Dân có bình an vô sự hay không, chúng ta vẫn cần chờ xem. Việc ông ta không xuất hiện chưa hẳn đã là dấu hiệu xảy ra chuyện, bởi với tư cách là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội, ông Tập đã bắt giữ một nhóm tướng lĩnh, cần phải có người đặc biệt phụ trách điều tra xét xử. Có thể là ông Trương đi giải quyết một vụ án đặc biệt, giống như ông Vương Kỳ Sơn năm xưa bắt giữ các quan chức tham nhũng, cũng từng có giai đoạn biến mất một thời gian.

Tuy nhiên, trong ván cờ chính trị ngầm trong nội bộ Trung Quốc, ông Trương Thăng Dân, người đang ở vị trí đầu sóng ngọn gió, có thể gặp rắc rối bất cứ lúc nào. Trong lịch sử Trung Quốc, những con chim dẫn đầu về thành tích chính trị và những con dê thế tội đều nhận lấy cái kết thê thảm chưa từng gián đoạn bao giờ.

Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Nhân vật thân cận nhất của ông Tập Cận Bình liệu có thoát kiếp nạn thanh trừng?