Gương báu có thể soi chiếu trời đất và vũ trụ, phản chiếu được quỷ Thần và lòng người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gương không chỉ là công cụ để con người chỉnh sửa quần áo, trang điểm chải chuốt, mà còn là biểu tượng của trời đất vũ trụ, là sự thương xót cho những sinh mệnh đã rơi xuống nơi sâu nhất, thấp nhất trong vũ trụ, chìm đắm trong bóng tối vô minh, mãi mãi không thể thoát ra được.

Thần Châu là nơi khởi nguồn của nền văn hóa Thần truyền. Tất cả những điều do vị "Nhân văn sơ tổ" - Hoàng Đế truyền dạy cho dân tộc Hoa Hạ đều chính là thay mặt Thần truyền dạy cho con người. Tương truyền rằng việc chế tạo và sử dụng gương đồng cũng bắt nguồn từ Hoàng Đế: "Hoàng Đế đúc gương để soi, làm mười lăm chiếc, gọi là gương thần, gương báu".

Tuy nhiên, gương không chỉ là công cụ để con người chỉnh sửa quần áo, trang điểm chải chuốt, mà còn là biểu tượng của trời đất vũ trụ, là sự thương xót cho những sinh mệnh đã rơi xuống nơi sâu nhất, thấp nhất trong vũ trụ, chìm đắm trong bóng tối vô minh, mãi mãi không thể thoát ra được. Để bảo vệ một tia hy vọng của sự sống, Thần đã ban tặng một bảo vật cho hàng triệu triệu sinh linh, được cả Thần, người và quỷ gọi là "Thiên kính" (Gương Trời) , "Bảo kính" (Gương báu) và "Minh kính" (Gương sáng).

Gương báu có thể quan sát được quy luật vận hành của vạn vật, vũ trụ, tinh vân, thiên hà và các ngôi sao trong vũ trụ. Kể từ khi kính thiên văn vũ trụ được phóng lên vào từ năm 1990, con người đã phát hiện được những sự việc xa xưa của vũ trụ từ hơn 13,5 tỷ năm trước. Một năm ánh sáng tương đương khoảng 9,46 nghìn tỷ km trong khi đó bán kính trung bình của Trái Đất chỉ có 6371 km.

Mặc dù con người có thể nhìn được rất xa nhưng việc khó khăn nhất trên đời lại là tự nhận thức bản thân. "Hãy nhận thức chính mình" (trong tiếng Hy Lạp: gnōthi seauton, tiếng Anh: know thyself) là một trong ba câu châm ngôn được khắc tại đền thờ Thần Apollo ở Delphi, đồng thời cũng là câu nổi tiếng nhất, xuất phát từ nhà triết học Socrates.

Có người hỏi Socrates rằng: "Việc gì khó làm nhất?"

Nhà hiền triết đã trả lời rằng: "Nhận thức chính mình".

Trong lịch sử lâu dài, con người đã làm thế nào để có thể giảm thiểu sai lầm, làm thế nào để không trượt dốc theo dòng? Trong quyển thứ hai "Luận nhậm hiền" của "Trinh Quán chính yếu" có ghi lại Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói với quần thần: "Lấy đồng làm gương, có thể chỉnh trang mũ áo; lấy việc xưa làm gương, có thể biết được sự hưng vong; lấy người khác làm gương, có thể biết được thành công và thất bại. Trẫm luôn giữ gìn ba tấm gương này để đề phòng bản thân sai lầm".

Đường Thái Tông. (Tranh Hạ Quỳnh Phần - Epoch Times)

Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh lưu giữ một chiếc gương hình chuông có tên "Phỉ giám tư". Trên hai bên trái phải của gương có khắc hai hàng chữ triện đứng với nội dung "Phỉ giám tư kinh dĩ trang nhĩ dung" (không ngừng soi gương này để xem dung mạo bản thân). Ở phía dưới có dòng chữ trong con dấu hình vuông ghi rằng "Lý Đạo nhân tạo" (Lý Đạo nhân chế tạo). Chữ "phỉ" trong ngôn ngữ cổ có nghĩa là không lơ là, không buông lỏng. Như vậy thường xuyên soi gương có thể nhìn thấy dung mạo của bản thân, nhìn thấy chỗ nào thiếu sót, từ đó có thể trang điểm hay chỉnh sửa.

Mạnh Tử nói "Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ". Câu này có nghĩa là, nếu sự việc không thành công, gặp phải thất bại hoặc khó khăn, hoặc mối quan hệ giữa người với người không tốt, thì phải tự kiểm điểm, tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình.

Trong phần "Thiên Đạo", Trang Tử nói "Thánh nhân chi tâm tĩnh hồ! Thiên địa chi giám dã; Vạn vật chi kính dã" (Tạm dịch là: Cái tâm của bậc Thánh nhân thanh tĩnh! Là tấm gương phản chiếu của trời đất; Là tấm gương soi chiếu của vạn vật).

Tôi xin mạn phép dịch ra theo hiểu biết của bản thân:

"Tĩnh và gương, tĩnh lặng thành gương, gương thì tĩnh lặng. Cái tâm của bậc Thánh nhân ở trong cảnh giới hư vô tĩnh lặng, giống như nước tĩnh lặng đến mức có thể soi được râu và tóc của con người, cái tâm của người giác ngộ tĩnh lặng đến mức cực điểm của vạn vật, bất động như tử thủy. Vì vậy, người giác ngộ có thể tự nhiên nhận thức được quy luật vận hành của vạn vật trong vũ trụ, tâm cảnh tự nhiên có thể phản chiếu ra chân lý của Phật Pháp và Đạo Pháp, tâm cảnh không động, cũng không bị vạn sự vạn vật quấy nhiễu nội tâm, vĩnh viễn bất động, vĩnh viễn tự tại, không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Bậc Thánh nhân có thể tự nhiên biết được quy luật thay đổi của xã hội, sự hưng suy của thế giới, thuận theo tự nhiên, thuận theo Thiên Đạo, không can thiệp vào sự vận hành của vạn vật, dẫn dắt chúng sinh và vạn vật cùng tồn tại hài hòa. Bậc trí giả có thể biết rằng mỗi người đều có nhân duyên riêng, hiểu rõ ràng những đau khổ của con người đều bắt nguồn từ sự ham muốn quá mức, xem việc gặp gỡ người khác cũng giống như soi gương vào chính mình, lòng tĩnh lặng sẽ không có ý niệm, không có ý niệm liền có thể biết được suy nghĩ của người khác, tự nhiên sẽ đạt được mọi thứ mình đáng có".

Trong "Tam quốc chí" có một vị kỳ nhân tên là Thủy Kính tiên sinh đã tiến cử Khổng Minh và Phượng Sồ cho Lưu Bị. Thủy Kính tiên sinh nói rằng: "Phục Long và Phượng Sồ, nếu được một trong hai người này có thể an định thiên hạ".

Tuy nhiên, trước khi chia tay Lưu Bị, Thủy Kính tiên sinh đã ngửa mặt lên trời cười lớn và nói rằng: "Ngọa Long tuy có được chủ, nhưng không đúng thời, đáng tiếc thay!".

Thủy Kính tiên sinh đã than thở cho số phận sinh ra không gặp thời của Gia Cát Lượng. Lưu Bị một lòng muốn khôi phục nhà Hán. Gia Cát Lượng muốn báo ân tri ngộ với Lưu Bị, dốc hết tâm huyết để phục hưng Hán thất, hết lòng tận tụy, nhưng thời thế không thuận lợi, khó có thể làm trái ý Trời. Thủy Kính tiên sinh đã sớm biết rõ tất cả, quả đúng là bậc trí giả!

Gia Cát Lượng gặp được chủ nhưng không gặp được thời. (Tranh WInnie Wang)

Trong "Bảo phác tử" có chép rằng những Đạo sĩ vào núi tu hành vào thời xưa đều treo một chiếc gương sáng có đường kính chín tấc ở sau lưng. Bởi vì trong núi có nhiều yêu ma quỷ quái sống lâu, có thể biến thành hình người đến làm hại con người, có thể mê hoặc mắt người. Tuy nhiên, yêu ma quỷ quái không thể biến đổi hình ảnh trong gương nên sẽ lộ ra nguyên hình, có thể "Chiếu rõ tâm can, trừ bỏ yêu nghiệt". Như vậy, yêu ma quỷ quái sẽ không dám đến gần làm hại. Nếu gặp được Thần Tiên hoặc Thần núi thì trong gương sẽ vẫn là hình người. Bởi vậy, gương sáng chính là một Pháp bảo tu hành của Đạo sĩ.

Trong "Thái bình quảng ký" có chép một câu chuyện gương báu có thể chiếu yêu trừ tà. Trong những năm Đại Nghiệp thời nhà Tùy, Vương Độ có một chiếc gương cổ. Tương truyền rằng đây là chiếc gương thứ 8 trong 15 chiếc gương do Hoàng Đế đúc nên. Tuy nhiên Vương Độ không biết chiếc gương này là một bảo vật.

Trên đường trở về Trường An, Vương Độ ở nhờ trong nhà của một người dân. Chủ nhà mới mua được một người hầu gái đoan trang xinh đẹp tên là Anh Vũ. Khi Vương Độ đang soi gương để sửa lại quần áo, vô tình soi Anh Vũ ở phía đằng xa vào trong gương. Anh Vũ lập tức quỳ rạp xuống đất, liên tục dập đầu, đến nỗi chảy máu đầu cũng không dám dừng lại. Vương Độ hỏi Anh Vũ vì sao lại làm vậy? Anh Vũ đáp: "Tôi là hồ ly ngàn năm trước miếu Hoa Sơn Phủ Quân. Tuy rằng tôi không hại người nhưng đã nhiều lần biến thành hình người để mê hoặc người khác, làm trái với luật Trời, phạm vào tội chết nên bị Phủ Quân truy bắt. Vì vậy, tôi đã lưu lạc trốn tránh khắp nơi, trà trộn vào đám đông, không ngờ rằng vừa mới đến đây đã bị Gương Trời chiếu vào. Tôi cũng không thể trốn thoát được nữa".

Vương Độ cảm thấy có chút không ngỡ, muốn tha cho Anh Vũ một con đường sống. Thế nhưng Anh Vũ đáp lại rằng: "Cảm ơn đại ân đại đức của ngài, nhưng khi bị Gương Trời chiếu vào, nguyên thần sẽ bị khóa chặt, không thể biến hóa để ẩn mình được nữa. Nhưng tôi đã ở hình người rất lâu, cảm thấy xấu hổ khi biến về nguyên hình. Xin ngài cho phép tôi trong thời gian cuối cùng của cuộc đời không còn tiếc nuối gì nữa".

Thế rồi Vương Độ mời chủ nhà và hàng xóm láng giềng đến để uống rượu vui chơi. Chẳng mấy chốc, Anh Vũ đã say khướt, vừa múa vừa hát: "Gương báu ơi gương báu, đau xót cho số phận của tôi. Từ khi tôi bỏ đi nguyên hình của hồ ly, đã muốn hưởng thụ cuộc sống ở thế gian. Sống tuy vui vẻ, nhưng chết cũng chẳng đáng buồn. Vì sao phải lưu luyến thế gian? Chỉ cần nắm bắt được sự vui vẻ ở thế gian là đủ rồi!".

Hát xong, Anh Vũ cúi đầu lạy, hóa thành hồ ly rồi chết đi khiến mọi người đều kinh ngạc.

Về sau, Vương Độ nhậm chức Ngự sử ở Hà Bắc. Lúc bấy giờ ở vùng này xảy ra nạn đói và dịch bệnh nghiêm trọng, có gia đình cả mấy chục người đều nhiễm bệnh. Vương Độ thương xót người dân, sai nha lại mang gương báu đến nhà người bệnh vào ban đêm để soi. Những người bệnh được soi đều nói: "Quan lớn giống như mang đến trăng sáng, lúc sai vào giống như có băng thấm vào người, cơn sốt cao lập tức hạ nhiệt".

Vương Độ nghĩ rằng làm như vậy có thể vừa mang lại lợi ích cho người dân, vừa không làm tổn hại đến gương báu nên tiếp tục cho người mang gương đi tuần tra vào ban đêm. Một đêm nọ, gương báu ở trong hộp phát ra tiếng kêu. Đêm đó, ở trong mơ có một giọng nói nói với Vương Độ rằng: "Cảm tạ ân đức của Vương Công. Người dân là vì tạo nghiệp nên mới gặp phải tai nạn, là Trời cao giáng tội để trừng phạt họ. Xin Vương Công đừng tiếp tục nữa, hai tháng nữa dịch bệnh sẽ qua, không thể để tôi làm trái ý Trời mà vô cớ xóa bỏ tội của người khác được".

Vương Độ bèn ngừng lại, không làm như vậy nữa. Quả nhiên hai tháng sau dịch bệnh đã biến mất.

Trong những câu chuyện về chiếc gương trong lịch sử, còn có những điển cố về tình yêu và sắc đẹp gương vỡ lại lành và truyền thuyết về sự công bằng chính trực "gương sáng treo cao".

Trong "Kính hoa duyên" có miêu tả việc vượt qua bốn quan "tửu, sắc, tài, khí" rất thú vị. Ví dụ như quan ải về tiền tài sẽ thấy trong gương hiện ra hình ảnh những người vượt quan này bị những núi tiền khổng lồ cản trở đường đi, mùi thơm của tiền ở khắp nơi, từ trên trời có mưa tiền đổ xuống, những người ở dưới chen chúc nhau như mắc cửi, hàng vạn người vây quanh tranh nhau cướp.

Nếu nhìn kỹ, sẽ thấy đủ mọi tầng lớp, những vị quan lớn đưa tay ra đòi tiền hối lộ, sai dịch dọa nát để vơ vét tài sản, quấy nhiễu vu khống để lừa tiền, dụ dỗ người khác sa vào cờ bạc và nghiện ngập, bọn lưu manh đe dọa uy hiếp, dùng lời ngon tiếng ngọt để lừa gạt, gài đặt cạm bẫy để âm mưu hãm hại người khác, làm đồ giả để lừa bịp, bẻ khóa mở cửa sổ để ăn trộm, giết người phóng hỏa để cướp bóc, đủ mọi trò xấu xa đều được phơi bày. Trên đồng tiền có treo vô số chiếc thang dài, người leo lên vô số, xác chết rơi xuống chất đống như núi, từng nhóm người rơi xuống, nhưng trong mắt mọi người chỉ có tiền tài chứ không có điều nào khác!

"Kính hoa duyên, kính hoa duyên, không phải trăng trong nước, mà là hoa trong gương. Tự mình đang phí hoài thời gian và lo lắng những điều vô ích, hãy lấy lập đức tu thiện làm gốc, nếu xem tửu, sắc, tài, khí nhẹ nhàng, mới là bậc hào kiệt trong cõi người".

Tất cả những nền văn minh cổ đại đều có những câu chuyện thần kỳ về gương. Nền văn minh Hy Lạp sử dụng gương đồng để chống lại những thế lực tà ác và dùng gương nước để nhận được những lời sấm truyền của Thần linh. Trong thần thoại Hy Lạp, tóc của Medusa là những con rắn độc còn sống, có thể biến bất kỳ sinh vật nào nhìn vào mắt Medusa thành đá. Với sự hướng dẫn của các vị Thần, người anh hùng của loài người đã mài tấm khiên kim loại sáng bóng như gương, phản chiếu ánh mắt của Medusa từ đó mới có thể giết được quái vật. Sau khi cầu nguyện với các vị Thần trong đền thờ, người Hy Lạp sẽ tìm sự hướng dẫn của Thần linh trong gương nước. "Nước có thể cho người nhìn vào suối nước thấy được mọi thứ họ muốn thấy".

Từ vật dụng chỉ dành riêng cho vua chúa, gương đã dần trở thành vật dụng trong đời sống hằng ngày của dân gian. Từ chiếc gương ma thuật của phương Tây đến những chiếc gương thông thường ngày nay, từ gương kim loại cho đến gương thủy tinh, cùng với việc khoa học kỹ thuật hiện đại giải quyết được những vấn đề về độ phản xạ và độ trung thực của hình ảnh, gương đã ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên sự kỳ diệu của những chiếc gương báu ngày xưa cũng dần dần mất đi. Từ bảo vật trừ tà của các đạo sĩ, gương dần trở thành vật dụng để trang điểm, làm đẹp cho các phu nhân, rồi trở thành đồ dùng mang theo bên mình của những phụ nữ bình dân. Nhưng thực ra, gương vốn không hề tầm thường.

Tại sao con người hiện đại lại tốn kém chi phí đắt đỏ để đưa kính viễn vọng lên vũ trụ? Đó chính là vì sự nhiễu loạn của tầng khí quyển khiến hình ảnh bị nhiễu và lệch, làm thay đổi độ sáng, hình dạng và bóp méo vị trí của các thiên thể. Trong không gian sẽ không có sự nhiễu loạn, tầm nhìn sẽ xa và chân thật hơn.

Ngoài ra, một điều thú vị nữa chính là trong lĩnh vực chính trị, thương mại và quân sự còn có những chiến lược chọc giận đối thủ, khiến đối thủ đưa ra phán đoán và kết luận sai lầm trong trạng thái tức giận, từ đó dẫn đến thất bại. Vì vậy, "khí" không chỉ có thể làm nhiễu các thiết bị công nghệ cao hiện đại và đắt đỏ mà còn ảnh hưởng đến sự phán đoán và sự nhận thức cảm quan của con người. Mặt gương dù sáng bóng đến đâu nhưng chỉ cần có một lớp "hơi nước" thì hình ảnh cũng sẽ trở nên mờ ảo, không rõ ràng và cũng không thể nhìn thấy bản thân thật sự. Giống như lời thơ của thiền sư Thần Tú, người sáng lập Thiền tông Bắc tông: "Thân là cây bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Phải luôn lau sạch sẽ, Chớ để bám bụi trần".

Gương chính là báu vật của trời đất, nhìn xa có thể quan sát các thiên thể, nhìn gần có thể soi chiếu vạn vật và con người, soi vào bên trong có thể tìm ra khuyết điểm của bản thân, tự kiểm điểm lỗi lầm của bản thân, giúp chúng sinh thoát khỏi con đường ác trong cõi vô minh.

Lão Tử nói: "Kẻ biết người là thông minh, kẻ biết mình là sáng suốt".

Có thể nhận thức được người khác chính là sự thông minh nhưng có thể tìm được bản thân mới thực sự là thấu hiểu thông suốt. Tự kiểm điểm bản thân có thể giúp chúng ta nhận thức rõ ràng, chính xác hơn về bản thân và có thể sửa đổi chính mình. Vì vậy, mọi vật đều có thể một tấm gương. Khổng Tử nói: "Trong ba người đi cùng, ắt có thầy của ta", chính là nói rằng có thể lấy người khác làm gương, học tập những điều tốt đẹp nhìn thấy được ở người khác, khi nhìn thấy chỗ không tốt của người khác có thể đối chiếu với bản thân, biết sửa đổi và phòng ngừa.

Nước tĩnh chính là gương, gương sáng cũng như nước tĩnh. (Pexels)

Nước tĩnh chính là gương, gương sáng cũng như nước tĩnh. Tấm lòng của bậc Thánh nhân như gương sáng, có thể phản chiếu một cách chân thực vạn sự vạn vật, không thêm vào tư tưởng chủ quan của bản thân để bóp méo hình ảnh thực sự của thế giới, không thêm vào ý niệm của bản thân thì có thể nhìn thấy thuộc tính chân thật của vạn vật.

Vạn sự vạn vật phức tạp, muôn hình vạn trạng trong chiếc gương của tâm hồn như dòng nước chảy nhưng không có một phân tử, một hạt bụi hay một chút gì bám lại trong lòng của bậc Thánh nhân. Đối với vạn vật không níu giữ, không cố chấp, thì dù ngoại cảnh có thay đổi biến hóa như thế nào, bậc Thánh nhân cũng không bị mê hoặc.

Tấm gương có thể soi chiếu vạn vật 360 độ không góc chết, có thể nhìn nghiệp báo luân hồi của vô lượng chúng sinh trong Tam thiên Đại thiên thế giới giống như lòng bàn tay, vậy chẳng phải là đắc Đạo rồi hay sao? Người tu luyện có thể đạt đến trạng thái như vậy đã cách cảnh giới Phật không còn xa nữa! Đó chính là một việc thiện, một việc thiện rất to lớn!

Quân Tử - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Gương báu có thể soi chiếu trời đất và vũ trụ, phản chiếu được quỷ Thần và lòng người