Các loại gia vị nên và không nên cho vào tủ lạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu tủ lạnh ở nhà chứa đầy gia vị, bạn có thể băn khoăn liệu có cần cho tất cả gia vị vào tủ lạnh hay không. Nói chung, nếu gia vị là nước sốt có chứa sữa, rau và trái cây thì phải được làm lạnh, còn các loại gia vị như nước sốt có chứa giấm, đường, muối và rượu có thể không cần phải làm lạnh.

Mọi người có thể sử dụng cảm giác thông thường để đánh giá xem loại gia vị nào cần cho vào tủ lạnh, loại nào không. Lauren Feingold, một chuyên gia ẩm thực và dinh dưỡng, cho biết các nhà hàng có thể sử dụng các loại gia vị như sốt cà chua, mù tạt và nước sốt cay, có thể để sẵn trên bàn.

Dưới đây là bảng phân tích chi tiết hơn về việc các loại gia vị có cần được bảo quản lạnh hay không.

Các loại gia vị cần bảo quản lạnh

Một số loại gia vị có chứa một số thành phần nhất định phải được bảo quản trong tủ lạnh để giữ cho chúng không bị hỏng, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa. Vì vậy, nước sốt làm từ kem tươi, sữa chua, Bechamel (còn được gọi là sốt trắng, được làm từ bột mì, bơ và sữa) phải được để trong tủ lạnh.

Nước sốt mayonnaise cũng cần để trong tủ lạnh vì được làm từ trứng. Feingold nói rằng bất kỳ loại nước sốt nào có thành phần rau hoặc cam quýt (chẳng hạn như dầu giấm với hẹ tây, cam, nước ép cam quýt) cũng phải được bảo quản trong tủ lạnh.

Ngoài ra, các loại dầu hạt (dầu hạnh nhân hoặc dầu mè) cũng tốt nhất nên bảo quản trong tủ lạnh giúp chúng ít bị bay mùi hơn.

Mặc dù người ta thường tin rằng các loại gia vị có hàm lượng đường cao như mứt và thạch không cần phải để trong tủ lạnh, nhưng các chuyên gia an toàn thực phẩm cho rằng nên cẩn thận và bảo quản chúng bằng cách cho vào trong tủ lạnh, chúng sẽ ít bị hư hơn.

Các loại gia vị không bắt buộc bảo quản lạnh, tuỳ lựa chọn của mỗi người

Có nhiều loại gia vị được làm lạnh hay không là tuỳ chọn. Điều quan trọng cần xem xét là những gia vị này sẽ được sử dụng hết nhanh hay không.

Feingold cho biết, nếu bạn thích ăn tương cà với trứng hàng ngày hoặc ăn nhiều bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên, bạn có thể để nguyên như vậy trên bàn giống như trong các nhà hàng. Nhưng đối với những gia đình tần suất sử dụng tương cà ít thì nên chọn cách để trong tủ lạnh sẽ phù hợp hơn, giúp kéo dài thời gian sử dụng của tương cà chua.

Nói chung, nước sốt cà chua có thể được giữ ở nhiệt độ phòng trong một tháng và mù tạt có thể giữ được trong hai tháng. Dầu ớt không nhất thiết phải bảo quản trong tủ lạnh.

Các chuyên gia cũng đồng ý rằng các loại thực phẩm được bảo quản như dưa chua và kim chi có thể để được lâu hơn mà không cần làm lạnh vì hàm lượng natri cao, nhưng nếu muốn giữ được độ giòn của chúng thì nên để vào trong tủ lạnh. Khía cạnh này có thể dựa trên sở thích cá nhân của mỗi người.

Các loại gia vị không cần bảo quản lạnh

Các loại gia vị phổ biến không cần làm lạnh bao gồm nước tương, dầu hào, nước mắm, mật ong và tương ớt. Feingold cho biết: Giấm và dầu ô liu được bảo quản tốt nhất ở nơi tối, mát mẻ; dầu dừa tốt nhất là để ngoài tủ lạnh và giữ ở nhiệt độ phòng bình thường, vì dầu dừa có xu hướng đông và cứng lại nếu cho vào tủ lạnh.

Bơ đậu phộng cũng không cần để trong tủ lạnh, nhưng phải đảm bảo rằng trẻ em không cho dao đã phết bánh mì vào lọ bơ, nếu không đảm bảo được điều này thì các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến nghị rằng chúng ta nên cho bơ đậu phộng vào trong tủ lạnh là tốt nhất.

Theo Lý Hoàn Vũ - Epochtimes

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các loại gia vị nên và không nên cho vào tủ lạnh