Các quỹ đầu tư Mỹ xa lánh Trung Quốc, hướng tới Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quỹ đầu tư Mỹ đang ngày càng cảnh giác với Trung Quốc, trong khi bị thu hút bởi Ấn Độ hay thậm chí là Việt Nam và Indonesia.

Mặc dù Bắc Kinh đang phải vật lộn để thu hút thêm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của mình, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào châu Á đang ngày càng cảnh giác với Trung Quốc do một thị trường bất động sản khó đoán định, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu kém, cũng như căng thẳng địa chính trị.

Thay vào đó, Ấn Độ đang bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh này. Đây là thông điệp chính từ các chuyên gia theo dõi xu hướng đầu tư của các tổ chức nước ngoài (FII) gần đây ở châu Á.

Các quỹ tập trung vào châu Á đang rất chú ý đến bối cảnh kinh tế tương phản của hai cường quốc kinh tế láng giềng này, các chuyên gia cho biết, trong khi một số thậm chí còn coi Việt Nam và Indonesia là điểm đến đầu tư thay thế mới nổi ở Đông Nam Á.

Tổ chức Nghiên cứu Toàn cầu HSBC (HSBC Global Research) cho biết trong một lưu ý vào ngày 27/5 rằng: "Bất chấp dòng vốn đổ vào, các quỹ [từ Hoa Kỳ] vẫn giữ tỷ trọng thấp ở mức độ nhỏ đối với Trung Quốc đại lục, [và] thay vào đó, họ đã gia tăng vị thế của mình ở Ấn Độ".

Tập đoàn dịch vụ tài chính của Anh lưu ý rằng mặc dù các quỹ châu Á được quản lý tích cực tới từ Hoa Kỳ có thể đã kiềm chế không giảm mức độ đầu tư vào Trung Quốc đại lục kể từ tháng 2, nhưng họ vẫn là những người bán ròng cổ phiếu Trung Quốc đại lục trong năm nay.

Các quỹ châu Á vốn có nhiệm vụ đầu tư vào châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và Úc.

Theo HSBC, dựa trên dữ liệu ngày 23/5, khuôn khổ thông tin độc quyền của họ về vị thế của các quỹ tương hỗ cho thấy các quỹ đầu tư với mục tiêu kiếm lợi nhuận trong một vài năm (chỉ mua dài hạn) "đã thận trọng tăng lượng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc đại lục" thêm 1%.

"Con số này thấp hơn mức tăng về tỷ trọng của Trung Quốc đại lục trong chuẩn mực cơ bản và với điều này, [các] quỹ vẫn duy trì tỷ trọng thấp ở mức độ nhỏ của mình đối với thị trường này", ghi chú cho biết. "[Mặt khác] Đài Loan và Ấn Độ đã chứng kiến ​​sự gia tăng về mức độ tiếp xúc đầu tư".

Bloomberg, trích dẫn nghiên cứu của Nomura Holdings, đã đưa tin vào thứ 2 (27/5) rằng 72% trong số 50 quỹ thị trường mới nổi lớn giữ tỷ trọng thấp đối với cổ phiếu Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Ông Tariq Dennison, tới từ GFM Asset Management LLC, một hãng tư vấn đầu tư đã đăng ký tại Hoa Kỳ, cho biết điều này dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục.

“Đối với nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đang xem xét 15 năm mà trong đó cổ phiếu Hoa Kỳ vượt trội hơn hầu hết mọi thị trường chứng khoán không phải của Hoa Kỳ, thì việc cân nhắc phân bổ vào bất kỳ cổ phiếu nào bên ngoài Hoa Kỳ và của các thị trường chứng khoán không phải của Hoa Kỳ đã đủ khó khăn rồi”, ông Dennison ở Hong Kong nói với tờ The Epoch Times.

“Trung Quốc vẫn là một quốc gia dễ bị nhiều người tránh xa vì việc công kích Trung Quốc là một mốt thời thượng chính trị và vì Trung Quốc gần đây đã có thành tích kém”.

Kinh tế Trung Quốc đi xuống

Trong khi điều chỉnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên mức 5%, tăng so với dự báo trước đó là 4,6%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo vào thứ 4 (29/5) rằng nền kinh tế lớn thứ hai này đang hướng đến sự chậm lại từ 4–5%vào năm 2025 xuống còn 3,3% vào năm 2029.

IMF cho biết dân số già hóa và tăng trưởng năng suất chậm hơn là hai lý do lớn nhất khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, đồng thời cho rằng nước này sẽ cần phải thúc đẩy năng suất để tiếp tục cải cách kinh tế.

Phát biểu tại một cuộc họp báo đánh dấu kết thúc đợt đánh giá thường niên của tổ chức cho vay toàn cầu về các chính sách kinh tế của Trung Quốc, Phó Tổng giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath cũng lưu ý rằng việc đạt được tăng trưởng chất lượng cao, trọng tâm chính của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ đòi hỏi các cải cách cơ cấu để chống lại những trở ngại và giải quyết những mất cân bằng nằm bên trong.

"Những rủi ro chung đối với triển vọng đang nghiêng về phía tiêu cực, bao gồm cả sự điều chỉnh lớn hơn hoặc lâu hơn dự kiến trong lĩnh vực bất động sản ​​và áp lực phân mảnh ngày càng tăng", bà cho biết.

Trong bản tóm tắt triển vọng khu vực mới nhất, tổ chức Đơn vị Tình báo Nhà kinh tế (Economist Intelligence Unit - EIU) đã nhắc lại rằng Trung Quốc chắc chắn đang phải đối mặt với thách thức tăng trưởng và đưa ra dự báo về một triển vọng bi quan hơn.

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP thực ở Trung Quốc sẽ chậm lại 0,5% xuống còn 4,7% vào năm 2024”, EIU lưu ý trong báo cáo, đồng thời nói thêm rằng tâm lý người tiêu dùng sẽ vẫn mong manh.

Theo nhóm nghiên cứu của công ty Nhóm Nhà kinh tế (Economist Group), bất chấp áp lực thúc đẩy tăng trưởng, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ duy trì cách tiếp cận thận trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách như căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương. Điều này cũng có thể làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư, nhóm nghiên cứu lưu ý.

Ngoài ra, các vấn đề về năng lực sản xuất dư thừa đang xuất hiện và các tranh chấp thương mại với Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ liên quan đến xe điện và công nghệ sạch - những động lực chính thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc - cũng sẽ cản trở nền kinh tế.

Lo ngại về địa chính trị

Theo các nhà quản lý quỹ, các điểm nóng ở châu Á, chẳng hạn như căng thẳng chính trị gần đây ở Biển Đông và Đài Loan, cũng như mối quan hệ mong manh dễ bị tổn thương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, gây ra mối đe dọa dai dẳng đối với tâm lý trong hoạt động FII.

“Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, về các vấn đề như Đài Loan, nhân quyền, thương mại và các cuộc chiến thuế quan tiềm tàng tạo ra một môi trường bất ổn khiến các nhà đầu tư thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc”, ông Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư tại Running Point Capital Advisors có trụ sở tại California cho biết.

Nhưng "bỏ qua những lời lẽ hùng biện chỉ trích Trung Quốc của Hoa Kỳ", theo bà Devina Mehra, đồng sáng lập First Global, một công ty quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại Ấn Độ và UAE, "thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm trong thời gian dài đến mức các nhà quản lý quỹ vẫn còn hoài nghi về nó".

Theo báo cáo tháng 4 của Morningstar, cổ phiếu Trung Quốc phần lớn hoạt động kém hơn các thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả các thị trường mới nổi khác, trong khoảng ba năm rưỡi, cho đến tháng 3/2024.

Ví dụ, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Chicago này trích dẫn rằng vào năm 2023, Chỉ số chuẩn S&P 500 tăng 22%, trong khi Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 13%, cả hai đều được đo lường bằng đồng EUR (euro).

Hơn nữa, Chỉ số Morningstar China NR (Chỉ số Trung Quốc NR Morningstar) đã mất 42% giá trị từ cuối tháng 1/2021 đến cuối tháng 3/2024, trong khi Chỉ số Morningstar Global Markets (Chỉ số Các thị trường Toàn cầu Morningstar) tăng 40% và Chỉ số Morningstar Emerging Markets (Chỉ số Các thị trường Mới nổi Morningstar) tăng 4%, cũng theo giá trị đồng EUR.

Tuy nhiên, tính theo giá trị USD trong năm nay, Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã tăng 6% tính đến ngày 30/5, trong khi S&P 500 tăng 11% trong cùng kỳ.

Sức hút từ Đông Nam Á và Ấn Độ

Với tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, các nhà quản lý quỹ đang tìm cách nắm bắt tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Việt Nam và Indonesia.

“Câu chuyện trong dài hạn của Ấn Độ có một số điểm tương phản với Trung Quốc. Ấn Độ được coi là một quốc gia hợp tác với phương Tây thay vì đối lập. Do đó, các công ty nước ngoài có nhiều khả năng đầu tư vào Ấn Độ và hợp tác trong các dự án phát triển dài hạn hơn”, ông Gary Dugan, Tổng giám đốc điều hành tại Văn phòng CIO Toàn cầu và là một nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc cho biết.

“Ấn Độ đang trải qua giai đoạn phát triển kinh tế, mà trong trường hợp của Trung Quốc, đã dẫn đến một số lợi nhuận vượt trội từ thị trường chứng khoán”, ông nói thêm.

Theo EIU, mức tăng trưởng dự kiến ​​của Ấn Độ là 6,5% trong năm tài khóa 2024–25 sẽ giúp nước này trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Động lực này chủ yếu đến từ đầu tư của chính phủ và khu vực dịch vụ, trong khi tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu cũng đang tăng lên.

EIU dự đoán rằng Ấn Độ sẽ ngày càng thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu khi nước này nỗ lực khẳng định vị thế là quốc gia dẫn đầu trong số các nền kinh tế mới nổi thông qua chính sách đối ngoại không liên kết và một thị trường đang mở rộng quy mô.

Vào tháng 4, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong cùng năm tài chính từ 6,5% lên 6,8%, với lý do là nhu cầu trong nước mạnh mẽ và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, ngân hàng trung ương của quốc gia này, ước tính rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 7% trong năm tài chính hiện tại, bắt đầu vào ngày 1/4.

Ông Dugan nói với The Epoch Times rằng các nhà đầu tư quốc tế ngày càng coi cổ phiếu Ấn Độ là một khoản phải có trong danh mục đầu tư toàn cầu của họ. "Ngày càng có nhiều nhà đầu tư thực hiện khoản đầu tư riêng biệt vào cổ phiếu Ấn Độ, so với trước đây, khi khoản đầu tư của họ vào Ấn Độ là thông qua một quỹ thị trường mới nổi chung".

Tuy nhiên, theo ghi chú của HSBC vào thứ 2, trong khi Trung Quốc đại lục chứng kiến ​​dòng vốn FII ròng tuyệt đối là 15,7 tỷ USD từ tháng 2 đến ngày 23/5, Ấn Độ chỉ chứng kiến ​​dòng vốn ròng chảy vào là 100 triệu USD.

Các quỹ FII cũng được cho là đã liên tục bán cổ phiếu Ấn Độ vào tháng 5.

Nhưng điều đó có thể là do thực tế là "sự phấn khích về Ấn Độ đã vượt trước một chút so với lợi thế thực tế của nước này so với các thị trường mới nổi khác", theo ông Dennison.

Tuy nhiên, “nhiều nhà đầu tư nước ngoài có thể ngần ngại thực hiện các cam kết đầu tư trực tiếp, vốn cổ phần tư nhân hoặc tín dụng tư nhân dài hạn lớn vào Trung Quốc, nơi tiền vốn có thể bị trói buộc trong nhiều năm [do nền kinh tế đang suy yếu]”, ông Schulman nói với The Epoch Times.

“Một phần vốn này đã chuyển sang Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, nơi triển vọng tăng trưởng vẫn cao và nhận thức chính trị thân thiện hơn”.

IMF dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm dương lịch 2024, trong khi tăng trưởng GDP của Indonesia sẽ thấp hơn một chút ở mức 5%.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các quỹ đầu tư Mỹ xa lánh Trung Quốc, hướng tới Ấn Độ