Cựu quan chức Trung Quốc: Các chính sách giải cứu thị trường BĐS của Bắc Kinh chỉ như 'uống rượu độc giải khát'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để cứu nền kinh tế - phần lớn dựa vào bất động sản - đang trên bờ vực sụp đổ, Trung Nam Hải mới đây đã tung ra các biện pháp giải cứu với quy mô chưa từng có. Tuy nhiên, một cựu quan chức Trung Quốc hiện đang lưu vong ở nước ngoài cho rằng, đây là “một ví dụ điển hình về việc uống rượu độc để giải khát”. Tức là chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà không tính đến hậu quả mai sau.

Ông Hà Lập Phong (He Lifeng), Phó Thủ tướng Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp về việc đảm bảo bàn giao nhà ở hôm 17/5 rằng, tại các thành phố có lượng nhà ở thương mại tồn kho lớn, chính quyền có thể mua một số nhà ở thương mại với giá cả hợp lý và dùng làm nhà ở giá rẻ.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành ba thông báo liên quan đến bất động sản, nhằm tối ưu hóa hơn nữa các chính sách tài chính cho vay mua nhà đối với cá nhân. Những chính sách này bao gồm: trên phạm vi toàn quốc, bãi bỏ giới hạn dưới của chính sách lãi suất cho cá nhân vay mua nhà ở thương mại đối với ngôi nhà thứ nhất và thứ hai; tiếp tục giảm lãi suất đối với các khoản vay từ quỹ phát triển nhà ở của chính quyền địa phương cho cá nhân; điều chỉnh chính sách tỷ lệ trả trước tối thiểu đối với các khoản vay mua nhà ở của cá nhân.

Bà Đào Linh (Tao Ling), Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cũng cho biết ngân hàng trung ương này có kế hoạch thiết lập một khoản cho vay lại trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (CNY) dành cho nhà ở giá rẻ, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy các khoản vay ngân hàng lên tới 500 tỷ CNY.

Những chính sách cứu trợ nêu trên của Trung Quốc đang làm dấy lên các cuộc tranh luận.

Một nhà phân tích thị trường bất động sản Trung Quốc thẳng thắn nói với tờ National Business Daily rằng: “Chỉ có 300 tỷ CNY, tương đương với việc chỉ có thể tiêu hóa được 30 triệu đến 50 triệu mét vuông, nếu so với thị trường hiện nay thì mức này tương đương với việc dãy núi Đại Hưng An bị cháy nhưng chỉ lấy xô nước đi dập lửa".

Dãy núi Đại Hưng An nằm ở đông bắc Trung Quốc, kéo dài khoảng 1.200 km từ phía bắc xuống phía nam, có độ cao trung bình khoảng 1.200 - 1.300 mét, với đỉnh cao nhất là 2.035 mét.

Ông Đỗ Văn (Du Wen), một cựu quan chức Trung Quốc hiện lưu vong ở Bỉ và là cựu Giám đốc điều hành Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Chính quyền Khu tự trị Nội Mông, cho biết trên nền tảng mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) rằng, đây là hoạt động giải cứu bất động sản lớn nhất của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại, dự kiến chính quyền này sẽ dần tăng cường nỗ lực và từng bước mở rộng can thiệp tài chính. Nhưng ông Đỗ Văn cho rằng, “Dựa trên lịch sử giải cứu thị trường chứng khoán và thị trường nhà ở trước kia, tôi vẫn giữ thái độ bi quan”.

Ông Đỗ Văn nói, nếu tình hình quốc tế không có những thay đổi lớn, các biện pháp giải cứu của Trung Nam Hải có thể sẽ có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang căng thẳng và Washington cũng lo ngại sâu sắc về sự hợp tác sâu rộng giữa Bắc Kinh và Moscow.

"Một khi Mỹ thả quả bom trừng phạt nặng nề vào thời điểm quan trọng này, liệu Trung Quốc có trụ được hay không, điều này sẽ trở thành một vấn đề lớn. Tình huống này có thể khiến môi trường kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi áp lực từ bên ngoài gia tăng, thì hiệu quả của các chính sách ở bên trong cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều", ông Đỗ nói.

Cựu quan chức này cho rằng, trước áp lực kép đó, chính quyền Trung Quốc cần phải rõ ràng và quyết đoán hơn trong các chính sách của mình, nếu không, sự ổn định của thị trường bất động sản và thị trường tài chính sẽ gặp phải những thách thức nghiêm trọng.

Ông Đỗ bày tỏ, các biện pháp giải cứu hiện tại của Trung Nam Hải là "một ví dụ điển hình về việc uống rượu độc để giải khát", “Nợ chính phủ của Trung Quốc vốn đã lớn nhất thế giới, và cuộc khủng hoảng nợ công là một trong ba cuộc khủng hoảng lớn song song với cuộc khủng hoảng bất động sản và khủng hoảng tài chính”.

Ông Đỗ Văn nói, chính quyền Bắc Kinh đang “dùng một cuộc khủng hoảng lớn để hóa giải hai cuộc khủng hoảng nhỏ. Nhưng làm như vậy dường như là bịt tai trộm chuông”. Theo ông Đỗ, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, điều này rất có thể sẽ dẫn đến kết cục buộc phải bãi bỏ tiền tệ.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quan chức Trung Quốc: Các chính sách giải cứu thị trường BĐS của Bắc Kinh chỉ như 'uống rượu độc giải khát'