Bình luận: Trung Quốc in quá nhiều tiền, 10.000 nhân dân tệ hiện giờ chỉ bằng 120 tệ của năm 1994

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố số liệu thống kê tài chính và tài chính xã hội tháng 3/2024. Theo báo cáo này, tính đến cuối tháng 3/2024, số dư M2 của Trung Quốc là 304,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 43 nghìn tỷ USD), tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là M2 của Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên “300 nghìn tỷ” nhân dân tệ (CNY).

M2 là gì? M2 là cách gọi tắt của tiền mở rộng (Broad money), bao gồm hầu hết các hình thức tiền tệ như: tiền mặt đang lưu hành, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, v.v. Nhìn vào lượng tiền M2 của một quốc gia là có thể nắm được nước đó đã in bao nhiêu tiền, nếu kết hợp với chỉ số thời gian, nó có thể phản ánh tốc độ in tiền của một quốc gia.

Tốc độ in tiền của chính quyền Trung Quốc nhanh nhất thế giới

Vậy tốc độ in tiền của Trung Quốc nhanh cỡ nào?

  • Vào cuối năm 2000, M2 của Trung Quốc chỉ là 13 nghìn tỷ CNY.
  • Tới tháng 3/2013, sau 12 năm đã chạm mốc 100 nghìn tỷ CNY, tăng 87 nghìn tỷ CNY.
  • Đến tháng 1/2020, vượt mức 200 nghìn tỷ CNY, tăng 100 nghìn tỷ CNY trong 7 năm.
  • Gần đây nhất vào tháng 3/2024, lên tới 300 nghìn tỷ CNY, tức là in thêm 100 nghìn tỷ CNY trong 4 năm.

Năm 2022, mức tăng M2 của Trung Quốc là 28 nghìn tỷ CNY, khi ấy tương đương với hơn 4 nghìn tỷ USD, xấp xỉ bằng GDP của Đức; có thể nói số tiền Trung Quốc in ra trong năm 2022 tương đương số tài sản mà người Đức vất vả làm ra trong một năm. Trong năm 2023, mức tăng này là 26 nghìn tỷ CNY, cũng vậy, Trung Quốc đã in ra số tiền bằng tổng số tài sản mà Ấn Độ làm ra trong một năm.

Hiện tại, tổng lượng M2 của Trung Quốc đã gấp đôi Hoa Kỳ và gần bằng tổng lượng M2 của cả Hoa Kỳ, Khu vực đồng Euro và Nhật Bản cộng lại.

Nếu tính M2 theo đồng CNY, Hoa Kỳ hiện có 150 nghìn tỷ, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu có 120 nghìn tỷ và Nhật Bản có 60 nghìn tỷ, tổng cộng là 330 nghìn tỷ; trong khi đó một mình Trung Quốc đã là hơn 300 nghìn tỷ. Tuy nhiên, M2 của Hoa Kỳ không bao gồm tiền gửi doanh nghiệp mức trên 100.000 USD, nếu trừ đi tiền gửi của các công ty phi tài chính, thì M2 của Trung Quốc gấp khoảng 1,4 lần Hoa Kỳ.

Nói chung, M2 càng nhiều thì tổng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) danh nghĩa được tạo ra càng lớn. Tỷ lệ M2/GDP thể hiện mức độ “tiền tệ hóa” trong nền kinh tế của một quốc gia hay khu vực. Tỷ lệ này cao có nghĩa nhà nước đã phát hành thêm một lượng tiền lớn hơn nhiều trị giá của cải mà xã hội làm ra được trong năm, dẫn đến làm giảm giá trị đồng tiền.

Trong hơn 70 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết lập chính quyền vào năm 1949, 10.000 CNY (khoảng 36 triệu VND) của Trung Quốc ngày càng mất giá trị. Từ dữ liệu kinh tế của nước này qua các năm, hãy xem 1 đồng nhân dân tệ trong cung tiền M2 (sau đây gọi tắt là 1 CNY) tương ứng với bao nhiêu đồng nhân dân tệ trong GDP:

  • Năm 1952, tỷ lệ M2/GDP là 15%, tức là 1 CNY tương ứng với 6,7 CNY GDP;
  • Năm 1978, 1 CNY tương ứng với 3,17 CNY GDP;
  • Năm 1990, 1 CNY tương ứng với 1,23 CNY GDP;
  • Năm 2008, 1 CNY tương ứng với 0,67 CNY GDP;
  • Năm 2022, 1 CNY tương ứng với 0,45 CNY GDP;
  • Năm 2023, 1 CNY tương ứng với 0,43 CNY GDP;
  • Đến tháng 3/2024, tỷ lệ M2/GDP là 238% và 1 CNY tương ứng với 0,42 CNY GDP.

Còn các nước khác thì sao? Trong năm 2023, tỷ lệ M2/GDP ở Hoa Kỳ là 75%, ở Khu vực đồng Euro là 113%, ở Ấn Độ là 85% và ở Trung Quốc là 233%. Cũng có nghĩa là, ở các nước khác, giá trị GDP tương ứng với 1 đồng tiền cao hơn nhiều, đồng tiền của họ cũng có giá trị hơn.

Tờ tiền mệnh giá 1 nhân dân tệ của Trung Quốc và 1 USD của Hoa Kỳ được chụp vào ngày 9/2/2023 ở Moscow, Nga. (KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP via Getty Images)

Tiền mất giá: 10.000 CNY bây giờ chỉ bằng 120 CNY của 30 năm trước

Số liệu trên cho thấy động cơ trong cỗ máy in tiền của Trung Quốc ngày càng nóng, nhưng động cơ phát triển kinh tế lại ngày càng hạ nhiệt. Nó giống như một đoàn tàu ngày càng sử dụng nhiều nhiên liệu hơn nhưng tốc độ của tàu lại ngày một chậm lại.

Khi chính quyền Trung Quốc tăng tốc in tiền, đồng nghĩa với việc mức độ bong bóng tài chính ngày càng cao, đồng tiền trong tay người dân cũng trở nên có ít giá trị hơn.

Vậy 10.000 CNY ngày nay tương ứng với bao nhiêu tiền ở các thời điểm khác nhau trong lịch sử?

Khi so sánh khoản tiền gửi bình quân đầu người trong năm nay với các năm khác trong quá khứ, tính toán được rằng 10.000 CNY ngày nay tương đương với: 0,5 CNY của năm 1955; 4 CNY của năm 1978; 120 CNY của năm 1994; 1.500 CNY của năm 2008; và 6.800 CNY của năm 2020.

Trong những năm 1980 và 1990, bất kỳ hộ gia đình nào ở Trung Quốc có khoản tiết kiệm 10.000 CNY đều được gọi là “hộ gia đình vạn tệ”, nghĩa là gia đình khá giả. Nó cũng như cách gọi “hộ gia đình triệu tệ” ngày nay (hiện nay, 10.000 CNY bằng khoảng 36 triệu VND và 1 triệu CNY bằng khoảng 3,6 tỷ VND).

Vào những năm 1990, thu nhập từ lương bình quân đầu người ở Trung Quốc vào khoảng 500 đến 600 CNY, có thể nuôi sống cả một gia đình. Vào thời điểm đó, giá gạo là 1 CNY/kg, giá thịt lợn là 4 CNY/kg, chi phí y tế bình quân đầu người trong cả năm là khoảng 100 CNY và không cần phải mua nhà, mua xe.

Hiện nay, nếu một người ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng là 10.000 CNY, chưa kể đến việc nuôi gia đình, chỉ riêng trả tiền thế chấp mua nhà xong thì họ cũng chẳng còn lại bao nhiêu; một trận cảm cúm là có thể tiêu tốn vài nghìn nhân dân tệ; nếu người nhà mắc bệnh, sau khi ở phòng chăm sóc đặc biệt ICU 30 ngày, có thể tiêu tốn cả một căn nhà, từ tầng lớp trung lưu rơi xuống thành người nghèo.

Người dân đang mua rau tại một khu chợ ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc vào ngày 11/4/2024. (STR/AFP via Getty Images)

Hơn 300 nghìn tỷ CNY tiền M2 đã đi đâu?

Từ tháng 3/2013 đến tháng 1/2020, M2 của Trung Quốc tăng thêm 100 nghìn tỷ CNY và mức tăng GDP là 44,79 nghìn tỷ CNY, tương đương với cứ 100 CNY được bơm vào thị trường thì đổi lấy GDP tăng 44,79 CNY.

Từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2024, M2 tăng thêm 100 nghìn tỷ CNY và mức tăng GDP là 27,35 nghìn tỷ CNY, tương đương với cứ 100 CNY tiền M2 đổi lấy mức tăng GDP là 27,35 CNY, hiệu suất giảm 39% so với chu kỳ trước.

Trong sáu năm qua, M2 và GDP đã cho thấy xu hướng đi ngược chiều. Từ năm 2017 - 2023, sự khác biệt giữa tốc độ tăng M2 và tốc độ tăng GDP qua hàng năm liên tục tăng, đạt bình quân 5,5% trong 4 năm qua, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 1,4% của năm 2017 và 2018.

Trong một năm qua, xu hướng ngược chiều giữa M2 và chỉ số giá tiêu dùng CPI ngày càng rõ ràng, và gây hoang mang trên thị trường. M2 vẫn ở mức cao nhưng tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ lại giảm nhanh. Trong năm 2023, tốc độ tăng so với cùng kỳ trước đó của M2 là 9,7% nhưng của CPI chỉ là 0,2%. Khoảng chênh lệch giữa hai chỉ số này là 9,5%, cao hơn đáng kể so với 5,8% của năm 2019.

Tại sao sau dịch bệnh Covid-19, một lượng tiền lớn như vậy được đẩy vào thị trường nhưng lại không gây ra siêu lạm phát khủng khiếp trong thời điểm hiện tại?

Trước tiên nói về Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trực tiếp bơm tiền vào thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán thông qua gói nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE), cho nên dòng vốn này có hiệu suất sử dụng cao. Hơn nữa, Hoa Kỳ là quốc gia có quyền sở hữu tư nhân, cho nên lượng tiền này sau khi được đổ vào thị trường tài chính rồi sẽ rất nhanh chảy vào tài khoản của các cá nhân, và người tiêu dùng chi tiêu rất mạnh.

Một người phụ nữ đi bộ ngang qua trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) (còn gọi là ngân hàng trung ương Trung Quốc) tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 13/12/2021. (Andrea Verdelli / Bloomberg via Getty Images)

Còn chính quyền Trung Quốc chủ yếu đổ tiền vào thông qua hoạt động tín dụng, rồi các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách mới đưa số tiền đó ra thị trường. Do bất động sản lao dốc; trái phiếu đô thị (phương tiện tài chính của chính quyền địa phương) thu hẹp; trái phiếu đặc biệt lại được dùng để trả các khoản nợ cũ; chính phủ, doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp nhà nước cầm được tiền rồi lại gửi tiền vào ngân hàng; thị trường chứng khoán ở Trung Quốc là nơi để các doanh nghiệp nhà nước đổ đầy túi riêng, còn các nhà đầu tư cá nhân không thể gia tăng của cải… vậy nên 300 nghìn tỷ CNY này chưa thực sự chảy vào thị trường mà chỉ tồn đọng trong hệ thống tài chính, dẫn đến hiện tượng phát hành tiền quá mức hiện nay.

Ngoài ra, bất động sản chiếm 70% tổng tài sản của người dân Trung Quốc. Khi kiếm được tiền, họ thường dành phần lớn thu nhập của mình để mua nhà. Giáo dục, chăm sóc y tế, v.v. cũng không thể dựa vào chính phủ, vì vậy, khi người dân có tiền, họ sẽ đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu hoặc gửi tiết kiệm. Chỉ một phần nhỏ tiền của người dân Trung Quốc được đưa vào lưu thông.

Sự tham nhũng của các quan chức trong đảng và chính quyền Trung Quốc cũng là điều gây sốc. Sau khi dòng tín dụng chảy vào các doanh nghiệp nhà nước và các dự án cơ sở hạ tầng liên quan, một nửa số tiền đó có thể bị tham nhũng và bị cất giấu đi, hoặc là được chuyển thành tiền gửi ngân hàng, bất động sản, hoặc là được chuyển ra nước ngoài, vậy nên phần tiền này cũng không được đưa vào lưu thông.

Còn một nhân tố quan trọng nhất dẫn đến tình trạng giảm phát tạm thời ở Trung Quốc. Nhân tố này luôn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc và thậm chí là cả thế giới né tránh. Đó là một lượng lớn người dân Trung Quốc đã tử vong sau đại dịch Covid-19. Trong các số trước, chương trình “Tài chính - Kinh tế Tịnh Viên” đã dẫn dữ liệu về lượng tiêu thụ muối của người dân Trung Quốc, dữ liệu đi lại của người dân vào dịp Tết cùng các phân tích khác, và cho rằng con số 400 triệu người tử vong ở Trung Quốc sau 3 năm dịch bệnh là đáng tin.

Một lượng lớn người đã chết, dẫn đến nhu cầu nhà ở và nhu cầu trong các ngành khác sụt giảm, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của giá nhà đất và giá hàng hóa. Đây là lý do duy nhất có thể giải thích cho tất cả những điều khó tin đang xảy ra trong nền kinh tế Trung Quốc, những điều khiến các nhà kinh tế trên thế giới phải vò đầu bứt tai. Sẽ có một ngày sự thật được hé lộ.

Cuối cùng, còn một điểm đáng để quan sát là, liệu người dân Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát một lần nữa hay không, khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào thị trường như vậy? Nếu siêu lạm phát xảy ra một lần nữa, vậy thì những người Trung Quốc sống sót sau đại dịch Covid-19 có lẽ sẽ mất sạch số tiền cả đời tích góp mà họ đang gửi trong ngân hàng.

Theo "Tài chính - Kinh tế Tịnh Viên" - The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

"Tài chính - Kinh tế Tịnh Viên" là chương trình đào sâu vào các vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực kinh tế và tài chính của Trung Quốc, phân tích sự phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế của nước này cũng như các xu hướng tài chính quan trọng và môi trường kinh doanh đang thay đổi ở Trung Quốc, đồng thời phản ánh cuộc sống của người dân Trung Quốc nói chung và những thách thức mà họ phải đối mặt.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Trung Quốc in quá nhiều tiền, 10.000 nhân dân tệ hiện giờ chỉ bằng 120 tệ của năm 1994