Tưởng hoá chất là đường, bé gái 5 tuổi nhập viện vì ăn nhầm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi là bé gái 5 tuổi (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), nhập viện do nuốt nhầm hoá chất, khiến khoang miệng bị tổn thương nghiêm trọng.

Người thân của bé gái cho biết, trong khi đang chơi ở nhà, bé nhìn thấy lọ hoá chất NaOH mà anh trai mua về để làm thí nghiệm. Do nhầm tưởng là lọ đường, bé cho hoá chất vào miệng để “ăn”.

Vì là một dạng hoá chất ăn da, ngay lập tức, bé xuất hiện triệu chứng đau rát, loét, sưng nề và xung huyết khoang miệng, tổn thương vùng hạ họng, nôn, khàn tiếng.

Các bác sĩ cho biết niêm mạc thực quản của trẻ bị phù nề, xung huyết, dạ dày có dịch vị lẫn máu đông, niêm mạc phù nề xung huyết...

Hiện sức khoẻ của bé đã ổn định, các triệu chứng tổn thương đã dần hồi phục, bé có thể tự ăn và đã xuất viện.

Hóa chất NaOH có tên gọi khác là Natri Hidroxit hoặc xút vảy, xút ăn da. NaOH đứng đầu trong các loại hóa chất nguy hiểm, với tính ăn mòn rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Loại hoá chất này thường tồn tại ở thể rắn, có màu trắng, không mùi và tan nhanh trong nước lạnh.

Khi tiếp xúc trực tiếp với da, NaOH có thể ăn mòn làm phỏng da, gây ra các triệu chứng ngứa ngáy, tấy đỏ, mọc vảy, phồng rộp...

Trong trường hợp tiếp xúc với mắt, NaOH có thể huỷ hoại thuỷ tinh thể, gây đỏ mắt, ngứa và chảy nước mắt, thậm chí mù loà.

Nếu vô tình nuốt hoặc uống phải, NaOH sẽ gây ảnh hưởng đến hô hấp, có khả năng làm tổn thương phổi, tắc thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, loại hoá chất này cũng là nguyên nhân bệnh ung thư vú, ung thư phổi cực kỳ nghiêm trọng.

Mặc dù NaOH có nhiều tác dụng hữu hiệu trong công nghiệp nhưng hoá chất này đặc biệt nguy hiểm đến sức khoẻ con người nếu không biết sử dụng đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng NaOH:

  • Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chuyên dụng: quần áo dài, kính, khẩu trang, găng tay,...
  • Không được trộn lẫn NaOH cùng axit hoặc các chất hữu cơ
  • Không sử dụng hóa chất gần các thiết bị có khả năng cháy nổ, phát lửa
  • Sau khi sử dụng hết NaOH phải vứt thùng đựng cũ đi, không được tái sử dụng
  • Tuân thủ đúng các bước hướng dẫn và các cảnh báo trên bao bì sản phẩm
  • Khi thêm NaOH vào nước thì khuấy theo 1 chiều, tránh làm theo chiều ngược lại.
  • Bảo quản hóa chất nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
  • Không lưu trữ NaOH cùng hoá chất nhôm và manga
  • Lưu trữ NaOH trong thùng kín, có nắp đậy

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ khi chơi; do bản tính hiếu kỳ và tò mò của trẻ, đối với các đồ vật sắc nhọn hoặc hoá chất, nên cất kỹ và để xa tầm với của trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc, hạn chế nguy cơ tai nạn.

Trường hợp không may tai nạn xảy ra, gia đình nên cấp cứu bé bằng cách rửa vết thương liên tục bằng nguồn nước sạch có sẵn gần nhất. Sau đó, đưa con đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được tiếp tục xử trí nhằm hạn chế tổn thương sâu cho trẻ.

Nhật Duy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Tưởng hoá chất là đường, bé gái 5 tuổi nhập viện vì ăn nhầm