Cân bằng tỷ lệ Omega-6 và Omega-3 trong dầu ăn để đảm bảo sức khoẻ lành mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cân bằng tỷ lệ Omega 6 và Omega 3 trong quá trình sử dụng dầu ăn để giảm tình trạng viêm mãn tính và tránh béo phì.

Hiện nay, dầu ăn được sử dụng phổ biến trong nấu nướng và chế biến các món chiên, xào. Đúng là chúng giúp tăng thêm hương vị và dễ nấu cho thức ăn của chúng ta. Nhưng cũng cần biết cách sử dụng dầu thực vật để đảm bảo sức khỏe tốt nhất?

Axit linoleic phổ biến nhất trong dầu thực vật là axit béo omega-6. Đây là một chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Tuy nhiên, tác động của nó đối với sức khỏe con người vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Hầu hết các loại dầu thực vật chứa cả omega-6 và omega-3. Tỷ lệ tối ưu của chúng là bao nhiêu và làm cách nào để chọn loại dầu phù hợp?

Axit Linoleic – ‘Bạn’ hay ‘Kẻ thù?’

Một số người coi axit linoleic là "người bạn" đối với sức khỏe của chúng ta. Họ cho rằng chúng là một siêu anh hùng chống lại bệnh tim, tăng mức cholesterol tốt và giúp kiểm soát lượng đường huyết. Đây là quan điểm dựa trên một số nghiên cứu sau:

  • Năm 2019, một phân tích tổng hợp trên tạp chí Circulation cho biết, nồng độ axit linoleic trong mô và tuần hoàn cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch. Kết quả này thể hiện vai trò tích cực của axit linoleic trong phòng ngừa bệnh tim mạch.
  • Cũng trong năm 2019, một bài báo của Nhà xuất bản Y tế Harvard, thuộc trường y Harvard, đã chỉ ra rằng chất béo omega-6 chiết xuất từ dầu thực vật là có lợi. Nó làm giảm cholesterol LDL có hại và tăng cholesterol HDL bảo vệ. Nó cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết bằng cách tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin.
  • Trước đó vào năm 2016, một nghiên cứu đánh giá đã chỉ ra rằng axit linoleic có thể liên quan đến quá trình chống ung thư và thúc đẩy ung thư. Axit linoleic liều cao ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư ruột kết loại Caco-2. Trong khi lượng axit linoleic hấp thụ cao cũng được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại sự tăng sinh ung thư.
  • Omega-6 cũng đã được chứng minh là thúc đẩy sự tăng sinh trong ống nghiệm của tế bào ung thư vú loại BT-474 và tế bào ung thư phổi ở người loại A549. Nó cũng có thể thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển của khối u ruột kết và tuyến tiền liệt trong mô hình động vật.

Tỷ lệ Omega-6 và Omega-3 là rất quan trọng

Axit béo được chia thành axit béo "bão hòa" và axit béo "không bão hòa". Hầu hết chất béo động vật đều bão hòa, trong khi chất béo từ nguồn thực vật thường là không bão hòa. Cả omega-6 và omega-3 đều chứa các axit béo thiết yếu chỉ có từ thực phẩm như, axit linoleic (LA), axit béo omega-6 và axit alpha-linolenic (ALA), axit béo omega-3.

Chế độ ăn uống hiện đại có xu hướng tiêu thụ quá nhiều axit béo omega-6 nhưng lại thiếu hụt axit béo omega-3. Sự mất cân bằng về tỷ lệ này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực cho sức khỏe.

Theo truyền thống, tỷ lệ omega-6 và omega-3 trong chế độ ăn là khoảng 4:1 hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, chế độ ăn uống hiện nay ở phương Tây, tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể lên khoảng 20:1 hoặc thậm chí cao hơn. Sự thay đổi chế độ ăn uống này có thể gây ra phản ứng viêm quá mức và kéo dài trong cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm mãn tính ở mức độ thấp.

Tình trạng viêm mãn tính được cho là có liên quan đến nhiều rối loạn về thể chất và tâm lý.

Kết quả của một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí lâm sàng về cơn đau năm 2018 đã chứng minh rằng, trong những người trưởng thành bị đau đầu gối, người có tỷ lệ Omega-6:Omega-3 cao phải chịu nhiều cơn đau lâm sàng hơn và có kèm theo những căng thẳng tâm lý xã hội.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều axit béo omega-6 cũng có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Cụ thể, một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients năm 2016, cho thấy tỷ lệ omega-6 và omega-3 có tác động đáng kể đến sự phát triển của bệnh béo phì. Sự mất cân bằng trong tỷ lệ này, đặc biệt là khi tiêu thụ quá nhiều axit béo omega-6, gây béo phì thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Một trong nhưng cơ chế đó là việc sản xuất eicosanoids có nguồn gốc từ axit arachidonic, một loại axit béo omega-6. Eicosanoids có đặc tính chống viêm và có thể thúc đẩy tăng trưởng mô mỡ, kháng insulin và tăng tích trữ chất béo. Đây đều là những yếu tố góp phần phát triển bệnh béo phì.

Tuy nhiên, việc tăng lượng axit béo omega-3, đặc biệt là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA), có thể giúp cân bằng lại tỷ lệ trên và chống lại tác động tiêu cực của béo phì.

Sự cân bằng về tỷ lệ omega-6 và omega-3 rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát béo phì. Do đó, nên giảm omega-6 và tăng axit béo omega-3 trong chế độ ăn uống.

Loại dầu nào tốt nhất cho sức khỏe tối ưu?

Xét nghiệm máu có thể phát hiện tỷ lệ omega-6 và omega-3 trong máu của chúng ta. Tỷ lệ lý tưởng là từ 1:1 đến 4:1. Nếu vượt quá mức này, bạn nên cân nhắc điều chỉnh chế độ ăn uống của mình cho phù hợp.

Các loại dầu ăn như đậu nành, ngô, hướng dương, đậu phộng, vừng, hạt bông và dầu cám gạo đều có nhiều axit béo omega-6.

Do vậy, để có các lựa chọn nấu ăn lành mạnh hơn, hãy chọn các loại dầu có nguồn gốc tốt, chất lượng cao, giàu hàm lượng omega-3 như dầu ô liu và bơ.

Thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn bao gồm thanh granola, ngô và khoai tây chiên, hay các loại gia vị như sốt mayonnaise đều chứa nhiều omega-6; và chúng ta nên tránh sử dụng chúng.

Thay vào đó, hãy chọn thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu, hạt lanh, quả bơ, quả óc chó để điều chỉnh tỷ lệ omega-6:omega-3 trong cơ thể.

Theo The Epoch Times

Thanh Trúc biên dịch

Tác giả: Jingduan Yang

Tiến sĩ Jingduan Yang là nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần và chuyên gia về châm cứu, y học Trung Quốc và y học tích hợp. Ông thành lập Viện Y học Tích hợp Yang, Phòng khám Châm cứu Tao và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ. Tiến sĩ Yang là đồng tác giả của hai cuốn sách: “Hướng về phương Đông: Bí quyết làm đẹp và sức khỏe cổ xưa cho thời đại hiện đại” và “Châm cứu lâm sàng và Y học cổ truyền Trung Quốc”.



BÀI CHỌN LỌC

Cân bằng tỷ lệ Omega-6 và Omega-3 trong dầu ăn để đảm bảo sức khoẻ lành mạnh