Chế độ ăn ít natri có thể khiến bạn căng thẳng hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thuật ngữ "muối" và "natri" thường được sử dụng thay thế cho nhau - nhận biết được sự khác biệt giữa chúng cũng như biết loại muối nào tốt nhất để ăn có thể cải thiện sức khỏe của bạn.

Có mối liên quan giữa lượng muối tiêu thụ và tình trạng stress (căng thẳng), nhưng có lẽ không giống như bạn nghĩ. Trong khi chúng ta đã quá quen thuộc với những nguy hiểm tiềm ẩn liên quan đến chế độ ăn nhiều natri, thì nhiều người lại không biết rằng việc ăn quá ít natri cũng dẫn đến những vấn đề riêng. Khi nói đến căng thẳng, muối đóng vai trò quan trọng trong việc giúp loại bỏ cortisol ra khỏi cơ thể.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tạp chí Clinical Endocrinology năm 2020 cho thấy việc tăng lượng muối tiêu thụ dẫn đến sự gia tăng nồng độ cortisol trong nước tiểu và giảm nồng độ cortisol trong máu. Điều này có nghĩa gì? Giảm lượng natri nạp vào có thể dẫn đến tăng cortisol trong máu.

Muối thường bị xem như ‘ác quỷ’ với cơ thể, và nhiều bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân áp dụng chế độ ăn ít natri vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, việc không tiêu thụ đủ muối có thể ảnh hưởng đến quá trình loại bỏ cortisol khỏi máu. Natri giúp loại bỏ hormone gây stress ra khỏi cơ thể, và tránh nó có thể cuối cùng dẫn đến nồng độ cortisol trong máu tăng cao mạn tính. Nếu không được điều trị, nồng độ cortisol cao có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu và các biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết mọi người đang trải qua một số triệu chứng của việc cortisol tăng cao hoặc rối loạn do stress trong cuộc sống, và việc kiêng muối có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Cortisol là một loại hormone steroid thiết yếu được tuyến thượng thận tiết ra để đáp ứng với stress. Nó thường được gọi là hormone stress vì khi cơ thể phản ứng với một yếu tố gây căng thẳng nào đó sẽ tăng tiết ra cortisol.. Cortisol hỗ trợ giải phóng lượng glucose tồn trữ trong tế bào nhằm tạo ra năng lượng giúp cơ thể tránh né mối đe dọa đã được nhận diện

Mặc dù là một hormone quan trọng, giúp điều chỉnh mức đường huyết, kiểm soát quá trình trao đổi chất, kiềm chế viêm nhiễm, và hỗ trợ chu kỳ thức - ngủ của con người.nhưng nồng độ cortisol cao kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm tăng cân, huyết áp cao và suy giảm chức năng miễn dịch.

Sự khác biệt giữa muối và natri

Nhiều người thường sử dụng các từ muối và natri thay thế cho nhau, nhưng thực sự có một sự khác biệt rõ ràng giữa hai thứ này. Natri là một khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm và cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Muối ăn là sự kết hợp của natri và chloride. Nó là một hợp chất hóa học bao gồm 40% natri và 60% chloride, do đó có tên gọi khác là natri clorua. Về cơ bản, natri là một trong hai thành phần tạo nên muối ăn.

Natri là một khoáng chất thiết yếu giúp điều chỉnh cân bằng chất lỏng trong cơ thể và duy trì chức năng bình thường của thần kinh và cơ bắp. Nó cũng tham gia vào quá trình hấp thụ và vận chuyển các chất dinh dưỡng khắp cơ thể. "Thiết yếu" có nghĩa là cơ thể bạn không thể tự sản xuất natri và bạn phải nạp đủ lượng natri cần thiết từ thực phẩm bạn ăn. Vậy, nguồn chính của natri là gì? Đó chính là muối.

Mối liên quan giữa muối và cortisol

Những phát hiện của nghiên cứu năm 2020 không phải là mới. Một nghiên cứu riêng biệt được công bố cùng năm đó cho thấy, "Trong chế độ ăn nhiều muối so với chế độ ăn ít muối, lượng bài tiết aldosterone qua nước tiểu giảm, trong khi lượng bài tiết cortisol và cortisone qua nước tiểu tăng lên." Vào năm 2013, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism xác định rằng "Chế độ ăn nhiều muối làm tăng bài tiết cortisol ở người."

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa năm 2003 nêu rõ, "Ở những người khỏe mạnh, việc nạp nhiều muối làm tăng và việc hạn chế natri làm giảm lượng cortisol tự do bài tiết qua nước tiểu" và "những thay đổi trong bài tiết chất chuyển hóa cortisol sau khi nạp nhiều muối đi kèm với việc giảm nồng độ cortisol trong huyết tương."

Trước đó, một nghiên cứu năm 1998 đã kết luận, “Nghiên cứu này ủng hộ quan điểm rằng việc hạn chế natri sẽ làm giảm lượng bài tiết cortisol trong nước tiểu”.

Mặc dù cần có thêm nghiên cứu để hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa lượng muối ăn vào và bài tiết cortisol, nghiên cứu năm 2020 nêu ra một vài điểm đáng chú ý. Lượng natri nạp vào tăng cao có thể dẫn đến kết quả dương tính giả trong các xét nghiệm bài tiết cortisol tự do trong nước tiểu, và chế độ ăn ít natri có thể khiến các xét nghiệm máu cortisol không chính xác. Ngoài ra, chế độ ăn ít natri có thể làm tăng cortisol, và việc đưa các nguồn natri chất lượng cao vào chế độ ăn uống của bạn sẽ mang lại lợi ích cho việc điều chỉnh cortisol.

Loại muối bạn dùng rất quan trọng

Khi nói đến việc tiêu thụ muối, loại muối bạn chọn rất quan trọng. Muối ăn là loại muối được sử dụng phổ biến nhất. Nó được qua xử lý nhiều và loại bỏ hầu hết các khoáng chất tự nhiên. Các chất hóa học thường được thêm vào để tránh tình trạng vón cục do độ ẩm.

Muối ăn cũng thường được bổ sung iốt. Iốt có thể có lợi cho sức khỏe tuyến giáp. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng quá trình xử lý muối ăn có thể khiến cơ thể khó hấp thụ và sử dụng hơn, đồng thời có thể dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe. Đôi khi, dextrose, một dạng đường, được thêm vào muối ăn.

Muối biển là một dạng muối tự nhiên hơn được thu hoạch từ nước biển bay hơi. Nó giữ lại nhiều khoáng chất tự nhiên, bao gồm magiê, kali và canxi. Muối biển không được tinh chế hoặc xử lý. Muối hồng Himalaya là một loại muối biển phổ biến được khai thác từ các mỏ muối cổ xưa ở dãy núi Himalaya. Nó được biết đến với màu hồng đặc trưng và giàu khoáng chất.

Muối Kosher là natri clorua tinh khiết và không chứa các khoáng chất vi lượng, iốt hoặc chất phụ gia không lành mạnh.

Thực phẩm giúp giảm Cortisol

Ngoài việc sử dụng muối chất lượng cao, những thực phẩm tốt nhất để giảm cortisol là những thực phẩm có tác dụng chống viêm. Bất kỳ thực phẩm nào có tác dụng giảm viêm đều có thể giúp giảm mức cortisol. Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm mức cortisol trong cơ thể bao gồm:

  • Sô cô la đen: Sô cô la đen chứa các flavonoid và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể làm giảm cortisol.
  • Các loại quả mọng: chúng giàu các chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và giảm cortisol.
  • Cá nhiều chất béo: Cá nhiều chất béo như cá hồi và cá ngừ chứa nhiều axit béo omega-3. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng omega-3 có thể làm giảm cortisol.
  • Các loại hạt: Hạt là nguồn magiê tốt, giúp giảm cortisol.
  • Rau xanh ăn lá: Rau xanh như rau spinach và cải xoăn (Kale) cũng giàu magiê và các chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và giảm cortisol.
  • Thực phẩm lên men: Thực phẩm lên men, bao gồm kim chi và bắp cải muối chua, chứa các vi khuẩn có lợi. Lợi khuẩn đã được chứng minh là có thể làm giảm cortisol.
  • Trà thảo mộc: Nghiên cứu ủng hộ ý kiến cho rằng các loại trà thảo mộc, như cúc và oải hương, có tính chất làm dịu có thể giúp giảm cortisol.
  • Sâm Ấn độ (Ashwagandha): Một loại cây đã được sử dụng hàng thế kỷ trong y học Ayurveda (Hindu) truyền thống. Nó được cho là làm giảm cortisol trong cơ thể. Nó được dùng để điều trị nhiều tình trạng khác nhau, như căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và trầm cảm.

Một số nghiên cứu gợi ý rằng ashwagandha cũng có tính chất chống viêm và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, ashwagandha có thể không an toàn cho một số người do đó nên thảo luận với bác sĩ trước khi dùng.

Theo Jennifer Sweenie, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Jennifer Sweenie là một phóng viên y tế ở New York. Cô là một bác sĩ trị liệu dinh dưỡng và là đầu bếp được đào tạo chuyên về hỗ trợ sức khỏe, tập trung vào dinh dưỡng chức năng và thực phẩm nguyên chất, tự nhiên. Jennifer có chân trong ban giám đốc của Slow Food NYC và là cựu thành viên ban giám đốc của Tổ chức Từ Nông trại đến Người tiêu dùng.



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ ăn ít natri có thể khiến bạn căng thẳng hơn