Khi cha mẹ nổi cáu với con, hãy thử áp dụng 3 phương pháp này, hiệu quả vô cùng bất ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục con cái là quá trình vô cùng gian nan và nhiều thử thách, đặc biệt là đối với con nhỏ. Nhiều bậc phụ huynh thừa nhận rằng, họ rất dễ nổi cáu mỗi khi con nghịch ngợm, ương bướng và không chịu nghe lời.

Chúng ta đều biết rằng, trẻ con sinh ra cũng như tờ giấy trắng, hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Nhưng vì sao tính cách của chúng khi lớn lên lại khác nhau đến vậy? Không thể phủ nhận tính cách tiên thiên và yếu tố di truyền bẩm sinh, ngoài ra, môi trường sống xung quanh trẻ cũng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nhân cách.

Ví như, nếu đứa trẻ từ bé đã sống trong môi trường gia đình căng thẳng, không hòa thuận, lớn lên chúng sẽ trở nên rụt rè, ít nói và không có cảm giác an toàn. Ngược lại, nếu đứa trẻ sống trong gia đình hòa thuận, cha mẹ yêu thương và kính trọng lẫn nhau, chúng sẽ trở nên hoạt bát, vui vẻ và tự tin khi trưởng thành. Bất luận là về công việc hay học tập, một đứa trẻ có tính cách cởi mở và hoạt bát sẽ có khả năng phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, việc cha mẹ thường xuyên la mắng và mất bình tĩnh với con cũng khiến trẻ trở nên rụt rè, tự ti.

Bởi vậy, cha mẹ cần học cách kiềm chế cảm xúc và tính nóng nảy của bản thân, khi không thể kiềm chế được cơn tức giận, cha mẹ có thể thử áp dụng 3 phương pháp sau:

1. Tạm đi ra chỗ khác khi tức giận

Khi giáo dục con cái, cha mẹ rất dễ nóng giận mỗi khi con trẻ không ngoan, có người thậm chí còn mắng con, đánh con,... Khi nguôi ngoai cơn giận, hầu hết cha mẹ đều cảm thấy vô cùng hối hận, con cái cũng trở nên cảnh giác và không muốn gần gũi với cha mẹ nữa. Điều này quả thực khiến nhiều bậc phụ huynh rơi vào tình trạng bất lực.

Trẻ con vốn tinh nghịch và hiếu động, cha mẹ nên hiểu và thông cảm cho thiên tính này của trẻ. Khi trẻ có hành vi khiến cha mẹ không vừa lòng hoặc tức giận, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là điều chỉnh cảm xúc của mình, nếu rất khó kiềm chế, cha mẹ có thể chọn cách tạm lánh đi đâu đó, sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ nên trao đổi và phân tích cho trẻ hiểu.

So với việc quát mắng và dùng roi gậy, việc giáo dục con một cách lý trí sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều.

2. Đặt mình vào vị trí của trẻ, hãy tìm hiểu tình huống trẻ đang đối mặt

Cô con gái của Vân năm nay 3 tuổi rưỡi, Vân kể rằng, buổi tối có hôm con gái đang ngủ rất ngon, thi thoảng cô bé sẽ đột nhiên thức giấc và bắt đầu khóc, dù có dỗ dành thế nào cô bé vẫn cứ khóc, cứ như vậy khiến Vân không thể chịu đựng nổi. Vân không thể kiềm chế tính nóng nảy của mình, cô bắt đầu la mắng con, đe dọa con bằng những lời cay nghiệt. Cuối cùng, cô bé cảm thấy sợ hãi và đành nằm sấp mặt rồi ngủ thiếp đi.

Khóc đêm ở trẻ cũng có thể là biểu hiện thường gặp của khủng hoảng tuổi lên 3. Liên quan đến tình huống này, cha mẹ đầu tiên nên bình tĩnh và hãy tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng khóc đêm của trẻ, có thể là do trẻ cảm thấy khó chịu hay không khỏe trong người.

Đặt mình vào vị trí của trẻ, cha mẹ sẽ dễ thấu hiểu cho tình huống của con, từ đó có thể bình tĩnh đưa ra những phương cách tốt nhất để hỗ trợ con, thay vì mất bình tĩnh và trách cứ con một cách mù quáng.

3. Sau khi làm tổn thương trẻ, cha mẹ nên học cách xin lỗi

Sau khi mất bình tĩnh và nói những lời làm tổn thương đến con, điều tốt nhất cha mẹ nên làm là xin lỗi trẻ, bởi vì cha mẹ sẽ trở thành tấm gương của con noi theo.

Hồi nhỏ, mỗi khi Nam và em trai không hòa thuận và cãi nhau. Mẹ thường nổi nóng với hai anh em, đôi khi mẹ sẽ nghiêm khắc và phạt Nam nặng hơn, dần dần, Nam trở nên xa cách và cho rằng mẹ thiên vị em trai hơn mình.

Hồi đó, mỗi khi mẹ nổi nóng với Nam, Nam thường cho rằng mẹ không thích mình, từ đó Nam và mẹ cũng ít khi nói chuyện với nhau. Mãi cho đến sau này, Nam phát hiện ra rằng mẹ cũng rất yêu thương mình, chỉ là khi nổi nóng mẹ thường hay nói những lời làm Nam buồn, tuy vậy, giữa Nam và mẹ dường như vẫn có khoảng cách.

Vì vậy, nếu bạn không thể kiểm soát cơn thịnh nộ mỗi khi quát mắng con, sau khi bình tĩnh lại, bạn nên xin lỗi và phân tích để con hiểu lý do bạn mắng con, để con không hiểu nhầm rằng bạn ghét bỏ hay không quan tâm đến con.

Theo Vương Hòa - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khi cha mẹ nổi cáu với con, hãy thử áp dụng 3 phương pháp này, hiệu quả vô cùng bất ngờ