Kính viễn vọng Euclid: 5 hình ảnh vũ trụ đầu tiên mở đường cho giải đáp về ‘vật chất tối' 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những hình ảnh tinh xảo đầu tiên này của Kính viễn vọng Euclid cho thấy Sứ mệnh đã sẵn sàng giúp các nhà khoa học sớm giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất của vật lý hiện đại - Vật chất tối.

Vào thứ Ba (ngày 7 tháng 11), các nhà thiên văn học đã ca ngợi khả năng của kính thiên văn Euclid trong việc ghi lại những nét phức tạp đáng kinh ngạc của vũ trụ trong vài giờ đáng chú ý khi họ công bố những hình ảnh đầy đủ màu sắc đầu tiên của sứ mệnh.

René Laureijs, nhà khoa học của dự án Euclid, cho biết trong một tuyên bố trước buổi ra mắt: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy những hình ảnh thiên văn như thế này trước đây, rõ ràng với nhiều chi tiết đến vậy”. “Chúng thậm chí còn đẹp và sắc nét hơn những gì chúng tôi mong đợi, cho chúng ta thấy nhiều đặc điểm chưa từng thấy trước đây ở những khu vực vốn nổi tiếng của vũ trụ.”

Các nhà khoa học của sứ mệnh đã tập trung tại Darmstadt, Đức để công bố 5 hình ảnh sống động đầu tiên của kính thiên văn về các khu vực khác nhau trong vũ trụ.

Giàu màu sắc cũng như sắc thái, những bức ảnh mới này ghi lại những đặc điểm chưa từng thấy trước đây ở ngay cả một số vật thể vũ trụ đã được nghiên cứu sâu. Những bức ảnh cho biết rằng kính viễn vọng Euclid đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đầy tham vọng của nó: Lập bản đồ mặt tối, vô hình của vũ trụ của chúng ta.

Euclid đã mất tổng cộng khoảng một ngày để chụp tất cả 5 vật thể vũ trụ mà được chọn để các nhà thiên văn học công bố cho công chúng cũng như thể hiện về giá trị khoa học của chúng.

'Thiên hà ẩn giấu' đã xuất hiện trên bầu trời

Thiên hà xoắn ốc IC 342 nằm cách Trái đất khoảng 10,7 triệu năm ánh sáng. Nếu nó không bị khí và bụi của Dải Ngân hà che khuất thì nó sẽ là một trong những vật thể sáng nhất trên bầu trời. (Hình ảnh: ESA)

Thiên hà xoắn ốc IC 342 là một trong những thiên hà đầu tiên mà Euclid quan sát được có biệt danh là “Thiên hà ẩn giấu” và nằm cách Trái đất khoảng gần 11 triệu năm ánh sáng. Nó được đặt tên này bởi vì nó nằm phía sau đĩa của Dải Ngân hà của chúng ta. Do đó, ‘Thiên hà ẩn giấu’ này thường bị che khuất bởi khí vũ trụ, bụi tối và các ngôi sao sáng của Dải Ngân hà, nhưng Euclid đã sử dụng thiết bị cận hồng ngoại của mình để nhìn xuyên qua tấm chăn đó và thu thập ánh sáng từ các ngôi sao của thiên hà - chỉ trong một giờ quan sát.

Laureijs nói khi tiết lộ hình ảnh này của Thiên hà ẩn giấu: “Nếu bạn cần quan sát một tỷ thiên hà, bạn phải bắt đầu với một thiên hà. "Và đây chính là số một đó."

Các thiên hà cũ và mới lấp lánh trong Cụm Perseus

Chòm sao Perseus nằm cách Trái đất khoảng 240 triệu năm ánh sáng. (Hình ảnh: ESA)

Bức ảnh quen thuộc này cho thấy hơn 1.000 thiên hà đang phát sáng trong chòm sao Perseus, cách Trái đất khoảng 240 triệu năm ánh sáng. Chứa hàng nghìn thiên hà được bao bọc trong lớp khí siêu nóng. Cụm thiên hà này được cho là một trong những cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ.

Một vệt sao tím trong NGC 6822

Có thể thấy hàng nghìn ngôi sao màu tím đang tụ tập ở trung tâm bức ảnh, cùng với vô số ngôi sao khác rải rác ra phía ngoài. (Hình ảnh: ESA)

Chỉ cách Trái đất 1,6 triệu năm ánh sáng, NGC 6822 trông không giống một thiên hà mà giống một làn sương mù mịn hơn. Những ngôi sao màu tím của nó dường như đang lơ lửng trong không gian tối tăm. Các nhà khoa học cho rằng đó là vì thiên hà này có thể là hạt giống cho một thiên hà có cấu trúc chặt chẽ hơn trong tương lai giống như thiên hà của chúng ta.

NGC 6822 là thiên hà dị thường đầu tiên mà Euclid quan sát được. Mặc dù là một phần của cùng cụm thiên hà với Dải Ngân hà, NGC 6822 đáng ngạc nhiên chứa các nguyên tố kim loại nặng vốn không phổ biến ở các thiên hà trẻ, vẫn đang hình thành.

Một vệt sao lấp lánh khác trong NGC 6397

Hình ảnh lấp lánh này có hàng nghìn ngôi sao trong NGC 6397. (Nguồn hình ảnh: ESA)

Trong số các nàng thơ của Euclid, còn có hình ảnh lung linh về cụm sao cầu NGC 6397, một tập hợp gồm hàng nghìn ngôi sao bị ràng buộc bởi trọng lực và quỹ đạo trong đĩa Ngân Hà cách Trái đất khoảng 7.800 năm ánh sáng.

Các nhà thiên văn học đặc biệt quan tâm đến những ngôi sao mờ nhạt nằm ở vùng ngoại ô của cụm sao, hầu như không được chiếu sáng trong nền đông đúc sao như vậy, mặt khác chúng bị nhấn chìm bởi sự tỏa sáng của các ngôi sao sáng hơn ở gần chúng. Vì vậy, với Euclid, các nhà khoa học cho biết họ đã kết hợp những bức ảnh phơi sáng ngắn của các vật thể ở phía trước với những bức ảnh phơi sáng lâu của hàng nghìn ngôi sao ở xa để chụp cả những vật thể ở gần và kể cả ở xa với độ phân giải cao.

Giuseppe Racca, giám đốc dự án Euclid tại ESA cho biết: “Đó thực sự là loại hình ảnh mà chúng tôi hy vọng đạt được”. "Chúng tôi thực sự rất hài lòng và tự hào."

Sử dụng Euclid, các nhà thiên văn học sẽ tìm kiếm cái gọi là đuôi thủy triều trong cụm này, là vệt sao kéo dài ra ngoài vật thể do tương tác hấp dẫn với các thiên hà khác bên ngoài cụm. Nếu họ tìm thấy những cái đuôi như vậy trong NGC 6397, họ có thể tính toán về cách cụm này quay quanh thiên hà của chúng ta, từ đó có thể tiết lộ sự phân bố và hành vi của quầng vật chất tối trong Dải Ngân hà.

Davide Massari thuộc Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia ở Ý cho biết: “Chúng tôi hy vọng tất cả các cụm sao cầu trong Dải Ngân hà đều có chúng, nhưng cho đến nay chúng tôi mới chỉ nhìn thấy chúng ở một số ít”. “Nếu không có đuôi thủy triều thì có thể có quầng vật chất tối xung quanh cụm sao cầu, ngăn cản các ngôi sao bên ngoài thoát ra ngoài.”

Tinh vân Đầu Ngựa tỏa sáng với những chi tiết mới

Những đám mây xung quanh Tinh vân Đầu Ngựa đã tan biến, cột Đầu Ngựa sẽ tan rã sau 5 triệu năm nữa. (Nguồn hình ảnh: ESA)

Hình ảnh cuối cùng trong số 5 hình ảnh mới của Euclid là về Tinh vân Đầu Ngựa nổi tiếng, một đám mây phân tử lớn, tối, cách Trái đất khoảng 1.500 năm ánh sáng trong chòm sao Orion.

Một ngôi sao rất sáng, Sigma Orionis, được đặt phía trên Đầu ngựa và bên ngoài tầm nhìn của Euclid được nhìn thấy đang bơm bức xạ cực tím vào vườn ươm sao, khiến các đám mây nền phát sáng. Các nhà thiên văn học cho biết bản thân đầu Ngựa trông có vẻ tối vì những đám mây hydro dày của nó chặn ánh sáng nền.

Các nhà thiên văn học cho biết các đám mây xung quanh tinh vân đã tan biến, trong khi cột Đầu ngựa sẽ tan rã sau 5 triệu năm nữa. Sử dụng khả năng của Euclid, các nhà khoa học hy vọng sẽ phát hiện được nhiều hành tinh mờ, trẻ và chưa từng thấy trước đây giống Sao Mộc và các ngôi sao con trong khu vực.

Các nhà khoa học cho biết họ dự kiến sẽ công bố những kết quả khoa học đầu tiên từ sứ mệnh này vào đầu năm tới.

Trong khi đó, từ vị trí thuận lợi cách Trái đất 1,6 triệu km, Euclid sẽ sớm bắt đầu quá trình thu thập dữ liệu vũ trụ trong sáu năm. Xin cám ơn bạn, Euclid!

Theo Space



BÀI CHỌN LỌC

Kính viễn vọng Euclid: 5 hình ảnh vũ trụ đầu tiên mở đường cho giải đáp về ‘vật chất tối'