Lo lắng và trầm cảm có thể do ánh sáng gây ra - Có nên để đèn quá sáng vào ban đêm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, tạp chí Nature Mental Health đã công bố một nghiên cứu quy mô toàn cầu về tác động của việc tiếp xúc với ánh sáng đối với sức khỏe tâm thần, cho thấy ban ngày tiếp xúc quá ít, hoặc quá nhiều ánh sáng vào ban đêm, sẽ làm tăng nguy cơ các chứng lo âu, trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác.

Các nhà khoa học từ Trường Khoa học Tâm lý Monash của Úc và Viện Sức khỏe Tâm thần và Não Turner của Melbourne, đã phân tích dữ liệu từ 87.000 đối tượng trong ngân hàng sinh học của Anh và phát hiện ra rằng, những người tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có nguy cơ trầm cảm tăng 30%, và những người tiếp xúc với nhiều ánh sáng trong ngày có nguy cơ trầm cảm thấp hơn 20%.

Đồng thời, kết quả tương tự cũng được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, và những người có hành vi tự làm hại bản thân. Phát hiện này không phụ thuộc vào mùa vụ, dân số, sự khác biệt nghề nghiệp, hoạt động thể chất và cuộc sống ở thành thị hay nông thôn.

Phó giáo sư Kane, người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Người hiện đại dành khoảng 90% thời gian ở trong nhà dưới ánh đèn điện. So với chu kỳ sáng tối tự nhiên thì ban ngày quá tối và ban đêm quá sáng, khiến cơ thể chúng ta bị rối loạn. Một khi mọi người hiểu rằng các kiểu ánh sáng có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần, thì có thể dùng những cách đơn giản để cải thiện sức khỏe tâm thần, và đóng vai trò như một phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh tâm thần”.

Cao Vĩ, bác sĩ trưởng Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Thủ Cang thuộc Đại học Bắc Kinh, nói với phóng viên "Global Times Health Client" rằng, ánh sáng có tác động quan trọng đến đồng hồ sinh học và sức khỏe thể chất của cơ thể con người:

Điều chỉnh đồng hồ sinh học.

Ánh sáng tác động đến các tế bào hạch võng mạc, giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, và do đó ảnh hưởng đến tâm trạng. Đủ ánh sáng mặt trời vào ban ngày khiến con người cảm thấy tràn đầy năng lượng, ấm áp, thoải mái và tâm trạng vui vẻ.

Ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao trong nhà vào ban đêm sẽ phá hủy môi trường tối cần thiết để nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến cáu kỉnh, lo lắng. Ngoài ra, ánh sáng ngoài trời vào ban đêm như đèn neon nhấp nháy, và biển quảng cáo bên ngoài trung tâm mua sắm, khách sạn, cũng có thể làm gián đoạn đồng hồ sinh học, khiến con người không thể nghỉ ngơi bình thường và khiến họ khó chịu.

Ảnh hưởng đến việc tiết melatonin.

Melatonin là một loại hormone do tuyến tùng tiết ra, có chức năng điều chỉnh giấc ngủ và nhịp sinh học. Ánh sáng ảnh hưởng đến việc tiết melatonin, môi trường tối hoàn toàn có lợi cho việc tiết melatonin nhất. Lượng melatonin vừa đủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, đèn quang phổ màu vàng giúp con người duy trì chất lượng giấc ngủ tốt hơn, trong khi đèn xanh lam và xanh lục có tác dụng ức chế mạnh việc tiết melatonin và làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Bs. Cao Vĩ cho biết, trong điều trị lâm sàng, người ta thấy ánh sáng có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Ví dụ, bệnh nhân sa sút trí tuệ thường có biểu hiện cáu kỉnh, lo lắng, khóc lóc vào buổi tối, người ta gọi là “hiện tượng chạng vạng”. Nguyên nhân là do ánh sáng tối tác động lên cảm xúc của người bệnh, lúc này bạn chỉ cần bật đèn kịp thời, và sử dụng đèn có công suất cao, các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng.

Năm 2020, các nhà thần kinh học của Viện Công nghệ Massachusetts đã đề xuất một phương pháp mới để ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer. Đó là kích hoạt não bắt đầu chế độ làm sạch bằng cách đồng bộ hóa hoạt động điện của sóng gamma trong não bằng đèn nhấp nháy ở một tần số nhất định, sẽ giúp loại bỏ, làm sạch độc tố khỏi não trước khi chúng gây ra tổn thương cho não. Các nhà khoa học Anh cũng phát hiện ra rằng, nếu ở môi trường ánh sáng dịu có thể cải thiện khả năng nhận thức của bệnh nhân trầm cảm lên gấp 3 lần.

Tuy nhiên, ánh sáng trong nhà dù có sáng đến mấy cũng không thể bằng với ánh sáng mặt trời, vì quang phổ của ánh sáng tự nhiên là liên tục, và chứa đủ mọi màu sắc của ánh sáng. Sau nhiều năm nghiên cứu, cho thấy rằng mắt con người cảm thấy thoải mái nhất dưới ánh sáng tự nhiên ngoài trời. Việc tiếp xúc lâu dài với đèn huỳnh quang trong nhà có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của não và gây ra một số triệu chứng gây khó chịu.

Một nghiên cứu được công bố trên “Hội đồng Y khoa Nội khoa Anh” đã chỉ ra rằng, thời gian con người tiếp xúc ánh sáng ngoài trời tối ưu nhất vào mùa hè là 2 giờ mỗi ngày, và vào mùa đông là 1 giờ mỗi ngày, trung bình mỗi ngày là 1,5 giờ.

Ánh sáng ngoài trời không chỉ kích thích siêu âm “đồng hồ cơ thể” trong não, điều chỉnh nhịp sinh học mà còn giúp cơ thể hấp thụ vitamin D. Vitamin D có nhiều chức năng bảo vệ sức khỏe não bộ, như bảo vệ thần kinh và điều hòa tâm trạng.

Ánh sáng ngoài trời không chỉ kích thích siêu âm “đồng hồ cơ thể” trong não, điều chỉnh nhịp sinh học mà còn giúp cơ thể hấp thụ vitamin D. (Pexels)

Mọi người nên sử dụng ánh sáng như thế nào để khiến bản thân hạnh phúc hơn và tinh thần khỏe mạnh hơn?

Bs. Cao Vĩ đề nghị nhân viên văn phòng nên mở thêm cửa sổ để thông gió, và tiếp cận ánh sáng tự nhiên nếu làm việc trong văn phòng ban ngày. Trong thời gian nghỉ làm hoặc nghỉ trưa, tốt nhất bạn nên ra ban công hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời để có thêm ánh nắng.

Khi bố trí ánh sáng trong nhà, bạn cần phải kết hợp giữ ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Màu sắc chiếu sáng trong nhà nên tránh sự tương phản màu sắc mạnh, tránh kết hợp màu đỏ đậm và xanh lá cây đậm. Trong cùng một phòng không nên có nhiều hơn ba màu chiếu sáng, và duy trì phối hợp màu sắc hài hoà dễ chịu.

Những người có nhu cầu học tập, làm việc lâu tại bàn làm việc nên bật đèn vàng và bật đèn bàn trong nhà, có thể chọn loại đèn bàn mô phỏng ánh sáng tự nhiên là tốt nhất. Buổi tối trước khi đi ngủ, tốt nhất nên sử dụng đèn có ánh sáng dịu và ấm áp, không bật đèn pha, không bật đèn sáng khi ngủ và không nên thức khuya.

Ngày nay, nhiều thành phố đã triển khai các “dự án chiếu sáng” để làm sáng thành phố về đêm, khuyến cáo đèn bên ngoài các tòa nhà nên để cách xa khu dân cư, không nên quá sáng hoặc quá chói để không ảnh hưởng đến mọi người nghỉ ngơi.

Theo Vương Hòa - Aboluowang/ Nguồn: Life Times

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lo lắng và trầm cảm có thể do ánh sáng gây ra - Có nên để đèn quá sáng vào ban đêm?