Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc bốc cháy trên bầu trời California

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân California, Mỹ, vô cùng ngạc nhiên vào sáng sớm hôm thứ Ba (ngày 2/4) khi nhìn thấy những vệt sáng vàng bất ngờ xuất hiện trên bầu trời Los Angeles. Ban đầu, họ cho rằng đó là tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng lên trước đó 6 giờ hoặc một thiên thạch khổng lồ bốc cháy khi lao xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất. Nhưng sau đó, các nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ đã xác định rằng vật thể bốc cháy là tầng đẩy chính của tên lửa Thần Châu-15 của Trung Quốc, được phóng vào năm 2022.

Sự kiện "rác vũ trụ" của Trung Quốc xảy ra chỉ vài tháng sau khi một khinh khí cầu do thám của nước này bay qua căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Montana.

Phần phụ của tên lửa Trung Quốc, mô-đun quỹ đạo nặng khoảng 1.500 kg, không được thiết kế để tái nhập an toàn vào bầu khí quyển Trái Đất và được dự định quay quanh hành tinh của chúng ta cùng với hàng tấn rác vũ trụ khác.

Các nhân chứng của vụ nổ đã đăng tải lên mạng xã hội video về vật thể vạch ngang bầu trời vào khoảng 1:40 sáng giờ Thái Bình Dương (3:40 chiều giờ Việt Nam), và đặt câu hỏi về bản chất của nó.

Một người dùng trên X viết: "Tôi đoán đây là mảnh vỡ hoặc thứ gì đó liên quan đến vụ phóng SpaceX đầu giờ tối", trong khi người khác đơn giản hỏi: "Ồ, cái gì thế?"

Khi tin tức lan truyền rằng đó là một mảnh vỡ từ tên lửa của Trung Quốc, những bình luận về sự can dự của Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện.

Một người dùng trên X viết: "Trung Quốc đang làm bất cứ điều gì họ muốn”. Một người khác bình luận: "Có người bên Trung Quốc sẽ bị sa thải hôm nay. Không phải vì [tên lửa] rơi xuống gần Los Angeles, mà vì nó đã bay trượt”.

Heather Golden, phát ngôn viên của Aerospace Corporation - một trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ trụ do liên bang tài trợ - cho Dailymail.com biết rằng, mặc dù có suy đoán rằng vụ nổ thuộc về SpaceX, nhưng phân tích cho thấy đó không phải là tên lửa của Mỹ.

Golden nói: "Phân tích của chúng tôi cho thấy vật thể được nhìn thấy tái nhập bầu khí quyển trên Los Angeles sáng nay là mô-đun quỹ đạo từ vụ phóng tàu Thần Châu-15 của Trung Quốc vào tháng 11/2022 lên trạm vũ trụ của họ”.

Tên lửa Thần Châu-15 nặng khoảng 8 tấn được tạo thành từ nhiều mô-đun, bao gồm mô-đun tái nhập chở các phi hành gia an toàn trở lại Trái Đất và phần dịch vụ chứa các bộ phận như tấm pin mặt trời và thiết bị hỗ trợ sự sống cần thiết cho nhiệm vụ.

Phần thứ ba của Thần Châu-15, mô-đun quỹ đạo, là nơi ở cho các phi hành gia và chứa các thiết bị khoa học, thiết bị do phi hành đoàn vận hành và các loại tải trọng khác cần thiết cho nhiệm vụ.

Golden cho biết sự tái nhập của mô-đun tên lửa thường trông giống như sao băng (thiên thạch) với một thân sáng ở trung tâm theo sau là một đuôi dài, rực rỡ và thường vỡ thành nhiều mảnh.

Bà nói thêm rằng nếu vật thể "có vẻ như là một cụm các điểm sáng hẹp, tất cả đều di chuyển theo cùng một hướng với tốc độ tương đương nhau và để lại vệt sáng phía sau, thì rất có thể đó là một sự tan rã khi tái nhập”.

Vào tháng 11/2022, tên lửa Thần Châu-15 của Trung Quốc đưa 3 phi hành gia từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, Mông Cổ lên Trạm vũ trụ Thiên Cung để hoàn thành việc xây dựng căn cứ quỹ đạo của quốc gia này.

Mô-đun tái nhập của Thần Châu-15 đã hạ cánh an toàn vào tháng 6 năm ngoái và theo trang web theo dõi của Aerospace Corporation, họ dự đoán thời gian tái nhập của mô-đun quỹ đạo Thần Châu-15 sẽ là 1:33 sáng GMT (08:33 sáng giờ Việt Nam) vào thứ Ba.

Theo Madhu Thangavelu, chuyên gia quan hệ không gian của Đại học Nam California, cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về việc mảnh vỡ từ mô-đun quỹ đạo rơi xuống đất và một số có thể đã rơi xuống Thái Bình Dương. Ông nói với BBC rằng ông chỉ "hy vọng tất cả đã cháy hết ở tầng khí quyển bên trên”.

Theo Daily Mail



BÀI CHỌN LỌC

Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc bốc cháy trên bầu trời California