Người giàu Trung Quốc thà chuyển tiền ra nước ngoài bằng 'niềm tin' còn hơn để trong nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm nay, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, chính quyền của ông Tập Cận Bình lại thúc đẩy mạnh mẽ chính sách "thịnh vượng chung" khiến tầng lớp giàu có và trung lưu của Trung Quốc hoảng sợ, họ bắt đầu chuyển tài sản ra nước ngoài trên quy mô lớn. Các ngân hàng ngầm ở Trung Quốc lại được dịp hoạt động sôi nổi.

Thời gian gần đây, các ngân hàng ngầm lại càng trở nên phổ biến trong cộng đồng người Hoa tại hải ngoại, và có mặt ở nhiều tỉnh khác nhau của Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực gần Hong Kong và Ma Cao. Có thể tìm thấy thông tin về các ngân hàng ngầm trên các nền tảng WeChat, Baidu, Taobao, Facebook và Twitter.

Theo Bloomberg, các cố vấn tài sản cho biết kể từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch, nhu cầu dự trữ tài sản ở nước ngoài của giới nhà giàu Trung Quốc đã tăng cao. Do chính quyền Trung Quốc đàn áp một số ngành công nghiệp, căng thẳng địa chính trị dẫn đến sự bất ổn định và ông Tập Cận Bình tiếp tục thúc đẩy “thịnh vượng chung”, người giàu ở Trung Quốc và thậm chí cả tầng lớp trung lưu đều cảm thấy lo sợ. Nhiều người cho rằng dự trữ tài sản ở nước ngoài là việc rất quan trọng, dù là vì để đa dạng hóa tài sản hay mở đường cho việc di cư trong tương lai.

Vì sao các ngân hàng ngầm được ưa chuộng?

Bài báo trên Bloomberg đề cập rằng, có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc chuyển tiền mặt hợp pháp từ Trung Quốc ra nước ngoài, thông thường các cá nhân chỉ có thể chuyển 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ VND) ra nước ngoài mỗi năm. Để lách luật, người ta chỉ có thể dựa vào các ngân hàng ngầm như Hawala.

Các ngân hàng ngầm (Underground banks) này khác với hệ thống ngân hàng bóng (Shadow Banking System). Các ngân hàng ngầm vận hành theo phương thức chuyển tiền Hawala. Giao dịch loại này được thực hiện mà không có giấy giao nhận và chủ yếu dựa trên sự tin tưởng.

Cụ thể, người Trung Quốc chỉ cần chuyển nhân dân tệ (CNY) vào tài khoản nội địa được chỉ định ở Trung Quốc, sau đó có thể nhanh chóng nhận được ngoại tệ trong tài khoản ở nước ngoài. Tương tự, nếu muốn chuyển đổi ngoại tệ thành CNY, chỉ cần chuyển ngoại tệ vào tài khoản nước ngoài được chỉ định và tài khoản tại Trung Quốc sẽ nhận được CNY.

Ông Lâm (Lin), một người Hoa ở Thái Lan, nói với The Epoch Times rằng, "Tại các ngân hàng ngầm ở Quảng Đông và Phúc Kiến, bao gồm cả một số nơi như Nam Kinh, người dân muốn chuyển tiền là có thể chuyển được ngay, đã [nhanh gọn] tới mức này. Chỉ cần bạn nghe ngóng tìm hiểu một chút là nắm được thông tin".

Ông Lâm còn cho hay, ông biết được rằng có người đã chuyển 50.000 CNY (khoảng 170 triệu VND) hoặc 100.000 CNY (khoảng 340 triệu VND) mỗi ngày qua ngân hàng ngầm, và dần dần chuyển đi hàng triệu CNY. Mỗi lần chuyển tiền đều chỉ mất vài phút là nhận được ngoại tệ.

Phóng viên của The Epoch Times đã liên lạc với một ngân hàng ngầm, bên kia cho biết chỉ cần CNY được chuyển vào tài khoản ngân hàng được chỉ định ở Trung Quốc thì có thể nhanh chóng nhận được ngoại tệ ở nước ngoài; tỷ giá hối đoái được tính theo tỷ giá của ngày đổi, nhưng có thể sẽ phải chi trả một số phí thủ tục của ngân hàng.

Một báo cáo năm 2019 của Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) cho thấy, du học sinh Trung Quốc tại Anh được các ngân hàng ngầm tuyển dụng để giúp mở tài khoản tại các ngân hàng của Anh và rửa tiền. Một cuộc điều tra trong đó đã phát hiện rằng, có hơn 100 người đã gửi tiền mặt vào hơn 14.000 tài khoản, dòng tiền chảy vào trong một khoảng thời gian dài 12 tháng là hơn 100 triệu bảng Anh (khoảng 3.000 tỷ VND).

Luật sư Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), cựu Giám đốc Tuân thủ (CCO - người chịu trách nhiệm quản lý và giám sát tất cả các vấn đề tuân thủ) của một công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng dòng tiền nên được chảy tự do; du học và đầu tư mua nhà ở nước ngoài đều là những nhu cầu bình thường, nhưng ở Trung Quốc không có con đường để chuyển đổi, điều này đã dẫn đến sự phổ biến của các ngân hàng ngầm.

Luật sư Lương còn cho biết: "Tầng lớp trung lưu chuyển đi số tiền khá nhỏ, từ mấy trăm nghìn USD đến vài triệu USD. Còn các khoản lớn thật sự, phải kể đến các công ty của giới quyền quý [trong đảng], như công ty vũ khí PolyTech; còn có các công ty đầu tư ra nước ngoài theo sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’, họ chuyển tiền ra vô cùng thuận tiện, hoàn toàn không có ai kiểm tra".

Trước đây khi còn ở Trung Quốc, ông Lương Thiếu Hoa cũng từng làm công việc liên quan đến chống rửa tiền. Ông này cho biết, khi giới quyền lực cần chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài, họ sẽ thực hiện thông qua một loạt kênh hợp pháp như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đường sắt dọc theo “Vành đai và Con đường”. Khoản đầu tư trên danh nghĩa là 100 triệu, nhưng có lẽ thực tế chỉ đầu tư 70 triệu, số tiền còn lại sẽ được tuồn ra ngoài.

Ông Lương còn nói, lượng tiền giao dịch mỗi năm của các công ty thương mại lớn lên đến hàng trăm triệu, họ có thể nhân cơ hội này chuyển tiền cá nhân ra nước ngoài, người ngoài khó có thể nhận ra.

Ông Mạnh Quân (Meng Jun), một doanh nhân giàu có người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng các ngân hàng ngầm bắt đầu hoạt động mạnh từ năm 2000, đến năm 2010 đã đạt quy mô hơn một nghìn tỷ CNY và lên đến đỉnh điểm vào năm 2015.

Mất niềm tin trong nước, người Trung Quốc đầu tư bất động sản ở nước ngoài

Ông Mạnh Quân nói rằng, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay tiếp tục xấu đi, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc, giống như tuyết lở; rất nhiều người giàu đang đẩy nhanh tốc độ bán nhà ở các thành phố loại I như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, rồi chuyển tiền ra nước ngoài.

Ông Mạnh cho biết: “Tôi có vài người bạn chuyển tiền [ra nước ngoài] bằng cách mua nhà ở Mỹ và Canada. Mỗi một bất động sản trị giá từ 2 - 5 triệu USD (khoảng 48 - 120 tỷ VND). Họ dùng CNY để giao dịch. Anh vẫn đang ở Trung Quốc, chuyển CNY cho người ta, bất động sản ở Mỹ sẽ được sang tên anh, là nhà của anh rồi. Đặc biệt là sau năm 2021, có rất nhiều khoản tiền lớn đã được chuyển đi bằng cách này".

Theo ông Mạnh Quân, người giàu đều đã lên kế hoạch bỏ chạy, bây giờ chỉ cần thoát thân nữa là xong. Để định cư tại Mỹ theo diện đầu tư thì khá khó và cần nhiều thời gian, nhưng hiện đã có nhiều sự lựa chọn khác như Canada, Singapore và Thái Lan.

Ông Lâm, Hoa kiều ở Thái Lan, cho biết ngày càng có nhiều người Trung Quốc mua nhà ở Thái Lan. Ông này cho hay, hồi đầu tháng 10 vừa qua có một cặp vợ chồng người Trung Quốc đến Thái Lan, họ đều có trình độ học vấn sau đại học. Họ nói rằng họ không thể ở lại Trung Quốc nữa và muốn đưa con sang Thái Lan trước, cả gia đình họ có thể sang Thái Lan mua nhà và tìm cách sinh sống lâu dài tại đây.

Vào tháng 8 năm nay, công ty tư vấn bất động sản Juwai IQI cho biết, dự kiến trong 2 năm tới sẽ có hơn 700.000 người Trung Quốc rời khỏi nước này, lựa chọn phổ biến của họ là mua bất động sản ở châu Úc, Canada và Vương quốc Anh.

Luật sư Lương Thiếu Hoa cho rằng, trước tình hình kinh tế và bất động sản đang trì trệ ở Trung Quốc, cộng thêm sự đàn áp của chính quyền trung Quốc, người dân không còn niềm tin để đầu tư trong nước, ai cũng có thể rơi vào nguy hiểm nên họ muốn định cư ở nước ngoài.

Ông Tập tiếp tục hô hào ‘thịnh vượng chung’

Trong những năm gần đây, khẩu hiệu “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình đã bị thế giới bên ngoài hoài nghi. Ngày càng nhiều người giàu ở Trung Quốc lo lắng rằng tiền trong túi sẽ biến mất và lo cho sự an toàn của bản thân, họ lựa chọn trú ẩn tài sản ở nước ngoài và lên kế hoạch di cư.

Truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 26/9 đưa tin, trong chuyến thị sát gần đây ở tỉnh Chiết Giang, ông Tập Cận Bình nói rằng cần “tập trung xây dựng khu thị phạm thịnh vượng chung”, "Chiết Giang phải đi đầu làm mẫu trong việc thúc đẩy thịnh vượng chung", v.v.

Nhà bình luận thời sự Nhạc Sơn (Yue Shan) từng nói với đài NTD rằng, “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình nghe có vẻ hay ho nhưng thực tế là một phong trào chính trị, bao gồm cả việc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân; vẫn là chiêu trò cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lấy danh nghĩa “vì nhân dân”, thực chất là vì lợi ích của Đảng và của giới quyền quý trong đảng, giống như cái gọi là “Giấc mộng Trung Quốc”, đều là thứ lừa dối.

Ông Nhạc Sơn cho rằng, sau 3 năm Zero Covid hủy hoại nền kinh tế, phong trào chính trị này sẽ không thể tiếp tục được nữa.

Bắc Kinh tăng cường kiểm soát ngoại hối

Để ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn, chính quyền Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát ngoại hối. Vào tháng 8 năm nay, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc đã ra thông báo về 10 trường hợp được gọi là "vi phạm ngoại hối".

Cùng tháng đó, công an Thượng Hải đã bắt giữ bà Hà Mai (He Mei), người đứng đầu công ty môi giới nhập cư lớn nhất Trung Quốc - Wailian Group, với tội danh “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”. Bà Hà Mai bị cáo buộc mua bán ngoại hối trái phép.

Tới tháng 10, chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra thông báo cấm các công ty chứng khoán trong nước và các chi nhánh ở nước ngoài của họ nhận thực hiện các giao dịch tại hải ngoại cho các khách hàng mới người Trung Quốc, nhằm ngăn chặn các nhà đầu tư lách luật kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc.

Tuy vậy, luật sư Lương Thiếu Hoa cho rằng, nỗ lực ngăn chặn việc tháo chạy vốn của Bắc Kinh cũng giống như dùng phễu để chặn nước. "Không thể ngăn cản được. Có nhiều người như vậy, nhiều tiền như vậy, không thể ngăn cản được".

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người giàu Trung Quốc thà chuyển tiền ra nước ngoài bằng 'niềm tin' còn hơn để trong nước