Phân tích: Người giàu ở Trung Quốc có nguy cơ bị chính quyền 'cướp bóc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các công ty bất động sản Trung Quốc liên tục phá sản, gần như bị xóa sổ; nguồn tài chính của chính quyền địa phương đã cạn kiệt và các quan chức của Trung Quốc dường như đang tập trung vào người giàu để kiếm tiền. Các doanh nhân và giám đốc điều hành tư nhân đã trở thành nhóm có nguy cơ cao bị "thu hoạch".

Gần đây, có thông tin từ Trung Quốc cho rằng "tất cả những người giàu có trên 30 triệu nhân dân tệ đều đang bị điều tra". Người tiết lộ không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Phóng viên của The Epoch Times không thể nhận được bình luận chính thức từ chính quyền Trung Quốc về thông tin này.

Tháng trước, tin tức tương tự đã lan truyền trên nhiều phương tiện truyền thông. Theo thông tin cho biết, do suy thoái kinh tế và khó khăn tài chính, chính quyền địa phương của Trung Quốc đã lợi dụng việc “kiểm tra thuế” để moi tiền. Một chủ nhà máy ở Thượng Hải tung tin, quan chức dùng ngân hàng để kiểm tra danh sách những người giàu có với tài sản lưu động hơn 30 triệu nhân dân tệ và yêu cầu họ giao nộp 20% số tiền của mình, nếu không sẽ bị kiểm tra thuế nghiêm ngặt.

Vào ngày 16/11, Hồ Lực Nhậm, một doanh nhân Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times, rằng chính quyền Trung Quốc cướp của từ những người giàu có và doanh dân đã có từ lâu, nhưng giờ đây đã thực hiện một cách công khai và trên quy mô lớn. 30 triệu nhân dân tệ thực ra không được coi là giàu. Ở miền Đông Trung Quốc có quá nhiều tỷ phú, ở các khu vực phát triển như Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang, có thể có hàng chục người giàu như vậy trong một khu vực. Nhiều công ty có liên kết với chính phủ và tham gia trốn thuế, hay còn gọi là trốn thuế hợp lý. Nếu muốn điều tra những người giàu này và muốn ‘quốc hữu hóa’ tiền của họ thì có thể bắt giữ họ vì bất cứ lý do gì.

Quan chức địa phương điều tra vụ án, tống tiền bức tử doanh nhân

Mới đây, ông Thừa Dũng, Chủ tịch Thường Châu Hoa Lập, một doanh nghiệp tư nhân ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã nhảy lầu tự tử, khiến các chủ doanh nghiệp tiếc nuối và lo sợ.

Ông Thừa Dũng, 44 tuổi, để lại thư tuyệt mệnh và lời trăn trối trước khi nhảy lầu vào sáng sớm ngày 11/11. Anh ta thề không dùng 8 triệu tiền chuyển khoản và tiền mặt của Dương Khang Thành để hối lộ, các chứng cứ là giả tưởng.

Ông Dương Khang Thành từng là lãnh đạo cao nhất của thị trấn Trịnh Lục, quận Thiên Ninh, thành phố Thường Châu, giữ chức phó quận trưởng quận Thiên Ninh từ tháng 9/2021. Tháng 6 năm nay, ông ta được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Thường Châu thông báo điều tra.

Căn cứ tài liệu mà ông Thừa Dũng để lại và lời khai của các thành viên gia đình và đồng nghiệp, Thừa Dũng trước khi chết đã trải qua một cuộc ‘thẩm vấn’, bị nghi là một cái bẫy để buộc phải nhận tội.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Thường Châu đang điều tra các vấn đề liên quan đến khoản cho vay của ông Dương Khang Thành, phó quận trưởng bị cách chức, và ông Thừa Dũng đã bị thẩm vấn trong ba ngày liên tiếp trước khi xảy ra tai nạn. Ông Thừa Dũng được thông báo rằng, Dương Khang Thành đã chuyển 8 triệu nhân dân tệ vào Thường Châu Hóa Lập để thu lãi nên yêu cầu công ty giao số tiền này. Ông Thừa Dũng cho rằng sự việc sẽ được giải quyết bằng cách giao tiền nên đã đầu thú trái với ý muốn của mình.

Ông Thừa Dũng nói với gia đình rằng, chỉ có thể ngủ một hoặc hai giờ mỗi ngày trong cuộc thẩm vấn. Trong thư tuyệt mệnh, ông ta nói rằng anh ta không thể chịu đựng được sự tra tấn trong phòng thẩm vấn và mỗi ngày dài như một năm: "Tôi chỉ muốn trả tiền và rời đi càng sớm càng tốt" và "sớm trả tiền để kết thúc mọi chuyện". Nhưng ông Thừa Dũng sau đó bị cáo buộc vẫn còn vấn đề khác. "Tôi không muốn mệt mỏi nữa, tạm biệt!" ông viết trong thư tuyệt mệnh của mình.

Các thành viên trong gia đình Thừa Dũng và nhân viên công ty cho biết Dương Khang Thành “căn bản không có tiền để ở chỗ Thừa Dũng, ép Thừa Dũng nhận tội”. Họ tin rằng Thừa Dũng chết để chứng minh mình vô tội.

Một số người trong ban quản lý của Thường Châu Hoa Lập cho rằng Thừa Dũng đã ký trái với ý muốn của mình để thừa nhận rằng ông đã nhận tiền từ Dương Khang Thành và đây là hành vi lừa đảo nhằm hãm hại ông ta. Thừa Dũng có thể không chấp nhận được việc mình đã làm, ông ấy đã nhảy lầu vì “không thể vượt qua được rào cản này trong lòng”.

Thường Châu Hoa Lập là một doanh nghiệp gia đình do cha của Thừa Dũng thành lập, là một công ty dịch vụ sản xuất máy móc, chủ yếu phát triển và sản xuất các bộ thiết bị bôi trơn hoàn chỉnh. Thừa Dũng chính thức kế vị cha mình vào năm 2010. Dưới sự quản lý của ông, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi. Thừa Dũng là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng đạt nhiều danh hiệu như “Doanh nhân xuất sắc quan tâm đến người lao động của huyện”, đồng thời giữ chức Chủ tịch Phòng Thương mại thị trấn Trịnh Lục quận Thiên Ninh và Phó Chủ tịch Liên đoàn Công thương quận Thiên Ninh và các chức vụ xã hội khác.

Công ty Hoa Lập có danh tiếng tốt ở địa phương, công ty cho phép một số nhân viên cũ trở thành cổ đông và trả cổ tức cho họ. Tiêu Băng (hóa danh), một CEO doanh nghiệp tư nhân địa phương, tiết lộ với The Epoch Times rằng điều này cũng khiến một số lãnh đạo ghen tị, nghĩ rằng “Bạn (Thừa Dũng) đã đưa tiền cho người dân và công ty nên lấy lại cổ phần từ người lao động với giá thấp để giao cho lãnh đạo”.

Vào ngày 16/11, Mạnh Quân, một doanh nhân Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng vì chính quyền địa phương không có tiền nên họ biết rằng các chủ doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân giàu có có tiền trong tài khoản của họ, vì vậy họ bày mưu để cướp chúng. Một số doanh nghiệp không thể chịu được việc kiểm tra thuế. Bây giờ một số quan chức địa phương đã ngã ngựa, những người từng cung dưỡng họ muốn kiếm nhiều tiền hơn, lợi ích chuyển đổi mà, trong đó có Thừa Dũng, người đã nhảy lầu ở Thường Châu, kiếm tiền kiểu này chẳng khác nào cướp tiền.

Môi trường sống của người quản lý doanh nghiệp tư nhân ngày càng xấu đi

Trong thư tuyệt mệnh của Thừa Dũng cho thấy sự tuyệt vọng của ông khi bị cưỡng chế điều tra "sẽ còn tiếp tục", cuộc khủng hoảng sinh tồn của những người lao động có thu nhập cao ở Trung Quốc một lần nữa thu hút sự chú ý.

Bao Phàm, một nhà đầu tư Trung Quốc và người sáng lập Shanghai Huaxing Capital, đã mất liên lạc vào tháng 2 năm nay và vẫn đang bị giam giữ và điều tra bí mật. Bao Phàm đóng vai trò quan trọng trong giới kinh doanh, việc anh mất liên lạc được các doanh nhân theo dõi chặt chẽ, một giám đốc điều hành đã dùng hai câu thành ngữ để miêu tả tâm trạng của đồng nghiệp: “Thỏ chết cáo buồn, môi hở răng lạnh”.

Trước khi Bao Phàm mất liên lạc, anh đã bị thẩm vấn nhiều lần về các vụ án liên quan đến Tùng Lâm, cựu chủ tịch của China Renaissance Capital. Tùng Lâm từng là chủ tịch của ICBC International, công ty con 100% vốn của ICBC tại Hong Kong, bị cơ quan chức năng bắt đi điều tra vào tháng 9/2022.

Một số phương tiện truyền thông nước ngoài trích dẫn thông tin từ một số người trong cuộc cho biết, các nhà điều tra đã hỏi Bao Phàm về các thỏa thuận có qua có lại đáng ngờ liên quan đến khoản vay mà Tùng Lâm đã giúp thu xếp cho công ty trước khi gia nhập China Renaissance, nhưng Bao Phàm đã không cung cấp cho các nhà điều tra tất cả thông tin cần thiết. Bao Phàm bị giam giữ dưới hình thức đặc biệt. Thời hạn giam giữ tối đa là sáu tháng.

Theo thông lệ bắt người của các cơ quan giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), “giam giữ” thực chất là cách ly bí mật và thu thập chứng cứ, vì không có bằng chứng cho thấy người bị bắt đã phạm tội nên không thể “phê duyệt bắt giữ”. Không ai được phép gặp ai trong thời gian này, kể cả luật sư. Điều này có nghĩa là nếu đương sự gặp phải tình trạng thu thập chứng cứ trái pháp luật trong thời gian này, họ sẽ không nhận được bất kỳ hỗ trợ pháp lý nào.

Nửa năm sau khi Bao Phàm mất liên lạc, ngày 9/8, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin Bao Phàm sẽ tiếp tục “bị giam giữ”, lần này được gia hạn nhưng không xác định thời hạn. Huaxing Capital đã gặp rắc rối.

Hai người nữa gần đây đã gia nhập danh sách các doanh nhân hoặc giám đốc điều hành mất tích ngày càng tăng.

Kể từ tháng 10, Trần Thiếu Kiệt, CEO của nền tảng phát trực tiếp DouYu (Đấu Ngư), đã mất liên lạc. Mới đây, Triệu Bính Hiền, chủ tịch Wohua Pharmaceutical, đã bị “bắt giữ”. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của họ.

Ông Mạnh Quân cho rằng môi trường sống của các doanh nhân tư nhân ở Trung Quốc chưa bao giờ tốt hơn trong những năm gần đây. Đừng mơ tượng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện, trừ khi hệ thống ĐCSTQ sụp đổ, nếu không sẽ không có sự tiếp cận công bằng với môi trường pháp lý.

Ông Mạnh Quân giải thích rằng dưới hệ thống độc tài của ĐCSTQ, rất khó để các doanh nhân không cấu kết với các quan chức. Chỉ cần nó là một doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng với quy mô và hiệu quả, các quan chức chính phủ chắc chắn sẽ đến để giành lấy một miếng bánh. Nếu bạn không làm họ hài lòng, họ sẽ bắt đầu gây rối với bạn và khiến bạn phải thỏa hiệp về mọi mặt. Họ chỉ bật đèn xanh nếu bạn mang lại lợi ích. Nếu không sẽ khó sống sót.

Ông Mạnh Quân nhấn mạnh, những quan chức chính phủ này chưa bao giờ quan tâm đến kinh tế, đều đang cướp bóc kinh tế, làm thế nào lợi ích có thể được chuyển cho quốc gia? Tất cả đều cho chính các quan chức. Mọi thứ ở Trung Quốc hiện giờ đang bị hủy hoại. Doanh nhân là những con cừu bị giết thịt. Cách duy nhất là bỏ trốn và bán tài sản của bạn càng sớm càng tốt.

Ông Hồ Lực Nhậm nói rằng, Trung Quốc nên được coi là một quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của quân đội ĐCSTQ, và không có luật nào để nói đến. Kiểm tra người giàu là một vận động lớn vừa mới bắt đầu. Nếu những doanh nhân Trung Quốc này không chạy trốn, họ sẽ đầu hàng hoặc chờ bị bỏ tù hoặc bị sát hại. Bây giờ chính quyền ĐCSTQ tôn sùng mô hình của Bắc Triều Tiên, mục đích của nó là loại bỏ hết tất cả những người giàu có của Trung Quốc, và tất cả những người giàu đều gặp nguy hiểm. ĐCSTQ nói một đằng làm một nẻo, sau này sẽ không có phát triển kinh tế, và hoàn toàn không thể khiến nó sống lại được.

Ban Biên tập chuyên đề The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Người giàu ở Trung Quốc có nguy cơ bị chính quyền 'cướp bóc'