Ngân hàng Trung Quốc cắt lương trên toàn quốc để hưởng ứng ‘thịnh vượng chung’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng, để hưởng ứng 'thịnh vượng chung' của nhà cầm quyền Bắc Kinh, Ngân hàng Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng cắt giảm lương trên toàn quốc để thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa người lao động và quản lý cấp trung và cấp cao.

Ngân hàng Trung Quốc (BOC) là một trong tứ đại ngân hàng (Big Four) của Trung Quốc, tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước.

Reuters ngày 14/8 dẫn lời các nguồn tin cho biết, từ cuối năm ngoái, đoàn thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc sau nhiều vòng kiểm tra đã phát hiện có vấn đề “giàu nghèo bất bình đẳng” trong hệ thống tiền lương của Ngân hàng Trung Quốc. Sau đó, nội bộ BOC đã khởi động “kế hoạch cải cách chế độ quản lý tiền lương”.

Hai nguồn tin cho biết, BOC đã hoàn thành "cải cách tiền lương" tại trụ sở chính trong nửa đầu năm nay.

Theo một nguồn tin, BOC hiện đang triển khai cải cách tới các chi nhánh trên toàn quốc và có kế hoạch hoàn thành trong vòng hai năm.

Một nguồn tin khác cho biết, theo kế hoạch này, mức lương cho nhân viên dưới quyền quản lý cấp trung sẽ được tăng khoảng 10% đến 15%, trong khi quản lý cấp cao sẽ bị cắt giảm mức tương ứng.

Một nguồn tin thứ ba cho biết, nhân viên tại chi nhánh Thượng Hải của BOC đã được thông báo vào tuần trước rằng, ngân hàng này sẽ thu hẹp khoảng cách lương.

Động thái này diễn ra sau khi các ngân hàng đầu tư như Tổng công ty Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) tiến hành cắt giảm lương. Vào tháng Tư năm nay, nguồn tin cũng tiết lộ với Reuters rằng CICC sẽ cắt giảm tới 40% tiền thưởng của các chủ ngân hàng đầu tư, đây là mức giảm thu nhập lớn nhất trong ngành tài chính trong hai năm qua.

Cái gọi là kế hoạch "thịnh vượng chung" được ông Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2021. Reuters chỉ ra rằng, kế hoạch này có thể đe dọa đến tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc và thậm chí là tính hợp pháp của đảng cầm quyền.

Theo phân tích của Reuters, cải cách tiền lương của BOC đã khiến ngoại giới ngạc nhiên, vì thu nhập của BOC nhìn chung thấp hơn so với các ngân hàng đầu tư và các tổ chức tài chính địa phương khác. Năm ngoái sau khi Bắc Kinh kêu gọi "thịnh vượng chung", BOC đã không bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm lương.

Theo báo cáo thường niên của các công ty chứng khoán đã niêm yết năm 2022, lương bình quân đầu người của các công ty chứng khoán được niêm yết tại Trung Quốc đã giảm mạnh, trung bình giảm 20% so với năm trước đó, con số này ở lãnh đạo cấp cao là hơn 30%, bao gồm các công ty bảo hiểm, ngân hàng, quỹ công và ngành ủy thác.

Tỷ suất lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại đạt mức thấp kỷ lục trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn và chính quyền địa phương đứng trước rủi ro nợ lớn. Theo ngoại giới phân tích, bên cạnh thu nhập kém trong thời kỳ dịch bệnh, việc cắt giảm lương đột ngột còn là sự điều chỉnh bắt buộc trước con sóng lớn “thịnh vượng chung”.

Nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu hiện nay, BOC lại vẫn đang thúc đẩy "thịnh vượng chung" mà ông Tập Cận Bình yêu cầu, như vậy rất khó thu phục được lòng dân.

"Ý định ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là giảm khoảng cách giàu nghèo trong lĩnh vực tài chính để mua chuộc lòng dân. Về bản chất, nó thực hiện sách lược duy trì sự ổn định khi nền kinh tế không tốt để giữ yên lòng những người dân ở tầng đáy xã hội, qua đó kéo dài thời gian cầm quyền của đảng. Nhưng cách làm này sẽ khiến tập thể những người có thu nhập cao trong lĩnh vực tài chính cùng nhau 'nằm thẳng', tức là không hành động, từ đó nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ trượt dốc không ngừng, điều chờ đợi ĐCSTQ cuối cùng vẫn là sự phản kháng to lớn [từ nhân dân]”.

"Hơn nữa, khi người dân Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ hơn về bản chất của ĐCSTQ, liệu cách tiếp cận ‘thịnh vượng chung' này có còn hiệu quả hay không, bản thân nó cũng là một nghi vấn lớn".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý phiên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Trung Quốc cắt lương trên toàn quốc để hưởng ứng ‘thịnh vượng chung’