Chuyên gia: Chính sách kinh tế của ông Tập đẩy Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các chuyên gia tài chính Nhật Bản, trước với những thách thức kinh tế hiện nay, Trung Quốc đang rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” do các chính sách khắc nghiệt của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc hiện là quốc gia có thu nhập trung bình cao. Bẫy thu nhập trung bình đề cập đến tình trạng tăng trưởng kinh tế của một quốc gia đang phát triển chậm lại sau khi đạt đến một quy mô nhất định ở mức GDP bình quân đầu người khoảng 10.000 đến 12.000 USD và bị giữ nguyên ở mức đó. Các quốc gia rơi vào cái bẫy này sẽ chứng kiến hàng xuất khẩu của họ đánh mất khả năng cạnh tranh do tiền lương tăng. Họ không thể tạo ra thị trường có giá trị gia tăng cao và một nền kinh tế phát triển.

Vòng xoáy đi xuống về kinh tế

GDP của Trung Quốc từ tháng 4 đến tháng 6 đã tăng 0,8% so với 2,2% trong tháng 1 đến tháng 3 và đó không phải là do sự phục hồi chậm sau đại dịch COVID, mà là do sự leo thang sụp đổ của bong bóng bất động sản được hình thành trong quá khứ, ông Tsuchiya Hideo, một cây bút và là nhà kinh tế người Nhật tại Nikkei, một tờ báo tài chính của Nhật Bản, đã viết vào ngày 03/08.

Bất động sản chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Dữ liệu chính thức mới nhất tiết lộ rằng doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã giảm 33% trong tháng 7 so với một năm trước, bất chấp nhiều ưu đãi cho bất động sản của Bắc Kinh.

Gã khổng lồ bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã mất 81 tỷ USD trong hai năm qua trong cuộc khủng hoảng bất động sản của đất nước.

Country Garden, nhà phát triển thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc - từng được ca ngợi là hình mẫu cho các nhà phát triển bất động sản - hiện đang có nguy cơ vỡ nợ sau khi không thanh toán được 22,5 triệu USD tiền lãi cho trái phiếu bằng USD đến hạn vào ngày 07/08.

Theo dữ liệu kinh tế của IMF về các quốc gia trên thế giới, tỷ lệ "tổng đầu tư" trên GDP của Trung Quốc, bao gồm cả khu vực công và tư nhân, đã vượt quá 40% kể từ năm 2004, ngoại trừ năm 2006 là 39,8%, ông Hideo viết, nói thêm rằng không có quốc gia nào khác trong tập dữ liệu ghi nhận con số đó.

Ông Hideo viết, tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc khá khó khăn với giá bất động sản giảm, tiêu dùng trì trệ và xuất khẩu giảm. Các công ty toàn cầu đang di dời các nhà máy sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.

Ngoài ra, các chính quyền địa phương của Trung Quốc, vốn dựa vào việc bán đất để tạo doanh thu, đang gặp khủng hoảng tài chính do doanh số bán hàng giảm mạnh. Một báo cáo gần đây cho thấy 2.892 phương tiện tài chính của chính quyền địa phương - các tổ chức do chính quyền địa phương thành lập để gây quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng và các sáng kiến phát triển khác - nắm giữ hơn 59 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 8,15 nghìn tỷ USD) trong các khoản nợ và khoản phải trả lãi, tương đương khoảng 50% GDP của Trung Quốc.

Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đang ở mức cao nhất mọi thời đại, và vấn đề còn trầm trọng hơn với số sinh viên mới tốt nghiệp - hơn 11 triệu người - trong năm nay.

Cục thống kê báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp của người lao động từ 16 đến 24 tuổi đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Nhưng bà Zhang Dandan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, cho biết nếu hơn 16 triệu người chọn không làm việc và sống với cha mẹ đều được tính là thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp thực sự của thanh niên trong tháng 3 lên tới 46,5%.

Những yếu tố này chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong vòng xoáy đi xuống. Ông Hideo viết: Đã có những tuyên bố rằng Trung Quốc đang trải qua quá trình “Nhật Bản hóa”, ám chỉ thời kỳ trì trệ kinh tế ở Nhật Bản vào những năm 1990. Tuy nhiên, bong bóng kinh tế của Nhật Bản chỉ vỡ sau khi nước này trở thành một quốc gia phát triển, ông tiếp tục. Là một quốc gia có thu nhập trung bình, ông nói rằng nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trì trệ trong một thời gian dài, con đường trở thành một quốc gia phát triển của nước này sẽ bị đứt đoạn.

Bẫy thu nhập trung bình và những thách thức

Ông Long Ke, một thành viên cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Tokyo ở Nhật Bản, đã viết rằng nếu Trung Quốc tìm cách trở thành một nền kinh tế phát triển, thì nước này cần phải vượt qua nhiều thách thức về cấu trúc.

Ông nói: Lao động giá rẻ đang trở thành "lỗi thời" đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là mô hình sản xuất hàng loạt hàng hóa giá rẻ cũ để xuất khẩu không còn khả thi nữa.

Nói cách khác, Trung Quốc cần phải bước vào giai đoạn cao hơn của sản xuất công nghiệp, nếu không, nước này sẽ không thể trở thành một quốc gia phát triển. Hơn nữa, với lực lượng lao động đang bị thu hẹp, Trung Quốc sẽ cần chuyển từ sự phụ thuộc vào mô hình sản xuất thâm dụng lao động sang một ngành công nghiệp thâm dụng vốn.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là ĐCSTQ sẽ phải ưu tiên đổi mới công nghệ để thực hiện nghiên cứu và phát triển, và Trung Quốc sẽ phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, điều mà nước này làm rất kém, ông Ke nói.

Chuyên gia: Chính sách kinh tế của ông Tập đẩy Trung Quốc lún sâu vào bẫy thu nhập trung bình
Một nhân viên làm việc tại một nhà máy của Công ty bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nếu Bắc Kinh "không thể thúc đẩy khả năng kỹ thuật của các ngành công nghiệp địa phương, thì Trung Quốc sẽ không bao giờ công nghiệp hóa thành công... Xem xét kỹ hơn sẽ thấy rằng Trung Quốc trên thực tế đang rơi vào cái gọi là 'bẫy thu nhập trung bình', khiến nước này không thể thay đổi mô hình hoặc chiến lược phát triển để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng kinh tế tiên tiến hơn", ông viết.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã trải qua một cuộc suy giảm dai dẳng trong những tháng gần đây. Dữ liệu hải quan chính thức cho thấy, sau khi giảm đáng kể 12,4% trong tháng 6, xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ke cho rằng kinh tế thị trường phải là trung tâm của giải pháp. Tuy nhiên, ĐCSTQ tìm cách mở rộng và trao quyền cho các doanh nghiệp nhà nước, điều này mâu thuẫn với nền kinh tế thị trường.

Phớt lờ lời khuyên của Ngân hàng Thế giới

Vào tháng 02/2012, Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc đã xuất bản “Trung Quốc 2030” để trình bày cách Trung Quốc có thể tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh Trung Quốc nên ưu tiên hoàn thành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và cho phép các công ty tư nhân tự do tham gia vào các lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Ngoài ra, nó khuyên Bắc Kinh nên nỗ lực loại bỏ tham nhũng và duy trì một hệ thống minh bạch với pháp quyền.

Bà Cai Xia, cựu giáo sư tư tưởng chính trị tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ, đã viết trong Foreign Affairs, "Khi Tập lên nắm quyền, ông ấy coi khu vực tư nhân là mối đe dọa đối với sự cai trị của mình và đã khôi phục nền kinh tế kế hoạch của thời kỳ Mao Trạch Đông”. Là một người lớn tiếng chỉ trích ĐCSTQ, bà Cai đã bị đuổi khỏi trường và bị Bắc Kinh thu hồi tư cách Đảng viên sau khi chỉ trích ông Tập. Bà đã sống ở Mỹ từ năm 2020.

Ông Hideo coi đường hướng kinh tế của ông Tập là chính sách tăng cường kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế, đảo ngược xu hướng cải cách và mở cửa.

Thật không may, Bắc Kinh đã không chú ý đến lời khuyên của Ngân hàng Thế giới, ông viết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Chính sách kinh tế của ông Tập đẩy Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình