Những sai lầm thường gặp khi quản lý tài chính cá nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số sai lầm mà người Mỹ thường mắc phải khi quản lý tài chính là: không đề ra ngân sách, không xem xét kỹ lưỡng chi tiêu, mắc nợ lãi suất cao, không có quỹ dự phòng khẩn cấp, chỉ sử dụng tài khoản ngân hàng truyền thống, không đầu tư vào tài sản sản sinh ra thu nhập, không để tiền riêng cho tiết kiệm.

Tháng 4 là Tháng Hiểu biết về Tài chính của Mỹ. Một số chuyên gia tài chính cá nhân đã chia sẻ với The Epoch Times quan điểm của họ về những sai lầm phổ biến mà người Mỹ mắc phải khi quản lý những đồng tiền quý giá của họ, cũng như các mẹo để tránh chúng.

Các ví dụ sau đây là những sai lầm tài chính phổ biến nhất. Chúng có thể ngăn cản bạn đạt được các mục tiêu tài chính trong năm nay cũng như các kế hoạch xa hơn khác của bạn.

Không đề ra ngân sách

Nhiều người phạm sai lầm khi quản lý tài chính do không đề ra một ngân sách rõ ràng để theo dõi dòng tiền vào và ra.

Bà Markia Brown, huấn luyện viên về tài chính và người sáng tạo nội dung tại Money Plug, nói với The Epoch Times qua email rằng việc không lập ngân sách khiến mọi người khó xác định những lĩnh vực mà họ có thể cắt giảm chi tiêu không cần thiết.

Bà Brown nói: “Để tránh cạm bẫy này, hãy thiết lập một ngân sách chi tiết hàng tháng, phác thảo thu nhập, chi phí, tiền tiết kiệm và tiền trả nợ của bạn".

Bà ấy nói thêm rằng, việc không đề ra ngân sách không chỉ khiến người ta khó tiết kiệm hơn, mà còn khiến người ta dễ dàng chi tiêu quá mức hơn và gây ra căng thẳng tài chính về mặt tổng thể.

Bà Brown khuyên rằng, khi lập ngân sách, mọi người nên phân loại chi phí và đặt ưu tiên cho các mục tiêu tài chính của họ, chẳng hạn như trả hết nợ, tiết kiệm để trả trước tiền mua nhà hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp.

Bà ấy nói: “Điều chỉnh ngân sách của bạn khi cần thiết và xem xét nó thường xuyên để duy trì khả năng kiểm soát tài chính của bạn".

Ông Lawrence Sprung là người sáng lập và cố vấn tài chính hàng đầu tại Mitlin Financial, một công ty lập kế hoạch tài chính có trụ sở tại Long Island. Ông Sprung nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu cho thấy những người có kế hoạch tài chính chính thức hoặc được thiết lập bằng văn bản “sẽ thành công hơn về tài chính, cảm thấy tự tin hơn và sống cuộc sống hạnh phúc hơn”.

Không xem xét kỹ lưỡng chi tiêu

Phân tích và xem xét kỹ lưỡng các khoản chi tiêu là rất quan trọng để quản lý tiền hiệu quả vì nó giúp xác định các khoản chi tiêu không cần thiết và các cơ hội tiết kiệm.

Bà Andrea Woroch là một chuyên gia tiết kiệm và các vấn đề của người tiêu dùng, bà đang điều hành một blog tài chính cá nhân. Bà Woroch nói với The Epoch Times qua email: "Bạn có thể đang lãng phí tiền mà không nhận ra, dưới hình thức những khoản phụ trợ không cần thiết, những gói dữ liệu không giới hạn mà bạn hầu như không sử dụng, và việc bỏ lỡ mức giá thấp hơn từ nhà cung cấp cạnh tranh".

Bà ấy nói thêm: “Hãy dành thời gian xem xét kỹ lưỡng các hóa đơn của bạn cho những dịch vụ mà bạn không cần hoặc so sánh giá với các đối thủ cạnh tranh vì bạn có thể tiết kiệm bằng cách chuyển đổi".

Ví dụ: một nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy 90% người tiêu dùng di động ở Mỹ đã trả mức chi phí quá cao cho các gói dữ liệu không giới hạn. Điều này phản ánh cơ hội tiết kiệm đáng kể cho những người dùng thường không sử dụng hết tất cả lượng dữ liệu được phân bổ.

Ông Harjot Saluja, Giám đốc điều hành của Reach Mobile, người thực hiện nghiên cứu cho biết: “Hầu hết người Mỹ nghĩ rằng họ cần rất nhiều dữ liệu vì họ không biết họ thực sự sử dụng bao nhiêu dữ liệu".

Theo dõi cẩn thận việc sử dụng dữ liệu có thể giúp mọi người chọn gói phù hợp với nhu cầu của họ mà không phải trả quá nhiều tiền.

Ông Sprung nói với The Epoch Times rằng một mảng chi phí không cần thiết mà mọi người thường bỏ qua không chú ý tới là việc đăng ký các dịch vụ mà họ không cần.

Ông ấy nói: “Chúng ta đang đăng ký [dịch vụ] theo cách một xã hội dịch vụ và nhiều người trong chúng ta vẫn đang trả tiền cho những thứ chúng ta không sử dụng".

“Xem lại những gì bạn đang chi tiêu và những gì vẫn còn và không còn phù hợp với cuộc sống của bạn” và “hãy loại bỏ những khoản chi tiêu thừa thãi đó”.

Mắc nợ lãi suất cao

Một sai lầm phổ biến trong quản lý tài chính khác là tích lũy nợ lãi suất cao, chẳng hạn như thẻ tín dụng. Vấn đề này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và tiêu tốn một phần đáng kể thu nhập của một người, góp phần gây ra căng thẳng tài chính.

Bà Brown khuyên: “Chỉ mua những thứ bằng tín dụng mà bạn có thể trả hết tiền trước cuối tháng để tránh phải trả lãi". “Hãy nhớ rằng, thẻ tín dụng của bạn nên thưởng cho khoản chi tiêu mà bạn đang thực hiện, chứ không phải khuyến khích bạn chi tiêu nhiều hơn”.

Bà khuyên những người mắc nợ lãi suất cao nên ưu tiên trả hết nợ. Những người đang mắc nợ lãi suất cao có thể xem xét đăng ký thẻ tín dụng chuyển số dư, cho phép mọi người chuyển số dư của họ từ thẻ tín dụng lãi suất cao sang thẻ mới với mức lãi suất thấp hơn.

Các khoản vay cá nhân với lãi suất thấp hơn so với thẻ tín dụng cũng có thể là một lựa chọn hấp dẫn về mặt tài chính để trả nợ thẻ tín dụng lãi suất cao.

Cải thiện điểm tín dụng của một người cũng có thể giúp một người đủ điều kiện nhận mức lãi suất thấp hơn trên thẻ tín dụng. Mọi người có thể thương lượng với công ty phát hành thẻ tín dụng của họ và nếu họ có điểm tín dụng tốt và lịch sử thanh toán ổn định, họ có thể có được mức lãi suất thấp hơn.

Những sai lầm thường gặp khi quản lý tài chính cá nhân
Một số thẻ tín dụng chính của Mỹ ở Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 20/05/2009. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Không có quỹ dự phòng khẩn cấp

Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng, nhiều người thiếu quỹ khẩn cấp hoặc không đủ tiền tiết kiệm để trang trải các khoản chi phí bất ngờ.

Không có quỹ khẩn cấp thường dẫn đến việc mọi người dựa vào thẻ tín dụng hoặc các khoản vay trong trường hợp khẩn cấp. Điều này làm tình hình tài chính của họ trở nên tồi tệ hơn.

Bà Brown nói, “Không quan trọng bạn bắt đầu với cái gì hay bạn thường thêm bao nhiêu tiền vào nó. Mỗi USD đều có giá trị!"

Bà ấy nói thêm rằng, một mẹo để xây dựng quỹ khẩn cấp một cách bền vững theo thời gian là thiết lập việc chuyển khoản tự động vào tài khoản tiết kiệm.

“Hãy đảm bảo rằng bạn cũng đang đặt ra các mục tiêu có thể đạt được cho tài khoản tiết kiệm khẩn cấp của mình”.

Ông Jim Wang, người sáng lập Wallet Hacks, một blog tài chính cá nhân, nói với The Epoch Times rằng, việc tự động hóa các nhiệm vụ khác nhau liên quan đến quản lý tiền có thể mang lại lợi ích.

Ông nói: “Quá nhiều người dựa vào trí nhớ của họ hoặc một số lời nhắc nhở khác để thanh toán hóa đơn, tiết kiệm tiền hoặc hoàn thành các nhiệm vụ hàng tháng khác, thứ mà tốt hơn hết là để máy tính, thứ vốn không bao giờ quên, thực hiện".

Thanh toán hóa đơn, đặc biệt là những hóa đơn không thay đổi từ tháng này sang tháng khác, là một ví dụ điển hình về việc tự động hóa có thể trở nên đặc biệt hữu ích.

“Bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ như vậy, bạn sẽ không bao giờ quên chúng. Bạn không bao giờ trả một khoản phí trễ hạn, bạn không bao giờ bỏ qua một khoản đóng góp vào khoản tiết kiệm của mình và tâm lý 'đề ra nó và quên nó đi' có thể mang lại lợi ích về lâu dài”, ông Wang nói.

Sử dụng tài khoản ngân hàng truyền thống

Các chuyên gia cho biết, giữ tiền tiết kiệm của bạn trong tài khoản ngân hàng truyền thống có vẻ như là một lựa chọn an toàn, nhưng nó có thể gây bất lợi cho các mục tiêu tài chính dài hạn của bạn.

Các tài khoản tiết kiệm truyền thống thường cung cấp lãi suất thấp không theo kịp lạm phát, làm xói mòn sức mua của khoản tiết kiệm của bạn theo thời gian.

Bà Woroch nói với The Epoch Times qua email: “Các ngân hàng truyền thống trả cho bạn lãi suất 0,26% cho khoản tiết kiệm của bạn".

Bà ấy nói: “Với lãi suất tăng, bạn có thể bỏ lỡ rất nhiều khoản tiền miễn phí nếu không chuyển nó vào tài khoản tiết kiệm trực tuyến có lãi suất cao".

Danh sách các tài khoản tiết kiệm có lợi tức cao nhất trong tháng 4 do Bankrate tổng hợp cho thấy một số tài khoản đang trả lãi suất phần trăm hàng năm trên 5%.

Không đầu tư vào tài sản sản sinh ra thu nhập

Một số chuyên gia, như ông Stephen Davis, Giám đốc điều hành của Total Wealth Academy, một nền tảng giáo dục tài chính cá nhân, cho rằng tiết kiệm tiền trong tài khoản ngân hàng không phải là cách tốt để tiết kiệm cho hưu trí.

“Cố gắng tiết kiệm cho nghỉ hưu là một sai lầm lớn”, ông nói với The Epoch Times qua email. “Sử dụng quy tắc 4%, bạn sẽ phải tiết kiệm 3 triệu USD chỉ để có được 10.000 USD một tháng khi nghỉ hưu. Điều này là không thể đối với hầu hết mọi người”.

Ông Davis cho biết, đầu cơ vào tiền mã hóa, kim loại quý và cổ phiếu chứa đầy rủi ro và do đó chúng không dành cho tất cả mọi người.

Thay vào đó, ông khuyên mọi người nên cố gắng xây dựng nguồn thu nhập thứ hai.

Ông Davis nói: “Mọi người nên mua và đầu tư vào các tài sản tạo thu nhập như bất động sản".

Không để tiền riêng cho tiết kiệm

Ưu tiên riêng cho tiền tiết kiệm hoặc dành một phần thu nhập để tiết kiệm trước khi thanh toán hóa đơn hoặc chi phí, là một cách khác giúp quản lý tiền hiệu quả và xây dựng sự ổn định tài chính lâu dài.

Ông Sprung nói: “Trả tiền cho mình trước đi! Nhiều người trong chúng ta làm việc chỉ để trả các hóa đơn và sau đó tiết kiệm những gì còn lại. Để bước trên con đường tốt hơn dẫn đến thành công về tài chính, bạn cần phải tự trả tiền cho mình trước [tiết kiệm trước]”.

Ông khuyên nên dành ra tối thiểu 10% tiền lương hàng tháng để tiết kiệm cho hưu trí hoặc các mục tiêu khác.

“Hãy sử dụng 90% còn lại hoặc ít hơn để thanh toán các hóa đơn và chi phí của bạn. Nếu bạn thấy mình không thể bắt đầu ở mức 10%, thì hãy tìm một con số phù hợp với bạn và tăng nó lên một cách thường xuyên”, ông nói.

Mọi người có thể thực hiện các bước quan trọng để đảm bảo an toàn về mặt tài chính trong dài hạn bằng cách tránh những sai lầm tài chính phổ biến, chẳng hạn như không có ngân sách, không xem xét kỹ lưỡng các khoản chi tiêu và mắc nợ lãi suất cao.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những sai lầm thường gặp khi quản lý tài chính cá nhân