Phần quý của quả lê nhưng thường bị bỏ đi, có tác dụng mạnh mẽ trong việc bảo vệ tim mạch, chống lại ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lê là loại trái cây được yêu thích và mang tính biểu tượng, lê thường chín và được thu hoạch từ cuối hè cho đến giữa thu. Lê không chỉ ngon mà còn giàu dược tính và được sử dụng rộng rãi làm thực phẩm và thuốc trong hàng ngàn năm. Vậy theo nghiên cứu hiện đại, ăn lê có thể ngăn ngừa được những bệnh ung thư nào? Những lợi ích cho tim là gì? Tại sao lê có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2? Phần nào của quả lê có nhiều chất dinh dưỡng nhất?

Lê rất giàu chất dinh dưỡng, phần lớn chất dinh dưỡng nằm ở vỏ

Lê (tên khoa học: Pyrus communis) có nguồn gốc từ chân dãy núi Thiên Sơn ở phía tây Trung Quốc và thuộc họ thực vật Rosaceae. Vì cây lê có khả năng chịu lạnh nên chúng có thể được thu hoạch quanh năm ở nhiều vùng trên thế giới và hiện được trồng ở hầu hết các châu lục trên Trái đất.

Lê rất giàu vitamin C, vitamin K, đồng, kali, mangan, axit folic, magiê và các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, nó cũng rất ít calo, với một quả lê cỡ trung bình (khoảng 178 gam) chứa khoảng 100 calo, 0,2 gam chất béo, ít hơn 1 gam protein, khoảng 27 gam carbohydrate và khoảng 5,5 gam chất xơ.

Lê rất giàu chất chống oxy hóa, có thể loại bỏ hiệu quả các gốc tự do trong cơ thể và giúp ngăn ngừa stress oxy hóa gây tổn hại DNA và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Ngoài ra, lê rất giàu chất dinh dưỡng thực vật, bao gồm cả flavonoid giúp giảm viêm. Flavonoid này có liên quan đến một số căn bệnh nguy hiểm nhất, bao gồm ung thư, tiểu đường, bệnh tim, viêm khớp dạng thấp và bệnh Alzheimer.

Lê cũng là nguồn thực phẩm tuyệt vời chứa polyphenol, giúp bảo vệ chúng ta chống lại một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch và bệnh thoái hóa thần kinh.

Có hơn 3.000 giống lê trên toàn thế giới nhưng chỉ có 10 giống được trồng thương mại ở Hoa Kỳ. Mỗi loại có màu sắc, hương vị và kết cấu độc đáo, mang đến trải nghiệm hương vị khác nhau. Nhiều chất dinh dưỡng thực vật và chất chống oxy hóa khác có trong quả lê được tìm thấy trong vỏ của chúng, vì vậy ăn lê cả vỏ là cách tốt nhất để tối đa hóa lợi ích sức khỏe của chúng.

Hầu hết các chất dinh dưỡng thực vật và chất chống oxy hóa khác có trong quả lê đều được tìm thấy trong vỏ của chúng. (Shutterstock)

3 lợi ích mạnh mẽ của quả lê

Lê rất giàu chất dinh dưỡng và có ít nhất ba tác dụng chính đối với cơ thể con người đã được chứng minh:

Tác dụng 1. Giàu chất chống ung thư

Lê có chứa các hợp chất chống ung thư, bao gồm anthocyanin. Theo đánh giá trên Tạp chí Dược học Anh, anthocyanin là flavonoid tan trong nước có nhiều tác dụng dược lý, bao gồm phòng ngừa bệnh tim mạch, kiểm soát béo phì và hoạt động chống khối u.

Ngoài ra, lê còn chứa axit chlorogen, một hợp chất có hoạt tính chống ung thư. Axit chlorogen có thể phát huy tác dụng chống ung thư bằng cách ức chế chu kỳ tế bào và ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư.

Có đủ trái cây trong chế độ ăn uống của bạn, bao gồm cả lê, có thể giúp bảo vệ chúng ta chống lại một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và dạ dày.

Một phân tích tổng hợp kiểm tra mối liên quan giữa lượng trái cây và rau quả với nguy cơ ung thư phổi cho thấy việc tăng cường ăn trái cây có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc. Các tác giả kết luận rằng những nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng trong việc ngăn ngừa ung thư phổi thông qua chế độ ăn uống.

Một nghiên cứu khác, tổng hợp dữ liệu từ 25 nghiên cứu, đã kiểm tra mối liên quan giữa việc ăn trái cây và rau quả với nguy cơ ung thư dạ dày. Kết quả cũng cho thấy những người tiêu thụ nhiều trái cây có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thấp hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy các loại trái cây giàu flavonoid như lê có thể có tác dụng bảo vệ chống lại nhiều loại ung thư liên quan đến hormone, bao gồm ung thư vú, buồng trứng, nội mạc tử cung, tuyến giáp, tuyến tiền liệt và tinh hoàn. Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp cho thấy rằng việc tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu flavonoid, chẳng hạn như lê, có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và nội mạc tử cung.

Lê có chứa các hợp chất chống ung thư. Trong hình là quả lê hầm với đường phèn. (Annie Gong/The Epoch Times)

Tác dụng 2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Lê chứa nhiều chất dinh dưỡng rất có lợi cho việc duy trì sức khỏe tim mạch, bao gồm:

● Giàu chất xơ

Chất xơ phong phú có trong quả lê rất quan trọng để giảm cholesterol và các chất béo khác và giúp bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh tim mạch.

● Glutathione chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa glutathione có trong lê và các loại trái cây khác có thể giúp ngăn ngừa huyết áp cao và đột quỵ. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được truyền glutathione và acetylcholine không chỉ làm tăng đường kính mạch máu mà còn tăng lưu lượng máu, điều này kết hợp làm giảm đáng kể các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch vành.

● Pectin

Pectin trong quả lê là một loại chất xơ hòa tan trong nước được tìm thấy trong hầu hết các loại thực vật. Nó không chỉ giúp giảm mức cholesterol mà còn giúp giữ cho đường ruột của bạn mịn màng và cải thiện tiêu hóa.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ cho thấy ăn nhiều trái cây và rau quả có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, ung thư và bệnh tim sau khi theo dõi người trưởng thành trong 15 năm. Nghiên cứu này tin rằng tiêu thụ 5 đến 9 phần trái cây và rau quả mỗi ngày có lợi cho sức khỏe.

● Quercetin

Vỏ quả lê chứa chất chống oxy hóa gọi là quercetin, một sắc tố tự nhiên có trong nhiều loại trái cây và rau quả. Quercetin có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Các flavonoid trong nó đã được chứng minh là có tác dụng tốt đối với chứng tăng huyết áp, viêm, tiểu đườngbệnh mạch máu, đồng thời có thể bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương gốc tự do, có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính.

Lê chứa nhiều chất dinh dưỡng rất có lợi cho việc duy trì sức khỏe tim mạch. Trong hình là quả lê Hàn Quốc. (Shutterstock)

Tác dụng 3. Giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2

Lê có chỉ số đường huyết thấp hơn, có nghĩa là chúng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn. Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp khác bao gồm rau xanh, hầu hết các loại trái cây, đậu xanh và đậu lăng.

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm trên 9.665 người Mỹ trưởng thành từ 25 đến 74 tuổi đã được thực hiện để xác định liệu có mối liên hệ giữa việc ăn trái cây và rau quả với sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 hay không. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêu thụ từ 5 khẩu phần trái cây và rau quả trở lên mỗi ngày làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Lê, với hàm lượng chất xơ cao và vỏ giàu anthocyanin, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Anthocyanin mang lại màu sắc đặc trưng cho vỏ quả lê, đặc biệt là các loại màu đỏ. Vì lê có nhiều chất xơ và hàm lượng carbohydrate thấp nên chúng sẽ giải phóng dần đường vào máu, nghĩa là những người mắc bệnh tiểu đường có thể thưởng thức loại trái cây ngọt ngào này mà không ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ đã theo dõi hơn 200.000 người và xem xét mối quan hệ giữa việc hấp thụ chất flavonoid (chẳng hạn như flavonol và anthocyanin) trong chế độ ăn uống và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở người trưởng thành ở Hoa Kỳ. Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia không mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêu thụ thực phẩm giàu anthocyanin, đặc biệt là quả việt quất, táo và lê, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Lê, với hàm lượng chất xơ cao và vỏ giàu anthocyanin, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bức ảnh cho thấy một trong những giống lê phổ biến nhất ở Hoa Kỳ—lê Bartlett. (Shutterstock)

【Tóm tắt】

Lê rất giàu giá trị dinh dưỡng và giúp bảo vệ chúng ta khỏi nhiều bệnh thông thường. Nó không chỉ giúp giảm viêm và cải thiện tiêu hóa mà còn có thể hỗ trợ giảm cân. Giàu vitamin C, lê giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, đồng thời đặc tính ít chất béo và ít carbohydrate khiến chúng trở thành nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời.

Lê có thể được ăn theo nhiều cách, bao gồm luộc, rang và thậm chí được chế biến thành nhiều món tráng miệng thơm ngon. Tất nhiên, bạn cũng có thể hái lê trực tiếp từ cây và ăn tươi. Điều duy nhất cần lưu ý là nhiều chất dinh dưỡng thực vật và chất chống oxy hóa được tìm thấy trong vỏ quả lê, vì vậy hãy cân nhắc giữ lại vỏ và nhớ rửa kỹ trước khi ăn.

Theo Lý Phàm - Epochtimes

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phần quý của quả lê nhưng thường bị bỏ đi, có tác dụng mạnh mẽ trong việc bảo vệ tim mạch, chống lại ung thư