Siêu nhân bị trúng bom nguyên tử hai lần không chết, kỳ nhân không bao giờ bị chìm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Siêu nhân đáng kinh ngạc nhất thế giới, bị trúng 2 quả bom nguyên tử mà vẫn sống khỏe mạnh. Làm sao ông làm được điều này? Còn có vị kỳ nhân, người luôn thoát khỏi những vụ chìm tàu.

“Đại nạn không chết”

Một buổi sáng sớm tháng 8 năm 1945 ở Hiroshima, trời nhiều nắng, một nam thanh niên vội vã đến bến tàu. Anh tên là Tsutomu Yamaguchi, là một kỹ sư hải quân. Suốt cả mùa hè anh đều ở Hiroshima để thiết kế tàu chở dầu mới cho nhà máy đóng tàu Mitsubishi. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của Tsutomu ở Hiroshima. Anh dự định một lát nữa sau khi hoàn thành công việc ở xưởng đóng tàu, sẽ về nhà thăm vợ và cậu con trai mới ra đời. Nghĩ tới vậy là anh đã thấy trong lòng rộn ràng, vui mừng.

Anh đi vội vã, dù chỉ có vài trăm mét. Bỗng nhiên, có tiếng vo vo lớn trên không trung và tiếng còi chói tai cảnh báo phòng không cũng vang lên. Tsutomu ngước cổ lên nhìn thấy máy bay ném bom pháo đài bay B-29 của Mỹ đang quay tròn trên không. Lẽ nào quân đội Mỹ lại đến không kích? Trong tâm Tsutomu dấy lên sự cảnh giác.

Khi đó đúng vào thời kỳ cuối của chiến tranh thế giới thứ II, chỉ vài tháng trước - tức tháng 3 năm 1945, quân đội Mỹ vừa đánh bom Tokyo, khiến gần 100 ngàn người thiệt mạng. Vì vậy, tất cả mọi người đều cảnh giác. Tsutomu dừng chân, nhìn chăm chú vào những máy bay ném bom, phải nhìn thấy chắc chắn nó rời đi mới đảm bảo an toàn. Anh chỉ nhìn thấy máy bay thả xuống một vật thể nhỏ bằng dù, dường như không có gì to tát, nhưng đột nhiên một ánh sáng chói lóa bùng lên trên bầu trời. Tsutomu cảm thấy một tia sét khổng lồ xoẹt trước mắt. May mắn là Tsutomu phản ứng nhanh, khi vật thể nhỏ bằng dù rơi xuống vừa xuất hiện trên bầu trời, anh đã chui vào một con mương gần đó để trốn. Nhưng lúc đó động tác ẩn trốn thông thường này không có tác dụng lớn.

Anh Tsutomu Yamaguchi (Ảnh chụp màn hình)
Anh Tsutomu Yamaguchi (Ảnh chụp màn hình)

Hôm đó là ngày 6 tháng 8 năm 1945, máy bay ném bom B-29 của quân đội Mỹ ném xuống quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới với tên gọi Little Boy. Tsutomu chỉ cách trung tâm vụ nổ 3 km. Sóng xung kích cực lớn của vụ nổ trực tiếp lôi anh từ trong mương ẩn nấp ra ngoài, quay vài vòng như con quay trên không trung, sau đó, anh lại bị ném xa ra ruộng khoai trước mặt. Tsutomu vừa bị quăng lên, ném xuống khiến anh chóng mặt, hoa mắt, đầu óc hỗn loạn. Bụi và những mảnh vụn từ vụ nổ bom nguyên tử che lấp mặt trời, nhưng Tsutomu vẫn nhìn thấy rõ đám mây hình nấm nhô lên bầu trời Hiroshima.

Anh bàng hoàng bò dậy, lảo đảo đi về phía nhà máy đóng tàu. Lúc đó nhà máy đóng tàu Mitsubishi đã biến thành một đống đổ nát. Trong đống tàn tích đó bỗng anh tìm thấy hai người đồng nghiệp may mắn sống sót. Ba người e sợ sẽ có trận ném bom thứ hai, nên đã mau chóng trốn trong nơi trú ẩn không kích của nhà máy. Lúc này Tsutomu mới nhận ra hai tai mình đang chảy máu, hoá ra là màng xương bị vỡ, mặt và cánh tay đều bị cháy nghiêm trọng. Vậy là cả ba người ở trong hầm trú ẩn, trải qua một đêm khó khăn. Sáng sớm ngày hôm sau, sau khi trải qua một đêm trằn trọc, khi thấy không còn vụ đánh bom nào nữa, ba người mới cảm thấy thoải mái hơn, cả ba cùng nghĩ đến việc rời khỏi Hiroshima, quay trở về nhà. Họ chạy thẳng tới ga tàu hỏa. Cảnh tượng mà họ nhìn thấy trên đường chỉ có thể dùng từ ác mộng để hình dung. Khắp nơi là những đám cháy lớn, những toà nhà bị đổ sập, đầy trên phố là những thi thể bị cháy và đang tan chảy. Thực sự là thảm khốc!

Tsutomu ngồi trên xe hỏa quay trở về quê nhà. Toa tàu đầy hành khách bị bỏng và hoang mang. Mọi người đều không hiểu tại sao quả bom này lại có sức mạnh khủng khiếp đến vậy.

Sáng sớm ngày 8 tháng 8, Tsutomu về tới quê nhà ở Nagasaki. Vừa bước vào cửa anh đã gọi lớn tên vợ, vợ anh chạy ra và hét lên trong sợ hãi. Bởi vì lúc đó miệng vết thương trên mặt anh đều biến thành màu đen. Theo mô tả của vợ anh thì lúc đó trông anh giống như quỷ.

Tsutomu nói vài câu, người vợ đang sửng sốt mới dám chắc người đứng trước mặt là chồng mình. Cô bình tĩnh, đi lấy thuốc rửa mặt cho chồng, rồi dùng băng vải băng bó vết thương ở tay cho anh. Sáng sớm ngày 9 tháng 8, mặc dù Tsutomu cảm thấy rất mệt nhưng vẫn cố gắng dậy đi làm. Các đồng nghiệp nhìn thấy bộ dạng của anh hết thảy đều kinh hãi, nhưng sau khi nghe anh giải thích, họ đều cười lớn, nói rằng họ chưa bao giờ nghe nói tới một quả bom phá hủy một thành phố, lại còn có cả đám mây mọc lên như hình nấm. Họ đều khăng khăng cho rằng sau khi bị thương, anh đã suy nghĩ tưởng tượng lung tung.

Lúc đó chính phủ Nhật Bản vẫn chưa công bố với cả nước thông tin Hiroshima bị đánh bom nguyên tử. Tsutomu không cách nào biện minh, nên không nói gì. Đúng lúc đó, anh chợt thấy ngoài cửa sổ tia sáng trắng lóe lên giống như cầu vồng, sau đó là một đám mây hình nấm bốc lên. Do lần này đã có kinh nghiệm, anh lập tức nằm xuống sàn. Sóng xung kích sau đó làm tất cả cửa kính trong văn phòng nứt tách và vỡ nát. Khoảnh khắc đó khiến Tsutomu vô cùng tuyệt vọng, trong tâm chỉ có một suy nghĩ: “Làm sao cái đám mây hình nấm này lại theo tôi tới cả Nagasaki”.

Sau đó, toàn thế giới đều biết thông tin Mỹ đã thả quả bom nguyên tử thứ hai với tên gọi Fat Man, tương đương 20.000 tấn TNT xuống Nagasaki, so với quả bom nguyên tử đầu tiên tương đương 15.000 tấn TNT thì nó còn lớn hơn. Lần này Tsutomu vừa gặp may, mà lại vừa không may. Không may là không ngờ anh gặp phải vụ nổ bom nguyên tử hai lần, công ty của anh cách trung tâm vụ nổ chỉ có 2km. Tất cả đồng nghiệp có mặt tại hiện trường lúc đó không ai may mắn thoát nạn, người thì thiệt mạng, người thì sau đó chết vì phóng xạ hạt nhân.

Tuy nhiên, Tsutomu lại rất may mắn. Bởi vì anh ẩn núp nhanh chóng. Trong vụ nổ hạt nhân ở Nagasaki, anh không bị thương trực tiếp, sau khi chấn động do vụ nổ gây ra giảm đi một chút, anh liền nghĩ ngay tới vợ và con. Anh mau chóng chạy về nhà. Anh thấy ngôi nhà của mình đã bị sóng xung kích san phẳng. Anh muốn khóc mà không khóc được. Trong lúc đang bối rối, có một bàn tay đặt lên vai anh, anh quay lại nhìn, hoá ra là vợ ôm cậu con trai nhỏ đang đứng trước mặt anh. Cặp vợ chồng sống sót sau thảm họa lúc này không nói nên lời, chỉ ôm nhau và khóc.

Trong vụ nổ hạt nhân ở Nagasaki, anh không bị thương trực tiếp, sau khi chấn động do vụ nổ gây ra giảm đi một chút, anh liền nghĩ ngay tới vợ và con (Ảnh chụp màn hình)
Trong vụ nổ hạt nhân ở Nagasaki, anh không bị thương trực tiếp, sau khi chấn động do vụ nổ gây ra giảm đi một chút, anh liền nghĩ ngay tới vợ và con (Ảnh chụp màn hình)

Trước khi vụ nổ bom xảy ra, vợ anh đi ra ngoài tìm mua thuốc cho anh, lúc đó lại không có ai trông giúp cậu con bé nên vợ anh đã bế cả con đi cùng. Khi nghe thấy âm thanh máy bay, cô nghĩ tới những gì chồng gặp phải trước đó, liền mau chóng trốn vào hầm trú ẩn nên thoát khỏi tai hoạ.

Có thể có người nói lẽ nào Tsutomu là người Nhật duy nhất bị ném bom hạt nhân hai lần? Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, khi đó có khoảng hơn 160 người Nhật có thể đã trải qua hai lần ném bom hạt nhân. Tuy nhiên, Tsutomu là người duy nhất sống sót khoẻ mạnh. Năm 2010 ông qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Mặc dù Tsutomu tránh được hai lần sát thương trực tiếp của vụ ném bom hạt nhân, nhưng không thoát khỏi bị bức xạ hạt nhân.

Tsutomu là người duy nhất bị bom hạt nhân hai lần mà vẫn sống sót khoẻ mạnh. Năm 2010 ông qua đời, hưởng thọ 93 tuổi (Ảnh chụp màn hình)
Tsutomu là người duy nhất bị ném bom hạt nhân hai lần mà vẫn sống sót khoẻ mạnh. Năm 2010 ông qua đời, hưởng thọ 93 tuổi (Ảnh chụp màn hình)

Vì sao Tsutomu có thể may mắn sống sót và thậm chí còn sống thọ cao đến thế sau 2 vụ ném bom hạt nhân? Y học hiện đại vẫn không cách nào tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này. Các bác sĩ đều dùng ‘kỳ tích’ để giải thích trường hợp của Tsutomu.

Nhưng có một người còn khốc liệt hơn cả Tsutomu. Người này trong cuộc đời đã trải qua 6 tai nạn tàu ​​lớn, có bốn lần thoát chết đáng kinh ngạc khỏi đắm tàu.

Câu chuyện của John

Người đàn ông đó tên là John Priest. Năm 1887, ông được sinh ra tại thành phố cảng Southampton, thuộc miền Nam nước Anh. Do gia cảnh bần hàn, ông đã phải đi làm từ khi còn bé. Tới năm 25 tuổi, John tìm được một công việc ổn định, làm công nhân nồi hơi trên tàu du lịch lớn Olympic. Olympic là tàu du lịch của White Star Line - một công ty vận chuyển hàng hải của Anh. Vào đầu thế kỷ 20, nghiệp vụ chủ yếu của công ty là vận hành du thuyền sang trọng trên Đại Tây Dương. Thời điểm đó, Olympic thuộc sở hữu của công ty, và là du thuyền lớn nhất và sang trọng nhất thế giới. Nó được giới truyền thông ca tụng là “Unsinkable” (du thuyền vĩnh viễn không chìm).

John Priest (Ảnh: Wikipedia)
John Priest (Ảnh: Wikipedia)

Vào đầu thế kỷ 20, các tàu lớn đều chạy bằng hơi nước, lò hơi đốt bằng than, chứ không phải tuabin hơi nước chạy bằng dầu nhiên liệu như ngày nay. Trên mỗi con thuyền đều có vài cái, thậm chí hơn chục lò hơi đốt than khổng lồ, và cần những công nhân lò hơi như John để liên tục cho thêm than vào lò. Đây là một công việc rất nặng nhọc, phải tiếp xúc với nhiều bụi và chịu đựng nhiệt độ cao trong môi trường kín gió, lương lại thấp. Tuy nhiên, John lại cảm thấy rất vui vì có một công việc ổn định, còn hơn là bị đói hoặc bữa no bữa đói.

Vào một ngày tháng 9 năm 1911, du thuyền Olympic vừa mới rời bến cảng Southampton thì xảy ra sự cố. Khi John và các đồng nghiệp đang cởi trần, mồ hôi nhễ nhại cho thêm than vào lò, đột nhiên con tàu rung chuyển vô cùng mãnh liệt, ném thẳng John và các công nhân bay ra ngoài. Than trong xẻng vương vãi khắp nơi, sau đó có người hét lớn lên: “Nước vào thuyền, nước vào thuyền”. Thì ra du thuyền Olympic va chạm với tàu chiến Anh HMS Hawke.

Khi John và các đồng nghiệp đang cởi trần, mồ hôi nhễ nhại cho thêm than vào lò, đột nhiên con tàu rung chuyển vô cùng mãnh liệt, ném thẳng John và các công nhân bay ra ngoài (Ảnh chụp màn hình)
Khi John và các đồng nghiệp đang cởi trần, mồ hôi nhễ nhại cho thêm than vào lò, đột nhiên con tàu rung chuyển vô cùng mãnh liệt, ném thẳng John và các công nhân bay ra ngoài (Ảnh chụp màn hình)

Do du thuyền Olympic to hơn nên phần đuôi chỉ bị một số vết xước, cần nhanh chóng quay về cảng sửa chữa là được. Chiếc tàu tuần dương không may mắn và gần như bị phá hủy hoàn toàn. May mắn là trong sự cố này không có nhân viên nào bị thương vong, khi mọi người còn đang thở phào thì ác mộng mới chỉ bắt đầu đối với John. Bởi vì du thuyền Olympic được đưa về xưởng để sửa chữa, công ty White Star Line đã sa thải một bộ phận thuyền viên, chỉ giữ lại một ít người. John là một trong số ít nhân viên may mắn không bị mất việc, bởi vì anh được công ty phái tới một con tàu du lịch khổng lồ khác mới hạ thủy.

Khi con tàu du lịch sang trọng này vừa được đóng xong, nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý, vì nó được trang bị những thiết bị chống chìm cực kỳ tiên tiến. Đó chính là khoang cách nước, rất phổ biến với các con thuyền ngày nay. Thời đó, đây là một phát minh mới, nên du thuyền này cũng được truyền thông phong cho danh hiệu “Unsinkable” (không thể chìm). Và đây chính là con tàu Titanic nổi tiếng. Trên thuyền có 29 lò hơi đốt than khổng lồ, 150 nhân công đốt than. Họ phân thành nhiều ca làm, ngày đêm liên tục cho than vào lò đốt. Hơi nước mà 29 lò đốt than sinh ra có thể khiến con tàu Titanic với trọng tải hơn 60.000 tấn lướt đi êm ái.

Khi con tàu Titanic nổi tiếng vừa được đóng xong, nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý, vì nó được trang bị khoang cách nước, rất phổ biến với các con thuyền ngày nay. Thời đó, đây là một phát minh mới, nên du thuyền này cũng được truyền thông phong cho danh hiệu “Unsinkable” (không thể chìm) (Ảnh chụp màn hình)
Khi con tàu Titanic nổi tiếng vừa được đóng xong, nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý, vì nó được trang bị khoang cách nước, rất phổ biến với các con thuyền ngày nay. Thời đó, đây là một phát minh mới, nên du thuyền này cũng được truyền thông phong cho danh hiệu “Unsinkable” (không thể chìm) (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 10 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic xuất phát từ cảng Southampton, đích đến là New York. Đây là lần đầu tiên con tàu xuất hành nên các công nhân và John cũng khá bận rộn với công việc cho than vào lò. Sau khi tàu rời eo biển Manche, con tàu tiến đều với tốc độ 23 hải lý/giờ (tương đương với 43 km/h).

Sự việc sau đó ắt hẳn mọi người đều rõ, ngày 14 tháng 4, khi con tàu Titanic cách New York hơn 2.000 km về phía Bắc Đại Tây Dương, nó đã va phải tảng băng trôi và bị chìm. Lúc đó John đã tan ca và đang nghỉ ngơi trong phòng của mình. Sau khi cảm nhận được chấn động từ va chạm, John và các công nhân lò đốt có kinh nghiệm cảm thấy không ổn. Tổng cộng 44 công nhân lò đốt nói lời chào nhau, rồi lập tức chạy thoát thân. Họ chạy từ dưới đáy khoang tàu như mê cung lên trên boong. Tuy nhiên, những công nhân lò đốt không có tư cách được lên xuồng cứu sinh. Vì vậy các công nhân lò đốt mặc quần đùi áo ngắn lũ lượt nhảy xuống Bắc Đại Tây Dương băng giá. Cuối cùng chỉ có John và một công nhân khác đã được một con tàu đến sau giải cứu.

Câu chuyện vẫn chưa dừng tại đây. Sau hai lần sống sót thần kỳ, John vẫn được công ty White Star Line thuê, và chuyển anh sang một du thuyền sang trọng thứ ba - Britannia. Rút kinh nghiệm từ tàu Titanic, tàu Britannia được thiết kế hai tầng phòng ngừa nước, hơn nữa còn gia cố thiết bị chống chìm khác. Truyền thông rất vui mừng, gắn danh hiệu “Unsinkable” (không thể chìm) cho Britannia. Và đây là con tàu thứ ba của công ty White Star Line được gọi là con tàu vĩnh viễn không chìm.

Tàu Britannia được thiết kế hai tầng phòng ngừa nước, hơn nữa còn gia cố thiết bị chống chìm khác. Truyền thông rất vui mừng, gắn danh hiệu “Unsinkable” (không thể chìm) cho Britannia (Ảnh chụp màn hình)
Tàu Britannia được thiết kế hai tầng phòng ngừa nước, hơn nữa còn gia cố thiết bị chống chìm khác. Truyền thông rất vui mừng, gắn danh hiệu “Unsinkable” (không thể chìm) cho Britannia (Ảnh chụp màn hình)

Nhưng không ngờ, vào ngày 12 tháng 11 năm 1916, Britannia xuất phát từ cảng Southampton, đích đến là đảo Lemnos của Hy Lạp. Hòn đảo nhỏ này nằm ở miền Đông của Địa Trung Hải. Thế nhưng hành trình này lại không phải là chở các du khách giàu có du ngoạn, mà là phục vụ cho mục đích quân sự. Thời điểm đó đúng vào Thế chiến I, chính phủ Anh trưng dụng tàu Britannia để đưa những binh sĩ Anh bị thương trong chiến trường Trung Đông trở về nước. Chín ngày sau, Britannia đã tới vùng biển Hy Lạp. Khi tàu tiếp cận gần điểm đến thì lại xảy ra bi kịch.

Lúc này John lại đang làm việc đổ mồ hôi như tắm ở trong căn phòng đốt hơi ngột ngạt. Con tàu lại lắc dữ dội. Lần này John đã có kinh nghiệm và biết đã có sự cố. Lập tức sau đó có tiếng nổ to vang lên. Tàu Britannia bị trúng ngư lôi của tàu ngầm U-73 của Đức. Thiết kế phòng ngừa chìm cải tiến cũng không có tác dụng. Nước nhanh chóng ngập tràn vào tàu và Britannia chìm xuống. Phòng đốt hơi ở tầng dưới cùng của con tàu. Nước biển nhanh chóng ào vào các khoang tàu. Một cơ hội thoát thân duy nhất cho các công nhân lò hơi là đường sửa ống khói. Vậy nên John cùng hơn mười công nhân lần lượt tuyệt vọng nhảy xuống biển qua đường ống khói nhỏ hẹp. 10 trong số hơn 30 công nhân lò hơi thoát nạn, John là một trong số 10 người đó.

Phòng đốt hơi ở tầng dưới cùng của con tàu. Nước biển nhanh chóng ào vào các khoang tàu. Một cơ hội thoát thân duy nhất cho các công nhân lò hơi là đường sửa ống khói (Ảnh chụp màn hình)
Phòng đốt hơi ở tầng dưới cùng của con tàu. Nước biển nhanh chóng ào vào các khoang tàu. Một cơ hội thoát thân duy nhất cho các công nhân lò hơi là đường sửa ống khói (Ảnh chụp màn hình)

Ba du thuyền sang trọng được đặt biệt hiệu “vĩnh viễn không chìm” đều đã bị chìm. Đến lúc này kinh doanh của White Star Line trở nên sa sút, John cũng thất nghiệp, đành phải đổi sang công ty vận chuyển biển khác. Sau đó con tàu mà John làm cho cũng bị chìm, và chỉ có một mình John sống sót. Trải qua bốn lần chìm tàu, John quyết định tránh xa các con tàu, mau chóng tìm một công việc ổn định trên bờ.

Năm 1937, John đã 50 tuổi, đột ngột qua đời trên giường tại đất liền. Truyền thông lại dành biệt hiệu ‘Unsinkable’ cho John, gọi ông là ‘công nhân đốt lò hơi vĩnh viễn không bị chìm’.

Cách nói “đại nạn không chết” rất phù hợp trong trường hợp của Tsutomu và John. Mọi người đều biết rằng phía sau ắt phải có phúc. Nó đặc biệt đúng đối với Tsutomu, bởi vì ông sống khoẻ mạnh và trường thọ, con cháu đầy đàn. Nhưng xem ra ‘phía sau ắt phải có phúc’ không phù hợp lắm đối với John, bởi vì nửa đời sau John không trường thọ và cũng không sung túc. Tuy nhiên, nếu so sánh với chính bản thân anh ở nửa đời trước vốn lang thang, chịu đựng sự sợ hãi, thì nửa đời sau của John khá an yên, cũng được coi như là có phúc.

Theo Wenzhao

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Siêu nhân bị trúng bom nguyên tử hai lần không chết, kỳ nhân không bao giờ bị chìm