Tàn tích thành phố cổ Tonga hé lộ bí ẩn về nền văn minh Thái Bình Dương cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khảo cổ học người Úc đã khai quật được tàn tích của một thành phố cổ đại chưa từng được biết đến tại Vương quốc Tonga. Phát hiện này mang đến những hiểu biết mới mẻ về lịch sử và văn hóa của cư dân đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo phỏng đoán của nhà nghiên cứu ông Phillip Parton và nhà khảo cổ học Geoffrey Clark thuộc Đại học Quốc gia Úc, những "cấu trúc bằng đất" này nằm trên đảo Tongatapu, hòn đảo lớn nhất của Tonga, và được xây dựng vào khoảng năm 300 sau Công Nguyên.

“Điều này sớm hơn 700 năm so với ước tính trước đây của chúng tôi về thời điểm những người Lapita đầu tiên đến Tonga", ông Patton chia sẻ.

Gần 10.000 gò đất phủ đất đã được phát hiện tại làng Mu'a, cách thủ đô Nuku'alofa của Tonga 7,5 km. Đây là bằng chứng cho thấy đã từng có quá trình đô thị hóa và có các thành phố ở khu vực này từ trước khi các nhà thám hiểm người Hà Lan và Abel Tasman đến vào năm 1616.

Những tàn tích của Mu'a được xác định là thành phố lâu đời nhất được biết đến ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Các nhà khảo cổ ước tính rằng Mu'a có dân số từ 6.700 đến 7.600 người sinh sống trên diện tích 1.170 ha.

Mật độ dân cư của Mu'a được ước tính là 6,16 người/ha, cao hơn nhiều so với mật độ khu dân cư trung bình của các cộng đồng cá nhân trong khu vực (dao động từ 3,80 đến 6,47 người/ha).

Những gò đất ở Mu'a không chỉ là minh chứng cho nền văn minh cổ đại mà còn cho thấy sự sáng tạo và khả năng thích nghi của người dân địa phương trong việc sử dụng đất khi không có đá xây dựng.

Cư dân thành phố có thể đã xây dựng những ngôi nhà lộ thiên trên các gò đất để trốn cái nóng mùa hè oi bức, tận hưởng làn gió biển mát lạnh và quan sát du khách từ trên cao.

Ngoài ra, không gian rộng mở của Mu'a có thể gợi ý về các cơ sở hiện đại giống như công viên, nơi người dân tụ tập và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Một số nhà ở và khu mộ được cách ly với những cư dân khác bằng hệ thống cổng, gợi ý về tính chất bảo vệ và có thể cho thấy sự phân cấp xã hội trong thành phố.

Định cư ban đầu của người dân ở Tonga

Lịch sử định cư của con người ở Tonga vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ học và niên đại bằng carbon cho thấy những cư dân đầu tiên đặt chân đến đây là người Lapita từ Melanesia, di cư đến đây hơn 4.000 năm trước.

Trên hòn đảo Tongatapu, các nhà khảo cổ học đã khai quật được những dấu tích của người Lapita, hé lộ về một xã hội phức tạp với hệ thống phân cấp và mạng lưới thương mại đường dài. Những phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu về quá khứ của các đảo Thái Bình Dương.

Mu'a, một địa điểm khảo cổ quan trọng, từng là trung tâm chính trị của đế chế Tu'i Tonga hùng mạnh. Đế chế này cai trị phần lớn Tonga từ khoảng năm 950 sau Công nguyên đến năm 1470 sau Công nguyên.

Các cuộc khai quật vào những năm 1980 đã hé lộ những công trình kiến trúc cự thạch tráng lệ được gọi là langi, lăng mộ hoàng gia và các công trình nghi lễ khác tại Tonga. Những di tích khảo cổ này cho thấy xã hội thời đó có cơ cấu chặt chẽ và có thứ bậc, với các thể chế tôn giáo và chính trị vững mạnh.

Một địa điểm khảo cổ quan trọng khác trên Tongatapu là vòm đá bí ẩn Ha'amonga'a Maui Trilithon.

Cấu trúc đá ngoạn mục này bao gồm ba tảng đá, hai tảng đá đứng và một thanh ngang bằng đá, tương tự như những khối đá được tìm thấy trên các hòn đảo khác ở Thái Bình Dương. Mục đích chính xác của Ha'amonga'a Maui Trilithon vẫn chưa được biết, nhưng nó được cho là có ý nghĩa thiên văn.

Bản đồ laser của thành phố cổ Mua. (Được phép của Phillip Parton/Đại học Quốc gia Úc)

Nhờ công nghệ laser LIDAR tiên tiến, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một cấu trúc gò đất phức tạp cùng nhiều tòa nhà công cộng và cơ sở quốc phòng ẩn sâu dưới lòng đất tương tự như các cấu trúc khác được tìm thấy trên khắp thế giới.

Tiến sĩ Phillip Patton, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc, chia sẻ với ABC: "Chúng tôi đã kết hợp các kỹ thuật lập bản đồ tiên tiến với công việc khảo cổ tại chỗ để giải mã những sự kiện lịch sử từng diễn ra trên đảo Tongatapu".

"Thông tin thu thập được từ công nghệ laser LIDAR vô cùng quý giá, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các nền văn minh sơ khai ở Thái Bình Dương", ông Patton nói thêm.

"Khác biệt với những thị trấn cổ truyền thống châu Âu với những ngôi nhà chật hẹp và những con đường lát đá cuội lộng gió, đô thị cổ tại Tonga sở hữu hình thái kiến trúc độc đáo và phức tạp hơn nhiều," ông Patton giải thích.

Môn thể thao săn chim bồ câu đã thất truyền

Việc ứng dụng công nghệ LIDAR tiên tiến không chỉ giúp phát hiện ra cấu trúc đô thị cổ đại ở Tonga mà còn hé lộ những bí ẩn về đời sống văn hóa và xã hội của người dân nơi đây. Một trong những phát hiện thú vị nhất là "gò săn chim bồ câu", được gọi là "sia heu lups" trong tiếng địa phương.

Ông Phillip Patton, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc, giải thích: "Khi các khu định cư phát triển và dân số tăng lên, người dân đã phải tìm ra những cách thức mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Quá trình đô thị hóa với mật độ thấp này đã dẫn đến những thay đổi to lớn về mặt kinh tế và xã hội, trong đó có sự xuất hiện của 'gò săn chim bồ câu' ".

Những "gò săn chim bồ câu" này có đặc điểm nổi bật là hố tròn trung tâm, đường kính khoảng 5 đến 7 mét, được bao quanh bởi những bức tường đá.

William Mariner, một người Anh từng sống trên đảo Tonga vào đầu thế kỷ 19, đã ghi chép lại cách thức thực hiện môn thể thao săn chim bồ câu độc đáo này. Theo Mariner, người chơi sẽ buộc một con chim bồ câu đã thuần hóa vào cọc gỗ và thả nó ra. Khi bay lượn trên bầu trời, con chim bồ câu thuần hóa sẽ thu hút những con chim bồ câu hoang dã khác. Sau đó, người chơi sẽ sử dụng lưới để bắt những con chim bồ câu này.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 19, môn thể thao săn chim bồ câu dần mất đi sự phổ biến và cuối cùng biến mất trên đảo.

Sự xuất hiện của người châu Âu

Theo Tiến sĩ Phillip Patton, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc, sự xuất hiện của người châu Âu có thể đóng vai trò quan trọng trong sự suy tàn của thành phố cổ Tonga.

Ông Patton đưa ra giả thuyết rằng, sự thịnh vượng của thành phố có thể bắt nguồn từ vai trò trung tâm thương mại của nó trong khu vực Tây Nam Thái Bình Dương từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người châu Âu đã mang theo những căn bệnh truyền nhiễm khiến thành phố suy tàn".

Tiến sĩ Phillip Patton, tin rằng thành phố cổ Tonga này chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh rộng lớn về lịch sử đô thị hóa ở Thái Bình Dương. Ông dự đoán rằng còn rất nhiều địa điểm khảo cổ quan trọng khác vẫn đang ẩn mình dưới lòng đất chờ đợi được khám phá.

"Tôi tin rằng nếu sẵn sàng khám phá thêm, chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải là khu đô thị duy nhất ở Thái Bình Dương. Tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều địa điểm khác đang chờ chúng ta khám phá. Đây chỉ là bước khởi đầu trong nghiên cứu của chúng tôi về định cư sớm ở Thái Bình Dương". Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.

Theo Jim Birchall - Epoch Times tiếng Trung

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tàn tích thành phố cổ Tonga hé lộ bí ẩn về nền văn minh Thái Bình Dương cổ đại