TCTK: GDP, sản xuất công nghiệp của Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục tính từ 2011

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình kinh tế, sản xuất ảm đạm của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Các doanh nghiệp không chỉ e ngại tham gia kinh doanh mà còn ồ ạt rời bỏ thị trường.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, nhìn chung cả nền kinh tế, GDP quý II năm 2023 chỉ tăng 4,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2023, nếu không tính đến mức tăng 0,34% của quý II/2020 (thời kỳ đại dịch). Tương tự, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong các ngành, khu vực công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 là 0,44% so với cùng kỳ năm trước (trong đố công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%), là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023. Riêng trong quý II, giá trị tăng thêm ước tính đạt 1,56% so với cùng kỳ năm trước (mức thấp nhất tính từ năm 2019 nếu không tính năm 2020).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ: sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc là tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%. Ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân laọi 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng giảm 4,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ: đường kính tăng 31,2%; xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; tivi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: điện thoại di động giảm 19,2%; ô tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 4,3%; phân U rê giảm 4,1%; xi măng giảm 3,9%; xe máy giảm 3,5%.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, 19,8% về số vốn đăng ký. Tính cả doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, con số là 113,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Trong các ngành được liệt kê, ngành kinh doanh bất động sản chứng kiến con số thành lập mới suy giảm mạnh nhất (-58,9%), và con số giải thể cao nhất (21,6%) trong 6 tháng đầu năm 2023.

Xu hướng kinh doanh

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II, có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình là tốt hơn quý I; 36,7% cho rằng tình hình là ổn định và 25,8% cho rằng tình hình đang khó khăn.

Trong bảng liệt kê các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý II năm 2023, nhu cầu thị trường trong nước thấp chiếm % cao nhất (55,5%), kế đến là khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước (47,2%), tiếp đó là nhu cầu thị trường quốc tế thấp (34%), khó khăn về tài chính (32,2%), lãi suất vay vốn cao (31,6%).

Về đơn đặt hàng, 24,9% có đơn đặt hàng quý II cao hơn quý I; 38,9% có đơn đặt hàng ổn định và 36,2% có đơn đặt hàng giảm. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, so sánh quý II và quý I, 18,5% có số đơn mới cao hơn, 43,2% có đơn hàng mới ổn định và 38,3% có đơn hàng mới giảm.

Bản lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9%. Trong quý II, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.520,2 nghìn tỷ VND, tang 1,6% so với quý trước, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong tháng 6 duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách tăng 1,8% và luân chuyển hành khách tăng 2,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 10,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 5,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách tăng 15,9% và luân chuyển tăng 32,4% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa tăng 15,9% và luân chuyển tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa đều suy giảm

TCTK: GDP, sản xuất công nghiệp của Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục tính từ 2011
Nhân viên đi ngang qua các container tại Cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng, vào ngày 12/08/2019. (Ảnh: NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.

Trong quý II, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ và tăng 2,9% so với quý I.

Trong quý II, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ, giảm 0,2% so với quý I.

Xuất nhập khẩu dịch vụ

Trong quý II, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ và 2,2% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ và tăng 6,2% so với quý trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

TCTK: GDP, sản xuất công nghiệp của Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục tính từ 2011