Tháng đầu năm 2024, gần 54.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tháng 1/2024, có 53.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, doanh nghiệp giải thể cũng nhiều gấp đôi số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường trong tháng đầu năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 2% so với tháng trước và tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị trường còn có 13.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, cũng trong tháng đầu năm, đã có tới 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023 và gần 7.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%.

Ngoài ra, giai đoạn này còn ghi nhận hơn 2.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53.900 doanh nghiệp, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân mỗi ngày có gần 1.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng Cục thống kê cũng cho biết, trong năm 2023, Kinh doanh bất động sản đứng đầu lĩnh vực có doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất với gần 1.300 đơn vị, tăng khoảng 8% so với 2022. Bình quân mỗi tháng, 107 doanh nghiệp ngành này phá sản, trong khi số lập mới giảm 45%, trên 4.700 đơn vị.

Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 31.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng đầu năm có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình kinh tế tháng đầu năm

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng đầu tiên của năm 2024, trong đó có một loạt các chỉ số đáng chú ý như CPI, giá vàng, vốn đầu tư, tình hình doanh nghiệp…

Theo báo cáo của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 01/2024 tăng 0,31% so với tháng trước, so với 1 năm trước, giá tiêu dùng tháng 1 tăng 3,37%, lạm phát cơ bản tăng 2,72%.

Đáng chú ý, chỉ số giá vàng tháng 1/2024 cũng được nhắc đến khi tăng 2,55% so với tháng 12/2023, sau một năm, chỉ số giá vàng đã tăng hai con số trên 15,43%.

Chỉ số giá vàng tăng nhanh, thậm chí tăng liên tiếp các tháng năm 2023, 2024 phản ánh đúng thực tế giá vàng diễn biến rất khó lường, tăng giảm bất thường, biên độ mua vào - bán ra thường chênh từ 2-5 triệu đồng/ lượng. Giá vàng tại Việt Nam chênh từ 18-20 triệu đồng/ lượng so với giá vàng quốc tế, khiến đây trở thành kênh đầu tư, trú ẩn của dòng tiền trên thị trường, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế tăng cao, nguy hại dài hạn cho nền kinh tế.

Về thương mại, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4,1%; nhập khẩu tăng 6,8%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 0,38 tỷ USD.

Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, số liệu của cơ quan Thống kê một lần nữa gây quan ngại khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, rút khỏi thị trường tăng rất mạnh.

Việt Nam Xã hội

Tháng đầu năm 2024, gần 54.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường