Thành cổ trên 4000 năm tuổi, gấp 6 lần thành Bắc Kinh,  có công nghệ tinh vi và thiết bị thiên văn cao cấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một khám phá khảo cổ học gần đây khiến các nhà khoa học nhận thức lại về nền văn minh nhân loại.

Trong quá trình văn minh của nhân loại, thành phố quy mô lớn nào tồn tại lâu đời nhất? Thông qua phát hiện khảo cổ hiện nay, nó được cho là thành phố Uruk ở bờ đông sông Euphrates, một trong những nền văn minh đô thị do người Sumer kiến tạo và nằm ở Iraq ngày nay, nó xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 6.000 năm trước. Thời kỳ đỉnh cao của cách đây chưa đầy 5.000 năm, với dân số khoảng 8.000 người, được coi là đô thị hàng đầu lúc bấy giờ.

Phát hiện thành phố cổ trên 4000 năm tuổi lớn gấp 6 thành Bắc Kinh

Thị trấn Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây, nằm ở rìa cao nguyên Hoàng Thổ, phía Nam là những dãy đồi núi hoàng thổ, có hàng ngàn khe núi và vô cùng hoang vắng, còn phía Bắc là sa mạc Mu Us, là nơi gió thổi cát bay. Du Lâm là một trong 9 thị trấn quan trọng vào thời nhà Minh, Vạn Lý Trường Thành phòng thủ xuyên thẳng qua quận phía Bắc của Du Lâm.

Một ngày vào năm 2011, một đội khảo cổ đã đi đến thành phố Thần Mục nằm ở phía Bắc Thị trấn Du Lâm, trưởng đội khảo cổ tên là Tôn Chu Dũng. Từ lâu, ông Tôn đã nghe nói rằng, trong một ngôi làng nhỏ ở thành phố Thần Mục có ẩn giấu một kho báu. Ngay từ những năm 1970, khi dân làng địa phương đào đất xây nhà, họ đã khai quật được một số đồ vật cổ bằng ngọc, chúng không phải là những đồ dùng thông thường như bình ngọc hay hũ ngọc, mà là những đồ cao cấp như nha chương và ngọc bích, được chế tác vô cùng tinh xảo. Những đồ vật bằng ngọc này là vật dụng được dùng cho các lễ có tiêu chuẩn cao vào thời cổ đại, tượng trưng cho sức mạnh của Thần và quyền lực của vua chúa.

Khi đội trưởng Tôn nhìn thấy những bảo vật này, ông cảm thấy vô cùng hồi hộp, ông đoán rằng bên dưới lòng đất thành phố Thần Mộc này có thể có một quần thể mộ cổ tiêu chuẩn cao, xét từ công nghệ chế tác ngọc bích, tuổi của những ngôi mộ cổ này thậm chí có thể lên đến 4.000 năm.

Khi ông Tôn và đội khảo cổ đến khu vực địa phương và thăm dò thông tin, một người dân trong làng đã dẫn họ đến bên một vách đá tên là Thạch Mão và nói rằng, những bảo vật trên đã được tìm thấy ở khu vực này. Đội trưởng Tôn rất hưng phấn, đứng trên vách đá nhìn xung quanh với vẻ mặt sững sờ, ông nhìn thấy những bức tường đá cổ đứng sừng sững trên sườn hoàng thổ, từng đoạn từng đoạn một, chúng không hề giống với kết cấu bề mặt của những ngôi mộ cổ. Nếu những bức tường đá này được nối lại với nhau, khi đó, chúng trông giống như một bức tường thành cổ.

Nghĩ tới điều này, ông Tôn không khỏi giật mình, ông nhanh chóng phủ nhận những tưởng tượng hiện lên trong đầu của mình, 4.000 năm trước thì tuyệt đối không thể xây dựng được một bức tường đá cổ lớn như vậy. Bởi vì cách đây 4.000 năm, cao nguyên Hoàng Thổ vẫn còn ở thời kỳ đồ đá mới, nên việc xây dựng một bức tường đá quy mô như thế này là điều không thể.

Nhưng các thành viên trong đội khảo cổ cho rằng, chúng có thể là một phần của Vạn Lý Trường Thành của nhà Minh. Vì Vạn Lý Trường Thành của nhà Minh nằm cách Thạch Mão 10km, nên những bức tường đứt đoạn này có thể là một phần thuộc công trình phụ trợ của Vạn Lý Trường Thành của nhà Minh, rất có thể những ngôi mộ cổ được chôn ở bên dưới dãy tường thành này. Đội khảo cổ đều đồng ý với suy đoán này, họ ngay lập tức bắt tay vào công việc khai quật ở Thạch Mão.

Trong quá trình khai quật, đội khảo cổ càng thấy kỳ lạ hơn, bởi vì có nhiều nơi đều đã khai quật được các hố văn vật, ở gần những hố văn vật này đều có những bức tường đứt gãy. Điều này không giống như kiểu kiến trúc tường thành của Vạn Lý Trường Thành của nhà Minh, kiểu kiến trúc này rất kỳ lạ, một loại gỗ gọi là gỗ nhâm được đóng vào trong những bức tường đá này.

Đây là một phương pháp xây dựng vào thời nhà Tống, được ghi lại trong cuốn sách “Doanh tạo pháp thức” của nhà Tống, nói rằng khi người nhà Tống xây tường thành, cứ mỗi 5 thước chiều cao lại đóng thêm một khúc gỗ theo chiều ngang, mục đích là để gia cố tường thành, mỗi khúc gỗ lại dài từ 1 trượng đến 1 trượng hai, đường kính từ 5 đến 7 tấc.

Lẽ nào đây là một phần di chỉ kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Tống?

Đội trưởng Tôn rất vui mừng và ngay lập tức gửi mẫu gỗ đến phòng thí nghiệm để thực hiện giám định carbon-14, hay còn được gọi là định tuổi bằng đồng vị phóng xạ, chủ yếu sử dụng đồng vị carbon-14 để xác định niên đại của chất hữu cơ. Chẳng mấy chốc, phòng thí nghiệm đã có kết quả, đội trưởng Tôn đã hóa đá khi nhìn thấy bản báo cáo, rằng gỗ nhâm này có từ hơn 4.300 năm trước, điều đó có nghĩa là những kiến trúc cổ kính này quả thực được xây dựng vào thời kỳ đồ đá mới.

Đội khảo cổ rất phấn khích, họ thực sự đã tìm thấy một kho báu. Vậy tổng diện tích của công trình kiến trúc này rộng bao nhiêu?

Đứng trên mặt đất sẽ rất khó xác định, nên máy bay đã điều đến để bay trên vách đá, từ đó có thể xác định được diện mạo thực sự của nó. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc, mà là cả một thành phố khổng lồ, được xây dựng trên một núi đá cao hàng chục mét, giống như một pháo đài quân sự tráng lệ. Tường thành được chia thành tường thành bên trong và tường thành bên ngoài. Thành phố có chiều dài hơn 10 km, có diện tích khoảng 4 km2, lớn gấp 6 Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Đội trưởng Tôn sửng sốt, hơn 4.000 năm trước, thành phố cổ Thạch Mão chắc chắn là thành phố lớn nhất châu Á, trên trái đất, nơi duy nhất có thể sánh ngang với nó đó là vương triều Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4.000 năm.

Thành cổ trên 4000 năm tuổi, gấp 6 lần thành Bắc Kinh. (Chụp video)

Đối với một nhà khảo cổ học, việc có thể khám phá một di tích có quy mô như Thành phố cổ Thạch Mão một lần trong đời cũng đủ xứng đáng với danh hiệu nhà khảo cổ học. Trải qua quá trình khai quật của đội khảo cổ, toàn bộ thành phố cổ này dần dần lộ ra diện mạo thật của nó, cổng thành phía Đông của bức tường thành bên ngoài cao khoảng 2 mét, đội khảo cổ ước tính chiều cao ban đầu của nó là khoảng 5 mét.

Thiết kế của cổng thành cũng rất đặc biệt, hai bên cổng thành có hai trụ vuông, bên trong và bên ngoài cổng thành đều có ủng thành (5.48 bức thành nhỏ ở ngoài và trong cổng thành), đây là thiết kế phức tạp nhất trong số các thiết kế cổng thành cổ trên thế giới. Vai trò của ủng thành là ngăn chặn kẻ thù tiến quân thẳng vào sau khi chiếm được cổng thành, kẻ thù trong khu vực ủng thành sẽ bị quân phòng thủ trên các bức tường xung quanh đánh chặn bằng cung tên, lăn cây, lăn đá, từ đó làm chậm quá trình tiến vào thành của quân địch.

Ngoài bức ủng thành, tường thành Thạch Mão còn có một kiểu kiến ​​​​trúc được gọi là mặt ngựa, hay còn được gọi là tháp phòng ngự. Kỳ thực, nó là một kiến trúc hình tháp nhô ra khỏi bức tường thành. Cấu trúc mặt ngựa giúp quân phòng thủ loại bỏ được điểm mù khi phòng ngự.

Các nhà sử học cho rằng, thiết kế mặt ngựa xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Lạc Dương từ thời Đông Hán đến thời Tào Ngụy. Mặt ngựa ở thành Lạc Dương thường được xây dựng thành nhiều hàng, còn mặt ngựa ở thành cổ Thạch Mão được xây dựng sớm hơn nữa, trước đó khoảng 2.000 năm.

Vật liệu xây dựng bức tường thành cổ Thạch Mão là sa thạch, được đánh bóng rất mịn, có thể sánh với công nghệ gia công cơ khí hiện đại. Giữa các viên đá sử dụng chất kết dính được tạo ra bằng cách trộn tro rơm và bùn lại với nhau. Trải qua hơn 4.000 năm mưa gió, những khối đá vẫn dính chặt với nhau không một vết nứt.

Đội khảo cổ còn đang ngạc nhiên trước công nghệ xây dựng của thành phố cổ này, thì họ lại có phát hiện mới.

Những phát hiện khiến người ta kinh ngạc

Rìu ngọc và cột đá mặt người

Vào một ngày mưa, đội khảo cổ đang làm việc gần bức tường thành, đột nhiên một thành viên trong đội kêu lên: "Mọi người xem, đây là thứ gì".

Mấy thành viên trong đội đứng gần đó vội vàng chạy đến xem xét, đội trưởng Tôn nghe tin cũng vội chạy tới, mọi người đều choáng váng trước cảnh tượng trước mắt mình. Thì ra, có một mảnh rìu ngọc mỏng được cắm giữa lớp trên và lớp dưới của tường thành, đó là một phiến ngọc được mài nhẵn thành hình chiếc rìu, là biểu tượng của sức mạnh quân sự.

Đội trưởng Tôn cố gắng dùng tay kéo nó ra, nhưng nó không hề dịch chuyển, khi nhìn kỹ hơn, hóa ra toàn bộ chiếc rìu ngọc đã được gắn vào bức tường thành.

Làm sao ngọc có thể được sử dụng để xây tường?

Đội khảo cổ không thể tìm ra câu trả lời, nên đã đặt tên cho hiện tượng này là "ngọc ẩn trong tường". Cổ thành Thạch Mão do 16 chỏm núi tạo thành, ngoài tường thành và cổng thành phía Đông, điều bắt mắt nhất chính là di chỉ kiến ​​trúc trung tâm - Hoàng thành đài.

Đội khảo cổ suy đoán rằng có lẽ đây là vị trí của một cung điện lớn, tiến vào cổ thành Thạch Mão từ cổng thành phía Đông, sau đó theo con đường quanh co thì có thể đến được Hoàng thành đài. Hoàng thành đài cao khoảng 70 mét tính từ nền đến đỉnh, thực chất là một tòa nhà có hình bậc thang giống như kim tự tháp. Ở lối vào Hoàng thành đài có một quảng trường có diện tích hơn 2.500 mét vuông, tương tự như quảng trường bên ngoài Ngọ Môn của Tử Cấm Thành. Thiết kế cổng lớn của Hoàng thành đài cũng tương tự với cổng thành phía Đông, tức là hai bên mỗi bên đều có trụ lớn, trước và sau cổng thành đều có ủng thành.

Hoàng thành đài thực chất nằm trong nội thành, khi đi qua cổng nội thành, đập vào mắt bạn đầu tiên là một nơi giống như phòng tiếp tân, sau đó đi lên 30m dọc theo đoạn đường dốc 30 độ sẽ đến sân thượng của Hoàng thành đài, tầng thượng của Hoàng thành đài có diện tích 80.000 mét vuông, có thể đây là nơi sinh sống và làm việc của hoàng tộc.

Đội khảo cổ đã khai quật được hơn 70 tác phẩm điêu khắc tại Hoàng thành đài, mỗi tác phẩm đều mang phong cách độc đáo riêng, bao gồm các tác phẩm điêu khắc khuôn mặt với đôi mắt tròn và miệng rộng. Ngoài ra còn có những tác phẩm điêu khắc kỳ lạ, hình hai con hổ đứng đối diện nhau, ở giữa hai con hổ còn có một cái đầu bò lớn. Hình dáng này gợi nhớ đến tục tôn thờ bò của người Ai Cập, Sumer và Hy Lạp cổ đại.

Ngoài ra, vẫn còn một thứ rất đặc biệt, đó là cột đá cao 90 cm, dày 50 cm, mang hình mặt người, khiến người ta nhớ đến những chiếc cột Totem hay điệu múa của các phù thủy của người da đỏ Bắc Mỹ.

Cột đá cao 90 cm, dày 50 cm, mang hình mặt người. (Chụp video)

Chẳng lẽ, đây chính là nhóm thầy phù thủy được ghi lại trong Sơn Hải Kinh chăng?

Những khám phá tiếp theo còn khiến đội trưởng Tôn càng trở nên bối rối.

Tượng đầu chim Thần

Đội khảo cổ còn phát hiện ra một chiếc tượng đầu Thần ưng nung bằng đất sét nằm trong đống mảnh gốm vỡ dưới nền đế của Hoàng thành đài. Đội khảo cổ đã rất kiên nhẫn ghép những mảnh gốm vỡ lại với nhau và khôi phục được bức tượng gốm chim ưng. Tượng Thần ưng này cao gần 1 mét, đôi chân to khỏe, gần bằng phần chân của người trưởng thành, đội trưởng Tôn tin rằng thần ưng phải nằm ở đâu đó phía trên ngôi đền ở trên đỉnh của Hoàng thành đài. Sau này, do Thạch Mão bị tiêu diệt, thành phố bị phá hủy, bị bỏ hoang, bị đập nát thành từng mảnh.

Việc tôn thờ Thần ưng khiến người ta liên tưởng đến Thần ưng Horus của Ai Cập cổ đại. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người Thạch Mão còn thờ Thần Mặt trời và linh hồn tổ tiên, có những công trình đô thị hùng vĩ và tinh xảo, đồng thời còn có biểu tượng của nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.

Thủ đô trong truyền thuyết của Hoàng Đế?

Đội trưởng Tôn tin rằng thành phố cổ Thạch Mão có lẽ là một thành bang do một nhóm dân tộc nào đó thành lập vào thời tiền sử, vậy thân phận của người Thạch Mão là như thế nào?

Một số người nói rằng đó là đài Cộng Công được nhắc đến trong "Sơn Hải Kinh", tức là đài Cộng Công nằm ở phía Bắc của khu vực do Đế Nghiêu cai trị vào năm xưa. Vì vậy, mô tả này có vẻ rất trùng khớp với vị trí địa lý của Thạch Mão.

Một số người nói rằng đó là tàn tích của Côn Luân, chính là thủ đô của Hoàng Đế. Bởi vì, Hoàng Đế được cho là đã hoạt động ở phía Bắc cao nguyên Thiểm Tây ngày nay, nên "Sơn Hải Kinh" nói rằng tàn tích Côn Luân là thủ đô của Hoàng Đế. Côn Luân giống như đỉnh Olympus trong Thần thoại Hy Lạp, là nơi các vị Thần cư ngụ. Vị trí của đỉnh Olympus ở Hy Lạp đã được nhiều người biết đến, nhưng về vị trí của Côn Luân thì lại có nhiều ý kiến khác nhau.

Cả “Sơn Hải Kinh” và “Mục Thiên tử truyện” đều cho rằng Côn Luân nằm ở phía Tây Bắc của Trung Nguyên, một số sử sách nói rằng khi giữa Hoàng Đế và Viêm Đế xảy ra đại chiến, họ đã lấy chim dữ như đại bàng và chim ưng làm cờ hiệu, sử dụng ngọc thạch làm vũ khí.

Ngày nay, bức tượng chim ưng bằng gốm cũng như rìu ngọc, đao ngọc đã được phát hiện ở thành phố cổ Thạch Mão, đánh giá từ các khía cạnh khác nhau như vị trí địa lý, khoảng thời gian, quy mô và nhân khẩu của thành phố, từ giai đoạn văn minh, các hiện vật và biểu tượng, thì đây là một trong những khám phá khảo cổ gần gũi nhất với truyền thuyết về thủ đô của Hoàng Đế.

Tuy nhiên, suy cho cùng, kết quả khai quật hiện còn hạn chế, để kết nối trực tiếp mối quan hệ giữa thành phố cổ Thạch Mão với Hoàng Đế, cần có thêm bằng chứng đầy đủ để đưa ra kết luận về nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa, thậm chí phải cần đến sự hỗ trợ chứng minh từ hàng loạt các di chỉ văn minh khác. Vì vậy, việc nghiên cứu di chỉ Thạch Mão chỉ mới bắt đầu và vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Nhưng có một điều chắc chắn, vào hơn 4.000 năm trước, thành phố cổ Thạch Mão hẳn phải là một nền văn minh thành bang thịnh vượng và hùng mạnh trên cao nguyên Hoàng Thổ, sức ảnh hưởng của nó duy trì khoảng 5 thế kỷ, chẳng hạn như ngọc nha chương mà nó đi tiên phong, sau này lại xuất hiện ở Nhị Lý Đầu - một di chỉ của nhà Hạ. Vào thời kỳ cuối của nền văn minh thành phố Thạch Mão, tức là cách ngày nay khoảng 3.800 về trước thì đã xuất hiện vết tích sử dụng đồ đồng.

Công nghệ tinh vi cao siêu

Trên thực tế, thành phố cổ Thạch Mão không chỉ có công nghệ xây dựng siêu việt mà còn có những khía cạnh công nghệ cao khác, một số lượng lớn những thứ giống như tăm xỉa răng đã được khai quật tại đây. Thực chất, chúng là những chiếc kim xương, tức là những chiếc kim được mài ra từ xương động vật. Những chiếc kim này có chiều dài và độ dày khác nhau, đường kính từ vài mm đến vài phần mười mm. Một trong những chiếc kim xương nhỏ nhất có đường kính lỗ xỏ chỉ 300 micron, tức là 0,3 mm, trong khi đường kính của thân kim chỉ vào khoảng 500 micron.

Đường kính của kim thép không gỉ số 26 được sử dụng trong châm cứu của Đông y hiện nay là 0,4 mm, tức là 400 micron, và kim xương nhỏ nhất được phát hiện ở thành phố cổ Thạch Mão tương đương với kim thép số 25 hiện nay.

Những cây kim làm bằng xương thú. (Chụp video)

Quá trình sản xuất kim thép hiện đại bao gồm 12 quy trình, nguyên liệu thô là sợi thép tiêu chuẩn, sợi thép sau đó được kéo mỏng, sau đó trải qua các quy trình tiêu chuẩn hóa như làm thẳng, cắt, mài và xử lý nhiệt. Toàn bộ quá trình được vận hành bằng máy móc, sản phẩm cuối cùng thu được là một cây kim.

Hơn nữa, bản thân thép có độ dẻo tương đối tốt và có khả năng chịu sai số tương đối, trong khi chất liệu của kim xương giòn hơn, nếu sai số dùng lực lớn hơn một chút sẽ khiến kim xương bị gãy hoặc vỡ vụn ngay lập tức. Đường kính nhỏ nhất của những chiếc kim xương được tìm thấy ở thành phố Thạch Mão chỉ là 0,5 mm, thật đáng kinh ngạc khi những chiếc kim nhỏ như vậy lại được mài ra từ hơn 4.000 năm về trước. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là đường kính của lỗ xỏ chỉ có 0,3 mm, thực sự, mắt thường rất khó có thể nhìn rõ loại lỗ nhỏ như thế này. Ở thời hiện đại, nếu phải đánh bóng một cái lỗ nhỏ như vậy bằng tay thì cần phải sử dụng thiết bị phóng đại.

Vậy làm thế nào mà người Thạch Mão lại khoan được một cái lỗ nhỏ như vậy mà không có những dụng cụ trợ giúp?

Không có kính hiển vi và công nghệ phóng đại làm phương tiện phụ trợ, làm sao người xưa có thể khoan những lỗ nhỏ và đều đặn như vậy trên kim xương và ngọc bích?

Mặc dù bây giờ chúng ta không có cách nào biết được câu trả lời, nhưng trong chương "Thang Vấn" của cuốn “Liệt tử” có ghi chép lại một câu chuyện huyền kỳ, có thể cung cấp cho chúng ta một hướng hiểu biết khả dĩ.

Chuyện kể rằng có một người đàn ông tên là Kỷ Xương đã bái xạ thủ nổi tiếng đương thời là Phi Vệ làm thầy. Phi Vệ nói với Kỷ Xương rằng: "Học bắn tên thì trước hết phải luyện được kỹ thuật không chớp mắt, sau khi luyện thành thì hãy đến tìm ta”.

Kỷ Xương nghe vậy bèn trở về nhà, chui vào gầm khung cửi của vợ, nhìn chằm chằm vào cây kim, dù kim lên xuống thế nào cũng không chớp mắt, anh đã luyện tập như vậy trong suốt hai năm, cho dù cây kim như sắp chạm vào mắt anh, anh cũng không không chớp mắt. Kỷ Xương cảm thấy mình đã luyện thành, vì vậy vui sướng đi đến chỗ Phi Vệ, nghĩ rằng cuối cùng mình cũng có thể học kỹ thuật bắn tên rồi.

Nhưng không ngờ rằng, khi đến nơi, Phi Vệ lại nói với anh rằng: “Như vậy vẫn chưa được, cậu cần quay về luyện kỹ thuật ngắm đồ vật, cậu cần nhìn được đồ vật nhỏ bé, mà cần phải là nhìn được thật rõ ràng”.

Kỷ Xương không nản lòng, một lần nữa quay trở về, bắt một con rận, rồi treo lên cửa sổ, mỗi ngày đều đứng từ xa nhìn, từ nhìn không rõ dần dần có thể nhìn một cách rõ ràng, con rận ngày càng hiện rõ và to hơn trong mắt anh. Ba năm sau, trong mắt của Kỷ Xương, con rận đã to như chiếc bánh xe, anh quay đầu lại và nhìn những đồ vật khác thì chúng đã giống như núi. Kỷ Xương tùy ý cầm cung tên lên và bắn vào con rận, mũi tên xuyên qua giữa con rận, nhưng sợi chỉ mỏng treo con rận lại không hề bị hư hại.

Sau đó, Kỷ Xương đến gặp Phi Vệ và nói: “Bây giờ thì thầy có thể dạy con kỹ thuật bắn tên được rồi”.

Phi Vệ thấy được sự tiến bộ của Kỷ Xương bèn vỗ vai Kỷ Xương và nói: “Sư đệ, kỳ thực không cần ta phải dạy đệ nữa, kỹ thuật thần tiễn của đệ đã luyện thành rồi”.

Đánh giá từ góc độ luyện tập bắn cung của Kỷ Xương, chúng ta có thể phần nào hiểu được tại sao người Thạch Mão cổ đại cách đây hơn 4.000 năm lại có thể xử lý những lỗ xỏ siêu nhỏ và còn có thể sánh ngang với công nghệ hiện đại.

Trên thực tế, những người tập luyện yoga hiện đại cũng có trải nghiệm tương tự, đó là ở trạng thái tĩnh lặng thâm sâu, các giác quan của con người sẽ được khuếch đại và họ có thể nắm bắt được một số thay đổi nhỏ trong môi trường mà thông thường không thể nhận biết được, chẳng hạn như có thể nghe thấy âm thanh đi lại của động vật, hay âm thanh mà chiếc kim rơi xuống đất.

Hơn nữa, cổ thành Thạch Mão dường như còn có công nghệ thiên văn siêu phàm, chẳng hạn như đội khảo cổ đã khai quật được đồ vật có tên là Ngọc Tuyền Ky. Vào thời điểm đó, không ai trong đội khảo cổ biết tên của vật thể này, cho đến khi đội trưởng Tôn tra thấy trong một cuốn sách cổ mới biết nó được gọi là Ngọc Tuyền Ky.

Vào thời nhà Thanh, một người tên là Ngô Đại Trừng đã viết một cuốn sách có tên "Cổ ngọc đồ khảo", trong đó ông vẽ một bức tranh về Ngọc Tuyền Ky và kèm chú thích: Tuyền là chỉ ngọc đẹp, Ky là chỉ sự cân bằng, Tuyền Ky là bánh răng bằng ngọc được sử dụng trong hỗn thiên nghi.

Một chiếc Ngọc Tuyền Ky hoàn chỉnh, bên ngoài có 3-9 bánh răng được đánh bóng gọn gàng, nếu lắp những bánh răng ngọc như vậy vào hỗn thiên nghi thì hỗn thiên nghi có thể vận hành trơn tru. Hỗn thiên nghi là một công cụ sắc bén để đo lường tọa độ của thiên thể vào thời cổ đại, chỉ đâu biết đó, chỉ cần hướng lỗ quan sát trên hỗn thiên nghi vào ngôi sao bạn muốn quan sát và bạn có thể biết được tọa độ của ngôi sao trên bầu trời dựa vào thang đo trên hỗn thiên nghi, độ chính xác của lịch pháp được tạo ra thông qua hỗn thiên nghi cũng tương đương với dương lịch của chúng ta hiện nay.

Đối mặt với những phát hiện đáng kinh ngạc này, rất nhiều người đều im lặng, rốt cuộc thì nguồn gốc của thành phố cổ Thạch Mão là như thế nào? Lẽ nào đây là điểm khởi đầu của nền văn minh ở Trung Nguyên chăng?

Wenzhao
Tâm Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thành cổ trên 4000 năm tuổi, gấp 6 lần thành Bắc Kinh,  có công nghệ tinh vi và thiết bị thiên văn cao cấp