Thanh niên 25 tuổi đầu tư gần 1 triệu nhân dân tệ mở quán mì ở Thượng Hải, mới 6 ngày đã sắp sập tiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây tại Thượng Hải, Trung Quốc, một nam thanh niên họ Chu, 25 tuổi, đã đầu tư 800.000 nhân dân tệ (CNY) (tương đương với khoảng 2,75 tỷ VND) để mở một nhà hàng mì thịt cừu. Sau 6 ngày khai trương, anh này đã lỗ từ 600.000 đến 700.000 CNY (2 - 2,4 tỷ VND) và tiệm mì sắp phải đóng cửa.

Vụ việc này đã lên xu hướng tìm kiếm trên Weibo - một trong những trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - vào ngày 28/12. Tính đến 3h chiều cùng ngày, chủ đề này đã nhận được hơn 70 triệu lượt nhấp đọc và hơn 3.000 bình luận.

Theo lời kể của anh Chu, anh cùng bố mẹ đến Thượng Hải dốc sức làm việc, mới đầu là bán bữa sáng, sau đó anh này dự định ra kinh doanh riêng. Anh Chu nghĩ rằng nơi nào có lượng người qua lại đông thì chắc chắn việc kinh doanh sẽ tốt, nên đã đầu tư rất nhiều để mở một tiệm mì cừu.

Tuy nhiên, quán mì mới mở được 6 ngày, do lượng khách thưa thớt, thu không đủ chi nên thực sự không thể kinh doanh tiếp. Hơn nữa, giá thuê mặt bằng mỗi tháng là 90.000 CNY (hơn 300 triệu VND), không có ai sẵn sàng nhận chuyển nhượng.

Tin tức này đã nhận được sự đồng cảm của nhiều cư dân mạng, có không ít người bình luận rằng ngành dịch vụ ăn uống không hề dễ làm.

Có người cho hay, “Em họ của tôi là một ví dụ điển hình, đầu tư cả trăm nghìn tệ vào lĩnh vực ăn uống, chưa đầy nửa năm đã phải đóng cửa”.

Một số cư dân mạng đặt câu hỏi, giá nhà mỗi tháng 90.000 CNY thì kiếm lời kiểu gì, chia trung bình mỗi ngày mở mắt ra đã mất 3.000 CNY tiền nhà (hơn 10 triệu VND), vậy ít nhất mỗi ngày phải có 100 khách thì mới có thể hòa vốn, sao mà làm được?

Cư dân mạng Quảng Đông "c076fff" bình luận: “Hiện nay, đầu tư vào đâu cũng vậy, khả năng thua lỗ đều là hơn 70%. Môi trường [kinh doanh] nhìn chung không tốt, vì vậy đừng đầu tư bừa bãi”.

Ba năm dịch bệnh Covid-19 cùng sự phong tỏa cực đoan của chính quyền Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành dịch vụ ăn uống của nước này. Truyền thông Trung Quốc năm ngoái đưa tin rằng, dịch bệnh đã khiến ngành dịch vụ ăn uống ở Thượng Hải trở tay không kịp. Một số công ty trong ngành này đã cạn kiệt vốn, một lượng lớn cửa hàng phải đóng cửa, số còn lại về cơ bản không có dịch vụ ăn tại chỗ mà chỉ nhận giao hàng.

Sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, ngành dịch vụ ăn uống vẫn chưa phục hồi. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, ngành công nghiệp ăn uống ở Thượng Hải đang đứng bên bờ vực thẳm. Theo dữ liệu doanh nghiệp đóng cửa từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, ngành ăn uống là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sau khi mở cửa trở lại, nền kinh tế của Trung Quốc đã không phục hồi như mong đợi. Kể từ đầu năm nay, nước này đã rơi vào tình trạng “giảm phát” - nhu cầu trong nước giảm sút, nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Theo thống kê từ các cơ quan liên quan của chính quyền Trung Quốc: Trong nửa đầu năm 2023, đã có 460.000 công ty đóng cửa và 3,1 triệu hộ cá thể hủy giấy phép kinh doanh; trong số đó, có khoảng 373.000 cửa hàng ăn uống đã đóng cửa trên toàn Trung Quốc, bao gồm 80.000 tiệm trà sữa, 120.000 tiệm đồ ăn nhanh và 12.000 cửa hàng lẩu.

Vậy tại sao lại có nhiều cửa hàng đóng cửa sau khi gỡ bỏ phong tỏa? Nguyên nhân chính là do sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc giảm sút, họ không sẵn sàng tiêu dùng vào những thứ không cần thiết.

Từ thực trạng hiện nay của ngành ăn uống ở Trung Quốc có thể thấy, ngành này đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đặc biệt là khi các doanh nghiệp sa thải nhân viên, cắt giảm cửa hàng, đóng cửa, phá sản, tạm ngừng kinh doanh… Hiện tại, sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc đã giảm đáng kể, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các ngành, nghề.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thanh niên 25 tuổi đầu tư gần 1 triệu nhân dân tệ mở quán mì ở Thượng Hải, mới 6 ngày đã sắp sập tiệm