Tốc độ quay Trái đất tăng nhanh: Nhà khoa học đề xuất "giây nhuận âm" để điều chỉnh thời gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu như chúng ta đều biết rằng trung bình cứ bốn năm lại có năm nhuận với một ngày thêm một ngày vào tháng Hai. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết rằng cứ sau vài năm, một “giây nhuận” cũng được thêm vào, thường là vào cuối tháng 6 hoặc cuối tháng 12.

Đó là bởi vì tốc độ Trái đất quay quanh trục của nó có sự thay đổi nhỏ – tức là một vòng quay hoàn toàn không phải lúc nào cũng chính xác là một ngày. Hiện tại, một nhà khoa học ở Mỹ lần đầu đầu tiên đang kêu gọi áp dụng giây nhuận “âm” – loại bỏ một giây, theo Daily Mail.

Giáo sư Duncan Agnew, nhà địa vật lý tại Đại học California, San Diego, cho biết giây nhuận âm sẽ xảy ra vào năm 2029 do Trái đất quay quá nhanh, nhưng ông cảnh báo điều này có thể dẫn đến những vấn đề “chưa từng có” đối với điện thoại thông minh và máy tính.

Giáo sư Agnew cho biết trong bài báo mới của mình: “Việc ngoại suy xu hướng của lõi và các hiện tượng liên quan khác để dự đoán hướng Trái đất trong tương lai cho thấy Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) như hiện nay sẽ yêu cầu một sự gián đoạn âm vào năm 2029. Điều này sẽ gây ra một vấn đề chưa từng có đối với thời gian của mạng máy tính và có thể yêu cầu những thay đổi về UTC phải được thực hiện sớm hơn dự kiến”.

Thời gian Phối hợp Quốc tế hay UTC, thường gọi là Giờ Phối hợp Quốc tế, là một chuẩn quốc tế về ngày giờ thực hiện bằng phương pháp nguyên tử. "UTC" không hẳn là một từ viết tắt, mà là từ thỏa hiệp giữa viết tắt tiếng Anh "CUT" (Coordinated Universal Time) và viết tắt tiếng Pháp.

UTC được xác định bởi “đồng hồ nguyên tử” tinh vi, cực kỳ chính xác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, những đồng hồ nguyên tử này không căn chỉnh đồng với “thời gian Mặt Trời” mà các nhà thiên văn quan sát được, vốn định nghĩa ngày là một vòng quay duy nhất của Trái đất. Thời gian cần thiết cho một vòng quay của hành tinh chúng ta thay đổi thường xuyên do lực hút của Mặt trăng, khiến hai hệ thời gian lệch nhau.

Kể từ năm 1972, giây nhuận đã được thêm vào 27 lần, lần cuối cùng là vào năm 2016. Tuy nhiên, sự quay của Trái đất được cho là đã tăng tốc kể từ năm 2020 – không phải chậm lại. Do đó, trong tương lai, chúng ta có thể cần loại bỏ giây nhuận để giữ cho thời gian Mặt trời quan sát được đồng bộ với đồng hồ UTC.

Giây nhuận “dương” là việc cộng thêm một giây khi Trái đất quay chậm lại một chút xíu, trong khi giây nhuận “âm” là việc loại bỏ một giây khi Trái đất quay nhanh hơn.

Giáo sư Agnew cho biết: “Thậm chí vài năm trước, người ta vẫn kỳ vọng rằng giây nhuận sẽ luôn dương và xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Nhưng nếu bạn nhìn vào những thay đổi trong chuyển động quay của Trái đất, nguyên nhân gây ra giây nhuận và phân tích nguyên nhân gây ra những thay đổi này, thì có vẻ như một giây nhuận âm có khả năng xảy ra”.

Bất cứ ai quên chỉnh đồng hồ của mình nhanh hoặc chậm một giờ đều biết việc không đồng bộ với thời gian của những người khác sẽ rắc rối đến mức nào. Và sự nhầm lẫn tương tự có thể xảy ra với giây nhuận, đặc biệt đối với các hệ thống công nghệ hiện đại ngày nay. Nếu mạng máy tính không biết về giây nhuận, nó sẽ không đồng bộ với mọi thứ khác. Chẳng hạn, nếu máy tính của cửa hàng trực tuyến và máy tính của ngân hàng của bạn có thời gian khác nhau, thì việc nhấp vào nút “đặt hàng” sẽ tạo ra hai hành động vào các thời điểm khác nhau chứ không phải một hành động.

Giáo sư Agnew cho biết: “Một giây nghe có vẻ không nhiều nhưng trong thế giới kết nối ngày nay, việc chọn sai thời gian có thể dẫn đến những vấn đề lớn. Nhiều hệ thống hiện tại có phần mềm có thể chấp nhận thêm một giây, nhưng rất ít hệ thống cho phép loại bỏ một giây, do đó, giây nhuận âm được cho là sẽ tạo ra nhiều khó khăn”.

Một số yếu tố khiến tốc độ quay của Trái đất thay đổi theo từng năm và một trong số đó là phần lõi lỏng của Trái đất – một khối sắt nóng chảy bên trong của hành tinh. Chuyển động rất chậm của các phần khác nhau của lõi tương tác để tạo ra từ trường Trái đất. Đồng thời, những chuyển động này cũng khiến Trái đất quay nhanh hơn hoặc chậm hơn.

Trong nghiên cứu mới của mình, Giáo sư Agnew tuyên bố rằng sự tan chảy của băng ở vĩ độ cao do sự nóng lên toàn cầu cũng là một yếu tố làm chậm quá trình quay của Trái đất. Khi băng tan, nước tràn ra đại dương, làm tăng “sức cản” của Trái đất đối với gia tốc góc và từ đó làm chậm quá quay của hành tinh. Vì vậy, trong khi tốc độ quay của Trái đất nhìn chung đang tăng lên, thì sự nóng lên toàn cầu lại làm nó chậm lại.

Giáo sư Agnew báo cáo rằng nếu băng tan không làm chậm quá trình quay của Trái đất, chúng ta sẽ cần phải có giây nhuận âm sớm hơn ba năm, vào năm 2026. Ông cho biết thêm, tuy sự trì hoãn này giúp chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng chỉ đem đến lợi ích nhỏ so với những vấn đề lớn đến từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ông nói trong nghiên cứu của mình, công bố trên tạp chí Nature: “Băng tan gia tăng ở Greenland và Nam Cực, được đo bằng trọng lực của vệ tinh, đã làm vận tốc góc của Trái đất giảm nhanh hơn trước. Sự nóng lên toàn cầu và việc tính thời gian toàn cầu đã trở nên gắn bó chặt chẽ với nhau và có thể còn chặt chẽ hơn nữa trong tương lai”.

Vào năm 2022, các nhà khoa học đã bỏ phiếu loại bỏ hoàn toàn hệ thống giây nhuận, nhưng điều này có thể không xảy ra cho đến năm 2035 khi giây nhuận âm có thể lại trở nên cần thiết.

Tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tốc độ quay Trái đất tăng nhanh: Nhà khoa học đề xuất "giây nhuận âm" để điều chỉnh thời gian