Trung Quốc: Cổ phiếu hạng A lao dốc, các nhà quản lý quỹ đồng loạt từ chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả yếu kém của các cổ phiếu hạng A đang khiến việc lựa chọn cổ phiếu và tìm kiếm lợi nhuận trở thành một thách thức với các nhà quản lý quỹ.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu, một số quỹ đầu tư vốn chủ sở hữu mới đã không thu hút được các nhà đầu tư và các nhà quản lý quỹ đã từ chức hàng loạt kể từ đầu tháng 6. Các nhà phân tích cho rằng, xu hướng này là do kết quả hoạt động yếu kém của các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán. Điều này đã khiến việc lựa chọn cổ phiếu và kiếm lợi nhuận trở thành một thách thức đối với các nhà quản lý quỹ. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].

Góp phần vào cuộc tháo chạy, hệ thống IPO dựa trên đăng ký mới được triển khai của Trung Quốc đang gia tăng rủi ro gian lận niêm yết, khiến các nhà đầu tư giành ưu tiên cho sự an toàn.

Vào ngày 17/02, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã chính thức công bố “việc triển khai đầy đủ” hệ thống dựa trên đăng ký cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc đại lục, thay thế hệ thống dựa trên phê duyệt hiện có cho hoạt động IPO của Trung Quốc.

Theo hệ thống cũ, các đợt IPO tại các thị trường chính - nơi tập trung các cổ phiếu blue-chip [có vốn hóa lớn] của Trung Quốc - cần có sự đồng ý của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và giá IPO bị giới hạn bởi các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Theo hệ thống mới, các sàn giao dịch chứng khoán rà soát các đợt IPO tập trung vào việc công bố thông tin, trong khi CSRC chỉ có nhiệm vụ đảm bảo việc niêm yết phù hợp với chính sách công nghiệp quốc gia.

Trung Quốc: Cổ phiếu hạng A lao dốc, các nhà quản lý quỹ đồng loạt từ chức
Những người phụ nữ làm việc trên sàn giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở khu tài chính Lục Gia Chủy của Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/09/2015. (Ảnh: JOHANNES EISELE / AFP qua Getty Images)

Tin tức tiêu cực

Trong khi nhiều người tỏ ra tích cực trước sự thay đổi, vẫn có những lo ngại rằng cải cách có thể dẫn đến ngày càng nhiều vụ niêm yết với chất lượng thấp, có khả năng làm tổn hại các nhà đầu tư.

Vào tháng 4, 10 công ty đã trở thành công ty đầu tiên niêm yết theo hệ thống IPO dựa trên đăng ký.

Hai tháng sau, vào ngày 20/06, nỗi sợ hãi của một số người bi quan đã thành hiện thực với việc hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc đầu tiên trên Thị trường STAR của Thượng Hải do các vụ IPO gian lận.

Cùng ngày, để kích thích nền kinh tế đang ốm yếu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) một lần nữa hạ Lãi suất cơ bản cho vay (LPR), giảm cả lãi suất 1 và 5 năm xuống 10 điểm cơ bản so với trước đây. Điều này đánh dấu lần cắt giảm LPR đầu tiên của PBOC trong mười tháng và diễn ra sau những lần cắt giảm lãi suất khác vào tuần trước đó.

LPR đặt ra mức lãi suất mà các ngân hàng tính cho khách hàng cao cấp của họ và đóng vai trò là chuẩn mực cho việc định giá lãi suất cho vay. Việc cắt giảm LPR nhằm mục đích giảm chi phí tài chính.

Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường tin rằng biện pháp này không thể vực dậy nền kinh tế Trung Quốc một cách hiệu quả, bằng chứng là các tin tức tiêu cực của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) liên quan đến Trung Quốc xuất hiện trong cùng ngày.

Chạm đáy

Tác động của suy giảm kinh tế đối với thị trường quỹ đầu tư của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng. Vào ngày 19/06, phương tiện truyền thông tài chính China Net Finance đưa tin: “Thị trường đã chạm đáy và các nhà quản lý quỹ đang rời đi với tốc độ chóng mặt”. Tính đến ngày 19/06, ít nhất 20 nhà quản lý quỹ đã từ chức, ảnh hưởng đến 18 công ty quỹ và tổ chức quản lý tài sản.

Năm nay, 6 quỹ đã thất bại trong việc huy động vốn, trong khi 109 quỹ đã kéo dài thời gian huy động vốn. Ví dụ, vào ngày 17/06, WinFund Management Co., Ltd. đã thông báo rằng quỹ đầu tư chứng khoán hỗn hợp WinFund Jiarui có thời hạn nắm giữ 12 tháng không đáp ứng được các yêu cầu về vốn cần thiết trong thời gian gây quỹ bắt đầu vào ngày 17/03. Do đó, các hợp đồng của quỹ không thể có hiệu lực, dẫn đến thất bại.

Nhiều quỹ không đáp ứng được yêu cầu về vốn trong năm nay là các quỹ dựa trên vốn chủ sở hữu.

Các quỹ dựa trên vốn chủ sở hữu, thường được gọi là quỹ đầu tư chứng khoán vốn chủ sở hữu hoặc quỹ đầu tư chứng khoán định hướng vốn chủ sở hữu, chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu hoặc chứng khoán vốn chủ sở hữu. Ngược lại, quỹ thu nhập cố định bao gồm quỹ thị trường tiền tệ, quỹ trái phiếu và các công cụ tương tự.

Trung Quốc: Cổ phiếu hạng A lao dốc, các nhà quản lý quỹ đồng loạt từ chức
Bảng chỉ số và con bò vàng của Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SSE) ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vào ngày 27/07/2009. (Ảnh: LAURENT FIEVET / AFP qua Getty Images)

Né tránh rủi ro

Vào ngày 20/06, ông Fang Qi, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành tài chính làm việc tại Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times: “Các quỹ dựa trên vốn chủ sở hữu đang bị lãng quên trên thị trường do kết quả hoạt động yếu kém của thị trường cổ phiếu hạng A. Điều này gây khó khăn cho các nhà quản lý quỹ trong việc lựa chọn cổ phiếu và tạo ra lợi nhuận. Hơn nữa, với việc triển khai hệ thống dựa trên đăng ký cho các đợt IPO, xác suất niêm yết sai lệch đã tăng lên. Do đó, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đang giành ưu tiên cho sự an toàn”.

Ông Fang tiếp tục, “Năm nay, các quỹ trái phiếu, quỹ thu nhập cố định và quỹ ETF của Ngân hàng Trung ương đang thống trị thị trường. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo và lãi suất giảm đã thúc đẩy thị trường trái phiếu, thu hút sự chú ý đáng kể”.

Ông Fang nhận xét rằng, các sản phẩm có thu nhập cố định cho thấy “sự miễn cưỡng chấp nhận rủi ro và ưu tiên bảo toàn vốn”.

Ngoài ra, các quỹ ETF của Ngân hàng Trung ương đã trở nên phổ biến nhờ sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các doanh nghiệp nhà nước.

“Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào các doanh nghiệp nhà nước”, ông Fang nói. Sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là đáng ngạc nhiên. “Số tiền được bơm vào các doanh nghiệp nhà nước đã mang lại khoảng 20% lợi nhuận cho họ trong năm nay, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước đã bị giảm lợi nhuận hơn 10%”.

Hoạt động của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2023 rất mờ nhạt. Chỉ số tổng hợp của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đóng cửa ở mức 3.150,62 điểm vào ngày 26/06, cao hơn một chút so với mức khởi điểm của năm là 3.157,64 điểm.

Nỗ lực thúc đẩy quỹ đầu tư tư nhân

Vào ngày 16/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì một cuộc họp của Quốc vụ viện để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc họp đã thông qua dự thảo quy chế “Giám sát và quản lý các quỹ đầu tư tư nhân”. Nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Ông Fang lưu ý rằng trọng tâm của nhà lãnh đạo Trung Quốc là thúc đẩy các quỹ đầu tư tư nhân, khác với các quỹ tương hỗ có thể được công chúng tiếp cận một cách công khai như quỹ dựa trên vốn chủ sở hữu.

Ông cho biết: “Các quỹ đầu tư tư nhân chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang yếu, với đầu tư tư nhân chỉ tăng 0,4% từ tháng 1 đến tháng 4. Các quỹ của chính phủ thường miễn cưỡng đầu tư vào các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm do rủi ro cao liên quan. Các quỹ doanh nghiệp nhà nước có yêu cầu về lợi nhuận và không thể chịu lỗ, trong khi các doanh nghiệp tư nhân đang bảo toàn dòng tiền của họ để vượt qua suy thoái kinh tế. Do đó, các nhà chức trách đang cảm thấy sự khẩn cấp [của tình hình]”.

Vào ngày 15/06, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy đầu tư tài sản cố định tư nhân từ tháng 1 đến tháng 5 đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đánh dấu mức giảm so với mức tăng 0,4% hàng năm được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 4. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của đầu tư tài sản cố định trên toàn quốc từ tháng 1 đến tháng 5 cũng giảm từ 4,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 xuống còn 4,0%.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Cổ phiếu hạng A lao dốc, các nhà quản lý quỹ đồng loạt từ chức