Nguyên nhân chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong lúc nhiều nước châu Á tăng điểm mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự trái ngược của kết quả hoạt động trên thị trường chứng khoán phản ánh thái độ của nhà đầu tư đối với triển vọng kinh tế của các quốc gia.

Thị trường chứng khoán của một số nước châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, đã tăng điểm mạnh. Một số đạt mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong lúc cố gắng thoát khỏi thị trường giảm điểm. Các nhà phân tích tài chính cho rằng, kết quả này phản ánh thái độ của các nhà đầu tư đối với triển vọng kinh tế trong tương lai của mỗi quốc gia hoặc khu vực, và triển vọng kinh tế của Trung Quốc bị nhìn nhận một cách bi quan. Trong khi đó, các nước châu Á khác đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp khỏi Trung Quốc.

Sự trái ngược

Một số thị trường châu Á bên ngoài Trung Quốc đang tăng điểm mạnh mẽ với sự dẫn dắt của Nhật Bản. Ngày 13/06, chỉ số Nikkei 225 có bước đột phá đáng kể, lần đầu tiên kể từ năm 1990 vượt mốc 33.000 điểm. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,88%, đóng cửa ở mức 33.042,5 điểm.

Trong số các cổ phiếu niêm yết trên chỉ số Nikkei 225 ngày hôm đó, có 170 công ty tăng giá, trong khi 54 công ty giảm giá. Các lĩnh vực hàng đầu bao gồm các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là cổ phiếu bán dẫn và ô tô. Các công ty như Advantest và Tokyo Electron chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng gần 5%, trong khi giá cổ phiếu của Toyota cũng tăng đáng kể, đạt tốc độ tăng trưởng 5,05%.

Một số công ty thương mại Nhật Bản, bao gồm các công ty được nhà đầu tư nổi tiếng Warren E. Buffett đầu tư, đã đạt mức cao kỷ lục mới vào ngày 13/06. Mitsui & Co Ltd có mức tăng cao nhất, đạt 2,2%, trong khi Tập đoàn Mitsubishi, Itochu và Tập đoàn Sumitomo cũng đạt được mức tăng điểm. Kể từ khi ông Buffett tiết lộ việc ông gia tăng nắm giữ cổ phần của 5 công ty thương mại hàng đầu của Nhật Bản vào tháng 4 năm nay, cùng với kế hoạch đầu tư thêm vào chứng khoán Nhật Bản, giá cổ phiếu của những công ty này đã liên tục đạt những kỷ lục lịch sử mới.

Với sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số Nikkei 225 hiện đang tăng nhanh chóng, tích lũy tốc độ tăng trưởng hơn 23% từ đầu năm đến nay.

Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút được sự chú ý. Mặc dù KOSPI (Chỉ số giá chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc) không đạt mức cao kỷ lục vào ngày 13/06, nhưng nó đã đạt mức cao nhất trong hơn một năm vào ngày giao dịch trước đó. KOSPI đã đạt mức tăng 18% từ đầu năm đến nay. Rất ít thị trường châu Á nào ngoài Nhật Bản đạt được mức tăng này.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc tăng vọt, thị trường chứng khoán Việt Nam vốn kém nổi bật trong thời gian trước đây đã bắt đầu lấy lại động lực một cách âm thầm.

Chỉ số chứng khoán Hồ Chí Minh tại Việt Nam đã tích lũy tốc độ tăng trưởng hơn 20% so với mức đáy vào tháng 11 năm ngoái. Giống như S&P 500 và KOSPI, gần đây nó đã bước vào thị trường lên giá. Vào ngày 13/06, chỉ số chứng khoán Hồ Chí Minh tiếp tục tăng gần 0,6%, đạt mức đóng cửa cao nhất trong 8 tháng. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam và các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ đang nâng cao triển vọng cho thị trường chứng khoán nước này.

Trong những tháng gần đây, Ấn Độ cũng đã lấy lại được sự chú ý. Chỉ số Nifty 50 đã tăng gần 7% trong quý này, phục hồi tất cả các khoản lỗ phát sinh kể từ tháng 3.

Thị trường giá lên ở các quốc gia châu Á này hoàn toàn trái ngược với sự suy thoái được chứng kiến ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số chuẩn Shanghai Shenzhen 300 đã giảm 5,29% trong quý này, xóa sạch mọi thành quả đạt được hồi đầu năm.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, nhà cung cấp dữ liệu thị trường tài chính toàn cầu, Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong cũng bước vào thị trường giảm điểm vào tháng trước, ghi nhận mức giảm gần 2% từ đầu năm đến nay.

Vào ngày 10/06, Bloomberg đưa tin rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị mất 1,5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường. Các nhà phân tích chiến lược từ Goldman Sachs, Nomura Holdings và Morgan Stanley đã điều chỉnh giảm các mục tiêu của họ đối với Chỉ số MSCI Trung Quốc ít nhất 11% vào các thời điểm khác nhau. Dự báo mới nhất của họ chỉ ra rằng, mặc dù chỉ số này có thể phục hồi từ mức hiện tại, nhưng việc đạt đến mức cao được thiết lập vào tháng 1 sẽ là một thách thức.

Bloomberg cũng cho biết, ở thời điểm sụt giảm nghiêm trọng nhất, chỉ số MSCI China Index đã giảm gần 20% so với mức đỉnh vào ngày 27/01, dẫn đến thiệt hại khoảng 1,5 nghìn tỷ USD.

Thái độ của nhà đầu tư

Vào ngày 15/06, ông Lu Yuanxing, một nhà phân tích kinh tế và chính trị người Mỹ gốc Hoa có kinh nghiệm làm giám đốc điều hành cấp cao trong bộ phận tiếp thị của một công ty Trung Quốc, đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về vấn đề trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên của The Epoch Times. Ông nhấn mạnh rằng, hoạt động của thị trường chứng khoán phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực.

Ông Lu cho rằng, kết quả hiện tại của thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh thái độ bi quan của cả nhà đầu tư quốc tế và trong nước đối với tình trạng và triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Môi trường chính trị của Trung Quốc ngày càng bất lợi, với mức độ kiểm soát độc tài ngày càng leo thang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chế độ độc tài chính trị chắc chắn sẽ tác động đến lĩnh vực kinh tế, dẫn đến những tác động đáng kể đến môi trường kinh tế tổng thể của Trung Quốc”.

Hơn nữa, ông nói thêm: “Cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn về mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra đối với an ninh toàn cầu. Do đó, chuỗi cung ứng công nghiệp đang trải qua sự dịch chuyển đáng kể sang các khu vực khác. Những thay đổi này cũng kéo theo sự di dời vốn, tác động lớn đến thị trường việc làm của Trung Quốc và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp liên tục gia tăng”.

Ông Lu nhấn mạnh rằng, để thị trường chứng khoán có xu hướng đi lên, nó cần có sự hỗ trợ từ nguồn vốn. Tuy nhiên, hiện tại, vốn nước ngoài đang liên tục chảy ra khỏi Trung Quốc và các quỹ chảy qua Hong Kong đang giảm dần. Tại Trung Quốc đại lục, nhiều cổ đông của các công ty niêm yết đã giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần và rút tiền mặt, tận dụng các cơ hội khác nhau để bán cổ phiếu.

Ông Lu giải thích: “Dòng vốn chảy ra ngoài xảy ra khi các cổ đông rút tiền mặt, dẫn đến thiếu thanh khoản trên thị trường chứng khoán". “Việc các cổ đông lớn giảm tỷ lệ nắm giữ gây ra phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, vốn sẽ tiếp tục bị rút khỏi thị trường chứng khoán, dẫn đến sự suy giảm của nó. Ngoài ra, dưới sự kiểm soát ngày càng tăng của ĐCSTQ, quyền tự do của Hong Kong ngày càng giảm sút. Với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế, sự tự do ngày càng giảm sút đương nhiên tạo ra một cái nhìn bi quan về tương lai của Hong Kong, dẫn đến việc rút tiền. Nhìn chung, điều này phản ánh tâm lý của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước về triển vọng mờ mịt của nền kinh tế Trung Quốc”.

Ông Lu cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia như Việt Nam và các quốc gia châu Á khác được hưởng lợi trực tiếp từ việc di dời chuỗi cung ứng công nghiệp khỏi Trung Quốc. “Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng công nghiệp sang các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan, nơi có chi phí lao động tương đối rẻ hơn, thu hút một dòng vốn đáng kể. Do đó, triển vọng nhìn từ bên ngoài đối với nền kinh tế của họ có vẻ rất thuận lợi”.

Ông Lu tin rằng, các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia đã thành lập liên minh với Mỹ và liên kết chống lại ĐCSTQ, có triển vọng phát triển lớn trong tương lai. “Vì vậy, các nhà đầu tư giữ thái độ lạc quan đối với họ, dẫn đến sự tương phản đáng kể giữa thị trường chứng khoán Trung Quốc và các nước châu Á còn lại”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong lúc nhiều nước châu Á tăng điểm mạnh