Bắc Kinh thắt chặt hoạt động đầu tư chứng khoán ra ngoại quốc của người dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua so với chứng khoán trong nước của Trung Quốc. Để ngăn dòng vốn tiếp tục chảy ra, Bắc Kinh đã cấm các nhà đầu tư mới ở Trung Quốc đại lục tham gia giao dịch với các nhà môi giới xuyên biên giới. Các chuyên gia nói rằng chế độ tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cách người dân đầu tư tiền của họ.

Theo báo cáo hoạt động thị trường hàng tháng do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố hôm 23/02, Chỉ số tổng hợp Thượng Hải đóng cửa ở mức 3.255,7 điểm vào cuối tháng 1, tăng 5,4% so với tháng trước, trong khi Chỉ số thành phần Thâm Quyến đóng cửa ở mức 12.001,3 điểm, tăng 8,9% so với tháng trước.

Chỉ số tổng hợp Thượng Hải (Chỉ số SSE) là chỉ số thị trường chứng khoán của tất cả các cổ phiếu được giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE). Nó đã được công bố theo thời gian thực kể từ ngày 15/07/1991 và là một trong những chỉ số có ảnh hưởng nhất trên thị trường vốn của Trung Quốc. Trong khi đó, Chỉ số Thành phần Thâm Quyến (Chỉ số SZSE) là chỉ số gồm 500 cổ phiếu được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến (SZSE), cũng là một điểm tham chiếu mạnh mẽ cho thị trường tài chính Trung Quốc.

Chứng khoán Mỹ tăng gấp 10 lần chứng khoán Trung Quốc

Mặt khác, chỉ số CSI 300, ra mắt vào tháng 04/2005, là một chỉ số tính theo giá trị vốn hóa dựa trên 300 cổ phiếu hàng đầu được giao dịch trên SSE và SZSE.

Sự lên xuống của các chỉ số mô tả xu hướng của các thị trường chứng khoán tương ứng. Trong khi các Chỉ số SSE và SZSE phản ánh các điều kiện của các thị trường cụ thể, thì Chỉ số CSI 300 phản ánh toàn diện xu hướng chung của thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc.

CSI 300 đóng cửa ở mức 3.204,16 điểm hôm 01/01/2010 và 13 năm sau, hôm 01/02/2023, nó đóng cửa ở mức 4.061,05 điểm, đánh dấu mức tăng tổng cộng 856,89 điểm, tương đương mức tăng 27%, trong khoảng thời gian 13 năm.

S&P 500, một trong những chỉ số chứng khoán được theo dõi nhiều nhất đo lường hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa ở mức 1.073,87 hôm 01/01/2010 và 12 năm sau, hôm 01/02/2023, nó đóng cửa ở mức 4.061,05. Mức tăng là 2.987,18 điểm, tương đương 278%, gấp hơn 10 lần mức tăng của CSI 300 của Trung Quốc trong cùng kỳ.

Trung Quốc cấm môi giới xuyên biên giới để ngăn thất thoát vốn

Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các công ty môi giới trực tuyến xuyên biên giới trong một cuộc đàn áp, và giờ đây nó đang khiến các nhà đầu tư trong nước không thể mở tài khoản mới để đầu tư trên thị trường giao dịch nước ngoài.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRS) bắt đầu chấn chỉnh hoạt động kinh doanh chứng khoán xuyên biên giới của Futu Holdings và UP Fintech Holding (Tiger Securities) hôm 30/12/2022.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng hai công ty đã tiến hành kinh doanh chứng khoán xuyên biên giới cho các nhà đầu tư trong nước mà không được chấp thuận, điều này cấu thành các hoạt động kinh doanh “bất hợp pháp” theo luật pháp và quy định có liên quan của đất nước.

Hôm 15/02, người phát ngôn của CSRS nói với các phóng viên rằng Futu Holdings và Tiger Securities đã được lệnh không tiếp nhận các nhà đầu tư mới trong nước hoặc mở tài khoản mới cho họ. Trong khi đó, các khách hàng trong nước hiện tại vẫn có thể giao dịch thông qua các công ty môi giới, nhưng việc chuyển tiền bổ sung, qua các kênh không tuân thủ, vào tài khoản của họ sẽ bị cấm.

Ông Fang Qi, một chuyên gia tài chính cấp cao của Trung Quốc làm việc tại Anh, nói với The Epoch Times hôm 24/02: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn kiểm soát dòng tiền của những người dân thường ở Trung Quốc. Nó đã cắt đứt các kênh đầu tư của người dân thường, với hy vọng đưa tiền của họ quay trở lại nền kinh tế Trung Quốc thông qua các kênh ưu tiên, chẳng hạn như quỹ đầu tư cổ phần tư nhân bất động sản mới ra mắt gần đây”.

Ông cho biết thẻ tín dụng song tệ cũng đã bị đình chỉ bên cạnh các hạn chế đối với Futu Holdings và Tiger Securities. Giờ đây, loại thẻ tín dụng này chỉ có thể được thanh toán bằng đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc ở trong và ngoài nước.

Ông Fang nói: “ĐCSTQ không thể ngăn dòng vốn chảy ra ngoài vì tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc đang rời đi, chẳng hạn như Apple, Sony và Toyota, [những công ty] đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp của họ ra khỏi đất nước trong khi tạm thời duy trì năng lực sản xuất ở Trung Quốc. Họ chắc chắn sẽ rút tiền khi họ rời đi”.

“ĐCSTQ còn lo lắng hơn rằng xu hướng này sẽ lan sang các công ty Đài Loan, Hàn Quốc, Đức hoặc các công ty ngoại quốc khác đang hoạt động ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, loại dòng chảy này là không thể tránh khỏi vì lý do địa chính trị”.

Đầu tư ngoại quốc đã rút khỏi thị trường Trung Quốc trên diện rộng kể từ năm 2022.

Theo một báo cáo nghiên cứu do ông Xiong Yi, Nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank China công bố vào tháng 12/2022, trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn chảy ra khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc đã đạt 100 tỷ USD mỗi tháng và giảm xuống còn khoảng 50 tỷ USD mỗi tháng trong nửa cuối năm.

Bắc Kinh thắt chặt hoạt động đầu tư chứng khoán ra ngoại quốc của người dân
Một nhà đầu tư nhìn vào màn hình hiển thị diễn biến thị trường chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 08/01/2016. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Nhu cầu giao dịch chứng khoán xuyên biên giới ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc quy định rằng cư dân ở Trung Quốc đại lục chỉ có thể đầu tư gián tiếp vào thị trường vốn ngoại quốc thông qua Nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ tiêu chuẩn (QDII) hoặc trực tiếp mua và bán cổ phiếu thông qua các kênh đầu tư xuyên biên giới, chẳng hạn như Kết nối chứng khoán Thượng Hải - Hong Kong và Kết nối chứng khoán Thâm Quyến - Hong Kong với các ngưỡng nhất định.

Tuy nhiên, Futu Holdings và Tiger Securities có ngưỡng đầu tư thấp hơn nhiều so với kênh kết nối chứng khoán và QDII, với hoa hồng thấp hơn nhiều và ít hạn chế hơn.

Theo một báo cáo vào tháng 08/2013 của Tuần báo Kinh tế Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, vào thời điểm đó, hơn 300.000 người ở Trung Quốc đã “lách” các kênh được nhà nước phê chuẩn để đầu tư vào chứng khoán Mỹ. Các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục được cho là đã mở tài khoản trực tiếp với các nhà môi giới ngoại quốc thông qua Internet. Trong khi đó, các tài khoản chứng khoán do các công ty môi giới ở Hong Kong cung cấp cho phép khách hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán ở các khu vực khác ngoài Mỹ và Hong Kong.

Báo cáo cho biết tâm lý đầu tư vào chứng khoán Mỹ đang tích cực, cho thấy tiềm năng lớn hơn so với cổ phiếu hạng A của Trung Quốc. Và ngay cả Ủy ban Điều tiết Chứng khoán của Trung Quốc cũng có thái độ khác vào thời điểm đó, với việc “lên kế hoạch ra mắt một hệ thống nhà đầu tư cá nhân trong nước đủ điều kiện càng sớm càng tốt”.

Nhưng bây giờ, thái độ của cơ quan quản lý Trung Quốc đã đảo ngược.

Người sáng lập Yang Bo từ Qingbo Tech, một công ty công nghệ thông tin có trụ sở tại Thượng Hải, đã đăng một bài báo trên Fortune China hôm 15/02 với tiêu đề “Việc giám sát giao dịch chứng khoán xuyên biên giới đã được tăng cường. Có thể hiểu gì về nhu cầu đầu tư chứng khoán ra ngoại quốc của người Trung Quốc?”

Bài báo cho rằng mặc dù chính phủ đã đình chỉ việc mở tài khoản môi giới mới, nhưng khó khăn thực sự nằm ở các khách hàng hiện tại và có lý do khiến họ không bị đình chỉ.

Ông Yang viết, “Nếu thẩm quyền giao dịch của các tài khoản môi giới này bị đóng cửa trên diện rộng, vì các tài khoản này nằm ở thị trường ngoại quốc, nếu các sàn giao dịch ở ngoại quốc không hợp tác [với các quy tắc quản lý mới của Trung Quốc], tôi e rằng họ sẽ không thể thực hiện”. Ông ấy đang nói rằng ĐCSTQ sẽ không thể thực hiện chúng.

“... nếu các sàn giao dịch [ngoại quốc] sẵn sàng hợp tác, vì nhiều tài khoản trong số này là cổ phiếu đầu tư cho công ty, dưới làn sóng bán ra, không thể đoán trước liệu Chỉ số Công nghệ Hang Seng [ở Hong Kong] hay các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc vừa ra khỏi UCU, có trải qua một đợt sụt giảm mạnh khác”. [cổ phiếu khái niệm Trung Quốc là cổ phiếu của các công ty có hoạt động vận hành lớn ở Trung Quốc, được niêm yết ở Hong Kong hoặc các sàn giao dịch khác]

Chỉ số Công nghệ Hang Seng đại diện cho 30 công ty công nghệ lớn nhất được niêm yết tại Hong Kong.

Ông Yang nói thêm rằng một số người dân ở Trung Quốc đại lục cần quản lý tài chính xuyên biên giới, chẳng hạn như những người làm việc cho các công ty công nghệ niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong hoặc Mỹ. Hầu hết những nhân viên này đều có quyền chọn cổ phiếu hoặc thậm chí là cổ phần của công ty họ.

“Nhu cầu quản lý tài chính ở ngoại quốc của người dân Trung Quốc là nhu cầu thực tế, bao gồm nhưng không giới hạn ở các khoản đầu tư xuyên biên giới như cổ phiếu và bất động sản. Tuy nhiên, theo logic quy định hiện có, đó cũng là một vùng màu xám. Từ đủ loại kênh xám, thậm chí ngầm cho đến các kênh hợp pháp, tôi e rằng đây có lẽ là một chủ đề cần khẩn cấp được xem xét kỹ lưỡng”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh thắt chặt hoạt động đầu tư chứng khoán ra ngoại quốc của người dân