Dù tăng mạnh cung tiền, Trung Quốc vẫn khó thúc đẩy nền kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bổ sung lượng cung tiền nhiều nhất trong lịch sử, nhưng tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc lại đạt mức thấp kỷ lục trong 30 năm qua, nếu không tính năm 2020. Thực tế thì, lượng tiền khổng lồ này đã không chảy được vào túi của người dân.

Trung Quốc được cho là đã bổ sung hàng nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) vào nguồn cung tiền của đất nước vào năm 2022, mức nhiều nhất trong lịch sử của nước này và tương đương với tổng số tiền của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cộng lại. Tuy nhiên, động thái này có thể không thúc đẩy được nền kinh tế Trung Quốc, với GDP có xu hướng trì trệ và tốc độ lưu thông tiền giảm mạnh, chuyên gia cho biết.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), kể từ tháng 04/2022, M2 của Trung Quốc, thước đo cung tiền, đã duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số. Đến cuối năm đó, M2 đạt tổng cộng 266,43 nghìn tỷ CNY (khoảng 38,78 nghìn tỷ USD), tăng 11,8% hay 28,14 nghìn tỷ CNY (4,096 nghìn tỷ USD) so với năm trước.

M2, thuộc loại tiền rộng, đo lường nguồn cung tiền của một quốc gia, bao gồm tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán thị trường tiền tệ và các khoản tiền gửi có kỳ hạn khác, có thể được coi là yếu tố dự báo chính cho lạm phát.

Tuy nhiên, lượng M2 bổ sung này, như một phần trong can thiệp tài chính của PBC, khó có khả năng đạt được hiệu quả trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế ở mức độ như trước đây.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, GDP của Trung Quốc cho năm 2022 là 121,02 nghìn tỷ CNY (khoảng 17,62 nghìn tỷ USD), tăng 3%, tương đương 6,097 nghìn tỷ CNY (khoảng 887,48 tỷ USD) so với năm trước. Mức tăng trưởng này là thấp thứ hai trong vòng 30 năm qua sau năm 2020, khi COVID-19 bùng phát.

Nói cách khác, tăng trưởng GDP của Trung Quốc tụt xa so với tăng trưởng cung tiền của nước này vào năm 2022.

Vào ngày 09/02, chuyên gia thuế Trung Quốc Ma Jinghao cho biết trong một bài đăng trên Weibo rằng Trung Quốc đã “in” tổng cộng 28 nghìn tỷ CNY (hơn 4 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, số tiền tương đương với tổng mức của Mỹ, Nhật Bản và liên minh châu Âu cộng lại, trong khi GDP của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 70% GDP của Mỹ.

Chuyên gia Ma đã trích dẫn phương trình trao đổi của nhà kinh tế học Mỹ Irving Fisher, M*V=P*Q, trong đó M = cung tiền, V = vận tốc của tiền, P = giá hàng hóa, và Q = số lượng hàng hóa và dịch vụ - hay “cung tiền” nhân với “vận tốc tiền tệ” bằng “mức giá” nhân với “số lượng hàng hóa và dịch vụ” - cho thấy rằng vì lượng hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc giảm nghiêm trọng vào năm 2022, giá cả tăng nhẹ (không xét đến giá nhà đất giảm), và nguồn cung tiền tăng lên đáng kể, do đó, dựa trên phương trình, vận tốc của tiền sẽ giảm xuống, chuyên gia Ma cho biết.

Vận tốc của tiền là tốc độ mà tiền trong lưu thông được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ. Tốc độ dòng tiền thấp chỉ ra một nền kinh tế đang bị thu hẹp, một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc đang phải vật lộn.

Sụt giảm trong thị trường chứng khoán, nhà đất và quỹ

Tăng mạnh cung tiền, nhưng Trung Quốc vẫn khó thúc đẩy nền kinh tế
Các nhà đầu tư xem chỉ số chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/06/2008. (Ảnh: Trung Quốc Photos/Getty Images)

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang đi trên đà suy giảm tổng thể vào năm ngoái. Tính đến thời điểm kết thúc giao dịch vào ngày 30/12/2022, tổng vốn hóa thị trường của cổ phiếu hạng A là 84,85 nghìn tỷ CNY (khoảng 12,35 nghìn tỷ USD), giảm 11,57 nghìn tỷ CNY (khoảng 1,68 nghìn tỷ USD) so với đầu năm; loại trừ giá trị của số cổ phiếu mới được niêm yết trong năm, giá trị cổ phiếu hạng A đã giảm 16,21 nghìn tỷ CNY (khoảng 2,36 nghìn tỷ USD). Với số lượng nhà đầu tư vào giữa năm là 206 triệu người, tổn thất bình quân đầu người của các cổ đông sẽ lên tới 78.700 CNY (khoảng 11.500 USD), theo dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ tài chính Trung Quốc Wind.com.cn, Sina đưa tin vào ngày 31/12/2022.

Doanh số bán nhà ở cũng yếu. Cục Thống kê công bố dữ liệu cho thấy doanh số bán bất động sản thương mại vào năm 2022 đạt 13,33 nghìn tỷ CNY (khoảng 1,97 nghìn tỷ USD), thấp hơn 4,86 nghìn tỷ CNY (khoảng 707,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tổng quy mô của các quỹ, dịch vụ tài chính, quỹ ủy thác và các quỹ lớn khác cộng lại là 94,78 nghìn tỷ CNY (khoảng 13,8 nghìn tỷ USD), giảm 1,03 nghìn tỷ CNY (khoảng 149,92 tỷ USD) so với đầu năm 2022.

Tiền đã đi đâu?

Trong suốt năm 2022, Trung Quốc đã đưa thêm nguồn cung tiền trị giá 28 nghìn tỷ CNY (4,096 nghìn tỷ USD) vào thị trường. Số tiền đó đã đi đâu? Ai đã lấy nó đi?

Tổng tiền gửi của cư dân, theo dữ liệu của PCB, đã tăng 26,26 nghìn tỷ CNY (khoảng 3,82 nghìn tỷ USD), đạt mức cao nhất là 120,3 nghìn tỷ CNY (khoảng 17,5 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, các khoản vay bằng CNY mới được bổ sung đã tăng 21,31 nghìn tỷ CNY (khoảng 3,1 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, trong đó các khoản vay hộ gia đình tăng 3,83 nghìn tỷ CNY (khoảng 557,5 tỷ USD) và các khoản vay của doanh nghiệp và tổ chức nhà nước tăng 17,09 nghìn tỷ CNY (khoảng 2,49 nghìn tỷ USD)— chiếm 80% tổng số tiền cho vay.

Theo Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng hàng năm của các khoản đầu tư nắm giữ thuộc sở hữu nhà nước đã tăng lên 10,1% vào năm 2022 từ 2,9% vào năm 2021, trong khi đầu tư tư nhân giảm từ 7% xuống 0,9% vào năm 2022.

Nói một cách dễ hiểu, các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức thuộc sở hữu nhà nước hoặc được nhà nước hậu thuẫn có thể vay tiền từ ngân hàng, sau đó chuyển các khoản vay thành tiền gửi, hoặc chuyển cho các nhóm lợi ích liên quan, những người này cũng gửi tiền vào ngân hàng. Chu kỳ này gây ra một lượng lớn tiền chất đống trong ngân hàng.

Năm 2022 là năm mà chính sách zero-COVID của Trung Quốc được thực hiện nghiêm ngặt trên toàn quốc, với hàng tỷ liều vaccine, xét nghiệm axit nucleic và cơ sở hạ tầng của các bệnh viện tạm thời quy mô lớn và các ngành liên quan khác tiêu tốn một lượng khổng lồ quỹ kho bạc.

Bộ Tài chính xác nhận rằng chi tiêu y tế quốc gia do nhu cầu phòng chống dịch bệnh đã tăng lên 2,25 nghìn tỷ CNY (khoảng 327,5 tỷ USD) vào năm 2022, tăng khoảng 17,8% so với năm trước.

Tài chính xã hội

Một số vấn đề về cấu trúc có thể được tìm thấy trong báo cáo của PCB về quy mô tài chính xã hội vào năm 2022.

Thứ nhất, cung tiền mạnh, nhưng nhu cầu tài chính xã hội tương đối thiếu, và hiện tượng tư bản nhàn rỗi ngày càng gia tăng.

Thứ hai, vào năm 2022, tỷ trọng tài chính công trên thị trường tín dụng tiếp tục tăng, trong khi tỷ trọng tài chính tư nhân tiếp tục giảm.

Năm ngoái, tài chính công bao gồm 4,04 nghìn tỷ CNY (580 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt, 740 tỷ CNY (106 tỷ USD) cho các công cụ tài chính phát triển theo định hướng chính sách và 800 tỷ CNY (114 tỷ USD) cho vay cơ sở hạ tầng, nhưng những khoản tiền khổng lồ này đã không thúc đẩy sự tăng trưởng của tài chính tư nhân; không những thế, chúng dẫn đến sự suy giảm của hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công, làm tăng thêm gánh nặng nợ nần và rủi ro.

Việc phát hành tiền tín dụng của Trung Quốc về cơ bản là một công cụ phân phối lại của cải có lợi cho chế độ cầm quyền. Ví dụ, phân phối khoản vay đặc biệt nghiêng về phía các cơ quan chính phủ và tập đoàn, trong khi tỷ lệ thu nhập của người lao động thậm chí không đạt mức trung bình của thế giới và thấp hơn nhiều so với các nước như Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Nhật Bản.

Một bài báo ngày 29/01 trên NetEase, cổng thông tin của Trung Quốc, cho biết 28 nghìn tỷ CNY (4,096 nghìn tỷ USD) bổ sung đã không vào túi người dân, do đó, chính quyền sẽ rất khó đạt được hơn mục đích thúc đẩy nền kinh tế bằng cách bổ sung nguồn cung tiền.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dù tăng mạnh cung tiền, Trung Quốc vẫn khó thúc đẩy nền kinh tế