Trung Quốc hủy lượng lớn dữ liệu cá nhân thu thập trong 3 năm Covid, chuyên gia chỉ ra 3 mục đích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắt đầu từ năm 2023, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu tiêu hủy một lượng lớn dữ liệu cá nhân thu thập được trong 3 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, và nói rằng động thái này nhằm “đảm bảo an toàn thông tin cá nhân”. Chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có 3 mục đích khi làm như vậy.

Gần đây, tờ Nhật báo Pháp trị, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, đã đăng một bài báo cho biết, vào năm 2023, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã liên tiếp xử lý thông tin cá nhân thu thập được trong thời kỳ dịch bệnh.

Trung Quốc tuyên bố tiêu hủy dữ liệu để bảo vệ thông tin cá nhân

Bài báo này nêu rằng, vào ngày 16/2/2023, nền tảng “mã Việt Khang” thuộc hệ thống mã y tế của tỉnh Quảng Đông đã chính thức ban hành thông báo cho biết các dịch vụ như tự xét nghiệm kháng nguyên, hỗ trợ khám cho người già và trẻ em, khai báo sức khỏe, chứng chỉ điện tử… sẽ dừng hoạt động từ 11h ngày hôm đó. Đồng thời, sau khi nền tảng này ngừng hoạt động, mọi dữ liệu liên quan sẽ bị xóa và tiêu hủy.

Vào ngày 2/3/2023, thành phố Vô Tích ở tỉnh Giang Tô đã tổ chức một buổi tiêu hủy dữ liệu cá nhân liên quan đến dịch bệnh; lô dữ liệu bị tiêu hủy đầu tiên có tới 1 tỷ tập tin. Để đảm bảo những dữ liệu này có thể bị tiêu hủy hoàn toàn và không thể khôi phục lại, chính quyền địa phương còn đặc biệt mời cơ quan kiểm toán độc lập và văn phòng công chứng tham gia vào toàn bộ quá trình tiêu hủy.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng, mục đích của việc tiêu hủy dữ liệu này là để “đảm bảo an toàn thông tin cá nhân” và “bảo vệ quyền riêng tư của công dân”.

Phân tích: 3 mục đích chính của Trung Quốc đằng sau động thái tiêu hủy dữ liệu này

Vào ngày 29/1, ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận thời sự chính trị gốc Hoa tại Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiêu hủy hoàn toàn thông tin và dữ liệu cá nhân thu thập được trong thời gian dịch bệnh và còn đảm bảo rằng chúng không thể được phục hồi, có 3 mục đích đằng sau đó:

Thứ nhất, "Mục đích chính [của họ] là truyền tải thông điệp ra thế giới bên ngoài rằng 'đời sống kinh tế và xã hội của Trung Quốc đã hoàn toàn trở lại bình thường'. Cũng là gián tiếp muốn nói rằng nếu có nguồn vốn nước ngoài nào và doanh nhân nước ngoài nào muốn đầu tư vào Trung Quốc, ‘quý vị cũng không cần lo lắng gì nữa nhé’. Tôi cho rằng đây là mục đích chính của họ”.

Thứ hai là để che giấu hoàn toàn số người chết thực sự trong trận dịch kéo dài 3 năm.

Ông Đường chỉ ra, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, ĐCSTQ luôn dùng số người chết khá thấp ở nước này để làm nổi bật cái gọi là tính ưu việt của hệ thống chính trị. Bằng cách làm giả dữ liệu, chính quyền này luôn tuyên truyền, quảng bá rằng chính sách phong tỏa “Zero Covid” của họ đặc biệt hiệu quả, là ưu thế độc nhất của ĐCSTQ, thậm chí còn móc nối nó với khả năng quản trị và tính hợp pháp của chính quyền.

Ông Đường giải thích thêm rằng, do đó, việc tiêu hủy dữ liệu này cũng nhằm nhấn mạnh hơn nữa “ưu thế của ĐCSTQ”, rằng không thể nghi ngờ tính đúng đắn trong quyết sách phong tỏa thành phố của chính quyền, như vậy người dân sẽ khó có thể lật lại vụ này.

Thứ ba là liên quan đến vaccine. Ông Đường nói: “Tất nhiên, việc ĐCSTQ tiêu hủy những dữ liệu này chắc chắn là liên quan đến vấn đề di chứng của vaccine”.

Ông Đường nói rằng, trong số dữ liệu mà ĐCSTQ thu thập được bao gồm cả thông tin về việc tiêm chủng của mỗi người. Sau ba năm, tác dụng phụ của vaccine nội địa Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều, chẳng hạn như cái chết của nữ diễn viên Hong Kong Chu Hải My vẫn luôn bị nghi ngờ là có liên quan đến vaccine.

Bà Chu Hải My đã tập trung phát triển sự nghiệp tại Trung Quốc trong vài năm gần đây và đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 11/12/2023. Bà Chu đã mắc bệnh lupus ban đỏ trong nhiều năm. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nữ diễn viên này từng đăng một đoạn video lên mạng xã hội về cảnh bản thân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Bắc Kinh, điều này cũng đặt ra nghi vấn về nguyên nhân cái chết của bà Chu.

Theo ông Đường, "Trên thực tế, có rất nhiều người đột nhiên đổ bệnh và chết, tất cả đều bị nghi ngờ là có liên quan đến vaccine". "ĐCSTQ biết rằng vaccine (sản xuất trong nước) có tác dụng phụ nghiêm trọng và trong tương lai có thể bước vào thời kỳ cao điểm [xuất hiện tác dụng phụ]. Vì vậy, chính quyền này đã hủy bỏ tất cả dữ liệu trước để một khi mọi người xuất hiện di chứng từ vaccine, họ sẽ không thể đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng những tổn thương trên cơ thể của họ là có liên quan trực tiếp đến vaccine mà họ bị tiêm”.

Nhà bình luận này cũng cho rằng, tuyên bố ‘vì để bảo vệ trọn vẹn tính bảo mật thông tin cá nhân’ của ĐCSTQ chắc chắn là một lời dối trá. Ông Đường nói: "ĐCSTQ có khi nào đảm bảo an ninh thông tin cá nhân [cho người dân] chưa? Trên thực tế, kẻ vi phạm nghiêm trọng nhất về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân trên thế giới chính là chính quyền ĐCSTQ. Vì vậy, Bắc Kinh chỉ đang tiêu hủy bằng chứng vì bản thân mình, hoặc chỉ đang tìm một lý do và cái cớ có vẻ hợp lý để rũ bỏ trách nhiệm mà thôi”.

Sinovac ngừng sản xuất vaccine; vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc bị tố gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm

Hiện tại, vaccine ngừa Covid-19 Sinovac do Trung Quốc sản xuất đã bị đình chỉ sản xuất và ngừng bán hoàn toàn.

Vào ngày 10/1/2024, một tài liệu có nhan đề “Phương án đình chỉ trả lương hiệu suất cho dự án Covid-19” do Công ty Công nghệ Sinh học Khoa Hưng Bắc Kinh (Sinovac Biotech) ký tên đã được lan truyền trên mạng. Trong đó đề cập rằng vaccine ngừa Covid-19 của công ty này đã bị ngừng sản xuất toàn bộ và công ty này hiện không bán bất kỳ sản phẩm vaccine nào liên quan đến Covid-19. Ngay lập tức, chủ đề “Vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac bị ngừng sản xuất” đã nhanh chóng xuất hiện trên các danh sách tìm kiếm nóng (hot search) trên các nền tảng tìm kiếm ở Trung Quốc.

Vaccine ngừa Covid của Sinovac là một trong những loại vaccine ngừa Covid đầu tiên được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc. Loại vaccine này đã đạt doanh thu hơn 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 14 tỷ USD) vào năm 2021.

Các ống tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac Biotech trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 24/9/2020. (Kevin Frayer / Getty Images)
Các ống tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac Biotech trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 24/9/2020. (Kevin Frayer / Getty Images)

Trước khi Sinovac ngừng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, một số công ty dược phẩm ở Trung Quốc cũng đã thông báo ngừng sản xuất loại vaccine này. Vào năm 2023, công ty sinh học dược phẩm CanSino Biologics thông báo rằng cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 của họ ở Thượng Hải đã ngừng sản xuất. Cùng năm đó, công ty dược phẩm Wantai BioPharm ở Bắc Kinh cũng thông báo rằng công ty này có kế hoạch chấm dứt khoản đầu tư gây quỹ vào "Dự án xây dựng cơ sở sản xuất vaccine dạng xịt mũi".

Sau khi vaccine sản xuất trong nước của Trung Quốc được tung ra thị trường, mức độ hiệu quả và an toàn của chúng vẫn luôn bị nghi ngờ ở cả trong và ngoài nước này. Trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc có không ít người nói rằng bản thân họ hoặc những người xung quanh họ đã xuất hiện các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19, như bệnh sởi, bệnh bạch cầu, bệnh tim, v.v., đồng thời đặt nghi vấn về một lượng lớn các trường hợp đột tử sau khi tiêm vaccine.

Ông Giang Dũng (Jiang Yong), một người dân ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, từng nói với phóng viên The Epoch Times rằng có hơn 10 người thân của ông đã tử vong trong vòng một năm sau khi tiêm vaccine. Ông này cho biết, họ ở độ tuổi từ mười mấy đến 90 tuổi, đều xuất hiện các loại bệnh sau khi tiêm vaccine, như bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu, bệnh về tủy sống, bệnh thiếu máu, v.v. Ông Giang nói: "Trước khi tiêm phòng, thể trạng của họ đều rất tốt. Tại sao sau khi tiêm lại có nhiều người mắc bệnh, thậm chí là tử vong như vậy?".

Vào ngày 3/12/2023, ông Khâu Dũng Tài (Qiu Yongcai), một Giáo sư mới 40 tuổi tại Đại học Công nghệ Hoa Nam của Trung Quốc, đã qua đời tại Bệnh viện Số 1 Quảng Châu. Trước khi qua đời, ông Khâu từng được đưa vào khoa cấy ghép và được ghép tế bào gốc tạo máu. Ông Khâu đã để lại một tin nhắn trên dòng thời gian Moments của phần mềm WeChat và nói rằng rất có thể đó là di chứng của vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nội dung này đã nhanh chóng bị xóa.

Năm 2022, các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu đến từ hơn 30 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc đã liên tiếp công bố hai bức thư ngỏ và nói rằng họ bị mắc bệnh bạch cầu là do tiêm vaccine ngừa Covid-19 mà Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, họ đã bị trấn áp trong quá trình đi thỉnh nguyện tìm công lý; khi tìm đến sự trợ giúp của các kênh truyền thông, họ được biết rằng giới truyền thông không thể đưa tin về vụ này; thậm chí cả các luật sư cũng không sẵn sàng làm đại diện để kiện tụng giúp họ.

Trong thư ngỏ trên có nhắc tới các loại vaccine gây tác dụng phụ là vaccine của Sinovac Biotech, Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Viện Sinh phẩm Vũ Hán thuộc Sinopharm, Công ty Công nghệ sinh học Trí Phi (Zhifei) Trùng Khánh, Công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân (Changsheng Bio-Technology), v.v.

Chính quyền Trung Quốc kiên quyết phủ nhận nghi ngờ rằng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể gây ra một số bệnh. Trước áp lực ngày càng tăng từ dư luận, ĐCSTQ từng lấy danh nghĩa “các lãnh đạo đảng và nhà nước hiện tại” và tuyên bố rằng những quan chức cấp cao này đã tiêm chủng ngừa Covid-19, loại vaccine họ được tiêm đều là vaccine sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tuyên bố này đã nhanh chóng bị chất vấn và nhận được phản hồi không mấy tích cực từ dư luận.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc hủy lượng lớn dữ liệu cá nhân thu thập trong 3 năm Covid, chuyên gia chỉ ra 3 mục đích