Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 có thể gây ra Hội chứng Đau tim Takotsubo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những tác dụng phụ và biến chứng liên quan đến vaccine COVID-19 vẫn đang tiếp tục được phát hiện.

Trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, nhiều loại vaccine khác nhau đã được phát triển và đưa vào sử dụng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đi kèm với chiến dịch tiêm chủng rộng rãi, số lượng tác dụng phụ và biến chứng liên quan đến vaccine COVID-19 cũng tăng lên đáng kể.

Nghiên cứu mới đây đã hé lộ một mối liên hệ tiềm tàng giữa vaccine COVID-19 và Hội chứng Đau tim Takotsubo, với 2 trường hợp tử vong trong số 16 bệnh nhân được nghiên cứu.

Biểu hiện lâm sàng của Hội chứng Đau tim Takotsubo tương tự như nhồi máu cơ tim cấp tính, với các triệu chứng phổ biến bao gồm đau ngực dữ dội và khó thở.

Đặc điểm nổi bật của hội chứng này là suy giảm chức năng tâm thất trái, thường xảy ra sau những căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất dữ dội như mất người thân, trải qua sự kiện chấn động hoặc mắc bệnh nặng.

Bệnh lý này lần đầu tiên được phát hiện bởi bác sĩ người Nhật Hikaru Sato vào năm 1990, được đặt tên là "Takotsubo" do hình dạng phình giống như chậu bắt bạch tuộc, một dụng cụ đánh bắt truyền thống của Nhật Bản.

Ngoài ra, Hội chứng Đau tim Takotsubo còn được gọi là Hội chứng Đau tim do Căng thẳng, Hội chứng Phình dãn đỉnh tim hoặc Hội chứng Tim Tan vỡ.

Nghiên Cứu Trường Hợp

Vào tháng 8 năm 2023, một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cureus, đề cập đến trải nghiệm của một phụ nữ 59 tuổi bị Hội chứng Đau tim Takotsubo sau khi tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường.

Bệnh nhân bị khó thở dai dẳng trong sáu giờ, khiến bà phải đến phòng cấp cứu.

Theo lời kể của bệnh nhân, bà đã bị đau ngực gián đoạn trong hai ngày, một cảm giác đau nhói ngày càng dữ dội hơn với mỗi cơn nhưng không lan sang các vùng khác. Hoạt động gắng sức làm nặng thêm cơn đau, và không có phương pháp nào giảm bớt. Bệnh nhân đã tiêm mũi tăng cường vaccine Moderna ba ngày trước đó.

Bệnh nhân không bị sốt và vẫn tỉnh táo, với độ bão hòa oxy trong máu là 89% và huyết áp là 150/90 mmHg. Âm thanh lách tách trong phổi (crepitations) được phát hiện. Xét nghiệm PCR COVID-19 cho kết quả âm tính. Điện tâm đồ cấp cứu cho thấy đoạn ST chênh lệch, chụp X-quang ngực cho thấy phù phổi và siêu âm cho thấy chức năng co bóp tâm thất trái giảm, với phân suất tống máu ước tính là 30%. Ngoài ra, còn có hiện tượng giảm vận động vừa phải (giảm hoạt động cơ bất thường) ở đỉnh và thành trước của tim.

Bệnh nhân tiếp tục bị nhịp tim nhanh và huyết áp tăng giảm, dẫn đến tình trạng mất ổn định huyết động do quá tải dịch và cuối cùng dẫn đến sốc tim.

Đội ngũ y tế đã sử dụng thuốc norepinephrine và dobutamine tiêm tĩnh mạch để điều trị. Do không tìm thấy nguyên nhân nào khác, bà được chẩn đoán mắc Hội chứng Đau tim Takotsubo.

Bệnh nhân cho thấy dấu hiệu cải thiện và được xuất viện vào ngày thứ sáu, nhưng vẫn bị nhịp tim nhanh dai dội, cần phải điều trị bằng metoprolol, một loại thuốc điều trị cao huyết áp.

Trước khi tiêm vaccine, bệnh nhân có tiền sử rối loạn lipid máu, suy giáp và bệnh celiac. Ngoài ra, bà từng hút thuốc 5 năm nhưng đã bỏ 15 năm trước, không có tiền sử uống rượu hay sử dụng chất gây nghiện.

Các nhà nghiên cứu cho biết cơ chế sinh bệnh của chứng đau tim Takotsubo do vaccine COVID-19 vẫn chưa rõ ràng, nhưng "đã có một số giả thuyết được đưa ra".

Phản ứng miễn dịch do vaccine COVID-19 gây ra ở một số cá nhân "dẫn đến cascade viêm tăng cao, gây rối loạn chức năng nội mô, rối loạn chức năng vi mạch và tổn thương cơ tim".

Việc tiêm vaccine cũng có thể kích thích giải phóng các yếu tố tiền viêm như interleukin-6. Ngoài ra, phản ứng căng thẳng do tiêm vaccine COVID-19 có thể "gây rối loạn hệ thần kinh tự chủ, góp phần gây ra rối loạn chức năng tim".

Hội chứng Đau Tim Takotsubo - tiềm ẩn rủi ro tính mạng

Mối liên quan giữa vaccine COVID-19 và hội chứng đau tim Takotsubo chưa được nhiều người biết đến, chỉ có một vài trường hợp được ghi nhận.

Vào ngày 11 tháng 12, một nghiên cứu được thẩm định ngang hàng đăng trên tạp chí Cureus đã tổng hợp và phân tích bằng chứng liên quan đến hội chứng đau tim Takotsubo do vaccine COVID-19 gây ra.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm kiếm trên các tài liệu y học cùng 15 báo cáo trường hợp liên quan đến 16 bệnh nhân. Trong số đó, 14 người được tiêm vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) và 2 người được tiêm vaccine vector virus (AstraZeneca). 7 bệnh nhân phát triển hội chứng đau tim Takotsubo sau liều đầu tiên và 7 người sau liều thứ hai.

Tất cả bệnh nhân đều có mức troponin tim cao, kết quả điện tâm đồ bất thường và phân suất tống máu tâm thất trái giảm. Triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân là đau ngực, tiếp theo là khó thở và buồn nôn. Cuối cùng, 14 bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện, trong khi 2 bệnh nhân đã qua đời.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng 87,5% bệnh nhân hồi phục và được xuất viện, cho thấy hội chứng đau tim Takotsubo xảy ra sau khi tiêm vaccine chủ yếu là "tạm thời và có thể hồi phục". Tuy nhiên, cái chết của 2 bệnh nhân nhấn mạnh "rủi ro tiềm ẩn đe dọa tính mạng liên quan đến vaccine này".

Các tác giả của bài báo kêu gọi các bác sĩ lâm sàng xem xét khả năng mắc hội chứng đau tim Takotsubo, đặc biệt là đối với những người được tiêm vaccine mRNA khi gặp những bệnh nhân bị đau ngực hoặc khó thở sau khi tiêm vaccine.

Nghiên cứu cũng đề cập rằng vaccine được phát triển cho COVID-19 có nhiều tác dụng phụ khác nhau, bao gồm đau và sưng tại chỗ tiêm, sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và buồn nôn.

Theo Ellen Wan - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Ellen Wan đã làm việc cho phiên bản tiếng Nhật của The Epoch Times từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 có thể gây ra Hội chứng Đau tim Takotsubo