Ăn tiết canh: Hiểm hoạ khôn lường tới sức khoẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan niệm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh là một sai lầm lớn. Thực tế trong tiết canh không có nhiều dinh dưỡng như mọi người lầm tưởng, mà lại rất nguy hại cho sức khỏe.

Dù đã được các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều về hậu quả khôn lường khi ăn tiết canh sống nhưng nhiều người vẫn chủ quan, thường xuyên sử dụng.

Máu tươi của gia súc, gia cầm đều là nguồn dinh dưỡng để nuôi cơ thể chúng. Do chứa nhiều protein, đây cũng là một trong những môi trường thuận lợi và thích hợp cho những vi khuẩn sống và phát triển. Tiết canh bản chất là sử dụng máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh.

Mặc dù được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, nhưng thói quen của nhiều người vẫn chưa thể từ bỏ được tiết canh. Các loại tiết canh như ngan, vịt, lợn, dê...mỗi loại đều chứa tới hàng chục vi khuẩn có hại và dễ dàng gây bệnh. Đó là chưa kể, trong tiết canh sống còn chứa nhiều nguồn bệnh như giun sán, giun xoắn...

Khâu làm tiết canh cũng không được đảm bảo vệ sinh. Khi cắt tiết canh, những vi khuẩn hay trứng giun sán dính trong lông, da của con vật sẽ rơi vào bát hãm tiết canh rồi truyền bệnh cho người ăn. Những người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc bệnh do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh.

Hai thể thường gặp khi nhiễm liên cầu lợn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Thời gian ủ bệnh khoảng vài ngày. Bệnh nhân thể viêm màng não mủ sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê co giật. Ở thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân sốt, sốc, nếu không xử trí kịp thời có nguy cơ suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu.

Những tác hại khôn lường khi ăn tiết canh

Nhiễm sán
Người Việt Nam có thói quen ăn tiết canh cùng với cuống họng lợn. Trên cơ thể của con lợn, cuống họng là nơi trú ngụ của nhiều loại sán nhất như sán dây, sán gạo,... Việc băm nhỏ cuống họng lợn, trộn cùng tiết canh đã vô tình tiếp tay cho giun, sán đi vào cơ thể dễ dàng hơn.

Bệnh liên cầu lợn

Ngoài nhiễm sán, người bệnh cũng có thể bị liên cầu lợn. Liên cầu lợn khi đi vào máu sẽ phát triển nhanh chóng và tiết ra nhiều độc tố. Bệnh nhân thường có triệu chứng như đau đầu, bị sốt cao, bị ù tai và thậm chí là bị xuất huyết,... Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi ăn tiết canh đã bị xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dưới da từng mảng đồng thời nhiễm độc tố nặng dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch và nguy cơ tử vong cao.

Nhiều trường hợp ngộ độc

Năm 2018, tại tỉnh Thái Bình xảy ra vụ ngộ độc tiết canh khiến 50 người phải nhập viện. Nguyên nhân được xác định là do các bệnh nhân ăn tiết canh lợn rừng, sau đó xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, một số trường hợp có sốt nhẹ.

Năm 2020, các bác sĩ Bệnh viện E cũng ghi nhận trường hợp nam thanh niên (29 tuổi, ở Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn với triệu chứng rất nặng do ăn tiết canh.

Sau khi ăn tiết canh lợn rừng tại công ty, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, ý thức lơ mơ, chậm chạp, buồn nôn và nôn, kích thích nhiều, xuất hiện một cơn co giật gây mất ý thức toàn thân trong 4-5 phút nhưng rất may đã được điều trị kịp thời và bảo đảm tính mạng.

Ngày 30/11/2023, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận ca bệnh một người đàn ông 55 tuổi nhập viện do sụt cân, đau bụng, khó thở, kết quả phát hiện sán làm tổ trong não, nguyên nhân từ thói quen ăn tiết canh.

Mới đây, tại Thái Bình, sau bữa cỗ tại tiệc cưới có ăn tiết canh dê, 10 người có triệu chứng ngộ độc phải nhập viện, cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đó, một người đã tử vong. Cụ thể, bữa cỗ tại tiệc cưới ở Thái Bình có món tiết canh dê (dê giết mổ tại Ninh Bình, chuyển tiết và thịt dê đến), nhân tiết canh là tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín, ngoài ra có các món giò pha bì, gà rang, tôm kho, canh cua, cà.

Một số quan điểm sai lầm về ăn tiết canh

Ăn tiết canh có tính mát không, giúp giải nhiệt

Theo các chuyên gia y tế, không có cơ sở khoa học để khẳng định ăn tiết canh “mát”. Cảm giác mát là do chúng ta ăn thịt nguội trộn với máu sống. Trong Đông y, tiết canh không phải là thực phẩm có tác dụng chữa bệnh và cũng không phải thực phẩm có tính mát.

Ăn tiết canh giúp bổ máu

Tiết canh được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Lúc này, phần globin sẽ được chuyển hóa ra các đơn vị cơ bản là acid amin được cơ thể hấp thu và sử dụng. Còn phần hemo trong tiết canh hoàn toàn bị đào thải ra ngoài dưới dạng chất đã thoái hóa chứ không hề được sử dụng lại như nhiều người vẫn nghĩ. Do đó, ăn tiết canh không có tác dụng giúp bổ máu.

Ăn tiết canh tự nhà làm sẽ an toàn, đảm bảo

Nhiều người cho rằng ăn tiết canh vịt, ngan, dê,... nhà tự nuôi tự làm sẽ an toàn và không bị nhiễm bệnh truyền nhiễm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh tự nhà làm.

Trong tiết canh dê, vịt không có liên cầu lợn nhưng khi chế biến, nhiều người lấy phần sụn họng của lợn băm nhỏ lên trên, đây là nơi trú ẩn nhiều nhất của liên cầu lợn.

Để phòng tránh những nguy hiểm khôn cho sức khoẻ, bạn cần thực hiện ăn chín uống sôi, tuân thủ không giết mổ, chấp hành tiêu hủy các động vật mắc bệnh trong khu vực có cảnh báo dịch theo lệnh của cơ quan chức năng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình ăn uống.



BÀI CHỌN LỌC

Ăn tiết canh: Hiểm hoạ khôn lường tới sức khoẻ