Bé trai nghe kém và chậm nói do ráy tai đóng khối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bé trai 4 tuổi vẫn bị chậm nói. Bác sĩ khám phát hiện ráy tay đóng thành nút cứng chắc, gây cản trở thính giác, điều này gián tiếp tác động đến khả năng giao tiếp và học nói của bé trong quá trình lớn lên.

Bé Nam gặp khó khăn khi giao tiếp với người thân trong gia đình. Khi nói chuyện với bé, vợ chồng anh T. phải ghé sát vào tai hoặc nói to thì bé mới có phản ứng. Tình trạng nghe kém và chậm nói kéo dài khiến gia đình lo lắng, vợ chồng anh quyết định đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để khám.

Tại khu vực gần Trung tâm Tai Mũi Họng, bé Nam đứng xem tranh dán tường một lúc lâu. Khi đến lượt khám, vợ chồng anh T. gọi to nhưng bé vẫn không nghe thấy, cuối cùng phải tự mình dắt bé đi vào phòng khám.

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Trương Tấn Phát cho biết khi nói chuyện với bé Nam, bé cần nghiêng đầu và ghé sát để nghe rõ hơn. Theo lời kể của gia đình, bé chưa biết nói, dù trước đó đã khám nhưng tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện.

Trong quá trình nội soi tai, bé phản ứng mạnh, khóc và vùng vẫy không cho bác sĩ chạm vào. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của vợ chồng anh T., bác sĩ đã có thể thuận lợi kiểm tra và phát hiện thấy trong tai của bé có một khối ráy tai cứng chắc, đóng nút bịt kín cả hai ống tai, không thể lấy được trong lần đầu khám.

Vợ chồng anh T. cho biết do sợ ảnh hưởng đến thính giác của con, nên họ không dám lấy ráy tai cho Nam từ khi bé sinh ra đến nay.

Theo bác sĩ, ráy tai khi khô thường tự rơi ra khỏi tai cùng bụi bẩn. Nhưng trong một số trường hợp, ráy quá nhiều, quá khô hoặc quá dính, kết thành khối, cần lấy ra nếu không sẽ dẫn đến tắc ống tai.

Ráy tai đóng thành khối nếu không xử lý sớm và đúng cách có thể bị đẩy sâu vào trong, ảnh hưởng đến khả năng nghe của bé.

Đặc biệt, với trẻ đang trong giai đoạn tập nói, ráy tai bịt kín hai lỗ tai có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp xúc với âm thanh, từ đó khiến bé trở nên chậm nói.

Tình trạng này còn gây khó chịu, ngứa tai, ù tai, trong tai có âm thanh rung chuông hoặc tiếng ồn, đau tai do viêm ống tai ngoài. Nếu kéo dài có thể gây viêm hoặc loét da ống tai ngoài, gây đau tai.

Do không thể lấy ráy ngay lần đầu, bác sĩ hướng dẫn người nhà cách dùng thuốc nhỏ tai cho bé, mỗi ngày nhỏ 3-4 lần để khối cứng mềm ra. Sau đó một tuần, bác sĩ khéo léo dùng thiết bị chuyên dụng để hút ráy tai qua nội soi cho bé Nam, đảm bảo không làm tổn thương các bộ phận xung quanh.

Kết quả kiểm tra và đo thính lực đồ cho thấy khả năng nghe của bé được cải thiện.

Khi nào mới nên lấy ráy?

Hai trường hợp dưới đây có thể cân nhắc lấy ráy tai:

  • Khi ráy tai tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc khám.
  • Ráy tai đóng kín gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài, cản trở thính lực. Với trẻ nhỏ trong giai đoạn học nói, ráy tai đóng kín quá lâu có thể khiến bé chậm nói.

Làm sao để lấy ráy tai cho bé?

Tuyệt đối tránh sử dụng tăm bông, ngón tay hoặc các dụng cụ bằng kim loại khác như đinh ghim, đầu viết chì, kẹp giấy… để lấy ráy tai. Những thứ này có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn và bịt kít màng nhĩ, thậm chí làm trầy xước và gây nhiễm khuẩn, sưng đau ống tai. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể làm thủng màng nhĩ khi trẻ giãy giụa.

Vậy, để lấy ráy tai đúng cách, cha mẹ nên làm gì?

  • Cha mẹ nên sử dụng khăn bông mỏng và mềm, thấm nhẹ xung quanh vành tai của con.
  • Xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, nhẹ nhàng đưa vào trong tai của bé và tiếp tục xoắn lại. Khăn mềm sẽ không làm hại đến màng tai của bé, hơn nữa, ráy tai sẽ theo đường xoắn của khăn bông để trôi ra ngoài.

Trong trường hợp tai bé bị trầy xước hoặc viêm tai giữa, cha mẹ không nên dùng bông hoặc bất kỳ dụng cụ lấy ráy tai nào khác để ngoáy tai cho bé, nó có thể gây đau đớn và ảnh hưởng xấu đến thính giác.

Vệ sinh tai cho bé hàng ngày như thế nào?

  • Đối với những bé dưới 36 tháng tuổi: Cha mẹ hàng ngày dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé;
  • Đối với các bé từ 36 tháng tuổi trở lên: Cần vệ sinh bên ngoài vành tai kết hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ vệ sinh tai một cách an toàn khi bé bị đóng ráy tai quá nhiều.

Nói chung, cha mẹ không nhất định phải lấy ráy tai cho trẻ.

Trong trường hợp tai của bé bị ráy tai khô cứng bịt kín hoặc chảy mủ gây đau nhức khiến bé luôn kéo tai hoặc khóc, dịch chảy ra ngoài có mùi hôi khó chịu, thính lực kém hơn bình thường, cha mẹ không nên tự ý vệ sinh tai cho con mà nên đưa bé đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra và thăm khám.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bé trai nghe kém và chậm nói do ráy tai đóng khối