Bình luận: Nếu Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được thông qua, Thủ tướng Trung Quốc sẽ thành ‘con rối’ trong tay ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc đang trong quá trình “thảo luận” để thông qua “Luật Tổ chức Quốc vụ viện (bản dự thảo sửa đổi)”. Ở Trung Quốc, Quốc vụ viện tương đương với Chính phủ. Có phân tích chỉ ra rằng, nếu bản sửa đổi này được thông qua, ông Lý Cường sẽ thành bù nhìn và người thực sự kiểm soát Quốc vụ viện chính là ông Tập Cận Bình. (*Cập nhật: Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Tổ chức Quốc vụ viện (sửa đổi) vào ngày 11/3/2024.)

Trong cuộc họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc vào tuần trước, sau khi Thủ tướng nước này là ông Lý Cường đọc xong báo cáo công tác của chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung đã có báo cáo giải thích về “Luật Tổ chức Quốc vụ viện (bản dự thảo sửa đổi)”.

“Lý do” được đưa ra là, Hiến pháp đã được sửa đổi, Luật Tổ chức Quốc vụ viện cũng nên được sửa đổi.

Năm 2018, ông Tập Cận Bình đã sửa đổi Hiến pháp của Trung Quốc và trong lần thông qua hiến pháp đó đã có 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ. Việc sửa đổi này đã trải đường cho ông Tập Cận Bình bước thẳng tới nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Theo lời giải thích về “Luật Tổ chức Quốc vụ viện (Bản dự thảo sửa đổi)” mà ông Lý Hồng Trung đưa ra, Hiến pháp đã được mang ra làm “cơ sở pháp luật” cho sửa đổi này.

Năm 1982, “Luật Tổ chức Quốc vụ viện” được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa V thông qua. Khi ấy, luật này bao gồm 11 điều; còn trong bản thảo sửa đổi mới đây đã được tăng lên thành 18 điều.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cúi chào các đại biểu trước khi trình bày báo cáo công tác của chính phủ, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (trên cùng, bên phải), trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5/3/2024. (PEDRO PARDO/AFP via Getty Images)

Theo một bài bình luận trên tờ Vision Times, nếu bản sửa đổi này được thông qua, trên bề mặt Quốc vụ viện và ông Lý Cường sẽ được trao nhiều quyền hơn nhưng thực chất quyền sinh sát lại đều nằm trong tay Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và ông Tập Cận Bình.

Cụ thể, nếu trong phiên bản hiện hành, luật này được xây dựng dựa trên “các quy định có liên quan đến Quốc vụ viện trong Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, thì trong bản dự thảo sửa đổi lại viết rằng: “Căn cứ theo Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vì để kiện toàn chế độ công tác và tổ chức của Quốc vụ viện, cũng như bảo đảm và quy phạm quyền hạn của Quốc vụ viện, [cho nên] chế định luật này”.

Đáng chú ý là, bản dự thảo sửa đổi này đã thêm một số điều hoàn toàn mới nhằm đeo chiếc “vòng kim cô” lên đầu Quốc vụ viện:

  • Điều 3: “Quốc vụ viện phải kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiên trì theo sự chỉ đạo của chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình … và tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới [của] Tập Cận Bình, kiên trì giữ gìn, bảo vệ quyền uy của Trung ương Đảng và sự lãnh đạo thống nhất tập trung, kiên quyết quán triệt thực hiện các quyết sách và bố trí của Trung ương Đảng, …”.
  • Điều 17: “Các nhân sự trong Quốc vụ viện cần phải kiên quyết giữ gìn, bảo vệ quyền uy của Trung ương Đảng và sự lãnh đạo thống nhất tập trung, làm gương trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, nghiêm túc thực hiện chức trách …”.
  • Điều 18: “Các bộ phận, cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện cần phải thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, tăng cường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ để đảm bảo thực hiện các sắp xếp công việc của Trung ương Đảng và Quốc vụ viện”.

Theo bài bình luận trên, trước nhu cầu mở rộng và hiện thực hóa chế độ độc tài của ông Tập Cận Bình, ông Lý Hồng Trung - người “tuyệt đối trung thành” với ông Tập - đã nhấn mạnh vào “sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Trung ương Đảng” trong báo cáo giải trình của mình. Qua đó, đưa sự hiện diện của ĐCSTQ vào “Luật Tổ chức Quốc vụ viện”. Trước kia Luật Tổ chức này không đề cập đến Trung ương Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung phát biểu trong Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa XIV tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5/3/2024. (Lintao Zhang/Getty Images)

Bài viết này còn chỉ ra, phương án sửa đổi mà ông Lý Hồng Trung tuyên đọc chỉ được mang ra thảo luận trên danh nghĩa, trên thực tế là hầu như không có khả năng sửa đổi thêm, đây là đặc trưng của một chính quyền độc tài và cũng là đặc sắc chính trị của ông Tập Cận Bình.

Điểm mấu chốt là, Luật Tổ chức Quốc vụ viện (sửa đổi) đã bổ sung thêm một câu: “Việc tổ chức Quốc vụ viện do pháp luật quy định”. Đây vừa là cây gậy, vừa là cái mũ bị chụp lên.

Vậy “pháp luật” này là gì? Bài bình luận trên chỉ ra, trong hệ thống pháp luật ở một quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, nó là sản vật của việc sau khi bị áp đặt Hiến pháp, mà Hiến pháp này không phải là “luật cơ bản của đất nước” như định nghĩa vốn có của nó, nó là “Hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, tương đương với “pháp luật Tập Cận Bình”; làm trái Tập Cận Bình tức là làm trái Hiến pháp và pháp luật.

Tại sao lại nói như vậy? Có thể thấy điều này qua các tuyên bố chính trị như “4 ý thức”, “4 tự tin”, “2 bảo vệ”... được đưa ra dưới thời ông Tập. Trong đó hoàn toàn không có nội dung “trung thành với Hiến pháp”, chúng đều nằm dưới cái bóng của ông Tập Cận Bình.

  • “4 ý thức” bao gồm: ý thức về chính trị (giữ vững lập trường chính trị), ý thức về đại cục (kiên quyết thực hiện các quyết sách và sắp xếp của Trung ương, bảo đảm các mệnh lệnh của Trung ương được thông suốt), ý thức về nòng cốt (ông Tập được gọi là nòng cốt của Trung ương Đảng), ý thức về noi gương (kiên định, tự giác nhất trí cao độ về mặt tư tưởng, chính trị, và hành động với Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình làm nòng cốt).
  • “4 tự tin” đó là: tự tin về con đường chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, tự tin về văn hóa.
  • Còn “2 bảo vệ” là: Kiên quyết bảo vệ địa vị nòng cốt trong Trung ương Đảng và toàn Đảng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình; Kiên quyết bảo vệ quyền uy và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 10/3/2024. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Nhìn bề ngoài, sự sửa đổi này bao gồm việc củng cố và trao quyền cho Quốc vụ viện, nhưng thực sự thì các quyền hạn có liên quan của Quốc vụ viện đã được nêu khá rõ ràng trong Hiến pháp Trung Quốc.

Theo bài bình luận trên, việc đưa Trung ương Đảng “với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt” vào luật này đã phản ánh rằng, ông Tập Cận Bình mới là người có tiếng nói cuối cùng trong Quốc vụ viện, e rằng các văn kiện, quy định của Quốc vụ viện cũng như các chỉ thị của ông Lý Cường sẽ khó có thể được “quán triệt chấp hành”; Quốc vụ viện sẽ trở thành văn phòng của ông Tập, còn ông Lý Cường trở thành thư ký của ông Tập.

Trên thực tế, sau Đại hội Đảng 20, Quốc vụ viện đã nằm trong tay ông Tập. Là một thủ tướng, ông Lý Cường đủ tư cách để ngồi trên chuyên cơ trong các chuyến công du nhưng kể từ khi nhậm chức, ông này chỉ được ngồi máy bay thuê bao. Trong tuần trước, Trung Quốc đã phá vỡ thông lệ 30 năm khi hủy cuộc họp báo thường niên của thủ tướng nước này sau phiên họp Lưỡng Hội. Nếu không có trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ không tổ chức cuộc họp báo của Thủ tướng trong những năm còn lại của nhiệm kỳ.

Tờ Wall Street Journal bình luận, tin tức này lại một lần nữa cho thấy rõ chính quyền Trung Quốc đang làm cho hệ thống chính trị “hộp đen” của mình trở nên đen tối hơn, và người lãnh đạo ĐCSTQ lại đang hạn chế hơn nữa sự lộ diện của cấp phó nhằm củng cố địa vị của mình.

Vào hồi Đại hội Đảng 19, trong khuôn khổ tổ chức của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã làm lu mờ ông Tập Cận Bình ở một số khía cạnh. Trong thời gian ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo Đảng và ông Lý Khắc Cường còn làm thủ tướng, Quốc vụ viện vẫn có một số quyền hành độc lập. Trong buổi họp báo sau Lưỡng Hội năm 2020, ông Lý Khắc Cường từng tuyên bố “thu nhập trung bình hàng tháng của 600 triệu người [Trung Quốc] là khoảng 1.000 nhân dân tệ” (khoảng 3,4 triệu VND), điều này đã vạch trần nhiều lời dối trá của chính quyền ông Tập. Có nhà quan sát chỉ ra rằng, có thể ông Tập đang lo ngại những phát ngôn “gây phá hoại” như thế này có thể sẽ lặp lại nếu còn duy trì cuộc họp báo trên.

Lý Khắc Cường qua đời, tử vong, chết
Hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại cuộc họp báo qua video từ Đại lễ đường Nhân dân sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) vào ngày 28/05/2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Andrea Verdelli / Getty Images)

Trong hơn 40 năm Trung Quốc thực thi luật tổ chức chính phủ này, "Quốc vụ viện thực thi Chế độ trách nhiệm của Thủ tướng”, tức là mọi quyết sách của Quốc vụ viện sẽ do Thủ tướng ra quyết định và chịu trách nhiệm về hậu quả. Trong đó còn viết: Thủ tướng chỉ đạo công việc của Quốc vụ viện. Các Phó thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ phối hợp trợ giúp Thủ tướng làm việc".

Bản dự thảo sửa đổi vẫn giữ lại nội dung trên nhưng thêm vào: “Các Phó thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ phối hợp trợ giúp Thủ tướng làm việc, phụ trách công tác trong các lĩnh vực theo sự phân công; nhận sự ủy thác của Thủ tướng, phụ trách các công tác hoặc nhiệm vụ đặc biệt khác; căn cứ theo sự sắp xếp thống nhất, đại diện cho Quốc vụ viện thực hiện các hoạt động đối ngoại”.

Bài bình luận trên Vision Times phân tích rằng, vai trò “chân chạy vặt” của ông Lý Cường đang ngày càng rõ ràng hơn. Ẩn ý đằng sau quy định này có thể là khi ông Lý Cường không có năng lực hoặc có chuyện xảy ra ngoài dự liệu, ông Tập Cận Bình có thể trực tiếp “nhúng tay” vào Quốc vụ viện với danh nghĩa “nhận sự ủy thác của Thủ tướng” để thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt”.

Ông Lý Cường không chỉ bị đóng khung trong luật tổ chức chính phủ mà còn bị trói buộc trong “pháp luật" mang tên Tập Cận Bình.

Vì vậy, khi chính quyền này đang trong quá trình “thảo luận” sửa đổi Luật Tổ chức Quốc vụ viện, nếu tổ chức họp báo và bị hỏi những câu hỏi liên quan, ông Lý Cường có thể sẽ bị á khẩu.

Sự chuyên quyền của ông Tập Cận Bình dường như đã lên tới cực điểm, liệu ông này có trở thành một “Mao Trạch Đông thứ 2”? Bên trong chính trường Trung Quốc đầy rẫy nguy cơ.

Đông Phương tổng hợp

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Nếu Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được thông qua, Thủ tướng Trung Quốc sẽ thành ‘con rối’ trong tay ông Tập