Trung Quốc phá vỡ thông lệ 30 năm khi hủy cuộc họp báo của Thủ tướng sau Lưỡng Hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc đã phá vỡ thông lệ 30 năm khi hủy cuộc họp báo thường niên của thủ tướng nước này sau phiên họp Lưỡng Hội. Giới quan sát cho rằng, hệ thống chính trị “hộp đen” ở Trung Quốc ngày càng khó nắm bắt.

Lưỡng Hội là cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp, tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội).

Năm nay, hai cuộc họp này lần lượt được khai mạc vào ngày 4/3 và 5/3.

Hôm thứ Hai (ngày 4/3), ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), người phát ngôn của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, cho biết cuộc họp báo của Thủ tướng sau khi bế mạc kỳ họp Lưỡng Hội sẽ bị hủy bỏ; nếu không có trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ không tổ chức cuộc họp báo của Thủ tướng trong những năm còn lại của nhiệm kỳ. Ông Lý Cường sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2028.

Có nhiều ủy viên Chính Hiệp đã được phỏng vấn về vấn đề này và họ nói rằng đây là "lần đầu tiên nghe đến", "thật kỳ lạ".

Tờ Lianhe Zaobao của Singapore đưa tin, ông Tạ Phong (Xie Feng), Ủy viên Chính Hiệp và là Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã sững người một lúc khi được hỏi về điều này. Ông Tạ trả lời: "Đây là lần đầu tiên tôi được nghe về điều này".

Khi ông Hoàng Cẩm Huy (William Wong Kam-fai), Ủy viên Chính Hiệp tại Hong Kong, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, được một phóng viên hỏi về vấn đề này, ông đã hỏi ngược lại rằng: "Không có [họp báo] sao?".

Ông Hoàng cũng cảm thấy “thật kỳ lạ” và nói rằng sẽ tốt hơn nếu có lời giải thích, nếu ông ấy (Lý Cường) không xuất hiện thì có thể đưa các quan chức khác ra.

Vào ngày 13/3/2023, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (thứ 3 từ trái sang) và các quan chức cấp cao khác tham dự cuộc họp báo sau Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. (Lintao Zhang/Getty Images)

Tờ Wall Street Journal bình luận, tin tức này lại một lần nữa cho thấy rõ chính quyền Trung Quốc đang làm cho hệ thống chính trị “hộp đen” của mình trở nên đen tối hơn, và người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đang hạn chế hơn nữa sự lộ diện của cấp phó nhằm củng cố địa vị của mình.

Trong ba thập kỷ qua, các cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường đều duy trì cuộc họp báo này, dù các câu hỏi đều đã được sàng lọc trước và câu trả lời cũng được chuẩn bị sẵn.

Dù vậy, cuộc họp báo sau Lưỡng Hội của Thủ tướng Trung Quốc luôn là tâm điểm được chú ý, bởi những câu trả lời trong đó sẽ là đáp án cho vấn đề sinh kế của người dân. Ngoài ra, cuộc họp báo này cũng thường được coi là “thời gian riêng” của Thủ tướng. Vì đây là cuộc họp của Chính phủ nên nhân vật chính là Thủ tướng chứ không phải Tổng bí thư ĐCSTQ.

Nhà bình luận độc lập người Hoa - ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) đã đăng trên nền tảng X vào ngày 4/3 nói rằng, trên thực tế, cuộc họp báo của Thủ tướng Trung Quốc không có gì đáng mong đợi. Vì hàng năm người đặt câu hỏi đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, câu hỏi đặt ra cũng phải được xem xét trước, về cơ bản đã có câu trả lời. Ở một mức độ lớn hơn, cuộc họp báo này cũng là cách làm ra vẻ để mang lại cho cộng đồng quốc tế cảm giác “được khai sáng thông tin”, nhưng bây giờ nó thậm chí còn không được phép làm theo kịch bản. Nếu ông Lý Cường được phép đối mặt với các phóng viên sau Lưỡng Hội năm nay, chính quyền này sẽ không thể biên soạn một loạt con số sai lệch nữa!

Một số nhà quan sát chính trị cho rằng, việc hủy bỏ cuộc họp báo này đã đánh dấu một sự đảo ngược khác đối với kế hoạch “cải cách, mở cửa” kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh và càng làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.

Ông Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với hãng tin AP rằng: “Bởi vì cơ cấu hiện nay là Đảng lãnh đạo hết thảy nên Thủ tướng giống như người thực thi các mệnh lệnh của Đảng hơn, nên [chức vị Thủ tướng] không còn quan trọng nữa. Đó là thông điệp chính".

Rõ ràng, việc hủy cuộc họp báo của Thủ tướng sau Lưỡng Hội mâu thuẫn với động thái trước đó của Bắc Kinh khi cấp thêm thẻ báo chí cho các nhà báo nước ngoài để tham dự và đưa tin về hai cuộc họp này.

Wall Street Journal cho hay, một số nhà đầu tư nói rằng dưới sự cai trị độc tài và bí mật của người lãnh đạo ĐCSTQ, họ rất khó tìm được bất kỳ thông tin nào từ các tuyên bố của chính quyền này, và cuộc họp báo của Thủ tướng là một trong số ít kênh để các công ty nước ngoài hiểu về việc ra quyết sách của ĐCSTQ.

Một quản lý cấp cao phụ trách đầu tư vào Trung Quốc tại một công ty lớn có vốn nước ngoài nói với Wall Street Journal: "Điều này tất nhiên rất gay go". Người quản lý này nói thêm rằng, để giải quyết mối lo ngại của các nhà đầu tư, ngay cả khi cuộc họp báo của ông Lý Cường được diễn ra như thường lệ, "Tôi nghĩ kết quả cũng sẽ không khác gì cả”.

Ông Victor Shin, Phó giáo sư kinh tế chính trị tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego, Mỹ đăng trên nền tảng X: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư cần nhiều sự minh bạch hơn [từ chính quyền Trung Quốc] chứ không phải ít hơn”.

Nhà bình luận thời sự người Hoa - ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng, sau khi hủy cuộc họp báo của Thủ tướng, chính trường ở Trung Quốc sẽ trở nên u ám hơn. Trước đây, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng mượn cuộc họp báo này để vạch trần cuộc tranh đấu trong nội bộ ĐCSTQ, nhưng giờ đây mọi việc đều bị che giấu. Dù thế nào đi nữa, cuộc nội đấu của ĐCSTQ sẽ không bao giờ giảm nhiệt chỉ vì cuộc họp báo của Thủ tướng không được tổ chức, nó vẫn sẽ bùng nổ khi cần thiết.

Theo NTDThe Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phá vỡ thông lệ 30 năm khi hủy cuộc họp báo của Thủ tướng sau Lưỡng Hội