Căng thẳng Đông - Tây leo thang, gã khổng lồ Sequoia Capital phân tách thành 3 thực thể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối quan hệ của Sequoia Capital với Trung Quốc đã bị chính phủ Mỹ rà soát. Trong khi đó, công ty này dường như cũng đang cảm nhận được sự thiếu tin tưởng từ phía Bắc Kinh. Trước sức ép từ cả phương Đông và phương Tây, Sequoia Capital đã phân tách thành 3 thực thể.

“Công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ đang thuê một thành viên của chính phủ Trung Quốc”.

Nhận xét đó được đưa ra bởi giám đốc điều hành công nghệ Brian Costello trên podcast “War Room” của ông Steve Bannon vào ngày 27/06. Nó phản ánh sự chú ý của công chúng xung quanh vụ chia tách Sequoia Capital gần đây, theo sau cuộc rà soát đối với mối quan hệ của công ty này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vào ngày 06/06, gã khổng lồ đầu tư mạo hiểm đã thông báo rằng, họ sẽ phân tách thành các đơn vị kinh doanh tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia tin rằng căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như căng thẳng về vấn đề an ninh quốc gia, đã góp phần vào quyết định của công ty.

Hơn nữa, Sequoia Capital có thể đi đầu trong một xu hướng.

Nhà kinh tế Davy J. Wong làm việc tại Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả các công ty vốn đa dạng và đa quốc gia sẽ chia tách”. Ông Wong chỉ ra tác động của các quy định thắt chặt khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục lạnh nhạt.

Phân thành 3 thực thể

Sequoia Capital tuyên bố sẽ phân tách thành ba thực thể địa lý. Đơn vị Trung Quốc sẽ được gọi là “HongShan”. Đơn vị Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ được gọi là Peak XV Partners, còn đơn vị Mỹ và châu Âu sẽ vẫn là Sequoia Capital, theo một tuyên bố được đưa ra cho các đối tác hạn chế của công ty và được chia sẻ trên Twitter.

Công ty tuyên bố rằng, chìa khóa thành công của mỗi đơn vị khu vực là “cách tiếp cận tập trung vào người sáng lập, ưu tiên địa phương”, dựa trên quyết định thành lập “các nhóm có hiểu biết sâu sắc về mạng lưới và ngành công nghiệp địa phương của họ”.

Tuy nhiên, tuyên bố tiếp tục, “Việc điều hành một doanh nghiệp đầu tư toàn cầu phi tập trung ngày càng trở nên phức tạp”.

Sequoia Capital cho biết họ đã quyết định “hoàn toàn áp dụng” cách tiếp cận ưu tiên địa phương của mình. “Chúng tôi sẽ chuyển sang quan hệ đối tác hoàn toàn độc lập và trở thành các công ty riêng biệt với các thương hiệu riêng biệt không muộn hơn ngày 31/03/2024”, thông báo cho biết.

Vấn đề địa chính trị

Khi căng thẳng leo thang, các khoản đầu tư vào tài sản tư nhân [không được niêm yết công khai] của Trung Quốc đã giảm xuống. Theo một bài báo của The Economist, các quỹ tập trung vào các thương vụ này chỉ huy động được 25 tỷ USD vào năm ngoái trên toàn thế giới, giảm 77% so với năm trước. Hơn nữa, “phần vốn huy động nhiều hơn của Trung Quốc so với phần còn lại của châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm”, nó lưu ý.

Ông Wong giải thích rằng, các nhà đầu tư từng cân nhắc về tác động của các chính sách, quy định và biện pháp bảo vệ của địa phương đối với các khoản đầu tư của họ. Giờ đây, họ tập trung hơn vào mối quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và EU, ông nói. “Địa chính trị gần như là phiếu bầu phủ quyết”.

Ông dự đoán các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ tổ chức lại bằng cách hướng đến điểm cân bằng mới, hoặc chọn phe để tồn tại và phát triển giữa nền kinh tế thứ nhất và thứ hai thế giới.

Theo một bài báo gần đây của Financial Times, các nhà quản lý quỹ đang gặp phải các yêu cầu đối với các sản phẩm “ex-China”. Điều đó bao gồm khả năng các quỹ “đồng minh châu Á” sẽ đầu tư vào các thị trường thân thiện với Mỹ và tạo ra sự cách ly rõ ràng khỏi rủi ro địa chính trị liên quan đến Bắc Kinh trong khu vực.

Căng thẳng Đông - Tây leo thang, Sequoia Capital phân tách thành 3 thực thể
Một nhân viên bảo vệ gần cổng trước của tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 03/02/2020. (Ảnh: Yifan Ding/Getty Images)

Nhà bình luận Trung Quốc tại Mỹ Zheng Huguang nói với The Epoch Times rằng khi ông Warren Buffett chuyển danh mục đầu tư châu Á của mình khỏi Trung Quốc và tăng đầu tư vào Nhật Bản, điều đó đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. Do căng thẳng về vấn đề Đài Loan nói riêng, ông Buffett coi Nhật Bản là một môi trường chính trị an toàn hơn nhiều so với Trung Quốc.

Dấu hiệu cảnh báo

Ông Li Hengqing, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Thông tin và Chiến lược có trụ sở tại Washington, tin rằng căng thẳng địa chính trị không phải là lý do duy nhất khiến các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc. Ông không lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc. Ông nói: “Mọi chuyện thật tồi tệ và có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc thậm chí lâu hơn".

Trong khi các nhà đầu tư thường xem các công ty lớn như những công cụ dự báo, ông Li khuyên họ nên cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo. Ông lấy ví dụ về chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5 của chủ tịch JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon.

“Ông Dimon rất nghiêm túc về việc đầu tư vào Trung Quốc khi được phỏng vấn ở Trung Quốc, nhưng ông ấy đã nói về mối đe dọa từ Trung Quốc sau khi trở về Washington”.

Ông nói, các nhà đầu tư nên cảnh giác với mối nguy hiểm thực sự khi đầu tư vào Trung Quốc. “Một khi tiền vào, nó dễ dàng bị mắc kẹt”.

Nói về môi trường đầu tư ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, ông Zheng cho biết: “Nó hoàn toàn mang tính chủ quan, không có luật pháp và các ranh giới rất khó nắm bắt”.

Mối quan hệ với Bắc Kinh

Theo báo cáo tháng 09/2022 của Viện nghiên cứu Hurun, Sequoia Capital là nhà đầu tư “kỳ lân và linh dương” thành công nhất thế giới, đầu tư vào 328 công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới. [công ty linh dương: công ty phát triển thần tốc, công ty kỳ lân: chạm mức định giá 1 tỷ USD mà chưa cần niêm yết công khai].

Được đồng sáng lập bởi ông Neil Shen và Sequoia Capital vào năm 2005, Sequoia China hiện đang quản lý quy mô quỹ vượt quá 41,4 tỷ USD, liên quan đến hơn 900 dự án đầu tư và tập trung vào ba lĩnh vực chính là khoa học và công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.

Ông Shen là một nhân vật bí ẩn, người từng được Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma ca ngợi là nhà đầu tư thành công nhất trong ngành đầu tư mạo hiểm Trung Quốc.

Sau khi làm quản lý tại một ngân hàng đầu tư, ông Shen, người tốt nghiệp Đại học Yale, đã ghi dấu ấn khởi nghiệp của mình với việc thành lập công ty du lịch trực tuyến Trip.com vào năm 1999, tiếp theo là chuỗi khách sạn Trung Quốc Home Inns vào năm 2002.

Giống như hầu hết các doanh nhân thành đạt của Trung Quốc, ông Shen có quan hệ chính trị chặt chẽ với ĐCSTQ. Ông đã hợp tác chặt chẽ với các quan chức của ĐCSTQ và vào năm 2018, ông đã được bổ nhiệm làm thành viên của ủy ban cố vấn hàng đầu của ĐCSTQ, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC).

Ông Alvin Jiang, cháu trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, là một trong những cộng sự thân cận của ông Shen; Sequoia China và Boyu Capital của ông Jiang đã hơn một lần dẫn dắt các khoản đầu tư vào cùng một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc.

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Sequoia - và ông Shen - trở thành đối tượng bị chính phủ Mỹ rà soát vì tài trợ cho các đối thủ công nghệ phía Trung Quốc.

Tình hình đã lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm ngoái. Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc quay cuồng sau ba năm thực hiện chính sách zero-COVID, Sequoia China đã có thể huy động được khoản tiền khổng lồ 8,5 tỷ USD để tài trợ cho các công ty Trung Quốc đầy triển vọng. Nó đã khai thác các nhà đầu tư Mỹ để tạo ra cái mà The Information cho rằng có thể là “khoản vốn lớn nhất từng được huy động bởi một công ty đầu tư mạo hiểm duy nhất để đặt cược vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc”.

Vai trò ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư Mỹ trong Sequoia China đã được thể hiện trong một bài đăng của nhà báo độc lập người Trung Quốc Chan Fu.

“ĐCSTQ đã phát động một cuộc chiến tranh không hạn chế về tài chính chống lại Mỹ thông qua Sequoia Capital hơn mười năm trước”, nhà báo Chan nói, đồng thời bình luận rằng ông Shen và những người khác đã thâm nhập vào Mỹ theo một chiến lược được tổ chức tốt, thông qua giới luật pháp, quân đội, tình báo, và Đồi Capitol.

Sức ép từ phía Trung Quốc

Một bài báo của Wall Street Journal vào ngày 27/06 đã trình bày chi tiết về sự rà soát kiểm tra từ phía Washington, thứ dẫn đến sự phân tách của Sequoia.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhân vật Shen từ Sequoia China cũng đang thu hút sự chú ý ngoài mong muốn từ chính quyền ĐCSTQ.

Tháng 1 này, ông Shen mất ghế đại biểu CPPCC, “làm dấy lên câu hỏi về mối quan hệ của ông với chính phủ Trung Quốc”, theo một báo cáo trên The Information.

Sau đó, vào ngày 17/03, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải công bố thông tin về ủy ban tư vấn khoa học công nghệ được tái cấu trúc, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc. Ba tên tuổi lớn trong giới đầu tư mạo hiểm, Neil Shen, Zhang Lei và Bao Fan, đã vắng mặt trong danh sách thành viên ủy ban.

Căng thẳng Đông - Tây leo thang, Sequoia Capital phân tách thành 3 thực thể
Giám đốc điều hành China Renaissance Bao Fan và bà Ching Hui Yin tại một sự kiện ở Mountain View, California, Mỹ, vào ngày 03/12/2017. (Ảnh: Kimberly White/Getty Images)

Cũng trong khoảng thời gian đó, có thông tin xác nhận rằng chủ ngân hàng đầu tư Bao Fan, người mất tích hồi tháng 2 và khiến cộng đồng tài chính lo lắng, đã bị chính quyền giam giữ vì liên quan đến một cuộc điều tra tham nhũng.

Ông Shen rõ ràng đang cảm thấy sức ép từ cả phương Đông và phương Tây.

Ông Wong cho biết, Bắc Kinh sẽ điều tra các ngôi sao đầu tư mạo hiểm của họ. Sự mất lòng tin chắc chắn sẽ leo thang khi các quốc gia ở trong tình trạng căng thẳng cao độ.

Hơn nữa, ông Zheng lưu ý, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình luôn có “vấn đề về niềm tin” với chủ nghĩa tư bản.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng Đông - Tây leo thang, gã khổng lồ Sequoia Capital phân tách thành 3 thực thể