Trung Quốc bị tẩy chay, công ty mẹ của Temu và Pinduoduo chuyển trụ sở sang Ireland

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với những ác cảm ngày càng gia tăng của người tiêu dùng quốc tế, các công ty Trung Quốc đang cố gắng che giấu mối quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, mối lo ngại về bảo mật thông tin vẫn còn đó.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings, công ty sở hữu nền tảng mua sắm trực tuyến Temu, vừa mới chuyển trụ sở chính thức từ Trung Quốc sang Ireland.

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt mối quan hệ với Trung Quốc khi sự gây hấn từ ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) tiếp tục gây căng thẳng cho các quốc gia dân chủ và tạo ra ác cảm ngày càng tăng đối với Trung Quốc trong thương mại toàn cầu.

Temu được thành lập vào năm 2022 tại Boston bởi công ty mẹ PDD Holdings Inc., công ty vận hành Pinduoduo - một phiên bản rẻ hơn của Amazon - tại Trung Quốc.

Trong một hồ sơ gần đây gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), PDD đã liệt kê Dublin là “văn phòng hành chính chính” của mình, thay thế cho văn phòng chính tại Thượng Hải.

Temu không phải là công ty Trung Quốc đầu tiên tại Mỹ có động thái như vậy.

Một công ty thời trang nhanh thương mại điện tử khác của Trung Quốc, Shein, vốn đã trở nên nổi tiếng ở Mỹ trước cả Temu, cũng đã tìm cách xa rời nguồn gốc Trung Quốc của mình.

Vào năm 2021, khi Shein lần đầu tiên được biết đến ở Mỹ, trang web của công ty này chỉ cho biết đây là một công ty “quốc tế”, mà không cho biết công ty có trụ sở chính ở đâu hay đề cập đến Trung Quốc.

Ngày nay, trang web của Shein tuyên bố rằng nó có trụ sở chính tại Singapore, cũng như có “các trung tâm hoạt động chính ở Mỹ và các thị trường toàn cầu lớn khác”, nhưng không đề cập đến Trung Quốc.

Trung Quốc bị tẩy chay, công ty mẹ của Temu và Pinduoduo chuyển trụ sở sang Ireland
Cửa hàng Shein tại câu lạc bộ O Beach Ibiza vào ngày 05/05/2023 ở Ibiza, Tây Ban Nha. (Ảnh: Xavi Torrent/Getty Images cho SHEIN)

Gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance ở Bắc Kinh, cũng đã phủ nhận rằng nó là một công ty Trung Quốc.

Có tới 500 công ty Trung Quốc đã âm thầm niêm yết hoặc đăng ký tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm qua, để phòng ngừa rủi ro chính trị trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với thế giới tự do leo thang.

Nhà kinh tế Davy J. Wong nói với The Epoch Times: “Lý do để trở thành [doanh nghiệp] ‘quốc tế’ là để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và giúp việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và châu Âu trở nên dễ dàng và rẻ hơn”. “Do căng thẳng gần đây trong quan hệ Trung - Âu và Trung - Mỹ, họ muốn nhanh chóng chuyển đổi thành một công ty không phải của Trung Quốc để giảm bớt ác cảm của cộng đồng quốc tế đối với lai lịch Trung Quốc của họ”.

Phó tổng thư ký Wu Sezhi của Viện Nghiên cứu Công Đài Loan cho rằng, động cơ đằng sau động thái của PDD và các công ty Trung Quốc khác là rất rõ ràng.

“Họ hy vọng thể hiện mình là những công ty không phải của Trung Quốc. Xét cho cùng, thị trường quốc tế chú ý đến lợi nhuận và hình ảnh thương hiệu của công ty”. “Họ hy vọng sẽ bỏ đi được nhãn hiệu Trung Quốc, hiện đang là vấn đề đau đầu nhất đối với các công ty Trung Quốc khi vươn ra quốc tế”.

Lo ngại

Công ty chị em của Temu là Pinduoduo đã bị buộc tội bí mật theo dõi khách hàng.

Các chuyên gia bảo mật Mỹ phát hiện ra rằng ứng dụng mua sắm của Trung Quốc đã khai thác khoảng 50 lỗ hổng hệ thống Android để cho phép ứng dụng truy cập vị trí, danh bạ, lịch, thông báo và album ảnh của người dùng mà không có sự đồng ý của họ. Phần mềm được phát hiện cũng truy cập vào cài đặt hệ thống, tài khoản mạng xã hội và lịch sử trò chuyện của người dùng. Nó có thể ngăn không cho người sử dụng gỡ bỏ chính nó và theo dõi hoạt động của các ứng dụng mua sắm khác.

Các chuyên gia bảo mật đã mô tả Pinduoduo là có chứa “phần mềm độc hại nguy hiểm nhất từng chứng kiến” trong một ứng dụng chính thống. Vào tháng 3, Google đã xóa Pinduoduo khỏi cửa hàng ứng dụng của mình.

ĐCSTQ đã thông qua luật tình báo vào năm 2017 quy định rằng “bất kỳ tổ chức và công dân nào cũng phải ủng hộ, hỗ trợ và hợp tác với hoạt động tình báo quốc gia theo quy định của pháp luật”.

Vào ngày 26/04, ĐCSTQ đã sửa đổi “luật chống gián điệp” và mở rộng định nghĩa cũng như quyền hạn của nhân viên an ninh quốc gia Trung Quốc, cho phép họ “xem xét và truy xuất dữ liệu, [và] triệu tập và tra vấn về thông tin tài sản”.

Nó cũng yêu cầu các công dân và tổ chức Trung Quốc như dịch vụ bưu chính, chuyển phát và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet "cung cấp sự ủng hộ và hỗ trợ cần thiết”.

Các công ty mẹ Trung Quốc, chẳng hạn như chủ sở hữu của TikTok và Temu, vốn cung cấp các phiên bản trong nước và phiên bản nước ngoài cho ứng dụng của họ, đang tìm cách xoa dịu mọi lo ngại về bảo mật của người dùng quốc tế. Các phiên bản ứng dụng ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc lưu trữ một lượng lớn dữ liệu người dùng Mỹ.

Trung Quốc bị tẩy chay, công ty mẹ của Temu và Pinduoduo chuyển trụ sở sang Ireland
Thương hiệu TikTok trên các lá cờ trước trận đấu giải Six Nations của liên đoàn bóng bầu dục nữ quốc tế giữa Anh và Scotland tại Công viên Kingston ở Newcastle Upon Tyne ở đông bắc nước Anh vào ngày 25/03/2023. (Ảnh: PAUL ELLIS/AFP qua Getty Images)

“Chính phủ Trung Quốc sử dụng luật tình báo để yêu cầu tất cả các công ty Trung Quốc hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin tình báo khi cần thiết,” Phó tổng thư ký He Chenghui thuộc Viện An ninh Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times. “Khi chính phủ Trung Quốc trực tiếp gây áp lực và buộc các công ty tư nhân phải hợp tác, việc đơn giản chỉ thay đổi địa chỉ công ty chỉ là một sự che đậy và không thể ngăn cản các công ty tư nhân tuân thủ các yêu cầu của luật tình báo Trung Quốc”.

Nhà kinh tế Wong cho biết: “Việc đổi tên thành Temu của Pinduoduo không thể tránh khỏi các quy tắc được quy định trong luật tình báo, bởi vì các tổ chức và công dân được xác định trong luật tình báo rất rộng và quyền giải thích thuộc về Bắc Kinh. Nó nghĩ rằng bạn là công dân Trung Quốc và là một công ty Trung Quốc, vì vậy bạn phải hợp tác với nó. Ngay cả một công ty như TikTok cũng không thể trốn tránh luật này, vì Bắc Kinh có quyền giải thích phạm vi tiếp cận của nó”.

Chọn lựa

Chuyên gia Wu nói rằng mặc dù Pinduoduo đã thay đổi địa chỉ và trụ sở, nhưng nó vẫn không thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc. Ông nói thêm, sự đối đầu giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài toàn trị ngày càng trở nên nổi bật. Họ phải lựa chọn đứng cùng với hệ thống giá trị nào.

Chuyên gia He Chenghui nói: “Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tiếp tục duy trì sức mạnh của mình trong cộng đồng quốc tế, họ phải tiếp nhận các giá trị tự do, dân chủ và các chuẩn mực vận hành của xã hội”. “Chỉ khi đó họ mới có thể tiếp tục phát triển và mạnh mẽ".

“Ngược lại, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục lập lờ giữa dân chủ và độc tài toàn trị, thông đồng với chính quyền Trung Quốc để trục lợi lẫn nhau, thì họ sẽ khó tồn tại trong cuộc cạnh tranh ở cộng đồng quốc tế”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bị tẩy chay, công ty mẹ của Temu và Pinduoduo chuyển trụ sở sang Ireland