Mối liên hệ với Bắc Kinh khiến ứng dụng vũ trụ ảo mất đi sức hút

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lo sợ bị tẩy chay, Bondee dường như đã cố gắng che giấu mối liên hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi sự thật dần được phơi bày, người dùng đang quay lưng lại với ứng dụng.

Bondee là một ứng dụng mạng xã hội đã được lan truyền mạnh ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ứng dụng này đã chứng kiến số lượt tải xuống giảm mạnh sau khi mối liên hệ của ứng dụng này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị tiết lộ.

Bondee là một ứng dụng mạng xã hội với nhiều hình đại diện thú vị, được chính thức ra mắt vào ngày 17/01. Người dùng Bondee có thể kết nối với những người khác thông qua hình ảnh được cá nhân hóa và thể hiện tâm trạng cũng như tình huống của họ.

Bondee cho phép người dùng tùy chỉnh hình đại diện 3D với nhiều kiểu tóc, quần áo, giày dép và phụ kiện khác nhau. Họ cũng có thể xây dựng không gian ảo của riêng mình, mời bạn bè đến thăm ngôi nhà ảo của họ và tận hưởng hoạt động cắm trại, khiêu vũ, chèo thuyền và các hoạt động ảo khác.

Bondee nhanh chóng trở nên vô cùng nổi tiếng trong giới trẻ. Trong tuần cuối cùng của tháng 1, Bondee đứng đầu bảng xếp hạng lượt tải xuống hàng tuần ở Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Đài Loan, theo data.ai. Trong vòng chưa đầy một tháng, ứng dụng đã được tải xuống hơn 5 triệu lần trên Google Play.

Theo trang web chính thức, ứng dụng này được phát triển bởi Metadream, một công ty công nghệ độc lập có trụ sở tại Singapore. Các nhóm vận hành và phát triển sản phẩm của họ làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, với ba trung tâm dữ liệu riêng biệt ở Singapore, Nhật Bản và Mỹ. Công ty cũng có kế hoạch thành lập các trung tâm điều hành khu vực tại Thái Lan và Philippines.

Mối quan hệ với Bắc Kinh

Mối quan hệ của Bondee với các nhà phát triển Trung Quốc và ĐCSTQ đã bị điều tra.

Một số cư dân mạng nhận thấy sự giống nhau giữa Bondee và một ứng dụng Trung Quốc hiện đã không còn tồn tại có tên là Zheli, thường được gọi là Jelly. Jelly là một ứng dụng metaverse [vũ trụ ảo] được phát triển bởi một công ty Trung Quốc.

Đối với người dùng của cả hai ứng dụng, rõ ràng là Bondee rất giống với Jelly về giao diện, nhân vật, vai trò và phong cách.

Ra mắt tại Trung Quốc vào ngày 19/01/2022, trong chưa đầy một tháng, Jelly đã vượt qua WeChat để trở thành ứng dụng xã hội số 1 trên Apple Store.

Tuy nhiên, vào ngày 13/02, công ty đứng sau Jelly đã thông báo rằng họ đang gỡ ứng dụng này khỏi App Store, viện dẫn các vấn đề kỹ thuật như sự cố, lag và việc gián đoạn hoạt động do nhu cầu tăng đột biến. Nhà tổng hợp tin tức Trung Quốc Yidian Zixun, công ty vận hành Jelly, đã thông báo rằng, để giúp trải nghiệm người dùng trở nên mượt mà hơn, công ty đã chọn xóa ứng dụng khỏi cửa hàng ứng dụng trong khi chờ nâng cấp hệ thống.

Từ sự bùng nổ chỉ sau một đêm, ứng dụng đã đột ngột biến mất trong vòng chưa đầy một tháng.

Mối liên hệ với Bắc Kinh khiến ứng dụng thực tế ảo mất đi sức hút
Các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại thông minh. (Ảnh: Chandan Khanna/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, người ta suy đoán rằng có những lý do khác khiến ứng dụng biến mất. Sau khi đăng ký sử dụng ứng dụng, một số cư dân mạng đã nhận thấy sự gia tăng các cuộc gọi và tin nhắn rác và cho rằng Jelly đã vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Vào ngày 11/02, Yidian Zixun trả lời rằng, cáo buộc đó là không đúng sự thật và gọi đó là hành vi vu khống của các đối thủ cạnh tranh.

Đáng chú ý, ông Yang Yuxiang, đại diện pháp lý và giám đốc điều hành của Yidian Zixun, đã từng làm việc cho Citic Group và Ping An Securities Group, cả hai đều được ĐCSTQ hậu thuẫn.

Jelly 'trá hình'

Sự bùng nổ đột ngột của Bondee đã làm dấy lên nghi ngờ rằng ứng dụng này thực chất là Jelly, được đổi tên để che giấu nguồn gốc của nó. Đáp lại, Metadream, có trụ sở tại Singapore, giải thích rằng Metadream đã mua toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ đối với Jelly từ nhà phát triển True.ly của Trung Quốc. Metadream tuyên bố đã phát triển tính sáng tạo hơn nữa và đã “quốc tế hóa” ứng dụng.

Có vẻ như câu chuyện không chỉ có vậy. Theo bài báo ngày 26/04 của Bloomberg, trong khi Metadream thực sự được thành lập tại Singapore, phần lớn nhân viên của công ty làm việc tại Trung Quốc.

Theo thông tin của Bloomberg, kể từ tháng 2, Metadream đã chia sẻ nhân viên pháp lý và tài chính với các chủ sở hữu người Trung Quốc của Jelly. Hơn nữa, Metadream được dẫn dắt bởi chính nhà tài chính Trung Quốc Yang Yuxiang. Ông Yang được liệt kê là giám đốc trong hồ sơ pháp lý của Metadream tại Singapore nhưng gần đây thông tin đã bị xóa.

Tránh bị tẩy chay

Khi mối quan hệ của Metadream với ĐCSTQ đang được đưa ra ánh sáng, số lượt tải xuống Bondee đã giảm mạnh. Theo data.ai, lượt tải xuống Bondee trên kho ứng dụng của Apple và Google đã giảm từ 2,6 triệu trong tháng 2 xuống còn 400.000 trong tháng 3. Nhiều người dùng không chỉ từ bỏ Bondee mà còn lên mạng xã hội để chia sẻ việc họ xóa tài khoản và gỡ cài đặt ứng dụng.

Ngoài ra, một số người dùng ở Đài Loan nhận thấy rằng các điều khoản sử dụng của Bondee áp dụng các thuật ngữ của ĐCSTQ, coi Đài Loan là “khu vực Đài Loan của Trung Quốc” và người dùng ở Đài Loan phải chấp nhận một điều khoản bổ sung. Điều khoản bổ sung có liên quan chặt chẽ đến thông tin cá nhân và đã khiến nhiều người dùng Đài Loan nản lòng. Trong khi đó, người dùng ở các quốc gia khác không cần phải chấp nhận điều khoản này.

Ông Li Jixin, một kỹ sư điện tử tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times vào ngày 03/05 rằng, việc Metadream che giấu mối quan hệ với Trung Quốc rất có thể là cố ý. Mặc dù không rõ ý định của công ty là gì, nhưng ông Li cho biết việc che giấu này có vẻ đáng ngờ.

Mối liên hệ với Bắc Kinh khiến ứng dụng thực tế ảo mất đi sức hút
Logo của ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc TikTok trong một bức ảnh chụp ở Paris, Pháp, vào ngày 14/12/2018. (Ảnh: Joel Saget/AFP/Getty Images)

Theo ý kiến của ông Li, trong những năm gần đây, xu hướng tách rời ĐCSTQ của phương Tây ngày càng trở nên rõ ràng và các xã hội phương Tây đã nhận thức rõ hơn về các thủ đoạn bại hoại và vô đạo đức của Trung Quốc.

Về phần mình, rút kinh nghiệm từ TikTok, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc thường áp dụng cách tiếp cận bản địa hóa hoặc nhấn mạnh bản chất toàn cầu của họ khi ra nước ngoài, để tránh bị xã hội phương Tây tẩy chay.

“Vấn đề với vụ việc này là bằng cách che giấu mối quan hệ với ĐCSTQ và không trung thực, [Bondee] đã đánh mất lòng tin của một số người dùng”, ông Li nói.

“Và vì ĐCSTQ đứng đằng sau tất cả các công ty ở Trung Quốc nên không có cách nào xua tan nỗi sợ hãi rằng ĐCSTQ có thể buộc các công ty phải chia sẻ dữ liệu nhạy cảm [với ĐCSTQ]. Không có cách nào xua tan nỗi sợ hãi của xã hội phương Tây về việc bảo mật thông tin cá nhân. Đây cũng là một sự xấu hổ cho tất cả các công ty Trung Quốc”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mối liên hệ với Bắc Kinh khiến ứng dụng vũ trụ ảo mất đi sức hút